Đến bao giờ phim Việt mới thôi ỷ lại “chuyện tiểu tam”?
Tháng mười một 14, 2024
Dạo một vòng thì hóa ra cái mô típ rất gây ức chế này không chỉ được khai thác trong phim tình cảm gia đình ở Việt Nam, mà ở Trung, Hàn, Mỹ, Ấn cũng tương đối phổ biến.
Lần đầu chúng mình nhắc đến chủ đề này cũng phải cách đây gần 3 năm rồi, khi thảo luận về phim “11 tháng 5 ngày”. Hình như đấy cũng là phim VTV cuối cùng mà VA xem, còn mình thì vẫn giữ 1 niềm tin rằng “người Việt nên ủng hộ phim Việt”, nên ròng rã xem tiếp “Gia đình mình vui bất thình lình”, “Chúng ta của 8 năm sau”, “Gặp nhau ngày nắng”, “Mình yêu nhau, bình yên thôi”, “Đi giữa trời rực rỡ”. Thì đấy, 4/5 phim đều phải có tiểu tam mới chịu. Mà sau bao nhiêu phim, cái cách khai thác vẫn cứ hời hợt na ná nhau thế chứ.
1. Rập khuôn quá
Có thiếu gì cách để nhân vật chuyển mình rồi phát triển.
Làm rõ hơn thì mình không ghét nếu phim có nhắc đến ngoại tình, nhưng sẽ thật thiếu sáng tạo nếu cứ lấy đấy làm cốt truyện trung tâm và rồi lại để nhân vật đi theo lối mòn. Thay vì khắc họa chiều sâu tâm lý, phim rất thích tối giản hóa các nhân vật. Người vợ thì được mô tả là thuần là nạn nhân của sự phản bội, còn người tình thì thuần là kẻ hủy diệt gia đình. Không đủ sức khai thác những khía cạnh phức tạp của cảm xúc, động lực và bối cảnh dẫn đến sự phản bội, các nhà làm phim chọn cách nhấn mạnh vào sự đối lập tuyệt đối, biến nhân vật thành biểu tượng một chiều.