Thủ tướng: ‘Phân cấp, phân quyền vẫn tập trung ở T.Ư là điểm nghẽn lớn’
Thủ tướng: ‘Phân cấp, phân quyền vẫn tập trung ở T.Ư là điểm nghẽn lớn’
Chiều 12.11, tại phiên chất vấn kỳ họp 8 Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trả lời trực tiếp các chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Nêu câu hỏi chất vấn Thủ tướng, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định), nêu Chính phủ đã đặt ra nhiệm vụ muốn nâng cao hiệu lực, hiệu quả một cách thực chất bộ máy hành chính thì phải gắn phân cấp phân quyền hợp lý giữa các cấp.
Tuy nhiên, quá trình triển khai còn tồn tại, hạn chế như việc rà soát sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật chuyên ngành còn chậm. Việc phân cấp, phân quyền chưa tính tới đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, khả năng quản lý của từng cấp, ngành. Chưa phát huy tối đa tiềm năng lợi thế của từng địa phương.
“Đề nghị Thủ tướng cho biết giải pháp đẩy mạnh hơn nữa phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ với các bộ, ngành địa phương thời gian tới?”, đại biểu chất vấn.
Cũng liên quan phân cấp, phân quyền, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) nói đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xóa bỏ cơ chế xin cho. Tuy nhiên, trong báo cáo kinh tế – xã hội do Thủ tướng trình bày tại kỳ họp 8 có nội dung: việc phân cấp, phân quyền còn nhiều bất cập, vẫn còn tập trung nhiều ở T.Ư vẫn còn tình trạng chưa đúng vai thuộc bài.
Ông Dương Khắc Mai nêu, thực tế phân cấp, phân quyền và phân bổ nguồn lực vẫn chưa thật đồng bộ với nhau. Có việc T.Ư phân bổ nguồn lực nhưng không phân cấp, phân quyền cho địa phương và ngược lại. Điển hình là chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nên phát sinh nhiều vướng mắc, ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện chương trình tại các địa phương.
“Xin Thủ tướng cho biết thêm giải pháp nhằm khắc phục hạn chế, bất cập nêu trên để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm: địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại phát biểu khai mạc kỳ họp 8 vừa qua”, đại biểu nêu chất vấn.
Trả lời đại biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu đây là vấn đề lớn, trước nay đã nói nhiều và thực tế cũng đã và đang làm. Theo người đứng đầu Chính phủ, tới nay, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành 14 luật liên quan, 9 nghị quyết; đồng thời cũng bổ sung, thay thế 27 nghị định.
Tuy nhiên, Thủ tướng thừa nhận, hiện nay “vẫn thấy vướng phân cấp, phân quyền”. “Mà vướng chủ yếu là tập trung chủ yếu ở T.Ư và đây là nút thắt lớn”, Thủ tướng khẳng định.
Nói về giải pháp, Thủ tướng nhấn mạnh, cần rà soát lại các quy định của pháp luật, thể chế, các quy định của Đảng; rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, như rà soát sửa đổi các luật: Tổ chức Quốc hội, Tổ chức Chính phủ, Tổ chức chính quyền địa phương. Cạnh đó, hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn và tăng cường giám sát, kiểm tra.
“Đi đôi phân cấp, phân quyền là phân bổ nguồn lực, năng lực thực thi”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tăng trưởng bình bình 6 – 7% thì khó đạt mục tiêu 100 năm
Với vấn đề đại biểu Dương Khắc Mai nêu, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang xử lý một luật sửa nhiều luật để phân bổ nguồn lực đi đôi với phân cấp phân quyền. Tập trung một số việc vướng mắc để tháo gỡ để phân bổ nguồn lực cho địa phương với tinh thần địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) thì nêu Chính phủ và Thủ tướng đã xác định cải cách thể chế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để tháo gỡ rào cản tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội. “Xin thủ tướng cho biết trong những điểm nhấn quan trọng nhất thời gian tới thì Thủ tướng chọn vấn đề gì?”, đại biểu Nguyễn Thị Yến nêu câu hỏi.
Phúc đáp đại biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, nếu được chọn thì sẽ tập trung vào 2 vấn đề: thứ nhất là phân cấp, phân quyền như đã nói ở trên. Thứ hai là ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế, phát triển đất nước.
“Để ưu tiên tăng trưởng thì phải có cái gì? Chúng ta phải có nguồn lực. Nếu tăng trưởng bình bình như hiện nay, mỗi năm 6 – 7% thì chúng ta khó đạt mục tiêu 100 năm. Do đó, phải ưu tiên cho tăng trưởng. Mà muốn thế phải tháo gỡ thể chế để huy động mọi nguồn lực của nhà nước, nhân dân, hợp tác công tư, nguồn lực nước ngoài”, Thủ tướng nêu rõ.