Ngày hội Việt Nam Xanh 2024: TP.HCM triển khai 5 nhóm giải pháp cải thiện môi trường

Tháng mười một 9, 2024

Ngày hội Việt Nam Xanh 2024: TP.HCM triển khai 5 nhóm giải pháp cải thiện môi trường

Ngày 9.11, Báo Tuổi Trẻ phối hợp Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.HCM và Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO VN) tổ chức khai mạc Ngày hội Việt Nam Xanh 2024.

Với chủ đề “Tiết giảm – Tái sử dụng – Tái chế” và khẩu hiệu “Make green together”, ngày hội mong muốn kêu gọi các tổ chức, cá nhân cùng cộng đồng doanh nghiệp chung tay hành động từ những điều nhỏ nhất, tiết kiệm và tái sử dụng những vật dụng có thể tái chế, góp phần giảm phát thải ra môi trường.

Ngày hội Việt Nam Xanh 2024: TP.HCM triển khai 5 nhóm giải pháp cải thiện môi trường- Ảnh 1.

Các đại biểu nhận cây xanh tri ân tại ngày hội

ẢNH: THÚY LIỄU

Diễn ra từ ngày 9 – 10.11, Ngày hội Việt Nam Xanh dự kiến đón từ 5.000 – 10.000 ngàn lượt khách đến trải nghiệm, tham quan không gian trưng bày các giải pháp, mô hình, sản phẩm xanh, hướng tới phát triển bền vững của các doanh nghiệp tham gia ngày hội. 

Bên cạnh đó, ngày hội còn có các chương trình talkshow giao lưu, chia sẻ về vấn đề phân loại rác, bảo vệ môi trường như “Rác phân loại đúng, rác là tài nguyên”, “Doanh nghiệp và giải pháp phát triển bền vững”…

Tại lễ khai mạc, ông Huỳnh Thanh Nhân, Phó chủ tịch HĐND TP.HCM cho biết, TP.HCM là trung tâm kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật lớn nhất Việt Nam với hơn 10 triệu dân, nhưng cũng là nơi phải đối mặt với nhiều vấn đề môi trường nghiêm trọng. Cấp bách nhất có thể kể đến như ô nhiễm không khí do bụi mịn, ô nhiễm nước, ô nhiễm rác thải… Ngoài ra, TP.HCM còn đối mặt với những vấn đề khác như rác thải nhựa, biến đổi khí hậu và suy giảm tài nguyên.

Ngày hội Việt Nam Xanh 2024: TP.HCM triển khai 5 nhóm giải pháp cải thiện môi trường- Ảnh 2.

Ông Huỳnh Thanh Nhân, Phó chủ tịch HĐND TP.HCM phát biểu tại lễ khai mạc

ẢNH: THÚY LIỄU

“Thời gian qua, TP.HCM đã cập nhật, rà soát và điều chỉnh quy hoạch chung gắn với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. TP.HCM nỗ lực chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải bằng công nghệ đốt rác phát điện; đến năm 2026 sẽ nâng tỷ lệ xử lý nước thải sinh hoạt đô thị lên 67%. Thành phố cũng sẽ ban hành và thực hiện các kế hoạch về chuyển đổi xanh, phát triển xanh gồm chuyển đổi năng lượng, kinh tế tuần hoàn, tái chế rác thải…”, ông Nhân cho biết.

Đặc biệt, từ nay đến năm 2030, TP.HCM cũng sẽ triển khai 5 nhóm giải pháp tiếp tục ngăn chặn xu hướng tái ô nhiễm môi trường, từng bước cải thiện chất lượng môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Ngày hội Việt Nam Xanh 2024: TP.HCM triển khai 5 nhóm giải pháp cải thiện môi trường- Ảnh 3.

Các đại biểu tham quan gian hàng sản phẩm tái chế của các doanh nghiệp tham gia ngày hội

ẢNH: THÚY LIỄU

Ngày hội Việt Nam Xanh 2024 là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện của dự án Việt Nam Xanh, do Báo Tuổi Trẻ phối hợp Hội Liên hiệp Thanh Niên Việt Nam TP.HCM, Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO VN) và các đơn vị cùng tổ chức, khởi động từ tháng 4.2024. Dự án nhằm thực hiện những mục tiêu đã cam kết của Việt Nam tại COP26; hưởng ứng các hoạt động vì môi trường, phát động và truyền tải các thông điệp về biến đổi khí hậu, phát triển các sản phẩm tái chế và thúc đẩy thị trường tín chỉ carbon, kinh tế tuần hoàn… đến cộng đồng.

Ngày hội Việt Nam Xanh 2024: TP.HCM triển khai 5 nhóm giải pháp cải thiện môi trường- Ảnh 4.

Ngày hội cũng thu hút nhiều bạn trẻ đến tìm hiểu về các sản phẩm thân thiện môi trường

ẢNH: THÚY LIỄU

Hướng tới cam kết net zero vào năm 2050 của Việt Nam, TP.HCM sẽ triển khai 5 nhóm giải pháp sau:

1. Tăng cường vai trò của truyền thông trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

2. Hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu hút các ngành nghề đầu tư trong lĩnh vực môi trường; đảm bảo sự tiếp cận thuận lợi, bình đẳng của các nhà đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ thân thiện môi trường.

3. Nâng cao năng lực quản lý, phát triển nguồn nhân lực, hiện đại hóa cơ sở vật chất, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thực hiện công tác quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

4. Đẩy mạnh đầu tư công nghệ cao, khuyến khích việc sử dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu chất thải, kiểm soát và xử lý triệt để ô nhiễm, kết hợp xử lý chất thải tạo năng lượng, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường sinh thái. Tập trung các giải pháp công trình để phục vụ công tác giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

5. Tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong vùng, các vùng lân cận và quốc tế trong quản lý, giải quyết các vấn đề tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.