Hải Dương: Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị

Tháng mười một 17, 2024

Hải Dương: Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị

(Xây dựng) – Thời gian qua, tỉnh Hải Dương tăng cường công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch đô thị trên địa bàn nhằm nâng cao chất lượng xây dựng đô thị theo hướng xanh, thông minh, hiện đại.

Hải Dương: Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị
Công tác lập, quản lý quy hoạch đã được tỉnh Hải Dương quan tâm thực hiện.

Nhiều kết quả tích cực

Sau hơn 25 năm tái lập tỉnh, nhất là từ năm 2015 trở lại đây, công tác quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị tỉnh Hải Dương đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt và đạt được những kết quả quan trọng. Đến năm 2022, Hải Dương đã cơ bản lập, phê duyệt phủ kín quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch chung đô thị (chỉ còn thị trấn Cẩm Giang, huyện Cẩm Giàng đang tổ chức lập quy hoạch); hoàn thành lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới; tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu đô thị ở mức khá, đạt khoảng 85% và đang từng bước nâng cao tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết.

Chất lượng các đồ án quy hoạch dần được nâng cao. Các quy hoạch chung đô thị, quy hoạch xây dựng vùng huyện đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, huy động được trí tuệ tập thể tham gia lập quy hoạch, định hướng được các trụ cột phát triển chiến lược, có tầm nhìn quy hoạch dài hạn, phù hợp với yêu cầu phát triển của tỉnh; hoạch định được tính kết nối liên vùng tỉnh, vùng huyện, phát huy tối đa tiềm năng thế mạnh riêng có, dư địa phát triển của tỉnh và các địa phương trong tỉnh, là công cụ, nền tảng quan trọng trong việc xây dựng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, các địa phương trong tỉnh trước mắt cũng như lâu dài. Các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, khu dân cư đã được quan tâm, nghiên cứu kỹ lưỡng, trong đó đã chú ý nghiên cứu bố trí tăng tỷ lệ cây xanh, không gian công cộng, công trình điểm nhấn kiến trúc, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, nhằm từng bước xây dựng đô thị theo định hướng xanh, thông minh, hiện đại.

Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh Hải Dương đã và đang thực hiện nhiều dự án phát triển đô thị có quy mô lớn, làm thay đổi diện mạo đô thị, hướng tới các tiêu chí đô thị xanh, sinh thái như: Khu đô thị sinh thái ven sông Thái Bình (Ecorivers), Khu dân cư đô thị Tân Phú Hưng, Khu đô thị Phú Quý, Khu đô thị phía Nam thành phố Hải Dương, Khu dân cư Hồ Mật Sơn, Khu đô thị sinh Thái Thành Công, Khu đô thị mới phía Tây thị trấn Nam Sách…

Cùng với công tác quy hoạch xây dựng, công tác phát triển, nâng cấp đô thị của tỉnh cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Tính đến hết năm 2023, hệ thống đô thị tỉnh Hải Dương có 16 đô thị, trong đó 1 đô thị loại I (thành phố Hải Dương), 1 đô thị loại III (thành phố Chí Linh), 1 đô thị loại IV (thị xã Kinh Môn), 12 đô thị loại V gồm 10 thị trấn hiện hữu và 3 đô thị mới được công nhận đạt tiêu chí đô thị loại V là xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ), xã Thanh Quang (Nam Sách) và xã Đoàn Tùng (Thanh Miện), tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt khoảng 40,74% Không gian đô thị từng bước được mở rộng. Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế – xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiệu quả. Chất lượng sống của cư dân đô thị từng bước được nâng cao. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung tại các đô thị được quan tâm, đầu tư bảo đảm tính kết nối liên thông nội vùng và ngoại vùng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn qua.

Ông Nguyễn Tiến Hóa, Chủ tịch Hội Xây dựng tỉnh Hải Dương đánh giá: Đô thị hoá và phát triển đô thị trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Hải Dương. Bước đầu đã hình thành cực tăng trưởng kinh tế tại các đô thị như thành phố Hải Dương, thành phố Chí Linh và thị xã Kinh Môn. Một số định hướng, mục tiêu phát triển các đô thị lớn, động lực của tỉnh đã cơ bản hoàn thành và hoàn thành trước thời gian như: Hoàn thành nâng cấp thành phố Hải Dương (đô thị loại I), thành phố Chí Linh (đô thị loại III và thành lập thành phố), thị xã Kinh Môn (đô thị loại IV, loại III và thành lập thị xã Kinh Môn); đạt các chỉ tiêu về diện tích sàn nhà ở bình quân, chỉ tiêu cấp nước sạch…

Theo đánh giá của Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương tại cuộc giám sát chuyên đề về công tác quản lý quy hoạch trên địa bàn tỉnh, hệ thống đô thị ở Hải Dương đã được quy hoạch, phát triển theo hướng xanh, thông minh, hiện đại, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương và cả tỉnh. Từ năm 2020 trở lại đây, các Sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã phát huy vai trò, trách nhiệm trong bước đề xuất, tham gia, thẩm định, trình phê duyệt hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, bảo đảm sự đồng bộ giữa các loại quy hoạch như quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành… Từ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, đến quy hoạch chi tiết đều có sự liên thông, thống nhất. Quy hoạch đã và đang trở thành công cụ hữu hiệu để thực hiện quản lý phát triển đô thị ở Hải Dương.

Nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục

Hải Dương: Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị
Những tồn tại, hạn chế trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch đô thị đang được tỉnh Hải Dương tập trung khắc phục.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch đô thị ở Hải Dương vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Tiến độ hoàn thành lập, báo cáo, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chung đô thị (thành phố, thị xã, thị trấn) còn chậm so với yêu cầu. Việc này đã làm ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư, triển khai các dự án đầu tư xây dựng, nhất là một số dự án, công trình trọng điểm cấp tỉnh, huyện. Đến nay, UBND tỉnh Hải Dương vẫn chưa hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh chương trình phát triển đô thị của tỉnh để thay thế chương trình cũ được phê duyệt năm 2017 đã hết hạn. Một số huyện, thành phố chưa tổ chức lập chương trình phát triển đô thị, chưa định kỳ rà soát, điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị đúng hạn, chưa xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình phát triển đô thị trên địa bàn.

Vẫn còn tới 11 địa phương cấp huyện địa phương chưa xây dựng danh mục công trình kiến trúc có giá trị trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý; chưa báo cáo UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh thông qua nội dung quy chế quản lý kiến trúc đô thị, quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn trên địa bàn quản lý trước khi trình phê duyệt hoặc phê duyệt theo thẩm quyền. Về chất lượng quy hoạch, báo cáo của UBND tỉnh Hải Dương cũng tự đánh giá chất lượng một số đồ án quy hoạch đã được phê duyệt ở những năm trước không cao, tầm nhìn quy hoạch chưa tốt, thiếu tính định hướng, không có sự nghiên cứu kết nối về phương án phân vùng phát triển giữa các địa phương dẫn đến việc phải điều chỉnh nhiều lần.

Theo đánh giá của Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương, ngoài một số nguyên nhân khách quan, những tồn tại, hạn chế trong quy hoạch, quản lý xây dựng theo quy hoạch trong phát triển đô thị ở Hải Dương xuất phát từ nhận thức về đô thị hoá và phát triển đô thị bền vững chưa đầy đủ và chưa được quan tâm đúng mức. Công tác quy hoạch đô thị thời kỳ trước còn chậm đổi mới, thiếu tầm nhìn, chưa chưa khai thác được tiềm năng lợi thế, các dư địa phát triển của các địa phương và của tỉnh. Các đồ án phát triển dân cư mới còn manh mún, chắp vá thiếu tính tổng thể, tỷ lệ cây xanh thấp, thiếu nhiều không gian công cộng, công trình điểm nhấn kiến trúc, công trình văn hóa, xã hội… phục vụ người dân.

Công tác quản lý quy hoạch còn chưa tốt, nhiều đồ án quy hoạch phải điều chỉnh nhiều lần lên việc triển khai các dự án bị chậm tiến độ. Không gian kiến trúc cảnh quan đô thị chưa được quan tâm đúng mức, mới chỉ tập trung cho các khu quy hoạch mới, các khu trung tâm, trong khi đó, các khu dân cư hiện trạng, các khu vực cảnh quan tự nhiên chưa được quan tâm đúng mức; chưa có nhiều đồ án thiết kế đô thị, quy chế quản lý đô thị để quản lý.

Một số địa phương chưa thực sự chủ động, quyết liệt trong công tác chỉ đạo lập quy hoạch. Chưa quan tâm, quyết liệt trong lĩnh vực quản lý quy hoạch, chưa thực quan tâm đến công tác phát triển đô thị như: Lập chương trình phát triển đô thị, đề án phân loại đô thị; chưa thực sự quan tâm và chủ động đề xuất phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn… Nguồn lực dành cho phát triển đô thị còn hạn chế, nhất là trong công tác đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật thiết yếu như giao thông, thoát nước, thu gom xử lý rác thải, nước thải và cải tạo chỉnh trang đô thị, dẫn đến chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị. Tốc độ phát triển quá nhanh của đô thị đã vượt khả năng điều hành của nhiều chính quyền địa phương…