Triển khai các mục tiêu phát triển bền vững và Chương trình đô thị mới tại Việt Nam
Triển khai các mục tiêu phát triển bền vững và Chương trình đô thị mới tại Việt Nam
(Xây dựng) – Đó là chủ đề Hội thảo chuyên đề 2 trong khuôn khổ Diễn đàn Phát triển bền vững đô thị Việt Nam năm 2024 do Bộ Xây dựng tổ chức vào ngày 8/11.
Bà Phạm Thị Nhâm, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn quốc gia (VIUP) phát biểu đề dẫn. |
Cam kết mạnh mẽ về thực hiện các mục tiêu, chương trình phát triển bền vững
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, bà Phạm Thị Nhâm, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn quốc gia (VIUP) cho biết: Trong khuôn khổ Chương trình Nghị sự đô thị mới (NUA) và các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), tại Diễn đàn lần này, VIUP chia sẻ những nỗ lực của Nhà nước và Chính phủ Việt Nam thực hiện Mục tiêu SDG11 – Phát triển đô thị khu dân cư bao trùm, bền vững, có khả năng chống chịu, có môi trường sống và làm việc an toàn.
Định hướng quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị, nông thôn Việt Nam bền vững đã được lồng ghép trong những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Chính phủ Việt Nam cùng các chương trình hành động, quy hoạch cấp quốc gia.
Năm 2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 06).
Cũng trong năm 2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đến năm 2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 891/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đây là những căn cứ chính trị quan trọng nhằm thúc đẩy các địa phương tăng cường năng lực lập quy hoạch, phát triển đô thị bao trùm và bền vững có sự tham gia của cộng đồng.
Ở cấp độ quốc gia, xét trên góc độ tổ chức không gian lãnh thổ, hệ thống đô thị còn nhiều bất cập cần được giải quyết như: Hệ thống đô thị chưa phát huy hết những tiềm lực kinh tế; Nhiều trường hợp phát triển đô thị chưa căn cứ vào đặc điểm về sinh thái môi trường; Hệ thống đô thị chưa phát huy hết những tiềm lực về văn hóa xã hội; Đô thị chưa thích ứng được với biến đổi khí hậu…
Để tìm kiếm giải pháp đạt mục tiêu hướng đến phát triển bền vững, VIUP đã nghiên cứu 4 nội dung quan trọng, trong đó có cấu trúc không gian tổng thể; kinh tế đô thị; xã hội; môi trường và sử dụng tài nguyên.
Theo bà Phạm Thị Nhâm, Diễn đàn năm nay diễn ra trong bối cảnh các đô thị Việt Nam đang chuyển hóa về nhận thức và tư duy trong công tác quy hoạch; tiếp cận liên ngành, tích hợp đã được Luật hóa và ứng dụng trong công tác quy hoạch đô thị, dẫn đầu là các đô thị lớn ở 5 thành phố trực thuộc Trung ương và Thừa Thiên – Huế (đã được Bộ Chính trị nhất trí quan điểm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương).
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã cùng chia sẻ về mục tiêu SDG tại Việt Nam; Những thách thức trong việc thực hiện Chương trình NUA và SDG11; Các ví dụ về thực tiễn lồng ghép mục tiêu SDG trong quy hoạch của Hà Nội và một số địa phương.
Đây là cơ hội để các chính quyền đô thị, nhà quản lý, chuyên gia, tổ chức, cộng đồng có liên quan đối thoại, chia sẻ, kết nối các tri thức, bài học, thực tiễn quan trọng để cùng có những đề xuất, định hướng, cách làm hay nhằm hiện thực hóa những nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết số 06 và Nghị quyết số 148/NQ-CP của Chính phủ về triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06 đề ra cho phát triển hệ thống đô thị Việt Nam giai đoạn tiếp theo.
Ông Jonghyo Nam, Phụ trách văn phòng Việt Nam, UN-Habitat. |
Ông Jonghyo Nam, Phụ trách văn phòng UN-Habitat tại Việt Nam, đánh giá cao cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam về các mục tiêu SDG và Chương trình NUA.
Điều này được thể hiện bằng việc tất cả 17 mục tiêu SDG đã được lồng ghép với những kết quả tiến bộ trong các chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, kế hoạch và chính sách cấp quốc gia với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau. Đặc biệt, trong lĩnh vực phát triển đô thị bền vững, Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 06 với nhiều định hướng phù hợp với mục tiêu SDG và nguyên tắc NUA.
Ông Jonghyo Nam bày tỏ vui mừng khi Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam năm 2024 đã xoay quanh chủ đề chính của Diễn đàn Đô thị thế giới về “Nhà là nơi bắt đầu”. Các bên liên quan tham gia Hội thảo sẽ cùng thảo luận về các chủ đề quan trọng, từ đó xác định các hành động liên quan đến mục tiêu SDG và Chương trình NUA vì các thành phố và cộng đồng bền vững.
Đồng thời, ông Jonghyo Nam cho rằng, các bên liên quan đến đô thị phải cùng nhau đẩy nhanh việc thực hiện mục tiêu SDG và Chương trình NUA tại Việt Nam, nhất là ở cấp địa phương. Do đó, UN-Habitat đề xuất phía Việt Nam một số nội dung.
Theo đó, các Bộ và các bên liên quan tại Việt Nam cần tích cực đóng góp cho Đánh giá quốc gia tự nguyện (VNR) trong những năm tới, theo báo cáo của Việt Nam về tiến độ Chương trình NUA do Bộ Xây dựng chủ trì.
Việt Nam cần lồng ghép mục tiêu SDG và Chương trình NUA vào quy hoạch, phát triển và quản lý đô thị quản lý ở cấp quốc gia và cấp địa phương. Chính quyền địa phương có thể bắt đầu tham gia cụ thể hóa mục tiêu SDG cho từng khu vực, cùng với việc chuẩn bị thực hiện Đánh giá địa phương tự nguyện (VLR); cân nhắc tham gia vào Mạng lưới sáng kiến toàn cầu của SDG do UN-Habitat dẫn đầu.
Việc chuẩn bị hiệu quả các báo cáo và từ kinh nghiệm thực tế của các địa phương sẽ cung cấp nguồn thông tin quan trọng trong quy hoạch đô thị, triển khai mục tiêu SDG; xây dựng thành phố và cộng đồng bền vững, thực hiện mục tiêu SDG11.
Các bên cùng hợp tác chặt chẽ hướng đến mục tiêu chung
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận liên quan đến việc triển khai các mục tiêu SDG và Chương trình NUA tại Việt Nam.
Ông Phạm Thái Sơn, Chuyên gia phát triển đô thị, UN-Habitat. |
Về Chương trình NUA và mục tiêu SDG11, ông Phạm Thái Sơn, Chuyên gia phát triển đô thị của UN-Habitat đã chỉ rõ, Liên hợp quốc và các thành viên đã trao đổi, xây dựng khung phát triển bền vững, hướng tới giải quyết vấn đề xuyên suốt toàn cầu với 17 mục tiêu SDG. Trong đó, con người là trung tâm, hướng đến sự thịnh vượng, hòa bình và ổn định; kết nối đối tác; đảm bảo mục tiêu phát triển. Mục tiêu SDG11 luôn có sự liên kết với các mục tiêu còn lại.
Nhận định về việc thực hiện các mục tiêu SDG tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, các mục tiêu SDG đã được Việt Nam quốc gia hóa thông qua Kế hoạch hành động; các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch kinh tế – xã hội, mang tính liên ngành và theo từng ngành/lĩnh vực cụ thể.
Riêng với mục tiêu SDG11, Việt Nam đã giảm tỷ lệ hộ sống trong nhà tạm từ 2,6% (năm 2016) xuống còn 0,9% (năm 2022); hệ thống giao thông công cộng được tăng cường; kết cấu hạ tầng giao thông đảm bảo yêu cầu để người khuyết tật tiếp cận; các quy định về lấy ý kiến cộng đồng dân cư đã được quy định đầy đủ trong nhiều Luật; số lượng và tỷ lệ di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới được bảo tồn tăng…
Tuy nhiên, việc thực hiện các mục tiêu SDG tại Việt Nam còn nhiều thách thức như: Ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu; trình độ phát triển khoa học công nghệ còn thấp; nguồn nhân lực chất lược cao còn thiếu; cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ… Do đó, Chính phủ Việt Nam cần sớm có những giải pháp để giải quyết những thách thức này trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). |
Tại các địa phương, việc thực hiện các mục tiêu SDG cũng được tập trung triển khai. Ông Lê Hoàng Phương, Giám đốc Trung tâm kiến trúc, quy hoạch Hà Nội cho biết: Hà Nội đã và đang thực hiện 6 định hướng phát triển trọng tâm. Trong đó, Thủ đô tập trung hợp tác, liên kết vùng; phát triển văn hóa và di sản; tiên phong phát triển đô thị xanh và bền vững; môi trường đáng sống; xã hội số, đô thị thông minh, hạ tầng hiện đại; cơ chế, chính sách năng động, hấp dẫn, đặc thù.
Còn theo ông Đặng Thế Hiển, Viện Đô thị thông minh và quản lý, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, các mục tiêu SDG có thể lồng ghép trong quy hoạch địa phương, ví dụ như trường hợp của quy hoạch có sự tham gia tại xã Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Quy hoạch có sự tham gia là một mô hình quy hoạch đô thị nhấn mạnh việc tham gia của toàn bộ cộng đồng vào quá trình quy hoạch.
Ông Phạm Văn Bộ, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị. |
Để đáp ứng mục tiêu SDG và Chương trình NUA tại Việt Nam, ông Phạm Văn Bộ, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (AMC) có đề xuất về một Trung tâm đô thị tiên tiến tại Việt Nam. Trung tâm có thể giúp thực hiện các nhiệm vụ được đề xuất trong Nghị quyết số 06, giải quyết các thách thức đô thị theo cách phối hợp và tổng hợp.
Trong khi đó, ông Phạm Hoàng Hải, Giám đốc Quy hoạch và hạ tầng, Công ty tư vấn quốc tế enCity cũng đề xuất những giải pháp quy hoạch đô thị hướng đến mục tiêu phát triển bền vững cho các đô thị Việt Nam. Cụ thể, Việt Nam cần tập trung bảo tồn và phát huy các giá trị thiên nhiên, văn hóa lịch sử của đô thị; phát triển kinh tế bền vững, tạo cơ hội cho mọi thành phần xã hội tham gia; tăng cường công bằng xã hội và sự tham gia của cộng đồng; quy hoạch tích hợp hạ tầng xanh và xây dựng các khu đô thị có khả năng thích ứng với ngập; quy hoạch giao thông xanh và hạ tầng kỹ thuật tích hợp.
Các đại biểu tham gia thảo luận. |
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tham gia thảo luận về vấn đề liên quan đến thách thức trong việc triển khai mục tiêu SDG ở Việt Nam; nhận thức lãnh đạo địa phương trong việc thực hiện mục tiêu, việc gắn mục tiêu SDG vào việc phát triển đô thị tại địa phương; thực tiễn áp dụng mục tiêu SDG và Chương trình NUA tại cấp độ địa phương; giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện…
Kết luận Hội thảo, ông Hoàng Vĩnh Hưng, Viện trưởng VIUP cho biết: Hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong việc thực hiện các mục tiêu SDG và Chương trình NUA tại Việt Nam.
Toàn cảnh Hội thảo Triển khai các mục tiêu phát triển bền vững và Chương trình đô thị mới tại Việt Nam. |
Điều này đòi hỏi các bên phải nỗ lực, cùng hợp tác chặt chẽ hướng đến mục tiêu chung là đưa các khu vực đô thị Việt Nam phát triển bền vững; áp dụng hiệu quả các công cụ của Liên hợp quốc vào hoạt động thực tế trong việc lập quy hoạch, huy động nguồn lực thực hiện quy hoạch, quản lý quy hoạch.