Các trường hợp được đính chính sổ đỏ
Các trường hợp được đính chính sổ đỏ
(Xây dựng) – Ông Vũ Đăng Đức (Hải Dương) có câu hỏi liên quan đến các trường hợp được đính chính sổ đỏ, gửi tới cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn giải đáp.
Các trường hợp được đính chính sổ đỏ. |
Nội dung câu hỏi như sau:
Gia đình ông Vũ Đăng Đức là chủ sử dụng 318 m2 đất, được UBND huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 20/6/2006.
Trên Giấy chứng nhận thể hiện thông tin như sau: Diện tích: 318 m2; Hình thức sử dụng: Sử dụng chung 318m2; Mục đích sử dụng: Thổ cư; Thời hạn sử dụng: Lâu dài; Nguồn gốc: Bố tách.
Tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận, cơ quan có thẩm quyền đã không thực hiện đúng trách nhiệm của mình, dẫn đến Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho gia đình ông Đức có nhiều sai sót.
Gia đình ông nộp hồ sơ thực hiện thủ tục “Đính chính thông tin trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện cấp” đề nghị cơ quan có thẩm quyền đính chính các thông tin: hình thức sử dụng đất, mục đích sử dụng đất và nguồn gốc sử dụng đất.
Tuy nhiên, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện trả lại hồ sơ với lý do, đã làm việc với UBND xã về xác minh nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất của gia đình ông Đức, căn cứ kết quả xác minh, thửa đất gia đình ông đang sử dụng có nguồn gốc trong hồ sơ đăng ký theo Chỉ thị 299 thể hiện là đất ao (đất nuôi trồng thủy sản). Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện chưa có đủ cơ sở pháp lý để đính chính mục đích sử dụng đất trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ “Thổ cư” sang “Đất ở tại nông thôn”.
Ông Đức hỏi, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện xác minh thửa đất gia đình ông theo Chỉ thị 299 mà không căn cứ theo: Bản đồ, Sổ mục kê 1997 (là thửa 209, tờ bản đồ số 14, diện tích 331 m2, loại đất T); bản đồ, Sổ mục kê đo đạc năm 2010 (là thửa đất số 66, tờ bản đồ số 16, diện tích 329 m2, loại đất ONT); danh sách cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2006 của UBND xã (trong đó ghi thửa 209, tờ bản đồ số 16, diện tích 318 m2, loại đất ở) như vậy có đúng hay không?
Việc đính chính, cấp đổi lại sổ cho gia đình ông Đức sẽ căn cứ vào đâu? Mục đích sử dụng đất có được Nhà nước công nhận là đất ở tại nông thôn (ONT) hay không?
Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:
Do nội dung kiến nghị là vụ việc cụ thể cần có tài liệu hồ sơ lưu trữ tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận để đối chiếu, vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường không có đủ cơ sở để trả lời. Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến chung về nguyên tắc liên quan đến các trường hợp được đính chính và trình tự, thủ tục thực hiện như sau:
Quy định về các trường hợp đính chính Giấy chứng nhận: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 106 Luật Đất đai thì cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận có trách nhiệm đính chính Giấy chứng nhận đã cấp có sai sót trong các trường hợp sau đây:
“a) Có sai sót thông tin về tên gọi, giấy tờ pháp nhân hoặc nhân thân, địa chỉ của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất so với giấy tờ pháp nhân hoặc nhân thân tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận của người đó;
b) Có sai sót thông tin về thửa đất, tài sản gắn liền với đất so với hồ sơ kê khai đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất đã được cơ quan đăng ký đất đai kiểm tra xác nhận”.
Trình tự, thủ tục đính chính Giấy chứng nhận
Tại Điều 86 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thủ tục đính chính Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp như sau:
“1. Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp có sai sót cho Văn phòng đăng ký đất đai để đính chính. Trường hợp sai sót do lỗi của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất phải có đơn đề nghị để được đính chính. Trường hợp Văn phòng đăng ký đất đai phát hiện Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp có sai sót thì thông báo cho người sử dụng đất biết và yêu cầu người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp Giấy chứng nhận đã cấp để thực hiện đính chính.
2. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra; lập biên bản kết luận về nội dung và nguyên nhân sai sót; lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền thực hiện đính chính vào Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp có sai sót; đồng thời chỉnh lý nội dung sai sót vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
3. Trường hợp đính chính mà người được cấp Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng có yêu cầu cấp đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì Văn phòng đăng ký đất đai trình cơ quan có thẩm quyền để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”.
Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin đến ông được biết và nghiên cứu, thực hiện.
Bạn đang đọc Tin tức xây dựng trên website hungday.com