Phát hiện tàn tích một ngôi đền cổ có từ thời Ptolemaic ở Ai Cập

Phát hiện tàn tích một ngôi đền cổ có từ thời Ptolemaic ở Ai Cập

Theo phóng viên tại Cairo, ngày 23/11, một phái đoàn khảo cổ học của Ai Cập và Đức đã công bố phát hiện về một ngôi đền cổ có niên đại từ thời Ptolemaic gần đền thờ lớn Aribis ở tỉnh Sohag, miền Nam Ai Cập.

Phát hiện này đánh dấu sự bổ sung thú vị về các địa điểm khảo cổ phong phú của tỉnh Sohag.

 Tàn tích của ngôi đền thời Ptolemaic được phát hiện ở Sohag, Ai Cập.
Tàn tích của ngôi đền thời Ptolemaic được phát hiện ở Sohag, Ai Cập. (Nguồn: WAM).

Tổng thư ký Hội đồng Cổ vật Tối cao Ai Cập (SCA) Mohamed Ismail Khaled đánh giá cao phát hiện trên, coi đây là bước đột phá trong việc vén màn bí mật về ngôi đền cổ trước đây chưa được biết đến ở khu vực Aribis.

Ông cho biết mặt trước của ngôi đền dài 51m với 2 tòa tháp, mỗi tòa rộng 24m, bao quanh một cổng trung tâm.

Các nghiên cứu cho thấy ban đầu tháp cao 18m, tương đương kích thước của tháp biểu tượng đền Luxor.

Theo các nhà khảo cổ học, tháp chuông của ngôi đền cổ vừa được phát hiện có khắc chữ tượng hình và chạm khắc tinh xảo hình ảnh một vị vua thời Ptolemaic đang nhận lễ vật từ nữ thần Repit đầu sư tử và người con của bà, thần Kolanthes.

Các hình chạm khắc cho thấy ngôi đền có niên đại từ thời trị vì của Vua Ptolemy VIII với một số chữ khắc có thể ám chỉ đến vợ của ông: Nữ hoàng Cleopatra III.

Trưởng đoàn khảo cổ của Đức, chuyên gia Christian Leitz, cho hay các nhà khảo cổ học cũng đã khai quật một căn phòng phía Nam ngôi đền, được nhà khảo cổ học người Anh Flinders Petrie phát hiện một phần hồi đầu thế kỷ 20.

Căn phòng này có hình ảnh các vị thần trên trời được sử dụng để đo giờ ban đêm, cùng với các hình chạm khắc về thần Repit và vị thần sinh sản Min. Ngoài ra, họ cũng mới phát hiện một căn phòng khác có cầu thang.

Trước đó, nhóm khai quật đã lập bản đồ ngôi đền lớn Aribis và phục hồi hơn 30.000 mảnh gốm có khắc chữ Demotic, Coptic và Hieratic.

Các nhà khảo cổ cho biết sẽ tiếp tục tiến hành khai quật để khám phá những bí mật còn lưu giữ lại của ngôi đền này, đồng thời làm phong phú thêm hồ sơ khảo cổ học đặc biệt của Ai Cập.

Related Posts

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *