Những nghệ sĩ khoái đóng vai… nghèo
Những nghệ sĩ khoái đóng vai… nghèo
NGHÈO MỚI… KHỎE ?
Dù nghệ sĩ Lê Bình đã đi xa, nhưng khán giả vẫn mãi nhớ về ông như một nghệ sĩ “chuyên trị” vai nghèo. Hết phim này tới phim kia, cứ thấy ông bơi xuồng, lội nước, lội ruộng, cắt lúa, chài lưới, khiêng vác, dãi nắng dầm mưa, ăn mặc thì te tua, rách rưới, mặt mũi đen đúa… Lên sân khấu cũng vậy, mấy khi ông được sung sướng. Cho nên ngoài đời thật, khán giả thấy ông mặc áo sơ mi bỏ trong quần, chạy xe phân khối lớn, thì cứ ngờ ngợ không biết có phải Lê Bình hay không. Đúng là tiền cát sê của ông đổi bằng sự vất vả kinh khủng.
NSƯT Hữu Châu cũng đảm nhận rất nhiều vai nghèo. Tuy rằng có vai không phải quá nghèo, nhưng cũng thuộc dạng bình dân, nên không được ăn diện. Thí dụ vai ông Bảy Hơn đánh giày (phim Mắt lụa), ông Quốc (phim Giấc mơ của mẹ), Lỗ Quý (kịch Lôi Vũ), ông Sáu (kịch Cưới vợ cho ai), chú Thanh (kịch Duyên thệ)… Nhưng Hữu Châu lại rất thích những vai đó. Anh nói: “Làm nghề mà, giao vai nào thì mình hết lòng với vai đó, chứ không chê khen gì. Nhưng sở dĩ tui khoái đóng vai nghèo bởi mặc đồ bình dân thì chà lết quết xảm gì cũng được, thoải mái lắm. Đóng xong một cảnh thì mình có thể nằm lăn ra nghỉ chờ cảnh khác, chứ thử mặc đồ xịn coi, đứng ngồi đều rón rén sợ làm hư đồ của người ta. Vai nào phải mặc đồ vest là tui ngán ghê luôn, nhất là thời tiết nóng thì mồ hôi đổ ròng ròng”.
NSND Kim Xuân cũng có nhiều vai nghèo khổ. Chẳng hạn vai bà kéo xe rác (phim Cánh chim mặt trời), bà Tư (phim Có ngôi nhà nằm nghe nắng mưa), Diệu (kịch Thời con gái đã xa), bà Hai Khương (kịch Cơn mê cuối cùng)… Bà nói: “Thật ra diễn viên nói đóng vai nghèo thấy “khỏe” là tâm lý có thật, bởi một ngày quay rất nhiều phân đoạn, cứ phải làm tóc và thay quần áo hoài thì cũng mệt lắm. Thí dụ như tôi đóng phim Dù gió có thổi là một bà nhà giàu, trang phục ở nhà khác, đi tiệc khác, vô công ty lại khác, cả một lô nào quần áo, giày dép, trang sức, tóc tai đi kèm chứ đâu phải một thứ, thực sự mất rất nhiều thời gian và công sức chuẩn bị, mệt không thua gì đầu tư cho diễn xuất. Cho nên khi nhận vai nghèo thì mình thấy thoải mái, cứ cái áo bà ba rộng rãi, cũ cũ mình mặc nó nhanh và mát vô cùng”.
Cái “khỏe” của những vai nghèo còn ở chỗ diễn viên đỡ tốn tiền lo trang phục. NSND Kim Xuân tiết lộ nhiều phim truyền hình của nước ta kinh phí rất thấp, nên thường bảo diễn viên tự lo trang phục, phụ kiện. Có lần bà nhận một vai nhà giàu, sắm cả chục bộ đồ tốn mấy chục triệu, rốt cuộc phim gặp sự cố không quay được, bà đành “ôm” luôn, may mà bà tham gia nhiều talk show và sự kiện khác nên lấy ra dùng. Vì vậy nếu nhận vai nghèo thì diễn viên an tâm bước đầu về chuyện mua sắm. NSƯT Hữu Châu cũng tiết lộ anh thường để dành những bộ đồ cũ cũ phòng khi đóng vai nghèo thì… có sẵn mà xài.
CÁI ĐẸP CỦA NHÂN VẬT VƯỢT QUA TẤT CẢ
Thật sự đóng vai nghèo thì diễn viên bị kém ưu thế một chút so với vai giàu sang rực rỡ, son phấn tưng bừng. Nhưng nghệ sĩ Kim Xuân lại nghĩ khác. Bà nói: “Người chuyên nghiệp thì vai nào đóng cũng được. Càng bị hạn chế về vẻ đẹp bên ngoài thì càng phải nỗ lực tạo vẻ đẹp bên trong của nhân vật, càng phải diễn tinh tế hơn, chân thật, truyền cảm hơn”. Quả vậy, vai bà Tư trong phim Có ngôi nhà nằm nghe nắng mưa thì Kim Xuân xuất hiện với nét già nua, buồn bã, đen đúa, vậy mà lấy được nước mắt khán giả. Cô Diệu bán ve chai trong Thời con gái đã xa một bên mặt bị bom làm cháy sém, đội cái nón lá rách, nhưng chính là vai diễn để đời của bà, diễn không biết bao nhiêu suất mà suất nào cũng làm khán giả phải khóc.
NSƯT Bảo Quốc có vai ông Hai Tất trong vở cải lương Sông dài cũng là nhân vật nghèo khổ, nhưng ông lại khiến khán giả vừa khóc vừa cười vì ông khắc họa một người nghèo đầy lạc quan, dí dỏm, đúng chất bác Ba Phi Nam bộ, như vậy ai dám nói vai nghèo là “thiệt thòi”!
Hữu Châu quan niệm: “Vai nghèo không hề bị thiệt thòi, có khi lại gây ấn tượng mạnh, bởi nhân vật nghèo thường có số phận dữ dội gây chú ý và cảm tình với khán giả. Cái đẹp của nghệ thuật khác hẳn cái đẹp bên ngoài, cho nên diễn viên phải tìm cách lột tả cho được”.