Đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, hai chàng trai trồng vườn như ở Việt Nam
Đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, hai chàng trai trồng vườn như ở Việt Nam
Anh Lâm kể gần ký túc xá của công ty có một mảnh đất của cụ ông người bản địa bỏ trống không canh tác, cỏ mọc um tùm. Thấy vậy nên anh Lâm và Nghĩa đã ngỏ lời xin được trồng vườn rau, quả trên diện tích đất khoảng 500 m2 ấy và đã được ông cụ đồng ý. “Chúng mình thường thấy ông trồng cây nên có qua hỏi thăm, giúp đỡ một vài chuyện vặt nên cụ rất mến”, anh Lâm chia sẻ.
Anh Lâm cho biết thời gian làm việc tại công ty của cả hai là từ thứ hai đến thứ sáu, mỗi ngày làm 8 tiếng đồng hồ. Cuối tuần được nghỉ nên hai chàng trai này thường dành thời gian để chăm sóc khu vườn. Anh Lâm và Nghĩa bắt đầu trồng vườn từ tháng 12.2023. Thời điểm đó vào mùa đông nên 2 chàng trai này đã trồng loại cải dùng để làm dưa muối.
Nghĩa cho biết tại tỉnh Aichi, từ tháng 3 – 9 là khoảng thời gian lý tưởng để trồng các loại rau, quả như: khổ qua, cà chua, hành tây, mướp, tỏi, su hào, ngò gai… Những loại rau, quả bình thường thì Nghĩa và anh Lâm mua hạt giống ở siêu thị. Còn những loại rau đặc trưng của Việt Nam thì đi xin hạt giống của những người đồng hương sống ở tỉnh Aichi lâu năm. Đặc biệt, Nghĩa cho biết vào tháng 12 năm trước đã trồng thử ngò rí vào mùa đông.
“Thường thì những loại rau thơm như vậy sẽ không thể trồng được vào mùa đông nếu thiếu nhà kính. Tuy nhiên, mình muốn thử nghiệm bằng cách xử lý đất thật kỷ, ủ phân bò và cắt những miếng cao su để phủ lên đám ngò rí. Hơn 1 tháng sau, mình mở lớp cao su ra thì rất bất ngờ vì ngò rí phát triển xanh tốt. Vào mùa đông thì đất rất ẩm nên mình cũng không cần tưới nước”, Nghĩa chia sẻ.
Trong một lần sang thăm vườn của cụ ông người bản địa, thấy có trồng tre, nhiều lá cọ khô, nên anh Lâm và Nghĩa đã xin về để làm một cái chòi ở giữa vườn để có nơi nghỉ ngơi, tránh nắng. Thoạt nhìn, không ai nghĩ đây là một khu vườn ở Nhật Bản vì mang nhiều nét đặc trưng của làng quê Việt Nam.
“Chúng mình sử dụng phân bò để bón cho rau, quả nên rất tốt. Nguồn phân bò này chúng mình cũng được cụ ông người bản địa chia sẻ. Ngoài ra, chúng mình còn được chia sẻ cách xử lý đất. Trước mỗi vụ, đất phải được xới tơi lên, sau đó rải vôi bột và phơi trong 1 tuần để diệt hết mầm bệnh”, Nghĩa chia sẻ.
Anh Lâm quê ở Bình Dương, sang Nhật xuất khẩu lao động vào năm 2019. Còn Nghĩa, quê ở Hà Tĩnh, cũng đến Nhật với mong muốn tìm kiếm cơ hội việc làm và trải nghiệm cuộc sống mới vào năm 2018. Vào làm chung tại một công ty tại tỉnh Aichi, Nhật Bản, hai chàng trai này trở nên thân thiết và xem nhau như anh, em ruột.
Sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Sài Gòn, anh Lâm đã tìm kiếm cơ hội sang nước ngoài để trải nghiệm cuộc sống mới và thử thách bản thân nhiều hơn. Anh Lâm chỉ có 2 tháng học tiếng Nhật trước khi sang đất nước này làm việc.
“Thời gian đầu mình cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc giao tiếp với người bản địa vì rào cản ngôn ngữ. Văn hóa của nước bạn cũng có nhiều điểm khác biệt so với Việt Nam nên mình mất vài tháng mới thích nghi. Thời tiết tại Nhật rất lạnh cũng là một thử thách lớn cho sức khỏe của mình”, Lâm chia sẻ.
Còn Nghĩa thì có nhiều thời gian hơn để tìm hiểu về ngôn ngữ, văn hóa nên đỡ bỡ ngỡ khi sang Nhật. Tuy nhiên, đồ ăn ở Nhật sẽ không phù hợp với khẩu vị của chàng trai này. Sau khi tốt nghiệp THPT, chàng trai đam mê trồng vườn này đã học tiếng Nhật trong 5 tháng và sang đất nước này làm việc.
Anh Lâm và Nghĩa cho biết đang trồng thêm lúa để giới thiệu văn hóa của Việt Nam đến với những người hàng xóm tại Nhật Bản. Việc tự trồng rau, quả giúp 2 chàng trai này tiết kiệm được chi phí mua thực phẩm. Ngoài ra, các loại rau, quả đều được trồng theo phương pháp hữu cơ nên rất an toàn cho sức khỏe.
Bạn đang đọc Đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, hai chàng trai trồng vườn như ở Việt Nam tại website hungday.com