Thái Nguyên: Tập trung xây dựng đô thị văn minh và hiện đại từ cơ sở
Thái Nguyên: Tập trung xây dựng đô thị văn minh và hiện đại từ cơ sở
(Xây dựng) – Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả tích cực qua 2 năm triển khai thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg, ngày 18/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
Một góc đô thị văn minh thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. |
Hiện tại, Thái Nguyên có 33 phường, thị trấn đăng ký đạt chuẩn đô thị văn minh giai đoạn 2023 – 2025, đến tháng 10/2024 đã có 6/51 thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh (chiếm tỷ lệ 11,8%) gồm: Chợ Chu (huyện Định Hóa); Trại Cau (huyện Đồng Hỷ); Đu và Giang Tiên (huyện Phú Lương); Hùng Sơn (huyện Đại Từ); Hương Sơn (huyện Phú Bình).
Qua 2 năm triển khai thực hiện, công tác xây dựng đô thị văn minh đã tạo được một luồng sinh khí mới trong đời sống kinh tế – xã hội và đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Bằng nguồn lực nội sinh, các đô thị đã và đang chủ động đảm bảo các điều kiện để nâng cao đời sống cho người dân, phát triển kinh tế, tăng mức thu nhập, giữ vững vị thế đầu tầu gương mẫu, đóng góp vào sự phát triển của tỉnh. Quy hoạch đô thị được triển khai thực hiện hiệu quả, các công trình công cộng được xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp đảm bảo hiệu quả và công năng sử dụng; hệ thống giao thông đặc biệt là giữ gìn trật tự đô thị cơ bản được đảm bảo, nhiều tuyến phố đô thị văn minh được triển khai; hệ thống điện lưới hoạt động ổn định, an toàn; tỷ lệ nhà dân có nhà ở kiên cố, được sử dụng điện thường xuyên đạt mức cao; quan tâm, tăng cường các hoạt động bảo vệ môi trường đặc biệt là trong việc tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức của nhân dân trong việc xử lý rác thải, giữ gìn cảnh quan xanh – sạch – đẹp; hệ thống chính trị ở cơ sở hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả; tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị không ngừng được đổi mới nhằm đáp ứng với xu thế phát triển và trình độ dân trí cao.
Tuyến phố văn minh, không dùng tiền mặt tại tổ dân phố Thái An, thị trấn Đu, Phú Lương, Thái Nguyên. |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xây dựng đô thị văn minh vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, yếu kém cần khắc phục như: Nguồn lực đầu tư còn hạn chế, trong khi một số nội dung, tiêu chí đòi hỏi có sự đầu tư cao, nhất là về nguồn vốn đầu tư; tốc độ đô thị hóa nhanh trong khi nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng có hạn, rõ nét nhất là trong giao thông đô thị; một bộ phận người dân chưa tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, mỹ quan đô thị, đặc biệt là trong việc lấn chiếm vỉa hè, hành lang giao thông để kinh doanh, buôn bán; hạn chế trong quy hoạch quỹ đất để xây dựng các công trình công cộng đặc biệt là các thiết chế văn hóa, thể thao của các phường, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh.
Hiện tại, với 6/51 thị trấn đã được công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh như hiện nay là một con số chưa xứng tầm với xu thế phát triển mạnh mẽ của tỉnh Thái Nguyên. Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thị Mai: Để thực hiện xây dựng đô thị văn minh trong thời gian tới, cần đề cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu; gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; xử lý kịp thời những cán bộ đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, nhất là dân vận chính quyền; chú trọng gìn giữ, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống trong xây dựng, hình thành nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đô thị, tạo ra hệ thống thông tin minh bạch và dễ dàng tiếp cận cho người dân. Xây dựng và phát triển các mô hình đô thị xanh, thông minh, kết hợp giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Cảnh quan khang trang hiện đại của đô thị văn minh thị trấn Đu, huyện Phú Lương. |
Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Văn Cường cũng chia sẻ: Tỉnh Thái Nguyên đang ghi nhận những bước phát triển mạnh mẽ về quy hoạch đô thị, tuy nhiên, để quy hoạch đô thị hiệu quả hơn nữa, tỉnh cần quan tâm lập quy chế quản lý kiến trúc cho toàn đô thị và từng khu vực, có thể xây dựng mô hình đặc thù riêng mang tính hương ước trong mỗi khu phố, khu vực đô thị. Lập thiết kế đô thị cho các khu vực quan trọng như điểm trung tâm đô thị, trục trung tâm đô thị, cửa ngõ, các điểm nhấn không gian tạo động lực xây dựng hình ảnh đô thị. Đồng thời, cần xây dựng mô hình điểm đánh giá tổng kết, nhân rộng xây dựng giá trị cho mỗi vùng đất, mỗi đô thị.