Lý do không thấy sao trong ảnh chụp Mặt trăng của Mỹ
Mọi phi hành gia NASA đều hạ cánh vào ban ngày trên Mặt trăng, quá sáng để thấy sao bằng mắt thường, và họ cũng không chủ định chụp sao.
Nếu từng xem những thước phim và ảnh chụp cũ về các phi hành gia Apollo dạo bước trên Mặt trăng, người xem sẽ thấy hầu hết chúng thiếu vắng những ngôi sao trên nền trời. Điều này khiến nhiều người nghi ngờ về độ chân thực của chương trình Apollo mà NASA thực hiện trong giai đoạn 1961 – 1972.
Phi hành gia Buzz Aldrin đứng trên bề mặt Mặt trăng, phía sau không có ngôi sao nào. (Ảnh: NASA).
Một phần nguyên nhân là tất cả phi hành gia đều hạ cánh vào ban ngày trên Mặt trăng (ban ngày trên Mặt trăng dài tương đương 14 ngày Trái đất), khi quá sáng để có thể thấy các ngôi sao bằng mắt thường.
“Chúng tôi chưa bao giờ thấy được sao từ bề mặt Mặt trăng hay từ nửa sáng của Mặt trăng (nửa luôn đối mặt với Trái đất) bằng mắt thường mà không nhìn qua thiết bị quang học”, phi hành gia Mỹ Neil Armstrong cho biết trong một cuộc họp báo. Phi hành gia Buzz Aldrin cũng đồng tình: “Tôi không nhớ từng nhìn thấy bất kỳ ngôi sao nào”.
Tuy nhiên, con người có thể nhìn thấy sao từ bề mặt Mặt trăng bằng thiết bị quang học. Thậm chí, chúng còn ít nhòe hơn so với khi nhìn từ Trái đất, nơi khí quyển bẻ cong ánh sáng. Vậy tại sao các ngôi sao không xuất hiện trong những bức ảnh khác? Đây thực chất là vấn đề nhiếp ảnh, không phải vấn đề không gian.
Phi hành gia của chương trình Apollo chủ yếu quan tâm đến việc chụp ảnh bề mặt Mặt trăng, và họ cũng đứng trên đó. Vì vậy, họ sử dụng tốc độ màn trập nhanh và khẩu độ nhỏ để chụp bề mặt được chiếu sáng và chính họ. Kết quả là không ngôi sao nào xuất hiện ở nền, giống như mọi người không thấy sao trong những bức ảnh chụp bản thân trên Trái đất.
Trái đất và những ngôi sao chụp từ Mặt trăng. (Ảnh: NASA).
Ngoại lệ duy nhất là nhiệm vụ Apollo 16, khi phi hành đoàn mang theo Camera/Máy quang phổ cực tím xa. “Kính viễn vọng trên Mặt trăng đã nghiên cứu nhiều cụm sao cũng như tinh vân – đám mây khí bụi nơi những ngôi sao mới hình thành”, chuyên gia Tricia Talbert tại NASA giải thích.
“Các phi hành gia cũng đã hướng kính viễn vọng về phía Đám Mây Magellan Lớn – thiên hà nhỏ quay quanh dải Ngân Hà. Nó được gọi là Camera/Máy quang phổ vì có hai chế độ hoạt động: “Ảnh trực tiếp”, ảnh chụp giống như từ camera thông thường, và “Quang phổ”, một cách chia tách ánh sáng để tìm kiếm dấu vết của nguyên tử và phân tử trong các vật thể thiên văn”, Talbert nói thêm.
Nhờ kính viễn vọng đầu tiên trên Mặt trăng này, phi hành đoàn Apollo 16 đã chụp được những ngôi sao, và cả Trái đất, từ bề mặt Mặt trăng.
Trong nhiệm vụ Apollo 11 năm 1969, khi những phi hành gia đầu tiên dạo bước trên Mặt trăng không thấy rõ sao, phi hành gia Michael Collins ngồi lại một mình trong module chỉ huy của tàu vũ trụ và bay phía sau nửa tối Mặt trăng. Ở đó, dù bị cắt đứt hoàn toàn liên lạc với con người, ít nhất ông cũng có thể ngắm nhìn một cảnh tượng ngoạn mục.
“Tôi cảm thấy, không phải sợ hãi hay cô đơn, mà là cực kỳ mong đợi, hài lòng, tự tin, gần như là hân hoan. Tôi thích cảm giác đó. Ngoài cửa sổ, tôi có thể thấy những ngôi sao, tất cả chỉ có thế. Nơi tôi biết có Mặt trăng thì chỉ là một khoảng tối đen. Tôi chỉ xác định được Mặt trăng vẫn hiện diện nhờ sự vắng mặt của những ngôi sao”, Collins viết trong cuốn sách Carrying The Fire xuất bản năm 1974.