Sự thật về livestream bán hàng ‘giảm sốc’

Tháng sáu 7, 2024

Sự thật về livestream bán hàng ‘giảm sốc’

Giảm sốc không bằng “đẩy gốc” lên trời

Trong quảng bá chương trình “Sale khủng giữa năm” diễn ra vào tối 6.6, tài khoản V.H.L thực hiện livestream trên kênh TikTok giới thiệu danh sách hơn 400 sản phẩm sẽ được bán với giá thấp chưa từng có. Chủ tài khoản này nhấn mạnh: “Giá này thấp hơn cả em từng live trên các sàn khác do đợt này là sinh nhật TikTok!”. Thế nhưng so sánh thực tế thì mức giảm không hề như quảng bá.

Sự thật về livestream bán hàng 'giảm sốc'- Ảnh 1.

Quản lý chất lượng hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử vẫn khó khăn

ĐÀO NGỌC THẠCH

Chẳng hạn, combo 2 chai sữa tắm charming của nhãn hàng Enchanteur ghi giá gốc là 420.000 đồng, giá trên TikTok ngày thường là 265.000 đồng, giá livestream bình thường 240.000 đồng và giá sốc sau voucher chỉ còn 180.000 đồng/combo (tương đương 90.000 đồng/chai). Tuy nhiên, trên website của thương hiệu này tại VN để giá bán 169.000 đồng (giảm 10%)/chai 650 gr, tặng kèm chai dầu gội 150 gr. Nhà phân phối hàng chính hãng Hey Cos bán combo sữa tắm kèm dầu gội này là 140.230 đồng. Theo thông tin ước tính, chai dầu gội khoảng 30.000 đồng, như vậy chai sữa tắm trên Hey Cos bán là khoảng 110.000 đồng. Do vậy, thực tế giá bán sale sốc của V.H.L cũng chỉ giảm khoảng 20%, tương đương giảm 20.000 đồng (khoảng 20%).

Tương tự, đồng hồ thông minh hiệu Xiaomi trên trang V.H.L ghi giá gốc 919.000 đồng, giá trên TikTok ngày thường 550.000 đồng, giá livestream 490.000 đồng, giá sau cùng còn 367.500 đồng. Trong khi đó, Thế giới Di động niêm yết trên trang web còn 490.000 đồng, giảm 18% từ giá 690.000 đồng; hệ thống cửa hàng CellphoneS cũng chỉ bán với giá 490.000 đồng. Với tinh chất dưỡng ẩm Innisfree Green Tea Seed giá gốc trên trang V.H.L rao 670.000 đồng, giá giảm tại livestream 419.000 đồng trong khi giá bán trên Shopee Mall của hãng cũng chỉ 438.000 đồng…

Như vậy, giá bán trên livestream của V.H.L trong thực tế không “giảm sốc” như lời quảng cáo. Mà cái chính là giá gốc được đẩy “lên trời”, cao hơn rất nhiều giá gốc của nhà sản xuất hay của các nhà phân phối khác. Điều này tạo cảm giác giá của V.H.L rẻ hơn nhiều so với giá gốc nhưng thực tế chỉ giảm thêm 20 – 25% so với giá bán lẻ ở các đơn vị khác. Chẳng hạn, với chiếc đồng hồ Xiaomi, giá sale sốc qua livestream của V.H.L giảm khoảng 60% so với giá gốc nhưng thực tế mức giảm 25% so với giá bán lẻ của các hệ thống công nghệ.

Sự thật về livestream bán hàng 'giảm sốc'- Ảnh 2.

Nhiều nhãn hàng lựa chọn hình thức quảng cáo, bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội

NGUYỄN ANH

Chưa hết, có nhiều thương hiệu mỹ phẩm đưa ra bán khá lạ và không thấy bán trực tiếp ngoài thị trường nên không thể biết giá thật sự và chất lượng thế nào. Chẳng hạn, fanpage của một đôi vợ chồng bán hàng nổi tiếng ở Nghệ An là T.H livestream nhiều mặt hàng thực phẩm giá rẻ không tưởng nhưng nhãn hàng không rõ ràng. Ví dụ, combo 2 túi nước giặt sinh học T-M có giá 250.000 đồng, chủ trang báo giá gốc là 500.000 đồng, trên Shopee bán giá 220.000 đồng/combo. Tuy nhiên, tìm hiểu trên thị trường không thấy nhà sản xuất, tra Google, nhãn hàng dẫn đến sản phẩm của Công ty CP Dược mỹ phẩm P.H, nhưng trang web lại dẫn đến trang icheck.vn…

“Vàng thau” lẫn lộn, người tiêu dùng lãnh đủ

Khi liên lạc với fanpage của Enchanteur, trang này xác nhận những món hàng mang nhãn Enchanteur trên livestream của V.H.L đúng là hàng của hãng và khẳng định hiện tại Enchanteur đang hợp tác với Facebooker V.H.L trong các phiên livestream. Tuy nhiên, trước thắc mắc chính sách giảm giá bán của nhãn hàng trên các phiên bán hàng trực tuyến của V.H.L có tương đương mức chiết khấu cho đại lý bán hàng của hãng không thì chưa có câu trả lời. 

Tương tự với sản phẩm đồng hồ thông minh Xiaomi band 8 active, đại diện Xiaomi VN xác nhận là sản phẩm chính hãng, nằm trong kế hoạch hợp tác với kênh TikTok và kênh V.H.L. Tuy nhiên số lượng thường không nhiều và chính sách của hãng bán bằng nhau cho tất cả kênh đại lý. Phần giá chênh lệch và sản phẩm được livestream đến tay người tiêu dùng (NTD) thường do TikTok tài trợ thêm.

Sự thật về livestream bán hàng 'giảm sốc'- Ảnh 3.

Người mua canh livestream để mua hàng

ĐÀO NGỌC THẠCH

Thế nhưng thực tế, có không ít sự trà trộn hàng giả, hàng thật lẫn lộn trên chợ mạng. Nhiều NTD tưởng mua được hàng rẻ nhưng hóa ra là rước lấy hàng giả, không xài được phải bỏ đi đúng với câu “của rẻ là của ôi”. Một số khách hàng đã phản ánh rằng nhiều sản phẩm mua từ những buổi bán hàng của chính tài khoản V.H.L là hàng nhái. Một tài khoản có tên T.H nêu: “Có ai mua kem chống nắng Martiderm của V.H.L 399.000/2 hộp mà bị hàng nhái không? Giờ em làm sao để liên hệ đổi trả được?”. 

Ngay lập tức, có người khẳng định: “Giá 399.000 đồng/2 hộp thì nhái phải rồi. Mình bán sỉ 20 thùng còn không được giá đó”. Khảo sát trên thị trường, rất nhiều cá nhân nhận đặt hàng trực tiếp mua kem chống nắng thương hiệu Tây Ban Nha này về VN thì có đợt hãng sale giá rẻ nhất cũng ở mức 290.000 đồng/hộp. Nếu không có đợt giảm giá thì sẽ gần 400.000 đồng/hộp và đây cũng là giá bán lẻ phổ biến của nhiều cửa hàng, nhà thuốc.

Chị Ngọc Huyền (Q.Tân Phú, TP.HCM) vẫn ấm ức khi cho biết cách đây gần 1 năm, chị thấy trang web quảng cáo kem chống nắng của thương hiệu nổi tiếng Nhật Bản mà chị hay xài với chương trình giảm giá đặc biệt 50%. Nhìn hình ảnh thấy giống hệt sản phẩm đã xài và khi được đánh giá thì rất nhiều người bảo đã mua dùng thử… Nhưng khi nhận hàng về mới thấy không giống với những hộp đã dùng trước đó khi chất kem quá lỏng, màu sắc hơi ngả vàng nên chị bỏ ngay không xài. “Hóa ra những lời đánh giá đó cũng là một kiểu thuê người làm, không có thật. Tưởng săn sale rẻ mua sử dụng tiết kiệm được, ai ngờ cuối cùng bỏ luôn thì tính ra còn mất tiền hơn là mua đúng hàng chính hãng với giá cao”, chị Ngọc Huyền nói.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), thừa nhận trong 2 – 3 năm trở lại đây, tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng lậu qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT), mạng xã hội là vấn đề rất “nóng”. Số vụ vi phạm không ngừng gia tăng, tính chất và diễn biến phức tạp. Không chỉ hàng hóa tiêu dùng thông thường mà nguy hiểm hơn, nhiều thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh… cũng bị làm giả với số lượng lớn để kinh doanh online, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Tổng cục QLTT thường xuyên nhận phản ánh của các đơn vị sở hữu thương hiệu lớn về tình trạng hàng giả, hàng nhái thương hiệu của họ bày bán công khai trên các sàn TMĐT lớn như Lazada, Shopee, TikTok…

Ba ngày trước, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương, nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội đã yêu cầu Bộ trưởng giải trình về các vi phạm trong hoạt động TMĐT, chất lượng sản phẩm hàng hóa cũng như việc bảo mật và an toàn thông tin cá nhân. Liên quan đến chất lượng hàng hóa các phiên livestream trăm tỉ đồng trên TikTok thời gian qua, ĐB Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) đặt vấn đề, mạng xã hội xôn xao những phiên livestream bán hàng trên các ứng dụng có doanh thu tới cả trăm tỉ đồng một ngày. 

Đặc biệt, giá bán các sản phẩm qua các phiên livestream này lại thấp hơn nhiều so với giá bán buôn của đại lý, gây bất ổn thị trường về hàng thật, hàng giả, rất đáng lo bởi nó không còn là vấn đề nhỏ mang tính cá nhân. Từ đó, các ĐB đặt vấn đề về tình trạng giá sản phẩm bán tại các buổi livestream thường thấp hơn giá đại lý rất nhiều, có thể gây bất ổn thị trường, chưa kể là chất lượng sản phẩm? Hay tình trạng hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ tràn lan trên các sàn TMĐT thì quản lý thế nào?

Rõ ràng, vấn đề này đang bị buông lỏng và NTD đang phải đối mặt với rủi ro hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhái rất lớn.

Thất thu thuế lớn

Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long nhận định xu hướng TMĐT, bán hàng online đã phát triển mạnh và sẽ tiếp tục diễn ra. Thậm chí hình thức này sẽ lấn át cả hoạt động bán hàng trực tiếp, truyền thống. Đặc biệt các hoạt động bán hàng qua mạng đều chủ yếu đánh vào tâm lý thích mua hàng giá rẻ của NTD nên sẽ thu hút được rất đông khách hàng. Đây là một phương thức bán hàng nhanh chóng, tiết kiệm nhiều chi phí nên có thể có giá rẻ hơn so với các cửa hàng, siêu thị với chi phí mặt bằng, nhân công nên cao hơn. 

Đối với những thương hiệu, cửa hàng làm ăn đàng hoàng thì kênh online sẽ giúp họ gia tăng doanh số, tiếp cận NTD nhiều hơn, quảng bá sản phẩm rộng rãi hơn. Nhưng bên cạnh đó, tình trạng “treo đầu dê, bán thịt chó” cũng muôn hình vạn trạng. Hành vi lợi dụng TMĐT để bán hàng gian, hàng giả dễ dàng hơn bán trực tiếp. Vì vậy, việc quản lý chất lượng hàng hóa phải được thực hiện nghiêm trên thị trường nói chung mà không phân biệt hình thức bán hàng nào.

“Việc kiểm soát chất lượng hàng hóa và tăng cường quản lý thu thuế đối với hoạt động TMĐT là bảo vệ quyền lợi của NTD, không bị thất thu ngân sách và cũng tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng. Những cá nhân cứ livestream bán hàng và công bố doanh thu hàng trăm tỉ đồng mà không đóng thuế hay chỉ đóng thuế nhỏ giọt thì làm sao các doanh nghiệp, cửa hàng bán trực tiếp có thể cạnh tranh được. Điều này quá vô lý”, PGS-TS Ngô Trí Long nói.

PGS-TS Nguyễn Thường Lạng (Viện Thương mại kinh tế quốc tế) đánh giá việc quản lý TMĐT của chúng ta đi rất chậm so với tốc độ phát triển cũng như yêu cầu đặt ra của thị trường. Thế nên, một mặt thị trường phát triển nhanh, nhu cầu lớn, nhưng quản lý cứ loay hoay từ nhiều năm qua. Việc ĐB Quốc hội phản ánh một số phiên livestream thu về hàng trăm tỉ đồng là có thật, vậy thu thuế với các hoạt động này thế nào? Đến nay chưa thấy ngành thuế công bố công khai thu thuế từ việc bán hàng online của Facebooker này, TikToker kia bao nhiêu. “Bộ Công thương “cầm trịch” trong quản lý chất lượng hàng hóa, nhưng đến nay cũng thừa nhận khó khăn và không thể trả lời câu hỏi là có hay không việc livestream bán hàng thu về hàng chục, hàng trăm tỉ đồng. Ngân sách thất thu vì không thu thuế được, quyền lợi NTD lại không được bảo vệ. Vậy nhà quản lý cần làm gì?”, ông Lạng đặt vấn đề.

Theo ông Lạng, chất lượng hàng hóa trên online cần sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành, trong đó có Bộ TT-TT, Bộ Tài chính, Bộ Công thương (QLTT)… Tuy vậy, Bộ Công thương vẫn là chính vì ở đó có 2 đơn vị quản lý chính liên quan hàng hóa, kinh tế số là Tổng cục Thị trường và Cục TMĐT và kinh tế số. Trao quyền cho các đơn vị thuộc các bộ nhiều hơn để xây dựng mạng lưới quản lý, đưa ra công cụ pháp lý rõ ràng, minh bạch… Trong đó, cụ thể hóa việc ai được bán hàng, tư cách pháp nhân ra làm sao. Trẻ em tham gia bán hàng trên các livestream cũng có, ai quản lý và quản lý thế nào? “Làm lúc này là đã muộn, nhưng nếu không làm thì TMĐT vỡ trận, phần thiệt rơi vào ngân sách và NTD”, ông Lạng nhấn mạnh. 

Dùng công nghệ số để quản lý TMĐT

TMĐT đang tăng trưởng rất nhanh, từ 20 – 25% nên thể chế số, công cụ số và kỹ năng số đang theo sau. Vì vậy, cần đẩy nhanh tốc độ, trong đó phát triển công cụ số có thể làm nhanh nhất. Trên sàn TMĐT có hàng triệu sản phẩm, theo đó là hàng triệu quảng cáo, không thể dùng sức người để quản lý mà cần dùng công nghệ số. Chuyển lên môi trường số thực ra lại tạo ra một cơ hội để quản lý toàn diện, có thể giám sát, phát hiện sớm vấn đề, cảnh báo và ngăn chặn các hành vi trái phép, giao dịch bất thường, nhưng phải dùng công nghệ hiện đại. Ví dụ có thể phát triển phần mềm để phát hiện quảng cáo có dấu hiệu sai sự thật, phát hiện hàng hóa có dấu hiệu hàng nhái. Các nền tảng số, các sàn TMĐT cũng có thể tự xây dựng các thuật toán AI để rà quét và chọn lọc các tài khoản, các nguồn quảng cáo vi phạm pháp luật…

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng

Hình thức bán hàng online quảng cáo công khai, thậm chí còn dễ quản lý hơn cả các cửa hàng. Trong đó, cơ quan quản lý phải tập trung vào các đầu mối lớn. Ví dụ, các sàn TMĐT lớn tại VN đã có đăng ký theo quy định thì phải kiểm tra việc chấp hành về quảng bá, giới thiệu hàng hóa trên đó như thế nào? Các sàn TMĐT đều có dữ liệu về người bán thì cơ quan quản lý có đánh giá, phân tích các dữ liệu đó để xem xét về cả giá bán với chất lượng hàng hóa tương đồng hay không? Hoặc việc kê khai nộp thuế có đảm bảo đúng hay không? Nếu như trước đây chỉ có 1 triệu cá nhân bán hàng online thì đến nay có thể lên đến cả chục triệu người. Lực lượng QLTT hay quản lý thuế cũng không thể chạy theo số lượng cá nhân thế này được. Ngoài việc có khung pháp lý đầy đủ thì cần có cách thức quản lý phù hợp, đầu tư cả về công nghệ, nhân lực và nhận thức cho cán bộ quản lý để thực hiện kiểm tra giám sát.

LS Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI

Xử lý 9 vụ vi phạm trên TMĐT sau 2 tháng

Sau 2 tháng chính thức được thành lập (ngày 29.2), Tổ TMĐT của Tổng cục QLTT đã kiểm tra, xử lý 9 vụ vi phạm trên các nền tảng TMĐT với tổng số tiền phạt, trị giá hàng tịch thu, tiêu hủy gần 2 tỉ đồng. Trong đó, tổng số tiền phạt vi phạm hành chính gần 615 triệu đồng; trị giá hàng hóa tịch thu trên 1 tỉ đồng; trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy gần 200 triệu đồng.


Bạn đang đọc Sự thật về livestream bán hàng ‘giảm sốc’ tại website hungday.com