Dạo này mình chê Spiderum :)

Tháng mười một 17, 2024

Ok, writer mới nhiều, non tay cũng tạm thông cảm. Nhưng điều làm mình khó tiêu hóa nhất là các tác giả lâu năm, vốn được coi là “cột trụ”, giờ lại lười sáng tạo đến thế. Bài viết không sâu, không khó, không đột phá – cứ kiểu viết làng nhàng cho qua chỉ tiêu. Mấy chủ đề phổ thông như tài chính, kinh tế hay mấy câu chuyện xã hội vốn đã “nhai đi nhai lại” thì tiếp tục tràn lan. Xin lỗi, nhưng mình nghĩ không cần thêm những bài viết lặp lại như vậy.

Còn những chủ đề khó nhằn hơn thì sao? À, có đó, nhưng hiếm đến mức như tìm nước trên sa mạc. Mà ngay cả khi có thì cũng như không, vì cách truyền tải chẳng khác gì bạn đang “quẳng nguyên cái giáo trình đại học” vào mặt người đọc. Tác giả viết mà chẳng buồn tiêu hóa trước, toàn lý thuyết khô khan như copy từ Wikipedia, thậm chí không có nổi chút xíu tư duy tổ chức hay sáng tạo. Nói thật, nếu chỉ để đọc những thứ đó, mình thà vào thẳng Nature hay ResearchGate còn nhanh hơn – ít ra họ còn có chất lượng.

Cứ mãi khẳng định “khoái lạc là tất cả,” nhưng lại thiếu một cái nhìn toàn cảnh. Trong khi đó, những hệ tư tưởng như chủ nghĩa khắc kỷ cho rằng việc theo đuổi khoái lạc dễ khiến con người bị dẫn dụ bởi những cảm xúc nhất thời, biến họ thành nô lệ cho chính ham muốn của mình.

Nếu muốn thực sự làm sáng tỏ câu hỏi “mục đích cuộc đời là gì?”, không thể cứ ghép một loạt câu nói hời hợt của triết gia cổ vào rồi coi đó là “triết lý.” Mục tiêu của một bài viết triết học nên là khơi dậy sự tò mò, mở rộng góc nhìn cho người đọc, chứ không phải chỉ đơn thuần cung cấp một câu trả lời sơ sài.

Mình thật sự khá thất vọng với chất lượng bài viết top tháng này trên Spiderum. Thậm chí bất ngờ khi thấy những bài như vậy lại nhận được nhiều upvote – có lẽ là do tiêu chuẩn mình cao nên khó ai đáp ứng được. Nhưng đây cũng là lúc đặt câu hỏi: liệu độc giả có nên khó tính hơn trong việc chọn lọc nội dung để đọc không?

Hãy nhìn ví dụ từ Tornard, người thường mang quan điểm khá “thù đời” trong các bài viết. Một góc nhìn sắc bén là điều cần thiết, nhưng nếu thiếu tính xây dựng hoặc khả năng cân nhắc các quan điểm khác, bài viết dễ trở thành một chiều và khó thuyết phục. Hay Trà Kha, với phong cách “mộng mơ,” cũng cần cảnh giác: lối viết giàu cảm xúc có thể dễ gây lú nếu thiếu nền tảng lập luận rõ ràng. Cả hai đều có điểm mạnh, nhưng những yếu điểm này cần được độc giả nhận diện và phản biện thẳng thắn, thay vì chỉ gật gù tán thưởng.

Mà cũng chẳng trách được, người đọc ngày càng dễ dãi thì các tác giả cũng có cớ để “ngủ quên trên bàn phím.” Còn độc giả, thì thôi, buộc lòng phải đọc mấy bài viết như kiểu “tôi lười nhưng tôi có quyền” vì đâu còn lựa chọn nào khác. Mà Spiderum thì lại chơi bài: “Bạn hiền, có kiến thức gì hay ho thì share cho tớ với. Tớ trả công khum? Có á, là niềm vui!” Thật chứ, mình nghe mà rớt nước mắt… vì cười =)

Điều đáng nói hơn, Spiderum còn trở thành “chốn trú ẩn” cho những ai mệt mỏi vì sự toxic của Facebook. Họ mang theo cả đống tâm sự đời tư, biến nền tảng này từ một nơi chia sẻ tri thức thành mạng xã hội kiểu “nửa mùa”, đầy những bài viết dài dòng nhưng chẳng mấy giá trị. Có vẻ, Spiderum đang đánh mất cái chất riêng mà nó từng tự hào.

Thôi, đùa xíu chứ không đùa nhiều. Spiderum thực ra là nơi mình học hỏi được rất nhiều, từ những bài viết hay ho đến cơ hội va chạm với các cao nhân ẩn mình. Mình quen được nhiều người giỏi ở đây, mọi người thì thân thiện, chia sẻ góc nhìn đa chiều. Nói thẳng ra, tuy mình hay chê nhưng yêu bé nó như con đẻ. À nghe hơi nổi da gà, nhưng thật đấy. Chính vì yêu nên mới mắng yêu một chút, như kiểu: “Bé cưng ơi, lớn rồi, phải cố gắng hơn đi chứ, sa sút là mẹ buồn đó =)” Dù vậy, mình vẫn quyết định định cư ở đây lâu dài, vừa chê vừa yêu thế này mới là thú vui thanh xuân, nhỉ? kkk

An Nhiên