Ngoại ngữ đã thay đổi nhận thức của tôi về văn hóa như thế nào?

Lời tựa:
Em chào mọi người! Đây là bài viết đầu tiên của em trên Spiderum nên sẽ không tránh được một số bỡ ngỡ, sai lầm. Thêm vào đó, em tự nhận thấy bản thân đang chọn một chủ đề có phần hơi xa vời với một học sinh THCS. Song, vì đã ấp ủ những suy nghĩ này khá lâu nên em quyết định viết ra nhằm chia sẻ và thảo luận cùng mọi người. Vì vậy, toàn bộ bài này sẽ chỉ là góc nhìn, suy nghĩ cá nhân của em về văn hóa, giáo dục và nếu mọi người có câu hỏi, góp ý hay chia sẻ nào thì đừng ngại bình luận nhé !
Tôi là một người học nhiều ngôn ngữ, đa số lý do là vì chán và rảnh. Tôi đã đi qua Tiếng Đức, Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Trung,… . Và càng tiếp xúc với nhiều thứ tiếng, càng cọ xát nhiều với nền văn hóa các nước bạn, tôi càng nhận ra nhiều điều trước giờ được coi là nét văn hóa “độc nhất” của Việt Nam mình cũng xuất hiện ở văn hóa nước bạn. Ví như truyền thuyết “Con Rồng Cháu Tiên” của dân tộc mình cũng có sự tương đồng với truyền thuyết về hậu duệ chim thần Garuda và cháu chắt rắn thần Naga của người Khmer (Campuchia). Lúc biết được những điều như trên, tôi rất bất ngờ và có cảm giác như lòng tự hào dân tộc của mình đang bị thử thách vậy. Bởi lẽ đó giờ, khi nghe đài, đọc báo hay học ở trên trường, những yếu tố được coi là “độc nhất” như vậy rất hay được lấy để làm nền, làm dẫn chứng nhằm khơi dậy niềm tự hào dân tộc và lòng yêu nước. Khi tìm hiểu thêm, tôi nhận ra có không ít trường hợp tương tự giữa các nền văn hóa khác nhau. Có lẽ người Trung Quốc sẽ khá bất ngờ khi nhận ra những trang sử thi tiếng Ba Tư dưới thời Tân Đế quốc Ba Tư cũng hay và đẹp không kém cạnh các tác phẩm thi ca xuất hiện dưới thời nhà Đường.

Một trang trong “Florence Shahnameh”-bản chép cổ nhất được biết đến của sử thi “Shahnameh”
Có lẽ người Nga sẽ khá ngạc nhiên khi biết rằng không phải trận đánh lớn, gây ảnh hưởng đến lịch sử nhân loại nào cũng diễn ra trên đất nước mình, rằng sự sụp đổ của Vương quốc Hồi giáo Granada (Tây Ban Nha) năm 1492 cũng ý nghĩa không kém gì trận đánh tại Kulikovo (Golden Horde) của người Nga năm 1380.
Photo credit: Keystone-France/Gamma-Rapho/Getty Images

Photo credit: Keystone-France/Gamma-Rapho/Getty Images
Đặt vào bối cảnh thời đại ngày nay, ta không nhất thiết phải ra nước ngoài mà chỉ cần nằm nhà, lướt mạng là đã có thể cọ xát, tiếp xúc với văn hóa nước bạn đều đều. Khi ấy, nếu ta đọc được những thông tin như trên, chạm trán những mâu thuẫn tương tự thì ta nên phản ứng như thế nào? Những thông tin ấy có ảnh hưởng gì lên cách ta khơi gợi, bồi đắp lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc của bản thân đó giờ không hay ta sẽ chỉ đơn giản là ngó lơ chúng?
Phải đến lúc ấy tôi mới nhận ra tầm quan trọng của việc giáo dục văn hóa, tìm hiểu về truyền thống dân tộc đối với mỗi cá nhân và cả với xã hội. Bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia không chỉ phụ thuộc vào một vài thứ bề mặt hay được nhắc đi nhắc lại mà còn dựa trên những nét văn hóa nền tảng sâu hơn, yêu cầu sự tìm tòi, học hỏi nhiều hơn. Có hiểu sâu, hiểu nhiều hoặc ít nhất là hiểu rõ những điều căn bản, cốt lõi về văn hóa nước mình thì ta mới có thể đem chúng ra, đối chiếu với văn hóa nước bạn để rồi tìm ra điểm đặc sắc, độc đáo, thực sự đáng tự hào, đáng giữ gìn và phát huy của nước mình.
Special thanks to: Phoenix Hou for the idea of this article
Cảm ơn vì đã đọc <3 !!!