Thành phố Hồ Chí Minh: Hiệu quả nào trong sử dụng vốn đầu tư công tại Cần Giờ

Tháng mười một 6, 2024

Thành phố Hồ Chí Minh: Hiệu quả nào trong sử dụng vốn đầu tư công tại Cần Giờ

(Xây dựng) – Theo Báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Cần Giờ, trong giai đoạn từ 2018 – 2022 trên địa bàn huyện được bố trí 251 dự án đầu tư công với số vốn trên 5.531 tỷ đồng. Trong đó, 22 dự án do Sở, ngành quyết định đầu tư, 229 dự án do UBND huyện Cần Giờ quyết định đầu tư, còn 3 dự án chưa có quyết định đầu tư. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 5.360 tỷ đồng, đạt 96,9% kế hoạch vốn.

Thành phố Hồ Chí Minh: Hiệu quả nào trong sử dụng vốn đầu tư công tại Cần Giờ
Đường Lương Văn Nho đã hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng nhưng chưa quyết toán. Đây là dự án nhóm B nhưng có thời gian bố trí vốn thực hiện dự án quá 5 năm (2014 – 2022), chưa đảm bảo theo quy định. Dự án đang còn bảo hành nhưng đã xuống cấp, mặt đường hư hỏng gồ ghề.

Chậm trễ kéo dài

Tại Kết luận Thanh tra 285 ngày 11/10/2024 của Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Cần Giờ đã đề xuất và được cấp có thẩm quyền chấp thuận bố trí kế hoạch vốn đầu tư công kéo dài đối với 90 dự án là chưa phù hợp quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 của Chính phủ, khoản 2 Điều 52 Luật Đầu tư công năm 2019. Đến nay có 57 dự án kéo dài, phải gia hạn thời gian thực hiện và thời gian triển khai thực hiện các gói thầu, không đảm bảo thời gian thực hiện dự án được quy định tại quyết định phê duyệt dự án ban đầu, làm giảm hiệu quả vốn đầu tư.

Cụ thể, trong 90 dự án bố trí vốn kéo dài thì có 29 dự án nhóm B được bố trí vốn quá 4 năm và 61 dự án nhóm C được bố trí vốn quá 3 năm sau khi được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.

Kết quả giải ngân năm 2018 đạt tỷ lệ 98,7%, năm 2022 là 81,3% là chưa đạt tỷ lệ giải ngân theo chỉ đạo của UBND Thành phố Hồ Chí Minh. Các năm còn lại tỷ lệ giải ngân (2019 đạt 98,5%, 2020 đạt 99,2%, 2021 đạt 99,9%), hoàn thành vượt chỉ tiêu giải ngân theo chỉ đạo của UBND Thành phố.

Có 25/251 dự án triển khai trong giai đoạn 2018 – 2022, đã xác nhận khối lượng nghiệm thu hoàn thành nhưng tại thời điểm xác nhận giá trị nghiệm thu chưa được bố trí đủ vốn để thanh toán, dẫn đến còn nợ 5,282 tỷ đồng. Việc bố trí chưa đủ vốn để thanh toán là chưa đảm bảo nguyên tắc bố trí vốn kế hoạch đầu tư công quy định tại điểm a khoản 4 Điều 54 Luật Đầu tư công năm 2014; điểm a khoản 4 Điều 51 Luật Đầu tư công năm 2019. Trách nhiệm thuộc về Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Cần Giờ và các tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan thời kỳ phát sinh vụ việc.

142/251 dự án đã được nghiệm thu hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, trong đó có 102/142 dự án có thời gian quyết toán vốn đầu tư chậm so với quy định về thời gian lập, trình thẩm tra phê duyệt quyết toán vốn đầu tư các dự án qua các giai đoạn theo quy định (Điều 22 Thông tư 09/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016; Điều 21 Thông tư 10/2020/TT-BTC ngày 20/02/2020 của Bộ Tài chính quy định về quyết toán dự án hoàn thành sử dụng nguồn vốn Nhà nước và Điều 47 Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ). Trách nhiệm thuộc về UBND huyện Cần Giờ, Phòng Tài chính huyện Cần Giờ, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Cần Giờ và các tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan.

Ngoài ra, Cơ quan Thanh tra còn chỉ ra hàng loạt sai phạm về quản lý sử dụng vốn để thực hiện một số dự án, như: Dự án chưa đảm bảo theo chủ trương đầu tư ban đầu, công tác điều tra, khảo sát lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lập tổng mức đầu tư dự án chưa chặt chẽ và sát với thực tế (dự án nâng cấp hệ thống thủy lợi khu vực Mốc Keo; dự án di dời bố trí dân cư phòng tránh thiên tai xã Thạnh An, huyện cần Giờ; dự án xây dựng hệ thống đê bao sông Hà Thanh từ mũi Đông Hòa đến mũi Cần Thạnh); dự án có điều chỉnh báo cáo kinh tế kỹ thuật, điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng nhưng không được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt là không đúng quy định tại khoản 5 Điều 61 Luật Xây dựng năm 2014 (dự án xây dựng nâng cấp đường Bùi Lâm); dự án không được xác định trong đồ án quy hoạch chung xây dựng huyện Cần Giờ, các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị (quy hoạch phân khu) và quy hoạch nông thôn mới (dự án nâng cấp hệ thống thủy lợi khu vực Mốc Keo; dự án xây dựng hệ thống đê bao sông Hà Thanh từ mũi Đồng Hòa đến mũi Cần Thạnh)…

Thành phố Hồ Chí Minh: Hiệu quả nào trong sử dụng vốn đầu tư công tại Cần Giờ
Dự án xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh khuôn viên khu đất dự trữ Bệnh viện Đa khoa huyện Cần Giờ là một trong 25 dự án chưa đảm bảo nguyên tắc bố trí vốn kế hoạch đầu tư theo quy định. Đây cũng là 1 trong 102 dự án có thời gian quyết toán vốn đầu tư chậm. Hiện công trình đang để trống nhiều hạng mục xuống cấp do ít sử dụng, có biểu hiện của việc bỏ hoang, gây lãng phí.

Nhiều sai sót trong quản lý, sử dụng vốn ngân sách

Kết luận Thanh tra đã chỉ ra Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Cần Giờ có sai sót trong công tác lập dự toán thu, chi chi phí quản lý dự án khi thực hiện không đúng biểu mẫu quy định tại Thông tư 72/2017/TT-BTC ngày 17/7/2017 của Bộ Tài chính; sai sót trong việc không in, đóng dấu sổ sách kế toán đầy đủ theo quy định tại Điều 24, Điều 25 và Điều 26 Luật Kế toán năm 2015; trích chi phí quản lý dự án từ 10 dự án cao hơn tiến độ thực hiện của dự án là chưa phù hợp quy định tại khoản 1 Điều 22 Nghị định 68/2019/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ; thực hiện tạm ứng, thanh toán một số dự án cao hơn giá trị quyết toán chi phí quản lý dự án trong quyết toán dự án hoàn thành được cấp thẩm quyền phê duyệt và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Cần Giờ đã thực hiện nộp ngân sách Nhà nước khoản chênh lệch theo quy định tại khoản 9 Điều 14 Thông tư 72/2017/TT-BTC; chưa đề xuất xử lý đối với số tiền hơn 2 tỷ đồng đang được lưu giữ tại Kho bạc Nhà nước huyện Cần Giờ tồn qua nhiều năm. Trách nhiệm thuộc về Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Cần Giờ, Kế toán trưởng và các cá nhân có liên quan.

Ngoài ra, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Cần Giờ chưa thực hiện hoàn trả chi phí bảo hành cho các nhà thầu đối với một số dự án đã hết thời gian bảo hành (từ năm 2006) với tổng số tiền trên 33,6 tỷ đồng theo các điều khoản đã ký kết tại Hợp đồng kinh tế với các nhà thầu. Bên cạnh đó, việc chi lương, chi bổ sung thu nhập tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Cần Giờ không thực hiện đầy đủ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính…

Từ những sai sót của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Cần Giờ, Thanh tra Thành phố kiến nghị UBND huyện Cần Giờ tổ chức chấn chỉnh, khắc phục các sai phạm, thiếu sót theo nội dung Kết luận Thanh tra; Chủ trì tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý có liên quan sai phạm, thiếu sót theo Kết luận Thanh tra, tùy theo tính chất, mức độ sai phạm mà có hình thức xử lý phù hợp, đúng quy định pháp luật.

Đặc biệt, Kết luận Thanh tra giao Thanh tra Thành phố chuyển thông tin nội dung về dấu hiệu gian lận trong đấu thầu và làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức đến Công an Thành phố để xem xét xử lý đối với gói thầu thi công “Gói thầu số 1 – xây lắp” thuộc dự án xây dựng hệ thống đê bao sông Hà Thanh từ mũi Đồng Hòa đến mũi Cần Thạnh theo quy định.