Tàu cao tốc 1.000km/h có thể trang bị mạng 5G

Tàu cao tốc 1.000km/h có thể trang bị mạng 5G

Hành khách có thể xem video độ phân giải siêu cao hoặc chơi game trực tuyến trên điện thoại thông minh trong khi di chuyển ở tốc độ 1.000km/h bằng tàu cao tốc trong tương lai.

Cơ sở nghiên cứu lớn nhất thế giới dành cho tàu đệm từ chạy trong đường ống chân không bắt đầu thử nghiệm đẩy tốc độ cao với phương tiện nguyên mẫu kích thước thật. Dù đang trong quá trình phát triển, thế hệ tàu cao tốc mới của Trung Quốc có thể chạy ở tốc độ nhanh hơn bất kỳ máy bay dân dụng thương mại nào thông qua đường ống cận chân không, sử dụng đệm từ, theo Interesting Engineering.

Hình ảnh mô phỏng tàu đệm từ 1.000km/h của Trung Quốc.
Hình ảnh mô phỏng tàu đệm từ 1.000km/h của Trung Quốc. (Ảnh: New Atlas)

Hiện nay, tàu cao tốc tại Trung Quốc vận hành ở 350km/h, có thể kết nối dịch vụ 5G do các đơn vị viễn thông cung cấp, duy trì kết nối ngay cả trong đường hầm dài. Tuy nhiên, việc duy trì liên lạc tốc độ cao giữa điện thoại di động và trạm gốc trở nên cực kỳ thách thức ở tốc độ gần bằng vận tốc âm thanh. Đó là vì khi điện thoại nhanh chóng đến gần hoặc di chuyển ra xa trạm gốc, tần số tín hiệu mà nó nhận được thay đổi. Quá trình truyền dữ liệu tốc độ cao phụ thuộc nhiều vào tín hiệu tần số cao ổn định. Lắp đặt và bảo dưỡng trạm gốc trong đường ống cận chân không cũng rất khó khăn. Nếu một ăng-ten rơi ra do rung động, nó có thể trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với đoàn tàu di chuyển nhanh.

Nhóm nghiên cứu đứng đầu là giáo sư Song Tiecheng ở Phòng thí nghiệm kết nối di động quốc gia tại Đại học Đông Nam, phát hiện đặt hai dây cáp song song ở tường trong của đường ống có thể giải quyết vấn đề lắp đặt trạm gốc. Những dây cáp đặc biệt này có thể phát tín hiệu điện từ và thiết lập kết nối liên tục, ổn định giữa điện thoại thông minh và nhà cung cấp dịch vụ di động.

Nhờ sử dụng kỹ thuật mã hóa hiệu quả và điều chỉnh một vài thông số tín hiệu chủ chốt, có thể khắc phục nhiễu loạn gây ra bởi sự thay đổi tần số. Mô phỏng trên máy tính bước đầu kiểm nghiệm phương pháp và chứng minh giải pháp này có thể duy trì chất lượng liên lạc ổn định trong suốt thời gian trao đổi dữ liệu theo tiêu chuẩn 5G phổ biến.

Nhóm kỹ sư từ phòng đệm từ và lực đẩy điện từ thuộc Tập đoàn công nghiệp và khoa học hàng không vũ trụ Trung Quốc cũng tham gia nghiên cứu. Tập đoàn này đã xây dựng cơ sở nghiên cứu lớn nhất thế giới dành cho tàu đệm từ chạy trong đường ống chân không ở Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây, và bắt đầu thử nghiệm lực đẩy tốc độ cao với phương tiện nguyên mẫu kích thước thật.

Hiện nay, nhiều thành phố Trung Quốc đang xin chính phủ cấp phép để xây đường tàu đệm từ đường ống chân không thương mại đầu tiên trên thế giới. Phương thức giao thông mang tính cách mạng hóa này được Elon Musk đề xuất. Những công nghệ tương tự cũng có thể được dùng để đẩy tàu vũ trụ vào không gian ở chi phí thấp hơn. Tuy nhiên, Musk đã gác lại dự án vào năm ngoái do khó khăn về kỹ thuật và tài chính.

Related Posts

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *