Bài kiểm tra với con voi màu hồng tiết lộ bạn có mắc hội chứng “vô ảnh tưởng” hay không?

Bài kiểm tra với con voi màu hồng tiết lộ bạn có mắc hội chứng “vô ảnh tưởng” hay không?

Nếu không thể tưởng tượng, cuộc sống của người vô ảnh tưởng sẽ như thế nào? Họ có thể mơ hay không? Có thể nhớ đến người yêu cũ hay không?

“Hãy bảo ai đó rằng họ không nên nghĩ tới một con voi màu hồng, và người đó sẽ vĩnh viễn không bao giờ quên được con vật đó”. Câu nói trên được trích từ tiểu thuyết “Thành phố trên bầu trời” của nhà văn người Đức Curt Siodmak sáng tác năm 1974.

Kể từ đó, ví dụ này đã trở thành một bài kiểm tra kinh điển của các bác sĩ, dành cho những bệnh nhân của mình, những người mà họ nghi ngờ đang mắc một chứng bệnh kỳ lạ gọi là “Aphantasia”, tạm dịch là hội chứng vô ảnh tưởng.

Vô ảnh tưởng có gốc từ “phantasia” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “tưởng tượng”. Thêm vào tiền tố “a”, Aphantasia lại có nghĩa ngược lại là “không thể tưởng tượng”.

Đúng như cái tên của nó, những người mắc hội chứng vô ảnh tưởng sẽ không thể tưởng tượng ra bất kỳ hình ảnh nào trong đầu của họ, cho dù đó là một con voi màu hồng, một ký ức mà họ đã trải qua, khuôn mặt của người thân, của mẹ, của vợ, hoặc chồng và thậm chí là của chính mình trong gương.

Vì vậy, nếu là người bình thường được yêu cầu đừng nghĩ đến một con voi màu hồng, họ sẽ tưởng tượng ra một con voi màu hồng, bởi “hiệu ứng Romeo và Juliet” – hiện tượng càng cấm thì lại càng nghĩ.

Nguyên nhân là vì khi bạn được yêu cầu đừng nghĩ về một thứ gì đó, tâm trí bạn sẽ luôn luôn cảnh giác với điều đó và vô hình trung lại khiến bạn nghĩ nhiều về nó hơn.

Các thí nghiệm tâm lý cho thấy khi bạn được yêu cầu nghĩ về một chú voi màu hồng, trung bình mỗi một phút sau đó, não bộ bạn sẽ tưởng tượng ra hình ảnh một chú voi màu hồng một lần. 5 phút sau, tần suất thậm chí còn tăng lên gấp đôi.

Con voi mầu hồng
Trớ trêu thay, những người được yêu cầu đừng nghĩ về chú voi màu hồng lại tưởng tượng ra nó nhiều gấp đôi so với những người được yêu cầu hãy nghĩ đến chú voi ấy.

Thế nhưng, đó là với những người bình thường. Còn với người mắc hội chứng vô ảnh tưởng, họ đơn thuần là chẳng tưởng tượng ra chú voi hồng nào cả.

Nhưng tại sao lại vậy?

Hội chứng vô ảnh tưởng đã xuất hiện trong y văn từ thế kỷ 19, nó được mô tả trong một bài báo khoa học trên tạp chí Mind vào năm 1880, nhưng sau đó đã bị lãng quên và không còn ai nhắc đến nó trong suốt hơn một thế kỷ.

Phải đến tận năm 2005, một nhóm các nhà khoa học do giáo sư Adam Zeman, một nhà thần kinh học người Anh đến từ Đại học Exeter dẫn đầu, mới quay trở lại nghiên cứu hiện tượng này sau khi vô tình phát hiện ra một bệnh nhân không có khả năng tưởng tượng ra hình ảnh.

Giáo sư Zeman cũng chính là người đặt ra thuật ngữ vô ảnh tưởng, hay Aphantasia. Kể từ đó, các công trình nghiên cứu về hội chứng này mới được tiến hành, giúp các nhà khoa học dần vén lên bức màn bí ẩn về một trong những hội chứng kỳ lạ nhất hành tinh, về cuộc sống của các bệnh nhân không thể tưởng tượng ra hình ảnh và về nguyên nhân của hội chứng.

 Có khoảng 0,8% dân số hiện mắc hội chứng vô ảnh tưởng hoàn toàn.
 Có khoảng 0,8% dân số hiện mắc hội chứng vô ảnh tưởng hoàn toàn.

Theo một nghiên cứu trên tạp chí Consciousness and Cognition, có khoảng 0,8% dân số hiện mắc hội chứng vô ảnh tưởng hoàn toàn và 3,9% dân số bị một dạng nhẹ của vô ảnh tưởng, nghĩa là họ vẫn có thể tưởng tượng ra hình ảnh trong đầu, nhưng chỉ là các hình ảnh mờ nhạt, không rõ nét.

Nguyên nhân của điều này được cho là đến từ việc não bộ của người vô ảnh tưởng không có khả năng chuyển các thông tin về hình ảnh, bao gồm hình dạng, màu sắc và chiều sâu của vật thể mà họ nhìn thấy trở thành ký ức hình ảnh trong tâm trí.

Họ vẫn có thể nhìn thấy mọi thứ như người bình thường, nhưng không có khả năng ghi nhớ chúng về mặt hình ảnh. Đổi lại, các đặc điểm khác của đối tượng như âm thanh, mùi vị và cảm giác sẽ được gợi lại giúp người mắc hội chứng vô ảnh tưởng có thể nhớ ra được đối tượng.

Các nhà khoa học hiện vẫn chưa biết chính xác cơ chế nào trong não bộ gây ra hiện tượng mà họ gọi là “trục trặc của các quá trình hệ thống theo từng giai đoạn” này. Chỉ biết rằng có một số người đã mắc hội chứng vô ảnh tưởng ngay từ khi sinh ra, một số người chỉ bị nó sau một chấn thương sọ não, đột quỵ hoặc tác dụng phụ của một số loại thuốc.

Nếu không thể tưởng tượng, cuộc sống của người vô ảnh tưởng sẽ như thế nào?

Để biết được điều đó, chúng ta hãy trực tiếp hỏi họ, những bệnh nhân mắc hội chứng Aphantasia. Niel Kenmuir, một người đàn ông 48 tuổi sống ở Anh đã mắc hội chứng này một cách bẩm sinh.

Đếm cừu
Kenmuir cho biết anh bắt đầu phát hiện ra tình trạng của mình từ khi còn là một đứa trẻ. Cha dượng của Kenmuir khi đó đã bảo anh tưởng tượng ra những con cừu nhảy qua hàng rào và đếm chúng cho dễ ngủ. Nhưng anh ấy không thể.

Tôi không thể nhìn thấy con cừu nào nhảy qua hàng rào cả. Chẳng có gì để đếm“, Kenmuir nói.

Có cùng trải nghiệm đó với Kenmuir, một người phụ nữ tên là Serena Puang cũng chia sẻ: “Khi còn học tiểu học, thỉnh thoảng tôi bị khó ngủ và mọi người bảo tôi hãy đếm cừu. Mặc dù đã thấy những con cừu nhảy qua hàng rào trong phim hoạt hình, nhưng khi thử tưởng tượng ra nó, tôi không bao giờ thấy gì cả – chỉ là màu đen. Tôi đã lặng lẽ đếm trong bóng tối suốt nhiều năm trời”.

Mặc dù chứng vô ảnh tưởng có thể khiến việc đếm cừu trở nên khó khăn, nhưng nó dường như không ảnh hưởng quá nhiều đến khả năng sáng tạo hoặc trí tưởng tượng của những người mắc phải nó. Hầu hết những người mắc chứng Aphantasia đều sống một cuộc đời bình thường và thậm chí không nhận ra sự khác biệt của họ so với những người khác.

Kenmuir chẳng hạn, anh đang làm việc tại một hiệu sách và vẫn có thể nhớ được những cuốn sách được đặt trên giá nào mà chẳng cần hình dung ra hình ảnh về chúng.

Không tưởng tượng được ra mặt của vợ mình

Điều mà nhiều người có lẽ sẽ thắc mắc nhất là nếu không thể tưởng tượng ra được hình ảnh, ngay cả khuôn mặt của vợ mình, Kenmuir đã sống với cô ấy ra sao?

Đó là điều khó diễn tả nhất, những gì diễn ra trong đầu tôi khi tôi nghĩ về mọi thứ. Khi tôi nghĩ về vị hôn thê của mình, chẳng có hình ảnh nào hiện ra cả, nhưng tôi chắc chắn tôi đang nghĩ về cô ấy, tôi biết hôm nay cô ấy búi tóc, tóc cô ấy màu nâu. Nhưng tôi không mô tả hình ảnh mà tôi đang thấy trong đầu, tôi chỉ đang nhớ những nét đặc trưng về cô ấy”, anh nói.

Niel Kenmuir sống ở Anh chưa bao giờ từng tưởng tượng ra mặt vợ của mình.
Niel Kenmuir, một người đàn ông 48 tuổi sống ở Anh chưa bao giờ từng tưởng tượng ra mặt vợ của mình.

Nhà tâm lý học Wilma Bainbridge tại Đại học Chicago giải thích điều này có thể là do những người mắc hội chứng vô ảnh tưởng đã mã hóa được trí nhớ của họ hoàn toàn bằng từ ngữ thay vì hình ảnh. Chẳng hạn khi Kenmuir nghĩ về vợ của mình, anh ấy chỉ mã hóa cô ấy bằng các từ như “tóc nâu”, “mắt xanh”, “cao” hay “hôm nay”, “búi tóc”.

Aphantasia chỉ có nghĩa là không thể truy xuất lại trí nhớ hình ảnh, chứ còn trí nhớ về sự kiện, được mã hóa bằng từ ngữ của họ vẫn còn nguyên vẹn. Mặc dù vậy, đôi khi việc không thể nhớ hình ảnh cũng đem đến đôi chút khó khăn.

Chẳng hạn như Serena Puang, một bệnh nhân vô ảnh tưởng khác, bắt đầu học tiếng Trung, cô nói: “Trong khi bạn tôi, Shayley, lại thấy dễ dàng. Tôi hỏi cô ấy làm thế nào để nhớ được các chữ cái tượng hình ấy, và cô ấy nói với tôi rằng cô ấy chỉ đang “hình dung ra các ký tự“.

Để khắc phục vấn đề, cô ấy đã thảo luận tình trạng của mình với thầy của mình, và ông ấy đã vẽ các chữ cái lên bảng, phân tích trực tiếp cho Puang sự khác nhau giữa chúng trong thời gian thực. Kể từ đó, việc học tiếng Trung của cô ấy diễn ra bình thường.

Vậy người mắc vô ảnh tưởng có thể mơ hay không?

Câu trả lời là có, nhưng những giấc mơ của họ cũng rất khác so với người bình thường. Những người vô ảnh tưởng chỉ có thể mơ thấy âm thanh, thường là khi họ tham gia vào các cuộc hội thoại tưởng tượng trong tâm trí như đang nói chuyện với mọi người trong bóng tối hoặc gọi điện thoại mà không thấy mặt.

Giấc mơ của người vô ảnh tưởng thường chỉ có một nền đen
Giấc mơ của người vô ảnh tưởng thường chỉ có một nền đen
, theo như mô tả của họ. Trong đó, họ có thể thấy mình đang di chuyển, đi lại thông qua tiếng bước chân, tiếng xe ô tô, cảm giác gió vờn trên da hoặc thổi qua cửa kính…

Người mắc hội chứng vô ảnh tưởng bẩm sinh thường coi đó là những giấc mơ hết sức bình thường từ nhỏ, vì họ nghĩ rằng ai cũng mơ thấy một nền đen giống mình. Cho đến khi được chẩn đoán và hiểu ra vấn đề mà mình đang mắc phải, những người này mới cảm thấy buồn bã vì họ nhận ra rằng người khác có thể làm những điều mà họ không thể.

Ví dụ như họ cũng rất muốn mơ thấy một thế giới đầy màu sắc như thế giới thực mà họ đang thấy, tự mình tưởng tượng ra những nhân vật khi xem một cuốn sách hoặc hình dung lại hình ảnh của một người thân yêu khi họ không có ở đó.

Nhưng đôi khi điều đó cũng tốt

Các nghiên cứu cho thấy việc người vô ảnh tưởng không có khả năng tái hiện hình ảnh trong tâm trí có nghĩa là họ cũng ít bị sang chấn vì nhớ lại các hình ảnh ám ảnh, hoặc gợi lại chuyện buồn trong quá khứ, chẳng hạn như một vụ tai nạn xe hơi hoặc hình ảnh người yêu cũ.

Những người mắc hội chứng vô ảnh tưởng không thể tưởng tượng ra hình ảnh, vì vậy, họ cũng có khả năng chống lại các suy nghĩ không tự nguyện cao hơn. Lấy ví dụ điển hình là chính “hiệu ứng Romeo và Juliet” – hiện tượng càng cấm, càng không muốn thì lại càng nghĩ tới.

Điều này có thể khiến tâm trí của người vô ảnh tưởng thanh thản phần nào. Trái ngược hoàn toàn với một hội chứng được gọi là Hyperphantasia, trong đó, người mắc phải có khả năng tưởng tượng ra các hình ảnh tinh thần cực kỳ sống động.

Người mắc hội chứng này cũng ít bị sang chấn vì nhớ lại các hình ảnh ám ảnh.
Người mắc hội chứng này cũng ít bị sang chấn vì nhớ lại các hình ảnh ám ảnh.

Mặc dù điều này cho phép họ trải nghiệm được các trò chơi tâm trí mà người bình thường không hề làm được, ví dụ như tự tưởng tượng mình đang đi du lịch “miễn phí” ở một khu nghỉ dưỡng sang trọng với cảm giác cực kỳ chân thật, tưởng tượng mình đang bay trên không trung, dạo quanh thành phố hoặc được gặp mặt trực tiếp các thần tượng, chính trị gia ngoài đời thực…

Thế nhưng, trái với người vô ảnh tưởng thường vô tư âu lo, người mắc chứng siêu tưởng Hyperphantasia cũng thường bị dằn vặt và ám ảnh bởi các hình ảnh ghê rợn, kinh dị hoặc buồn phiền hơn người bình thường.

Vì vậy, cái gì cũng có hai mặt của nó. Vô ảnh tưởng chưa hẳn đã xấu, còn khả năng siêu tưởng tượng chưa hẳn đã tốt. Nếu bạn mắc hội chứng vô ảnh tưởng thì cũng đừng cảm thấy quá buồn vì điều này.

Thay vì nghĩ tưởng tượng ra một con voi màu hồng, bạn có thể tập trung vào nghĩ thứ gì đó thiết thực hơn. Ví dụ như tối nay ăn gì chẳng hạn.

Related Posts

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *