Độc đáo mô hình nhà dài thu nhỏ của chàng trai Ê Đê
Độc đáo mô hình nhà dài thu nhỏ của chàng trai Ê Đê
Từ đam mê văn hóa dân tộc
Hẹn gặp ở quán cà phê nhà dài tại TP.Buôn Ma Thuột, anh Y Jima cùng con trai vận chuyển mô hình nhà dài từ nhà đến để giới thiệu với chúng tôi. “Hơn 20 năm về trước, qua nhiều lần được quan sát các căn nhà dài truyền thống trong địa phương của bạn bè, tôi đã ấp ủ ý tưởng tạo nên những mô hình nhà dài thu nhỏ làm bằng các vật dụng quen thuộc như tre, nứa, cỏ tranh…”, anh Y Jima nói.
Từ nhỏ, anh đã có niềm mong muốn được sống trong căn nhà dài truyền thống của dân tộc mình. Năm 2005, qua việc quan sát, tìm hiểu từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau, anh tìm kiếm tre, nứa, cắt cỏ tranh để làm vật liệu “xây” nhà dài thu nhỏ. Lúc mới làm mô hình thu nhỏ, anh gặp rất nhiều khó khăn trong việc lên khung và kết nối với sàn nhà, nếu đo kích thước thừa hoặc thiếu thì sàn nhà sẽ bị lệch ở các góc và không thực hiện được công đoạn tiếp theo.
Mái nhà được lợp từ cỏ tranh
ẢNH: HỮU TÚ
Căn nhà dài thu nhỏ đầu tiên dài 54 cm, rộng 26 cm, cao 30 cm, anh mất khoảng 5 ngày để thiết kế và hoàn thiện. Anh Y Jima cho biết khi làm mô hình phải vót từng cây tre, tạo hình những chi tiết, như: vách tường, sàn nhà, nẹp mái… Cột nhà được anh chọn từ những dòng gỗ tự nhiên có độ chắc chắn cao và có màu sắc đẹp. Khi thực hiện, anh mong muốn bản thân tạo dựng mô hình thu nhỏ giống thực nhất có thể và toát lên được vẻ mộc mạc, giản dị, đậm bản sắc trong kiến trúc của người Ê Đê.
Bậc thang trong văn hóa nhà dài của người Ê Đê
ẢNH: HỮU TÚ
Ngoài việc cố định sàn với khung, phần mái nhà cũng khó khăn không kém, bởi vì các kích thước rất nhỏ nên việc kết cỏ tranh, dùng nẹp tre cần phải kiên trì và có tính chính xác cao. Căn nhà đầu tiên ra đời, anh được bạn bè và người thân đánh giá cao về hình thức, độ chi tiết và ủng hộ tạo ra nhiều mô hình lớn hơn, độc đáo hơn, nhằm lưu giữ vẻ đẹp truyền thống của dân tộc khi các căn nhà dài dần bị mất đi. “Những ngày đầu làm mô hình nhà dài, tôi chỉ làm vì đam mê bản sắc văn hóa của dân tộc. Mong muốn xây dựng một căn nhà dài thu nhỏ cho bản thân, mặc dù từ nhỏ đến lớn tôi chưa từng được sinh sống”, anh Y Jima chia sẻ.
“Giữ hồn” nhà dài
Trải qua hơn 20 năm trong nghề, anh đúc kết bản sắc văn hóa là điều mà các thế hệ trẻ cần phải giữ gìn. Việc nhà dài đang ngày càng ít đi thì chúng ta phải lưu giữ được những hình ảnh, sản phẩm, chẳng hạn như mô hình nhà dài thu nhỏ. Mỗi sản phẩm được tạo ra phải có chất riêng, nét độc đáo và tâm hồn của người nghệ nhân gửi gắm vào trong đó, không vì số lượng khách hàng mà công nghiệp hóa sản phẩm của mình.
“Từ vật liệu được gia công, mọi người cũng thấy được sự quen thuộc trong đời sống của dân tộc Việt Nam. Khi làm về nét đẹp văn hóa dân tộc, tôi phải chuẩn chỉnh trong từng chi tiết, luôn luôn giữ lấy nét mộc mạc, cổ điển, đặc biệt khi nhìn vào mô hình thì họ biết đó là căn nhà dài của người Ê Đê”, anh Y Jima nói
Bên trong căn nhà dài thu nhỏ
ẢNH: HỮU TÚ
Tùy thuộc vào ý tưởng, mong muốn của khách hàng, anh Y Jima sẽ thiết kế các căn nhà dài hoặc nhà rông của người Gia Rai theo kích thước được yêu cầu, có thể phối cảnh, lắp đèn trang trí.
Năm 2009, mô hình có kích thước dài 1,2 m, rộng 46 cm, cao 48 cm được anh thi công hơn 1 tuần và đây cũng là sản phẩm lần đầu được xuất ngoại – sang Mỹ với giá 3.500.000 đồng. Năm 2023, anh Y Jima bán được 8 mô hình nhà thu nhỏ, trong đó có 6 nhà dài và 2 nhà rông, trừ các chi phí mỗi căn nhà, anh thu về khoảng 1.200.000 đồng/1 căn.
Bên cạnh việc thiết kế nhà dài, anh còn chăm chút trong từng vật dụng được trưng bày trong gian nhà. Những vật dụng truyền thống gắn với đời sống, như: cồng, chiêng, trống, dao, giáo, cung, cuốc… có kích thước rất nhỏ đều được anh gia công rất tỉ mỉ.
Anh Y Jima cho biết, nếu căn nhà không có các vật dụng làm rẫy, ghế dài, cồng chiêng, bếp lửa, gác bếp trữ hạt giống hay ché rượu cần thì sẽ không tạo nên được một không gian văn hóa truyền thống của dân tộc. Khi khách hàng nhận được sản phẩm, họ sẽ cảm nhận được bản thân như đang được “sống” trong cộng đồng của người Ê Đê qua những chi tiết nhỏ nhất.
“Lúc làm mô hình, tôi không làm cho xong để lấy tiền mà phải gửi gắm tâm hồn mình vào từng sản phẩm, mỗi cái đều có một nét riêng, không giống nhau nhưng luôn đồng điệu về văn hóa nhà dài người Ê Đê”, anh Y Jima bày tỏ và tiếp lời: “Nếu có khách hàng hỏi mua sản phẩm, tôi cũng phải hỏi họ có thật sự yêu thích kiến trúc nhà dài hay không thì lúc đó tôi mới bán. Tôi cũng mong muốn mỗi khách hàng khi trải nghiệm sản phẩm sẽ truyền bá nét văn hóa truyền thống của mảnh đất Tây nguyên. Hơn nữa, khách hàng phải biết bảo quản, gìn giữ như một vật linh thiêng, không làm xấu đi hình ảnh nhà dài truyền thống thu nhỏ nhưng vốn là hồn cốt của nhiều buôn làng Tây nguyên…”.