LÀM VIỆC VỚI MỘT NGƯỜI SẾP CÓ EQ THẤP LÀ TRẢI NGHIỆM NHƯ THẾ NÀO?

Tháng sáu 9, 2024

Làm việc với một người sếp có EQ thấp là trải nghiệm như thế nào?
Một topic thảo luận mình tình cờ nhìn thấy trên Facebook và rất muốn tag tất cả đồng nghiệp gần đây nhất vào. Bởi trong vòng 2 năm làm việc cùng với nhau, đó là topic mà hằng ngày chúng mình thảo luận rất nhiều chỉ sau chuyện công việc.
Biểu hiện của một người EQ thấp rất đa dạng
Tôi không bao giờ sai
Thường thì chúng ta ít khi có thể thuyết phục được người EQ thấp rằng bản thân họ sai, hay đơn giản là “bạn khoan vội kết luận rằng mình đúng, chúng ta cùng đi tìm sự thật nhé!”. Hầu hết họ để trực giác và niềm tin cá nhân của họ làm việc. Khi cần tranh luận, họ luôn tìm kiếm những bằng chứng củng cố cho niềm tin của mình thay vì đi tìm sự thật. Việc này cũng dẫn đến kết quả tất yếu là họ thường đổ lỗi cho người khác, kể cả trong tình huống bản thân mắc sai lầm, né tránh là việc đầu tiên mà họ thường làm.
Không quan tâm đến cảm xúc của người khác
Chắc chắn rồi, đây có vẻ như là biểu hiện dễ nhận thấy nhất. Lời nói và hành động của họ dường như sẵn sàng làm tổn thương bất kỳ ai một cách vô ý hoặc cố ý. Đồng thời, họ lại không chấp nhận người khác nổi giận với họ.
Họ cư xử thiếu tế nhị
Những người EQ thấp sẽ gặp phải vấn đề: Họ không biết phải nói điều gì, nói khi nào và nói với ai.
Bởi họ gặp khó khăn trong việc nắm bắt cảm xúc của người khác nên không biết biểu hiện sao cho phù hợp. Tệ hơn khi bị phản ứng ngược lại, họ lại cho rằng bạn quá nhạy cảm.
Họ có những cảm xúc bộc phát
Khó điều tiết cảm xúc cũng là một biểu hiện dễ nhận diện của EQ thấp. Họ không chỉ kém trong thấu hiểu cảm xúc của người khác mà với cảm xúc của chính mình cũng vậy. Những điều nhỏ nhặt cũng khiến họ cảm thấy bị đả kích và lập tức phản ứng lại với nó. Đó cũng là lý do mà họ đối phó với các tình huống bất ngờ kém, họ để cảm xúc nhấn chìm và phản ứng thiếu lý trí, điều có thể khiến họ hối hận sau này.
Trung tâm của mọi cuộc trò chuyện
Người có EQ thấp cũng luôn muốn chiếm trọn spotlight trong mỗi cuộc trò chuyện. Nếu ai đó chia sẻ về một trải nghiệm, những người với EQ thấp có xu hướng phản hồi lại theo hướng “ui vậy đã là gì”, họ cho rằng trải nghiệm của họ có phần nổi trội hơn dù đó là trải nghiệm tốt hay tồi tệ.
Tiếp xúc với một người có EQ thấp là một trải nghiệm tệ, vậy thì bạn hãy tưởng tượng làm việc dưới một người sếp có EQ thấp sẽ tồi tệ đến mức nào.

Ảnh Pinterest
Quay trở lại với câu chuyện của cá nhân mình từ những ngày đầu trải nghiệm làm việc với một người sếp có “EQ chạm đáy”. 
Thời gian thử việc là một khoảng thời gian hết sức choáng ngợp do mình chuyển hướng từ single-tasking sang multitasking. Mình rượt đuổi theo những yêu cầu cao trong công việc của sếp, không phản kháng trước mọi phản hồi từ sếp vì “đây là một công việc mới, mình sẽ sai, sẽ “ăn hành” và sẽ học được”, mình chấp nhận bản thân rất nhỏ bé và thiếu sót một cách tích cực dù đã đi làm 6 năm. Tuy nhiên, mình đã bình thường hóa một việc mà hiện giờ cho đến khi đã nghỉ, mình thấy thật sai lầm, đó là bình thường hóa việc bị SẾP MẮNG CHỬI.
Mỗi khi tâm sự với bạn bè, câu cửa miệng của mình đó là “Đi làm ở đây một tháng mà được ăn chửi bằng 6 năm đi làm cộng lại”. Mình bị chửi vì làm sai cách, sau khi làm đúng cách rồi thì bị chửi vì cách đó không hiệu quả, khi có hiệu quả rồi thì mình bị chửi vì sao không vượt kỳ vọng,…
Nếu xét riêng về mục đích, có lẽ mọi người sẽ nghĩ nó cũng đâu có tệ, đó là muốn hiệu quả công việc cao nhất thôi mà. Nhưng cách nó diễn ra mới khiến mình ám ảnh đến tận bây giờ.
Việc mắng chửi đó sẽ diễn ra trước mặt TẤT CẢ MỌI NGƯỜI, nếu không trực tiếp thì sẽ là trên nhóm chat công việc chung, thậm chí khi mình không có mặt, việc mắng chửi vẫn tiếp tục diễn ra dưới hình thức than thở với nhân sự khác. Nhiều tình huống sếp không đánh giá sự việc, cách làm mà chỉ trích tư duy, chỉ trích con người. Thậm chí, NGOẠI HÌNH và CÁCH ĂN MẶC của nhân sự cũng từng không ít lần bị sếp đem ra đánh giá (thậm chí là cười cợt) và vẫn là TRƯỚC MẶT RẤT NHIỀU NGƯỜI.
Trong suốt 2 năm làm việc, không ít bạn bè khuyên mình nên nghỉ ngay sau khi biết được những tình huống mà mình chẳng may rơi vào. Nhưng mình đã tiếp tục công việc mà gần như ngày nào cũng đi làm trong trạng thái không biết khi nào sẽ bị hét vào mặt, không biết hôm nay sẽ đến lượt mình hay ai khác trong team,… Đôi khi tin nhắn đầu ngày của mình với đồng nghiệp sẽ là “hôm nay tâm trạng sếp thế nào?”, gần như nỗi lo về tâm trạng của sếp chiếm mất thời gian suy nghĩ về công việc. 
Những người sếp có EQ thấp thường độc hại một cách đặc biệt
Họ nhân danh người có quyền
Ở một vị trí cao hơn, họ công khai hoặc ngầm cho rằng tiếng nói của mình, quyết định của mình, thậm chí là cảm xúc của mình quan trọng hơn người khác. Họ cho rằng trách nhiệm của họ là “nói thẳng” để nhân sự được nghe những lời chân thật mất lòng còn hơn những lời tốt đẹp giả dối. Mà “chân thật” hay “tốt đẹp” ở đây lại theo định nghĩa riêng của họ.
Họ nhân danh sự tiến bộ
Họ bị ám ảnh với việc đưa ra những phản hồi tiêu cực mà bỏ qua những điểm tích cực. Không chỉ trong mối quan hệ giữa sếp và nhân viên, mà trong bất kỳ mối quan hệ nào, việc chỉ nhìn thấy những điểm xấu sẽ khiến đối phương mệt mỏi và nản chí nhanh hơn bất kỳ khó khăn nào.
Cựu Giám đốc điều hành IBM, Ginni Rometty từng có biệt danh là “Bút đỏ” khi luôn chấm điểm và sửa lỗi cho nhân viên của mình, bà chia sẻ tại một hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Doanh nghiệp Thế giới tại New York. Lời cảnh tỉnh từ một đồng nghiệp đã giúp bà nhận ra mình thực sự có vấn đề.
Cho đến hiện tại khi đang tìm kiếm công việc mới, mình nhận ra 2 năm làm việc với một người sếp EQ thấp đã ảnh hưởng đến tâm lý mình sâu sắc như thế nào. Trong khi người khác đang đặt tiêu chuẩn về một môi trường làm việc sẽ khiến sự nghiệp của họ thăng hoa, nơi họ có thể phô diễn tài năng, thì gần như hiện tại tiêu chí hàng đầu của mình là có một người sếp tôn trọng nhân sự. Nghe thật đáng thương!
Mình đã có được một bài học lớn
Bên cạnh điều tồi tệ này (mà nó là lý do chính mình quyết định nghỉ việc) thì mình vẫn cảm thấy rất biết ơn công việc gần đây nhất đã cho mình cơ hội được làm những việc mình chưa từng làm, có nhiều trải nghiệm mới và có được những người đồng nghiệp tuyệt vời. 
Trong quá trình làm việc, không ít lần mình nhận ra rằng bản thân hoàn toàn có thể thay đổi để cải thiện tình hình bằng cách nói chuyện trao đổi thẳng thắn với sếp, tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác,… thay vì chỉ nhìn thấy mình là nạn nhân. Dù sao hành trình cũng đã dừng lại, tuy có nhiều tiếc nuối nhưng mình cảm thấy dù làm ở môi trường nào thì sự tôn trọng dành cho nhau vẫn nên được đặt lên hàng đầu. Nếu không có sự tôn trọng tối thiểu đó thì thời gian đi cùng nhau chắc chắn chắc chắn sẽ không bền dù là trong mối quan hệ tình cảm hay trong công việc.
Một môi trường khắc nghiệt chắc chắn sẽ khiến ta trưởng thành nhanh hơn, nhưng mong rằng trên hành trình trưởng thành đó chúng ta luôn nhận được sự tôn trọng xứng đáng.