Than Mạo Khê: 70 năm chặng đường xây dựng và phát triển
Than Mạo Khê: 70 năm chặng đường xây dựng và phát triển
(Xây dựng) – Ngày 15/11 tới, Công ty than Mạo Khê kỷ niệm 70 năm ngày thành lập và phát triển (15/11/1954 – 15/11/2024). Than Mạo Khê có lịch sử hình thành sớm nhất khu mỏ Quảng Ninh, nơi hoạt động cách mạng của nhiều lãnh tự Đảng Nhà nước, nơi có nhiều thành tích trong sản xuất than và kháng chiến vệ Quốc, đang tỏa sáng trong nghề mỏ dưới ánh sáng đổi mới của Đảng.
Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty than Mạo Khê Nguyễn Văn Tuân (hàng đầu), đón nhận cờ Đơn vị xuất sắc, dẫn đầu phong trào thi đua năm 2023 của Uỷ ban QLVNN tại doanh nghiệp trao tặng. |
Công ty than Mạo Khê tiền thân là Mỏ than Mạo Khê, địa điểm Than được phát hiện và khai thác từ thời vua Minh Mạng cách đây 184 năm. Thời Pháp thuộc, mỏ Mạo Khê là nơi hoạt động cách mạng của nhiều nhà cách mạng tiền bối của Đảng ta như: Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Đức Cảnh, Hạ Bá Cang. Cũng trên mảnh đất này, ngày 23/2/1930, Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên tại vùng mỏ Quảng Ninh được thành lập.
Công ty than Mạo Khê đạt danh hiệu Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động năm 2024. |
Tháng 9 năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ hòa bình lập lại trên Miền Bắc, Cục Khai khoáng đã có quyết định khôi phục mỏ Mạo Khê; mỏ vinh dự được Nhà nước giao nhiệm vụ sản xuất những tấn than đầu tiên cung cấp cho nhà máy nhiệt điện Yên Phụ, thắp sáng thủ đô Hà Nội trong những ngày đầu ta tiếp quản. Ngày 15 tháng 11 năm 1954, Nhà nước công bố quyết định khôi phục mỏ Mạo Khê, kể từ đó đến nay ngày 15/11 hàng năm trở thành ngày truyền thống thành lập mỏ của Công ty than Mạo Khê.
Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty than Mạo Khê Nguyễn Văn Tuân nêu 8 bài học kinh nghiệm quý, là nội lực đưa doanh nghiệp đi lên trong chặng đường phát triển mới. |
Mỏ than Mạo Khê trong xây dựng và trưởng thành, với những bước phát triển đáng tự hào. 5 năm đầu 1954 – 1959, chỉ khai thác được hơn 280.000 tấn than, thì đến những năm 1970 – 1974 đã khai thác được trên 400.000 tấn/năm. Năm 1954 với 40 lao động ban đầu, tới năm 1975 đã có trên 5.000 CBCN. Sản xuất đi lên, công trình phúc lợi được xây dựng, hoạt động văn hoá, văn nghệ thể dục thể thao phát triển mạnh.
Các giàn chống thủy lực cùng với các công nghệ khai thác than tiên tiến, đã cải thiện môi trường sản xuất của người thợ mỏ hầm lò và nâng cao năng suất lao động. |
Năm 1972, Bộ Điện và Than có quyết định thành lập công trường Xây lắp 4 (mỏ than Tràng Bạch sau này) và Ban kiến thiết Mạo Khê. Nhiệm vụ chính của ban và công trường là đào lò xây dựng cơ bản cho Mỏ than Mạo Khê, mà tiêu biểu là cặp lò giếng nghiêng từ mức +17 xuống mức -150 và tiếp đó là các công trường: Đoàn kết mức +30, khu Tràng Khê 1, Tràng Khê 2… từ những năm 1980 cho đến nay mở ra nhiều khai trường, diện sản suất mới cho Mỏ than Mạo Khê.
Lãnh đạo Công ty than Mạo Khê bám sát gương than, đường lò chỉ đạo sản xuất. |
10 năm sau khi thống nhất đất nước (1976 – 1986) cán bộ công nhân cùng với cả nước xây dựng CNXH. Đó là 10 năm kiên trì phấn đấu và gặp không ít khó khăn như: Thiên tai lũ lụt, lò bị phay phá, tài nguyên cạn kiệt, thiếu nguyên vật liệu nhất là gỗ chống lò, thiết bị máy móc phụ tùng thiếu thốn, đất nước sau 30 năm chiến tranh bị tàn phá, tình hình kinh tế xã hội khó khăn ảnh hưởng đến đời sống của thợ mỏ.
Thợ mỏ Mạo Khê sau giờ tan ca sáng thể dục, chiều thể thao, tối cất cao tiếng hát nét đẹp văn hóa vùng than. |
Cuối năm 1988, trước tình hình tài nguyên từ mức +30 lên lộ vỉa đã cạn kiệt, hệ thống khai thác mức -80 chưa kịp chuẩn bị, mỏ đã chủ động mở lò giếng nghiêng từ mức +30 xuống mức -25. Đến năm 1993, công trình đã hoàn thành mở ra diện khai thác mới tầng -25/+30.
Chương trình gala giao lưu văn hóa với gia đình thợ mỏ là hoạt động thiết thực động viên người lao động gắn bó với than Mạo Khê, công hiến trí lực cho hầm mỏ. |
Năm 1994, tiền thân của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) là Tổng Công ty Than Việt Nam ra đời, với tầm nhìn chiến lược của Lãnh đạo Tập đoàn và lãnh đạo công ty, những năm tiếp theo mỏ đã khôi phục và tiếp tục đào lò XDCB và đưa vào khai thác tầng -80/-25, tầng -150/-80 và hiện nay đã và đang khai thác, thi công dưới mức -150.
Khu tập thể Vĩnh Xuân của than Mạo Khê, diện tích đất xây dựng 45.666m2 gồm 3 lô nhà cao 5 tầng với 245 căn hộ cho các hộ độc thân, nhà ăn 300 chỗ ngồi; là một khu chung cư kiểu mẫu của TKV. |
Lật lại thời gian để so sánh; năm 1960, sản lượng than của mỏ đạt 200.000 tấn, giai đoạn từ năm 1970 đến 1980, sản lượng bình quân đạt 500.000 tấn/năm. Thì năm 2001, mỏ than Mạo Khê đã đạt công suất 1 triệu tấn. Năm 2014 đạt 1,95 triệu tấn và những năm gần đây sản lượng than khai thác luôn đạt ngưỡng trên 2 triệu tấn/năm.
Công ty than Mạo Khê kỷ niệm 70 năm ngày thành lập và phát triển (15/11/1954-15/11/2024). |
Bên cạnh những công trình đã được đầu tư, Công ty than Mạo Khê được Tập đoàn TKV phê chuẩn đầu tư dự án khai thác hầm lò dưới mức -150. Dự án có tổng mức đầu tư trên 5.800 tỷ đồng, với trữ lượng công nghiệp trên 60 triệu tấn than, thời gian khai thác dự kiến 32 năm. Dự án đã đi vào hoạt động từ năm 2022.
Công ty than Mạo Khê sớm ứng dụng và đầu tư lớn về công nghệ, thiết bị trong khai thác mỏ và quản lý điều hành sản xuất. Đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất được coi là chiến lược hàng đầu để xây dựng mỏ than trở thành mỏ than xanh – sạch – đẹp, mỏ than hiện đại, mỏ ít người. Mục tiêu cơ giới hóa đồng bộ, tự động hóa, tin học hóa và số hóa được chỉ đạo quyết liệt và triển khai toàn diện ở tất cả các khâu thuộc các lĩnh vực: Khai thác, đào lò, vận tải, thông gió, thoát nước, sàng tuyển, chế biến và tiêu thụ. Công nghệ thông tin được ứng dụng cho nhiều công đoạn, nghiệp vụ liên quan đến công việc của các phòng ban, phân xưởng và điều hành của các cấp lãnh đạo mỏ.
Năm 2024, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song bằng nhiều giải pháp trong chỉ đạo và điều hành, Công ty than Mạo Khê luôn đảm bảo hiệu quả, tổng giá trị tài sản đạt 2.702 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu trên 1.177 tỷ, đóng góp ngân sách Nhà nước 9 tháng đầu năm đạt khoảng 382 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt 182 tỷ đồng.
Công ty than Mạo Khê với mục tiêu sản xuất kinh doanh phải an toàn và thân thiện với môi trường, nhiều công trình, dự án đã được đầu tư, cải tạo, nâng cấp như: Tuyến đường bê tông ápphan từ trạm bảo vệ Non Đông đến cảng Bến Cân; một số tuyến đường dân sinh, đường nội bộ; tuyến băng tải ống từ Nhà sàng 56 đến cảng Bến Cân; hệ thống cấp than cho Nhà máy nhiệt điện Mạo Khê. Hàng năm còn đầu tư hàng trăm tỷ đồng tạo cảnh quan môi trường như xây dựng hệ thống Phun sương dập bụi, quét dọn và phun nước các tuyến đường, nạo vét lòng suối, trồng cây xanh, hoàn nguyên bãi thải khai trường cũ.
Đầu tư trang sắm thiết bị máy móc, tạo môi trường làm việc an toàn, thân thiện; quan tâm đến việc làm, thu nhập, ăn, ở, đi lại, tổ chức các hoạt động văn hóa- thể thao, du lịch, khám chữa bệnh; giúp đỡ người lao động có hoàn cảnh khó khăn .Khuyến khích, động viên và tôn vinh người lao động để mỗi người đều được hưởng thành quả lao động xứng đáng. Ba năm liền 2022, 2023 và 2024 Công ty than Mạo Khê vinh dự được vinh danh “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động”.
Hiện nay Công ty than Mạo Khê có gần 4.000 công nhân cán bộ, trong đó 25% có trình độ đại học và trên đại học, còn lại là trình độ trung cấp, cao đẳng và công nhân kỹ thuật. Than Mạo Khê luôn có chính sách đặc biệt dành cho công nhân mới tuyển, công nhân người dân tộc thiểu số để họ yên tâm gắn bó lâu dài và cống hiến cho sự lớn mạnh của đơn vị.
Nhìn lại hành trình 70 năm qua với bao khó khăn, vất vả, thăng trầm nhưng các thế hệ thợ mỏ Mạo Khê tự hào về những thành tích và đóng góp của mình cho sự phát triển của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam, cho sự giàu đẹp của tỉnh Quảng Ninh và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hành trang trong chặng đường lịch sử mới, Công ty than Mạo Khê rút ra những bài học kinh nghiệm quí, là mục tiêu, là nội lực đưa doanh nghiệp đi lên.
Một là, sự lãnh đạo kịp thời, sáng suốt, đúng đắn các cấp ủy Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi trong SXKD, sự phối hợp có hiệu quả của các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh.
Hai là, sự cống hiến to lớn về trí tuệ, sức lực và cả xương máu của các thế hệ CBCNVC đã dành cuộc đời mình cho sự nghiệp xây dựng và phát triển mỏ.
Ba là, sự chỉ đạo quyết liệt, điều hành có hiệu quả của bộ máy quản lý mỏ từ Cấp Công ty đến công trường phân xưởng.
Bốn là, sự ra đời của Tổng Công ty Than Việt Nam nay là Tập đoàn TKV đã xây dựng, hoàn thiện các cơ chế quản lý, điều hành, tạo điều kiện cho than Mạo Khê phát huy tính năng động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Năm là, than Mạo Khê không ngừng đổi mới, áp dụng công nghệ mới trong sản xuất, đây là nền tảng, động lực quan trọng để nâng cao sản lượng, năng suất lao động, đảm bảo an toàn và hiệu quả trong SXKD.
Sáu là, tăng cường quản trị chi phí, tiết kiệm chi tiêu ở những lĩnh vực, những việc chưa thực sự cần thiết mà tập chung tối đa cho sản xuất, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, cải thiện điều kiện, môi trường làm việc cho người lao động, nhất là thợ lò.
Bảy là, phải chuẩn bị sẵn sàng diện sản xuất cho hiện tại và các năm tiếp theo. Thực tế cho thấy việc này đã được lãnh đạo than Mạo Khê qua các thời kỳ đặc biệt coi trọng, vì trước yêu cầu phát triển ngành than, khi than lộ vỉa và các mức dương đã cạn kiệt, Mạo Khê đã chuẩn bị diện khai thác ở các mức -25 (năm 1988), khôi phục và đưa vào khai thác mức -80 (năm 2002 ), chuẩn bị và khai thác mức -150 (năm 2008) và dự án xuống sâu dưới mức -150 ( năm 2014).
Tám là, Đảng, Nhà nước, các Bộ, ban, ngành Trung ương, tỉnh Quảng Ninh, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, thành phố Đông Triều, phường Mạo Khê và các phường, xã trên thành phố Đông Triều đã quan tâm, chỉ đạo kịp thời, có hiệu quả, luôn giúp đỡ, động viên, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Công ty than Mạo Khê trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình.