Phát triển thành phố Mỹ Tho đến năm 2050 trở thành đô thị tổng hợp, trung tâm liên kết kinh tế vùng Tây Nam Bộ

Tháng mười một 9, 2024

Phát triển thành phố Mỹ Tho đến năm 2050 trở thành đô thị tổng hợp, trung tâm liên kết kinh tế vùng Tây Nam Bộ

(Xây dựng) – Ngày 8/11, Bộ Xây dựng tổ chức Hội đồng thẩm định Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đến năm 2050. Vụ trưởng Vụ Quy hoạch – Kiến trúc Trần Thu Hằng chủ trì Hội nghị.

Phát triển thành phố Mỹ Tho đến năm 2050 trở thành đô thị tổng hợp, trung tâm liên kết kinh tế vùng Tây Nam Bộ
Quang cảnh Hội nghị.

Trung tâm liên kết các ngành kinh tế chủ lực vùng Tây Nam Bộ

Theo dự thảo Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đến năm 2050, phạm vi nghiên cứu bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của thành phố. Cụ thể, phía Bắc và phía Đông giáp huyện Chợ Gạo; phía Nam giáp sông Tiền và tỉnh Bến Tre; phía Tây giáp huyện Châu Thành. Quy mô điều chỉnh quy hoạch được xác định là 8.224,07ha, được lập cho giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030, dài hạn đến năm 2050.

Việc điều chỉnh quy hoạch chung nhằm phát triển thành phố Mỹ Tho trong tổng thể hành lang dọc sông Tiền và sông Hậu, với định hướng trở thành một hành lang kinh tế mạnh mẽ, kết hợp không gian văn hóa, đa dạng sinh học và cảnh quan đặc trưng của vùng; một đô thị tổng hợp với các thế mạnh nổi bật trong thương mại, dịch vụ, du lịch đô thị lịch sử, dịch vụ logistics, công nghiệp và nông nghiệp đô thị chất lượng cao.

Đồng thời, phát triển Mỹ Tho trở thành một trung tâm liên kết các ngành Kinh tế chủ lực của vùng Tây Nam Bộ như: Lúa gạo, thủy sản, trái cây, gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Thành phố cũng sẽ hướng tới mục tiêu trở thành một đô thị chiến lược, kết nối mạnh mẽ với Thành phố Hồ Chí Minh và có khả năng giao thương quốc tế qua các tuyến đường thủy nội địa và hàng hải…

Về tính chất đô thị, Mỹ Tho sẽ là đô thị cấp vùng, trung tâm của tỉnh Tiền Giang, đồng thời là đô thị hạt nhân phát triển phía Tây Nam của vùng Thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố sẽ giữ vai trò trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và khoa học kỹ thuật của tỉnh, đồng thời là điểm đến du lịch văn hóa lịch sử, du lịch sông nước và các khu vườn cây ăn trái đặc trưng cấp quốc gia. Mỹ Tho cũng sẽ phát triển theo hướng đô thị xanh và thông minh, góp phần quan trọng vào an ninh quốc phòng của khu vực.

Dự báo đến năm 2035, dân số thành phố sẽ đạt khoảng 345.000 người, đến năm 2050, sẽ tăng lên khoảng 512.000 người. Về diện tích đất đai, đến năm 2035, tổng diện tích đất xây dựng ước tính từ 2.000 đến 4.000ha; đến năm 2050, diện tích sẽ mở rộng từ 4.000 đến 6.000ha.

Đồng thời là đô thị thương mại dịch vụ – du lịch – công nghiệp

Theo nhiệm vụ Quy hoạch chung, thành phố Mỹ Tho sẽ là trung tâm giao thương quan trọng của tỉnh, đồng thời là cầu nối giữa các tỉnh trong vùng, tạo điều kiện cho sự hợp tác kinh tế hiệu quả.

Bên cạnh đó, với tài nguyên du lịch đặc sắc, Mỹ Tho sẽ khai thác thế mạnh của không gian đô thị lâu đời và các công trình văn hóa mang đậm dấu ấn phương Nam, gắn với du lịch sông Tiền và các khu nhà vườn truyền thống, mở ra cơ hội phát triển du lịch dịch vụ vượt bậc. Hệ thống hạ tầng giao thông, bao gồm cảng sông và đường thủy quốc gia sông Tiền, cao tốc, cùng các tuyến đường bộ quốc gia, sẽ là những yếu tố quan trọng giúp kết nối Mỹ Tho với các đô thị trong vùng và các khu kinh tế trọng điểm.

Định hướng phát triển không gian và thiết kế đô thị của thành phố Mỹ Tho sẽ tập trung vào việc rà soát và kế thừa hợp lý các mục tiêu từ Quy hoạch chung 2014, đảm bảo sự hài hòa, linh hoạt trong phân chia chức năng và kết nối các chức năng đô thị, đồng thời xác định rõ các vùng phát triển chủ chốt. Hạ tầng xã hội sẽ được phát triển đồng bộ, bao gồm: Các khu công nghiệp, du lịch, thương mại, nhà ở, cơ sở y tế, giáo dục và các công trình văn hóa, thể thao, giải trí… đạt tiêu chuẩn đô thị hiện đại, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của cả thành phố và các khu vực lân cận.

Làm rõ hơn các giá trị bản sắc, kiến trúc, cảnh quan

Về cơ bản, các thành viên của Hội đồng thẩm định thống nhất thông qua Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đến năm 2050. Tuy nhiên, các thành viên cũng đóng góp thêm một số ý kiến để giúp đơn vị tư vấn và địa phương bổ sung, hoàn thiện Đồ án ở các lĩnh vực: Quy hoạch, giáo dục, đầu tư, khoa học – công nghệ, giao thông, tài chính, hạ tầng, môi trường, thông tin truyền thông…

Trong đó, tỉnh Tiền Giang cần phối hợp với đơn vị tư vấn để rà soát và làm rõ hiện trạng, đặc biệt là các giá trị bản sắc, kiến trúc, cảnh quan, văn hóa xã hội và yếu tố sông nước. Cần cập nhật số liệu dân số, rà soát các chỉ tiêu hạ tầng, đặc biệt là không gian xây dựng công trình ngầm, và đảm bảo chuyển đổi số trong các lĩnh vực. Đồng thời, xác định rõ nguồn lực, vốn huy động, từ đó đề xuất định hướng phát triển phù hợp với điều kiện thực tế. Các vấn đề như: Phát triển nông thôn, biến đổi khí hậu, thủy lợi, kè bảo vệ và sạt lở… cũng cần được chú trọng để đảm bảo tính bền vững lâu dài của quy hoạch.

Thay mặt chính quyền địa phương, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Tiền Giang Hà Thiện Ý đề nghị đơn vị tư vấn nhanh chóng tổng hợp các ý kiến đóng góp và nghiêm túc tiếp thu để hoàn thiện Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung.

Kết luận Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch – Kiến trúc Trần Thu Hằng đã tổng hợp ý kiến của Hội đồng thẩm định và yêu cầu tỉnh Tiền Giang cùng đơn vị tư vấn tập trung vào một số nội dung quan trọng.

Cụ thể, tỉnh cần cập nhật đầy đủ cơ sở chính trị và pháp lý liên quan đến việc điều chỉnh quy hoạch, bảo đảm tính phù hợp và hiệu quả. Tỉnh cũng cần tiến hành đánh giá chi tiết hiện trạng sử dụng đất theo quy hoạch 2014 đã được phê duyệt, từ đó nhận diện các tồn tại và đề xuất các giải pháp điều chỉnh hợp lý.

Bên cạnh đó, việc làm rõ các yếu tố không gian kiến trúc và giá trị đặc thù của tỉnh là hết sức quan trọng, nhằm bảo tồn và phát huy những nét độc đáo của địa phương. Tỉnh cũng đặc biệt lưu ý đến công tác dự báo các chỉ tiêu và khả năng phát triển dân số, để có kế hoạch phát triển bền vững, cần rà soát lại các nội dung liên quan đến tính chất đô thị và hạ tầng kỹ thuật, với trọng tâm là xây dựng các chỉ tiêu ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu trong bối cảnh hiện nay…

Vụ trưởng Vụ Quy hoạch – Kiến trúc đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang và đơn vị tư vấn nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ Nhiệm vụ điều chỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.