Người quanh mình #4: Mọi chuyện chắc sẽ ổn thôi?
Tháng mười một 14, 2024
Mình cũng vậy. Khi khủng hoảng qua đi, đầu óc thông suốt, nhìn lại thấy không còn nặng lòng như trước. Nhưng trong bão khủng hoảng, có cố mấy mình cũng không thể lạc quan nổi. Cuộc sống của mình từ năm 9 tuổi đến nay rất hiếm khi có được 6 tháng bình yên. Những sóng gió liên tục ập đến, quật ngã mình hết lần này đến lần khác. Những chuyện xảy ra với mình có lẽ không phải là những chuyện khổ sở nhất thế giới nhưng đối với mình, nó luôn quá sức. Có những chuyện giờ nghĩ lại mình thấy khá nhẹ nhàng nhưng đối với mình năm 15 tuổi lại kinh thiên động địa.
Sóng gió liên tục đã vùi dập niềm tin: mọi chuyện cũng sẽ ổn thôi ở trong mình và thậm chí còn đẩy mình vào tâm thế nạn nhân. Mình từng rất ghét quan điểm: khó khăn là để rút ra bài học, chúng ta sẽ phát triển khi tìm cách vượt qua thách thức. Mình kiểu: Quá mệt rồi, tui không có nhu cầu học gì nữa được không. Tôi không phát triển cũng được, vô tri cũng được. Xin đấy. Chị Hạnh bảo, rất hiếm có ai trải qua ngần đấy chuyện mà vẫn giữ được sự vô tư, lạc quan như mình. Nhưng tự thân mình thấy, mình chẳng lạc quan đến thế. Nhiều chuyện đến, mình thấy tệ đến mức trở nên vô cảm, mặc kệ chứ không hề lạc quan. Chỉ có gần đây, mình mới biết có hy vọng thực sự là thế nào.
Điều gì biến một sự kiện thành khủng hoảng?
Bản chất sự kiện không phải khủng hoảng nhưng chính cách chúng ta diễn giải và phản ứng với sự kiện đó lại sinh ra khủng hoảng. Mà khi khủng hoảng đến, ai cũng như kẻ mù tìm đường trong tối, càng đi càng bế tắc. Dù có ai khuyên bảo hay nói gì, chúng ta cũng chỉ thấy sự mù mịt phía trước. Bởi chúng ta bị bủa vây bởi ma trận của những suy nghĩ, cảm xúc và hành vi tiêu cực với bản thân. Mô hình ABC trong liệu pháp tâm lý nhận thức – hành vi (CBT) và ABCDE trong liệu pháp hành vi cảm xúc hợp lý (REBT) đề cập và giải thích rất rõ điều này.
This too shall pass – Chuyện này rồi cũng sẽ qua
Mình chưa bao giờ nghĩ, sẽ có lúc mình lại tin vào câu quote có phần self-help, cổ vũ suông này:
Chẳng rõ tương lai thế nào nhưng hiện tại, mình cảm nhận rõ ràng điều đó. Dù vẫn còn chút lo sợ nhưng trộm vía, mình đã được trải nghiệm một năm an lành. Những biến cố vẫn xảy ra nhưng có lẽ nó đã nhẹ nhàng hơn hoặc mình đã vững vàng hơn. Mình thôi không diễn giải sự kiện dưới góc nhìn nạn nhân hay tội nhân. Nhờ đó mình cũng phản ứng bình tĩnh hơn và biến cố bớt quá sức hơn trước.
Còn nhớ, hồi cấp ba, mình thi trượt đội tuyển, bị tình đầu đá, bố mẹ đều có người mới, đổi môi trường bị sốc văn hóa, cái tôi cao bị bẻ gãy gục xuống. Mình tưởng vậy là tệ lắm rồi. Mình tự tử (nhưng không thành).
Ra trường đi làm một thời gian, mình nghỉ việc nộp hồ sơ du học với sự tự tin cao ngất. Trượt học bổng phút chót, mình ngỡ ngàng. Gia đình vẫn khó khăn, lục đục, người lớn lại ốm đau. Trong túi mình chỉ còn đúng 1 triệu rưỡi để sống hết tháng, trong đó 500k là tiền xe khách về quê. Mình không nghĩ dám nghĩ cái chết nữa, nhưng mình tự cô lập. Phần vì sợ gặp gỡ sẽ phải tiêu tiền, phần vì xấu hổ, nhục nhã.