Kinh ngạc trước loại mỳ ống siêu nhỏ, chỉ bằng 1/200 sợi tóc người “nanopasta”
Một nhóm các nhà khoa học người Anh đã tạo ra loại mỳ spaghetti mỏng nhất thế giới, mỏng hơn sợi tóc của con người khoảng 200 lần và thậm chí còn hẹp hơn một số bước sóng ánh sáng.
Các các nhà khoa học tại Đại học London (UCL) mới đây đã tạo ra “nanopasta” – một loại mỳ spaghetti siêu nhỏ bằng một kỹ thuật được gọi là kéo sợi điện, trong đó các sợi bột và chất lỏng được kéo qua lỗ kim bằng một điện cực.
Những sợi nanopasta dưới kính hiển vi điên tử quét. (Nguồn: UCL).
Các sợi nanopasta này có kích thước chiều ngang là 372 nanomet (một phần tỷ mét), nhỏ hơn 200 lần so với chiều rộng trung bình của một sợi tóc người và theo báo cáo từ UCL, thậm chí còn hẹp hơn một số bước sóng ánh sáng.
Tiến sỹ Adam Clancy, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Mỳ spaghetti được làm bằng cách đẩy hỗn hợp nước và bột qua các lỗ kim loại. Chúng tôi cũng sử dụng phương pháp tương tự, nhưng hỗn hợp bột và nước được đẩy qua những lỗ kim siêu nhỏ bằng điện tích. Nó thực sự là mỳ spaghetti nhưng nhỏ hơn nhiều”.
Nanopasta mới được tạo thành một tấm sợi nano có đường kính khoảng 2cm và có thể nhìn thấy được, nhưng mỗi sợi riêng lẻ đều quá mỏng để có thể chụp rõ bằng bất kỳ loại máy ảnh hay kính hiển vi quang học nào. Chúng chỉ có quan sát được bằng kính hiển vi điện tử quét (SEM).
Một tấm sợi nanopasta có đường kính khoảng 2cm. (Nguồn: UCL)
Trước đây, kỷ lục về loại mỳ ống mỏng nhất thế giới được biết đến là loại mỳ su filindeu, có nghĩa là “sợi chỉ của Chúa”, được một thợ thủ công vùng Sardinia tạo ra. Các “sợi chỉ của Chúa” này có chiều rộng không tưởng là 400 micron, song chúng vẫn dày hơn 1.000 lần so với nanopasta do các nhà khoa học Anh tạo ra.
Nhóm nghiên cứu cho biết không có ý định tạo ra nanopasta để ăn vì nó sẽ bị chín “trong vòng chưa đầy 1 giây”. Thực chất đây là một thí nghiệm hữu ích để tạo ra các sợi nano thân thiện với môi trường sử dụng trong chăm sóc sức khỏe.
Giáo sư Gareth Williams, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Các sợi nano, chẳng hạn như sợi làm từ tinh bột, có tiềm năng sử dụng trong băng bó vết thương vì chúng rất xốp. Ngoài ra, các sợi nano cũng đang được nghiên cứu để sử dụng làm khung đỡ nhằm tái tạo mô, bởi chúng mô phỏng ma trận ngoại bào – một mạng lưới protein và các phân tử khác mà tế bào xây dựng để tự hỗ trợ”.
Theo nhóm nghiên cứu tại UCL, sợi nano thường được tạo ra bằng cách chiết xuất tinh bột từ tế bào thực vật rồi tinh chế. Tuy nhiên, quá trình này rất phức tạp, đòi hỏi nhiều năng lượng và nước.
Phương pháp tạo ra các sợi nano trực tiếp từ thành phần giàu tinh bột như bột mỳ, nguyên liệu cơ bản để làm mỳ ống, của các nhà khoa học UCL sẽ thân thiện với môi trường hơn.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng bột mỳ và axit formic để làm nanopasta, thay vì nước, vì axit formic phá vỡ các chuỗi xoắn khổng lồ tạo nên tinh bột (nấu ăn có tác dụng tương tự như axit formic, phá vỡ tinh bột để mỳ ống dễ tiêu hóa).
Nhóm nghiên cứu cũng phải cẩn thận làm ấm hỗn hợp trong vài giờ trước khi từ từ làm nguội lại để đảm bảo hỗn hợp có độ đặc phù hợp.
Tiến sỹ Clancy cho biết: “Tinh bột là một vật liệu đầy hứa hẹn để sử dụng vì nó dồi dào và có thể tái tạo – đây là nguồn sinh khối lớn thứ hai trên Trái đất, sau cellulose – và nó có thể phân hủy sinh học, nghĩa là có thể tự phân hủy trong cơ thể”.
Nghiên cứu về nanopasta được công bố trên Tạp chí Nanoscale Advances.