Thừa Thiên – Huế: Xin dừng triển khai hợp phần trồng, phục hồi san hô với tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng

Tháng mười một 20, 2024

Thừa Thiên – Huế: Xin dừng triển khai hợp phần trồng, phục hồi san hô với tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng

(Xây dựng) – Dự án phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản đang gặp khó khăn trong xây dựng, ban hành định mức kinh tế kỹ thuật để thực hiện. Do vậy, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có văn bản đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin dừng triển khai hợp phần trồng, phục hồi san hô với tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng.

Thừa Thiên – Huế: Xin dừng triển khai hợp phần trồng, phục hồi san hô với tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng
Hợp phần thả rạn nhân tạo đang triển khai với 95% khối lượng, dự kiến hoàn thành cuối năm 2024.

Dự án phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên – Huế đã được phê duyệt, với tổng mức đầu tư 170 tỷ đồng, gồm 2 hợp phần. Trong đó, hợp phần thả rạn nhân tạo, với tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng và hợp phần trồng, phục hồi san hô, với tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng.

Hợp phần thả rạn nhân tạo tại vùng biển xã Giang Hải (huyện Phú Lộc) đang trong quá trình triển khai thi công, đến nay đã đạt khoảng 95% khối lượng công việc. Diện tích khoanh vùng thả rạn trên biển khoảng 300ha, số lượng cụm rạn tại vị trí thả là 127 cụm, với tổng số 4.352 khối rạn, gồm 3.852 khối lập phương và 500 khối bán cầu R=2m. Số lượng cấu kiện lập phương và bán cầu đúc đã cơ bản hoàn thành. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đang tập trung nhân lực, thiết bị và tranh thủ điều kiện thời tiết để triển khai thi công, dự kiến hoàn thành trước ngày 31/12/2024.

Riêng hợp phần trồng, phục hồi rạn san hô do dự án mới, có tính đặc thù, các định mức kinh tế kỹ thuật trồng và phục hồi san hô chưa có nên đang gặp khó khăn trong công tác thẩm định, phê duyệt dự toán để triển khai các bước tiếp theo.

Thực hiện Công văn số 5830/BNN-KN ngày 09/8/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, về việc ban hành định mức kinh tế kỹ thuật trồng, phục hồi san hô thực hiện Dự án phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, tuy nhiên, công tác xây dựng định mức trong trường hợp giao địa phương thực hiện gặp một số khó khăn.

Quy trình kỹ thuật nuôi cấy, phục hồi san hô cứng ở vùng biển Việt Nam hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang giao cho Viện Nghiên cứu Hải sản thử nghiệm các phương pháp nuôi cấy, phục hồi san hô cứng tại khu vực Hải Vân – Sơn Chà (huyện Phú Lộc) nên chưa đủ cơ sở để áp dụng xây dựng định mức. Qua rà soát, việc xây dựng định mức cho công tác trên là đặc thù và trong điều kiện hiện nay, trên địa bàn tỉnh cũng không có đơn vị tư vấn đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm để thực hiện.

Thừa Thiên – Huế: Xin dừng triển khai hợp phần trồng, phục hồi san hô với tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng
Hợp phần trồng, phục hồi san hô gặp khó khăn trong xây dựng, ban hành định mức kinh tế kỹ thuật nên xin tạm dựng triển khai.

Ngày 18/9/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về việc xác định địa giới đơn vị hành chính giữa tỉnh Thừa Thiên – Huế và thành phố Đà Nẵng do lịch sử để lại thì hòn Sơn Chà giao thành phố Đà Nẵng quản lý. Trong khi chờ các thủ tục hướng dẫn triển khai thực hiện, xác định đường địa giới trên thực địa và các nội dung khác có liên quan thì quá trình tiếp tục triển khai hợp phần trồng, phục hồi san hô là gặp rất nhiều khó khăn và không đảm bảo thời hạn hoàn thành dự án. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh đã bước vào mùa mưa bão, thời gian thuận lợi để thi công không còn, dẫn đến không đảm bảo thời hạn hoàn thành dự án đến ngày 31/12/2024 theo quy định.

Do đó, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho dừng triển khai hợp phần trồng, phục hồi san hô thuộc Dự án phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản tại tỉnh Thừa Thiên – Huế do không còn thời gian để thực hiện. Hồ sơ, tài liệu liên quan đến dự án đối với nội dung trồng và phục hồi san hô sẽ tiếp tục được sử dụng và thực hiện sau khi định mức trồng và phục hồi san hô được ban hành.

Từ nguồn vốn bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, tháng 5/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định giao cho 4 tỉnh miền Trung gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế triển khai đầu tư các Dự án xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá và dự án phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh – nguồn lợi thủy sản.

Năm 2019, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đã triển khai Dự án xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá, với tổng mức đầu tư 400 tỷ đồng do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư. Dự án đầu tư gồm: Thành phần Cảng cá Thuận An (phường Thuận An, thành phố Huế) kết hợp khu neo đậu tránh trú bão; nâng cấp khu neo đậu tránh trú bão Phú Hải (xã Phú Hải, huyện Phú Vang) và cảng cá Tư Hiền (xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc) kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão.