Thu giấy phép 16 doanh nghiệp phân phối xăng dầu, thị trường có thiếu xăng dầu?
Thu giấy phép 16 doanh nghiệp phân phối xăng dầu, thị trường có thiếu xăng dầu?
Thông tin từ Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), từ đầu năm đến nay, đơn vị này đã làm thủ tục thu hồi giấy phép của 16 thương nhân phân phối xăng dầu. Đây là kết quả trong các đợt kiểm tra, rà soát trong hệ thống thương nhân phân phối xăng dầu trong việc chấp hành các quy định pháp luật về kinh doanh xăng dầu.
Bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cho biết qua rà soát và kiểm tra đã phát hiện nhiều thương nhân phân phối không đảm bảo được các điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu theo quy định pháp luật.
Theo đó, các doanh nghiệp này đã chủ động trả lại giấy phép và Bộ Công thương thực hiện các thủ tục để thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu theo đúng quy định của pháp luật.
Cũng theo Vụ Thị trường trong nước, sau khi 16 thương nhân phân phối xăng dầu này trả giấy phép, cả nước còn 298 thương nhân phân phối xăng dầu. Các doanh nghiệp đầu mối, phân phối xăng dầu hiện nay vẫn đảm bảo nguồn cung cho nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Chia sẻ với Thanh Niên, một chuyên gia ngành xăng dầu cho rằng, việc các thương phân phối xăng dầu chủ động rời khỏi thị trường khi không đủ điều kiện là diễn biến bình thường, không ảnh hưởng, tác động đến thị trường.
Trong thị trường xăng dầu hiện nay, thương nhân phân phối xăng dầu (lấy xăng dầu nhiều nguồn từ thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu khác) để tạo thêm nguồn hàng cung ứng cho các thương nhân bán lẻ và đa dạng hóa hệ thống.
Nhưng trên thực tế, các thương nhân phân phối xăng dầu vẫn mua bán xăng dầu thuộc tổng nguồn xăng dầu từ các thương nhân đầu mối nên không phát sinh thêm nguồn cung. Nếu cho phép thương nhân phân phối xăng dầu mua hàng của nhau gây khó khăn trong kiểm soát nguồn cung.
Theo đó, trong nghị định kinh doanh xăng dầu Bộ Công thương đang xây dựng trình Chính phủ, đã bổ sung quy định thương nhân phân phối xăng dầu chỉ được mua xăng dầu từ thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, không được mua bán xăng dầu lẫn nhau để kiểm soát nguồn cung.
Bộ Công thương dự báo, trong quý 2, tổng nguồn cung xăng dầu từ hai nguồn sản xuất và nhập khẩu khoảng 8,875 triệu m3/tấn xăng dầu các loại. Trong đó, nguồn cung đến từ 2 doanh nghiệp lớn gồm Petrolimex và PVOIL khoảng 4,035 triệu m3/tấn.
Báo cáo từ các thương nhân đầu mối xăng dầu, tổng nguồn nhập khẩu và mua trong nước sẽ thực hiện trong quý 2 khoảng 6,35 triệu m3/tấn xăng dầu các loại.
Theo tính toán của Bộ Công thương, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong quý 2 khoảng 6,3 triệu m3/tấn (bình quân khoảng 2,1 triệu m3/tấn/tháng); tồn kho khoảng 1,7 – 1,8 triệu m3/tấn. Theo đó, Bộ Công thương khẳng định, nguồn cung xăng dầu cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước trong năm nay, trước đó, ngày 2.1, Bộ Công thương đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BCT triển khai Công điện số 1437/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.
Bộ Công thương yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối thực hiện nghiêm túc, đầy đủ tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 đã được phân giao và kế hoạch thực hiện tổng nguồn hàng quý đã đăng ký, chủ động nguồn cung xăng dầu, thực hiện việc dự trữ xăng dầu theo quy định, duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên, liên tục, nhất là các dịp cao điểm, bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống.
Cạnh đó, các doanh nghiệp đầu mối chủ động chia sẻ nguồn cung, chia sẻ lợi nhuận trong hệ thống phân phối hợp lý nhằm đảm bảo không bị gián đoạn việc cung ứng xăng dầu.
.
Bạn đang đọc Thu giấy phép 16 doanh nghiệp phân phối xăng dầu, thị trường có thiếu xăng dầu? tại website hungday.com