Lộ diện hành tinh mới cực hiếm, 1 năm bằng 21 giờ Trái đất ngoại hành tinh kỳ lạ TOI-3261b
TOI-3261b nằm trong chòm sao Thủy Xà (Hydrus) và thuộc về một loại hành tinh tưởng chừng không thể hình thành.
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi TS Emma Nabbie từ Đại học Nam Queensland (Úc) đã phát hiện ra sự hiện diện của ngoại hành tinh kỳ lạ TOI-3261b từ bộ dữ liệu khổng lồ mà “thợ săn ngoại hành tinh” TESS của NASA gửi về Trái đất.
Kết hợp với quan sát bổ sung từ một số đài quan sát mặt đất, họ nhận thấy TOI-3261b thuộc về một thế giới ngoại hành tinh hiếm gặp gọi là “sa mạc nóng Hải Vương Tinh”.
Hành tinh TOI-3261b giống Sao Hải Vương nhưng cực nóng – (Ảnh: NASA).
Theo Sci-News, “sa mạc nóng Hải Vương Tinh” là cụm từ chỉ một nhóm ngoại hành tinh có kích cỡ tương đương Sao Hải Vương của Hệ Mặt trời, nhưng lại cực nóng vì nằm gần sao mẹ.
Đây là một trong những kiểu hành tinh hiếm gặp nhất trong hằng hà sa số các hành tinh ngoài Hệ Mặt trời mà nhân loại đã nhận diện.
Theo bài công bố trên tạp chí khoa học Astronomical Journal, lý do nó hiếm là vì rất khó để một hành tinh có thể duy trì bầu khí quyển dày như vậy ở gần một ngôi sao. Sao Hải Vương nóng cơ bản vẫn là hành tinh khí, nên bầu khí quyển của nó bắt buộc phải dày.
“Các ngôi sao có khối lượng lớn nên tác động lực hấp dẫn lớn lên những thứ xung quanh chúng, có thể làm bong tróc các lớp khí bao quanh một hành tinh gần đó” – các tác giả giải thích.
Vì vậy, việc TOI-3261b có thể tồn tại ở trạng thái đó gần như là một điều vô lý nếu xét theo lý thuyết thông thường.
Phát hiện quý giá về nó một lần nữa cho thấy mô hình hình thành các hành tinh trong vũ trụ có thể phức tạp và đa dạng đến mức nào.
Nghiên cứu về cách hành tinh này giữ được bầu khí quyển sẽ là một nhiệm vụ thú vị mà các nhà khoa học theo đuổi trong tương lai.
TOI-3261b nằm cách Trái đất 978,5 năm ánh sáng, có kích cỡ gấp 3,82 lần Trái đất nhưng nặng hơn tận 30 lần, tức khoảng gấp đôi khối lượng các “sao Hải Vương lạnh” giống kiểu sao Hải Vương của chúng ta.
Hành tinh này quay quanh ngôi sao mẹ TOI-3261 với chu kỳ chỉ 21 giờ, tức 1 năm trên thế giới này chưa bằng 1 ngày trên Trái đất.