Cần chính sách cụ thể tạo thuận lợi cho nhà giáo

Tháng mười một 10, 2024

Cần chính sách cụ thể tạo thuận lợi cho nhà giáo

Lương xếp cao nhất, quy định riêng tuổi nghỉ hưu

Sáng 9.11, tại kỳ họp 8 Quốc hội (QH) khóa XV, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn trình QH dự án luật Nhà giáo, đề xuất nhiều chính sách ưu tiên, hỗ trợ về tiền lương, phụ cấp, chỗ ở, tuổi nghỉ hưu… cho nhà giáo.

Cần chính sách cụ thể tạo thuận lợi cho nhà giáo- Ảnh 1.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu ý kiến tại thảo luận tổ

ẢNH: PHẠM THẮNG

Về lương, Chính phủ đề xuất lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng. Đồng thời, nhà giáo tiếp tục được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương.

Cùng đó, giáo viên mầm non, nhà giáo công tác ở nơi đặc biệt khó khăn, môi trường đặc biệt… được ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác. Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Về tuổi nghỉ hưu, giáo viên mầm non có thể nghỉ hưu sớm 5 năm và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi. Ngược lại, nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có trình độ tiến sĩ và nhà giáo làm việc trong các ngành, lĩnh vực chuyên sâu đặc thù được hưởng chế độ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn.

Chính phủ cũng đề nghị giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. Cụ thể, giao Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB-XH là cơ quan chủ trì xây dựng kế hoạch phát triển, tổng biên chế nhà giáo. Đồng thời, được điều phối biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao. Các cơ quan quản lý giáo dục hoặc cơ sở giáo dục chủ trì trong tuyển dụng giáo viên…

Không để luật ra, nhà giáo lại thấy khó khăn hơn

Phát biểu tại tổ TP.Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng các quy định của dự thảo luật cần phải giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa các chủ thể thầy – trò và nhà trường.

Dẫn chứng thực tế đang “rất thời sự” là việc thừa – thiếu giáo viên cục bộ cũng như thiếu trường, lớp hiện nay, Tổng Bí thư nhìn nhận, với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, có thể biết ngay một địa phương có bao nhiêu cháu đi học. Và khi “có trò” rồi thì phải chủ động để “có thầy”. “Bây giờ thiếu thầy thì các cháu đi học thế nào? Cái gì dẫn đến thiếu thì phải giải quyết. Mà đã có trò, có thầy thì phải có trường. Không thể nói thiếu trường. Quy hoạch, quản lý thế nào mà không có trường?”, Tổng Bí thư nêu rõ.

Vẫn theo Tổng Bí thư, dự luật cũng chưa có chính sách bao quát được những môi trường đặc biệt như việc giảng dạy trong trại giam hay ngay việc giáo dục ở những vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn. “Tôi đi miền núi thấy rất khó khăn. Trò không có nơi ăn ở, sinh hoạt, thầy lại càng không, thế thì làm sao được. Cô giáo đi lên trường miền núi chả có thanh niên nào cả, chỉ có công an với bộ đội biên phòng, thế bây giờ lấy chồng thế nào? Mỗi trường như thế bây giờ có nhà công vụ cho thầy, cô giáo không?”, Tổng Bí thư nói và yêu cầu những môi trường đặc biệt như vậy phải có chính sách cụ thể và bao quát được.

Nhấn mạnh các thầy giáo, cô giáo đang rất chờ đón luật Nhà giáo, Tổng Bí thư yêu cầu: “Phải làm sao để các thầy, cô giáo đón nhận luật này thấy thực sự phấn khởi, thực sự được tôn vinh, thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho người thầy. Đừng để luật ra, các thầy cô lại thấy khó khăn hơn hay lại nói quy định thế này sao làm được”.

Đi vào thực chất, không khẩu hiệu suông

Thảo luận tại tổ cùng ngày, Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung (đoàn Thanh Hóa) nhìn nhận, các chính sách với nhà giáo cần đầy đủ, đồng bộ, thiết thực để làm sao thầy cô giáo sống được bằng đồng lương và thôi thúc công tác, giảng dạy thật tốt. Ông Dung cho rằng dự thảo luật cần đi sâu, tập trung chi tiết vào những vấn đề cơ bản để việc chăm lo đời sống giáo viên đi vào thực chất, “không còn là khẩu hiệu suông”.

Từ đó, Bộ trưởng LĐ-TB-XH đề nghị cần đảm bảo lương, phụ cấp để nhà giáo có thể yên tâm công tác tốt.

Liên quan chính sách hỗ trợ, dự thảo luật quy định nhà giáo công tác tại vùng đồng bào thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn và một số môi trường giáo dục đặc biệt được hỗ trợ chỗ ở tập thể hoặc thuê nhà công vụ, thanh toán tàu xe… Đại biểu (ĐB) Hoàng Văn Cường (đoàn TP.Hà Nội) đề nghị bổ sung thêm chính sách cho nhà giáo là đối tượng được mua nhà ở xã hội, giống như lực lượng vũ trang, không cần điều kiện “có thu nhập thấp” như hiện nay.

ĐB Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An, đồng tình việc giao quyền chủ động cho ngành giáo dục tuyển dụng, sử dụng nhà giáo, sẽ hạn chế được tình trạng thừa – thiếu cục bộ của các địa phương. Ông Thành cho biết đang có tình trạng huyện này thừa rất nhiều giáo viên nhưng không thể điều sang những huyện đang thiếu, bởi ngành không được giao thẩm quyền về quản lý biên chế. Cùng đó, việc tuyển dụng chậm trễ do nhiều tầng lớp, dẫn đến tình trạng “khai giảng năm học mới rồi nhưng giáo viên vẫn chưa có”.

Phải làm sao để các thầy, cô giáo đón nhận luật này thấy thực sự phấn khởi, thực sự được tôn vinh, thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho người thầy.

Tổng Bí thư Tô Lâm

Đề xuất cho thí điểm xử lý vật chứng với tất cả vụ án,
tránh lãng phí

Sáng cùng ngày, QH thảo luận về dự thảo Nghị quyết của QH về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự. Nhiều ĐB đề nghị mở rộng phạm vi thí điểm không chỉ với các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) theo dõi, chỉ đạo như đề xuất của Viện KSND tối cao.

ĐB Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) đề nghị mở rộng cho thí điểm ở các tội phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng theo quy định của bộ luật Tố tụng hình sự. Bà Thu dẫn chứng vụ án tại Bệnh viện Bạch Mai là sai phạm trong hoạt động liên doanh, liên kết và hoạt động đấu thầu chứ “cái máy không có tội gì cả”. Tuy nhiên, khi vụ án xảy ra thì hệ thống máy móc bị “để đấy” cho hư hỏng, người dân thì không có thiết bị hiện đại để điều trị, tạo ra sự lãng phí vô cùng lớn.

ĐB Phan Thị Nguyệt Thu (đoàn Hà Tĩnh) cùng ĐB Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) và nhiều ĐB đề nghị QH cho phép mở rộng phạm vi thí điểm thêm các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi chỉ đạo. “T.Ư áp dụng mà địa phương không áp dụng thì rất khó, vì đây đều là những vụ án, vụ việc trọng điểm”, ĐB Nguyễn Tạo nêu, và đề nghị có đánh giá tổng kết hằng năm để sửa luật.

ĐB Phạm Đức Ấn (đoàn TP.Hà Nội) dẫn chứng vụ án tại Công ty nông thủy sản Tây Nam từ năm 2016 được xử cho tới nay là hơn 8 năm, dư nợ ban đầu là 258 tỉ đồng, tới nay chỉ riêng tiền lãi phát sinh đã gần 300 tỉ đồng. Chưa kể nhà máy, thiết bị sản xuất về thủy sản bây giờ bán cũng không còn giá trị, nhà cửa để làm siêu thị cũng đóng cửa từ đó đến nay. “Nếu chúng ta đưa vào xử lý sớm được vấn đề này thì hiệu quả mang lại sẽ rất lớn”, ông Ấn nói và đề nghị mở rộng phạm vi thí điểm với “tất cả vụ án”.

Giải trình sau đó, Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Huy Tiến đồng tình rất cao các kiến nghị về mở rộng phạm vi thí điểm của dự thảo nghị quyết. Theo ông, đề xuất của các ĐB là xác đáng, trách nhiệm với mục tiêu giải phóng nguồn lực đang bị “đóng băng” do liên quan các vụ án, gây lãng phí.Tuy vậy, ông Tiến cho hay, vì đây là vấn đề rất mới, phải hết sức thận trọng, cần có thí điểm, đánh giá mới có thể mở rộng. Cùng đó, kết luận của Bộ Chính trị cũng chỉ cho phép thí điểm ở diện vụ án, vụ việc của Ban Chỉ đạo T.Ư theo dõi, chỉ đạo.