Vỉa hè Hà Nội lại “xới tung” cuối năm: Cần giải pháp đồng bộ và hợp lý
Vỉa hè Hà Nội lại “xới tung” cuối năm: Cần giải pháp đồng bộ và hợp lý
(Xây dựng) – Như một “điệp khúc” quen thuộc vào dịp cuối năm, Hà Nội lại rộn ràng với các công trình cải tạo vỉa hè. Dù nhiều tuyến phố đã được nâng cấp và chỉnh trang trước đó, việc đào xới và lát lại vỉa hè lần nữa đang gây không ít phiền toái cho người dân. Đặc biệt, những đoạn vỉa hè từng được quảng bá là lát đá tự nhiên bền tới gần một thập kỷ giờ lại phải thay thế, khiến nhiều người băn khoăn về tính hiệu quả của các dự án này.
Cuối năm, nhiều tuyến phố ở Hà Nội lại bị đào xới để cải tạo vỉa hè. |
Áp lực giao thông tăng cao, vỉa hè lại “ngổn ngang”
Khi năm 2024 sắp khép lại, Hà Nội lại đối mặt với tình trạng quen thuộc vào mỗi dịp cuối năm – áp lực giao thông gia tăng mạnh mẽ. Cùng lúc, hàng loạt công trình cải tạo, sửa chữa hạ tầng giao thông đồng loạt diễn ra, khiến cho vỉa hè và lòng đường bị đào xới, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng. Sự thiếu đồng bộ trong quy hoạch và triển khai các dự án càng khiến cho tình trạng giao thông trở nên căng thẳng, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của người dân Thủ đô.
Trên phố Cửa Bắc phần gạch trên vỉa hè đã được thay mới nhưng lại không đồng bộ với phần gạch cũ trên tuyến phố lân cận. |
Ghi nhận của phóng viên Tin tức xây dựng mới nhất, hàng loạt công trình đào đường và cải tạo hạ tầng giao thông đang được triển khai tại nhiều khu vực. Tại phố Cửa Bắc (quận Ba Đình), vỉa hè đang được thi công gấp rút, nhiều đoạn vỉa hè đã bị đào xới, vật liệu xây dựng được chất đống chiếm dụng không gian công cộng, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và các hộ kinh doanh. Theo quan sát, loại đá lát cũ có kích thước 30×30 cm, từng được giới thiệu là có độ bền lên tới 70 năm, nay lại phải tháo dỡ và thay thế bằng loại đá nhỏ hơn (10x10cm), gây mất mỹ quan và không đồng bộ với các tuyến phố lân cận.
Tương tự, tại tuyến phố Hồ Đắc Di (quận Đống Đa), theo ghi nhận, vỉa hè cũng đang được đào lên để lát lại đá. |
Ở khu vực quận Đống Đa, dự án cải tạo vỉa hè trên phố Hồ Đắc Di, phường Nam Đồng đang đối mặt với tình trạng thi công đình trệ kéo dài. Toàn bộ tuyến phố dài hàng trăm mét hiện ngổn ngang đá lát, trong khi số lượng công nhân tham gia thi công lại rất ít ỏi. Vỉa hè bị đào xới, bụi đất bay mù mịt kết hợp với tiết trời khô hanh khiến không khí trở nên ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống và sức khỏe của người dân sinh sống trong khu vực.
Do tình hình không thể tránh khỏi, nhiều hộ gia đình trong khu vực đã phải tự tìm cách khắc phục, như xếp đá hoặc trải bạt ngay trước cửa nhà để thuận tiện di chuyển và giảm bớt bụi bặm. Chị H.N – cư dân tại số 35 Hồ Đắc Di chia sẻ: “Chúng tôi rất vui khi vỉa hè trước nhà sắp được cải tạo, nhưng tiến độ thi công kéo dài khiến cuộc sống gia đình tôi bị đảo lộn. Cảnh tượng bụi bặm và khó khăn trong việc di chuyển đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày của chúng tôi”.
Ghi nhận tại một số khu vực khác, không chỉ là việc lát lại đá vỉa hè, nhiều tuyến phố cũng đang tiến hành cào nhựa, rải thảm mặt đường. Tuy nhiên, tiến độ thi công không đồng đều, gây ảnh hưởng khác nhau đến các khu vực. Ví dụ, công tác cải tạo tuyến phố Hoàng Tích Trí (Đống Đa) mặc dù chỉ kéo dài vài trăm mét, nhưng do khu vực này có ba trường tiểu học và một trường mẫu giáo, công trình được thực hiện vào các buổi tối cuối tuần, khi lượng phương tiện qua lại ít, giúp hạn chế ùn tắc giao thông.
Nhiều người dân phải tự tìm cách khắc phục, như xếp đá hoặc trải bạt ngay trước cửa nhà để thuận tiện di chuyển và giảm bớt bụi bặm. |
Ngược lại, tại các tuyến phố lớn như: Cửa Bắc, Hàng Cháo, Mai Hắc Đế,… việc thi công lại gây ra không ít khó khăn về giao thông. Ông N.V.N – cư dân tại phố Mai Hắc Đế cho biết: “Cả tuyến đường đang to đẹp, vậy mà chỉ sau một đêm, nó lại bị cào xới nham nhở, bụi bay mù mịt. Người dân chúng tôi phải lạng tay lái để tránh những rãnh đường do đơn vị thi công để lại”.
Điều đáng chú ý là các công trình thi công diễn ra đúng vào dịp cuối năm – thời điểm nhu cầu đi lại và hoạt động kinh doanh của người dân tăng cao, khiến cuộc sống của cộng đồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đây là câu hỏi mà không ít người dân đặt ra: Tại sao các công trình này không được triển khai xuyên suốt trong năm mà lại dồn vào đúng dịp cuối năm, khi nhu cầu giao thông và sinh hoạt đang ở mức cao nhất?
Cần có cơ chế phù hợp hơn
Hà Nội – với vai trò là Thủ đô và là một đô thị lớn, không thể thiếu việc duy tu, sửa chữa và nâng cấp cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị. Các công trình như tu sửa hè đường, hạ ngầm dây cáp, nâng cấp hệ thống thoát nước hay cải tạo tuyến ống không chỉ là yêu cầu cấp thiết mà còn mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân và sự phát triển bền vững của Thành phố. Tuy nhiên, trong khi các dự án lớn do Thành phố quản lý được triển khai quanh năm, việc thực hiện các công trình ở các tuyến phố do địa phương quản lý vẫn còn nhiều bất cập.
Mặt đường phố Mai Hắc Đế đang bị cào xới nham nhở trong những ngày qua để thảm lại mặt đường. |
Một lãnh đạo phường ở Hà Nội cho biết, mỗi đầu năm, UBND phường gửi văn bản lấy ý kiến cộng đồng về các vấn đề hạ tầng như: Nâng cấp đường, ngõ xóm và nạo vét cống rãnh… Sau khi tổng hợp ý kiến, phường báo cáo lên Ban Quản lý đầu tư xây dựng quận để khảo sát và trình UBND quận, HĐND quận phê duyệt. Tuy nhiên, quy trình này chậm trễ, dẫn đến các công trình thường chỉ được thi công vào cuối năm, khi nhu cầu giao thông và sinh hoạt tăng cao.
Điều này không chỉ phản ánh sự thiếu đồng bộ trong quản lý mà còn gây bất tiện cho người dân. Mặc dù các cơ quan chức năng giải thích về thủ tục, nhưng không thể lấy đó làm lý do cho việc dồn thi công vào cuối năm, gây bất tiện và làm tăng áp lực giao thông.
Để khắc phục tình trạng này, các chuyên gia đề xuất Hà Nội cần có một cơ chế quản lý và thực hiện công trình hạ tầng khoa học và hợp lý hơn. Thay vì dồn tất cả công việc vào cuối năm, các dự án cải tạo vỉa hè và hạ tầng cần được lên kế hoạch từ sớm, thực hiện theo lộ trình rõ ràng và phân bổ đều trong năm. Phương thức thi công “cuốn chiếu”, thực hiện từng khu vực nhỏ sẽ giúp hạn chế ùn tắc giao thông và giảm thiểu tác động tiêu cực đến đời sống người dân.
Bên cạnh đó, việc giám sát tiến độ thi công và đảm bảo chất lượng công trình là yếu tố then chốt. Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh kiểm tra, đảm bảo công trình hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng, xử lý nghiêm các vi phạm. Một giải pháp bền vững là đầu tư vào cải tạo hạ tầng ngầm, bao gồm: Cáp điện, cáp viễn thông và các tuyến ống… nhằm giảm thiểu tình trạng đào bới vỉa hè nhiều lần.
Cùng với đó, công tác thông tin và tuyên truyền về các dự án cần được thực hiện kịp thời và minh bạch. Việc này không chỉ giúp người dân nắm bắt được các thay đổi về hạ tầng mà còn giúp họ chủ động hơn trong việc di chuyển và sinh hoạt. Đặc biệt, việc sử dụng vật liệu bền vững và đảm bảo chất lượng thi công sẽ giảm thiểu tình trạng tái thi công nhiều lần, góp phần nâng cao chất lượng hạ tầng đô thị.
Tất cả những giải pháp này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, đơn vị thi công và cộng đồng. Chỉ khi có sự phối hợp nhịp nhàng và điều chỉnh hợp lý, Hà Nội mới có thể xây dựng một hệ thống hạ tầng bền vững, đáp ứng nhu cầu phát triển lâu dài và nâng cao chất lượng sống cho người dân Thủ đô.