Khi anh hùng chưa chắc đã cần giải cứu thế giới?

Tháng sáu 11, 2024

“Những người hùng” là lời đề tựa của nhiều tờ báo khi nhắc đến câu chuyện bốn thanh niên Văn Tuấn, Anh Tuấn, Quốc Luật, Kim Long đã không quản nguy hiểm lao vào đám cháy của căn nhà trọ ở Trung Kính vào ngày 24/5 vừa qua và cứu được bốn người đang mắc kẹt.
“Anh hùng” cũng là điều chúng ta nhắc nhau khi thấy anh shipper Đăng Văn, trong đám cháy chung cư mini tháng 9/2023 ở Hà Nội, đã tham gia cứu hộ 9 nạn nhân, dù anh chẳng hề có lấy một món đồ bảo hộ trong tay. Hay “anh hùng” cũng là từ ta nói về Ngọc Mạnh, anh tài xế tay không cứu lấy em bé ba tuổi rơi từ tầng 13 của một tòa nhà vài năm về trước. 
Từ trước đến nay, chúng ta nói về anh hùng như những người có sức mạnh siêu nhiên, giải cứu thế giới. Nhưng điểm chung của những người “anh hùng” ở trên, là họ đều cho rằng mình chỉ là người bình thường, rằng trong hoàn cảnh ấy, ai cũng sẽ hành động như vậy cả. 
Vậy có cần phải giải cứu cả thế giới thì mới là anh hùng không? Và thế giới này sẽ thế nào nếu mỗi người bình thường cũng có thể trở thành một anh hùng? Hãy cùng mình tìm hiểu về “sức mạnh khổng lồ” của những người anh hùng đời thường qua bài viết này nhé.

Giải nghĩa về anh hùng

Có nhiều định nghĩa khác nhau về anh hùng, nhưng nhìn chung hầu hết các nhà nghiên cứu đều đồng tình rằng chủ nghĩa anh hùng (heroism) chỉ các hành động nhân đạo hướng đến xã hội, bao hàm sự rủi ro hoặc hy sinh mang tính cá nhân.
Cụ thể, nhà nghiên cứu Franco, Blau, và Zimbardo đã định nghĩa anh hùng là người :
– Tự nguyện hành động để phục vụ cho lợi ích của một cá nhân/cộng đồng
– Thực hiện hành động mà không mong đợi phần thưởng hay lợi ích từ bên ngoài 
– Biết và chấp nhận các rủi ro tiềm ẩn/hay sự hy sinh cần có bởi hành động anh hùng ấy gây ra 
Định nghĩa này có thể khiến chúng ta mường tượng anh hùng như những vị thánh sống, xả thân cứu người mà không màng đến hậu quả hay sự công nhận. Có vẻ là một hình ảnh quá… hoàn hảo để có thật? 
Nhưng nếu nhìn từ góc độ khác, câu chuyện hướng về cộng đồng không cần phải là cứu lấy thế giới, mà có thể là những việc nhỏ bé hơn, như thu nhặt rác ở nơi công cộng, giúp đỡ người thân, bạn bè,…. Những hành động này không cần đến năng lực siêu nhiên. Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang gọi đấy là những anh hùng thường nhật. 
Theo đó, anh hùng thường nhật có những đặc điểm như: 
– Không làm điều gì quá cao siêu (thay đổi giáo dục, vận động dân chủ) mà chỉ cần thay đổi ý thức của bản thân và những người xung quanh 
– Thực hiện việc làm nhỏ nhưng được cộng hưởng bởi số đông, tạo nên tính lan tỏa và tác động lớn
– Môi trường nơi sản sinh ra anh hùng thường nhật có thể rất bé như trường học, gia đình, cơ quan… 
– Ai cũng có thể trở thành anh hùng thường nhật. 

Người hùng thường nhật – Họ là ai? 

Họ có thể là bất cứ ai. Ở Việt Nam, chúng ta thấy những câu chuyện về người hùng thường nhật cũng không ở đâu xa. Trong vụ cháy mới đây ở Trung Kính, những người hùng như Văn Tuấn, Quốc Luật, Anh Tuấn và Kim Long đã leo thang, dùng búa phá tường phòng trọ để cứu sống một gia đình.  
Theo đó, khi nghe thấy tiếng kêu cứu từ cửa sổ chung cư, 4 người đã hợp sức tìm búa, thang để leo lên phá tường. Văn Tuấn đã bám một tay vào thanh sắt cửa sổ, tay còn lại cầm chiếc búa to ngang tay mình vung lên liên tục. 

Văn Tuấn đu thang, bám vào thanh sắt cửa sổ để đập tường
Văn Tuấn chia sẻ, khi cầm chiếc búa to đúng bằng cánh tay mình đập vào tường, anh nghe rõ tiếng kêu cứu từ phía trong vọng ra. Dù người không được to khỏe, lực văng của búa lại mạnh, nhưng nghe tiếng kêu của nạn nhân, bên trong Văn Tuấn như có một sức mạnh phi thường. Anh đã cố gắng hết sức để đập bung mảng tường bê tông kiên cố.
Tới lúc Văn Tuấn kiệt sức, Quốc Luật trèo lên thay, đập những nhát búa cuối cùng cho đến khi tường thủng đủ để đưa 4 nạn nhân mắc kẹt bên trong ra ngoài. Trong suốt quá trình đó, Anh Tuấn đứng dưới giữ thang, mặc cho gạch đá rơi lả tả xuống đầu; trong khi Kim Long hỗ trợ tìm thang dây và đưa các nạn nhân thoát ra ngoài.  
Tương tự, gần thời điểm này năm ngoái, tại vụ cháy ở chung cư mini Khương Hạ, nam shipper Đăng Văn cũng đã tham gia cứu hộ vụ cháy với trang bị chỉ là một chiếc mũ bảo hiểm, một chiếc khẩu trang và một chiếc búa từ cảnh sát. Dù vậy, anh đã thành công cứu sống được 9 người dân. Kể cả khi được nhiều người tán dương, anh Văn cũng chỉ nói rằng “Đừng gọi tôi là người hùng”.
Hay trước đấy nữa, chúng ta từng chứng kiến hành động của tài xế Ngọc Mạnh cứu lấy em bé ba tuổi rơi từ tầng 13 của căn chung cư ở Thanh Xuân, ở độ cao hơn 30m. Khi nhìn thấy bé gái treo lơ lửng bằng một tay ở trên cao, anh đã ngay lập rời khỏi xe, nhìn cấu trúc tòa nhà, từ đó nhanh chóng phán đoán được cháu bé sẽ rơi xuống đường chỗ mái tôn. Không chần chừ, anh Mạnh bật qua tường, leo đến chỗ mái tôn để có thể đỡ bé.  
Kể về khoảnh khắc ấy, anh Mạnh chia sẻ như sau: “Lúc đấy mình suy nghĩ là cứ đứng vững trước đã, xong phải quan sát được cháu trước, để nếu cháu rơi thì mình có thể chủ động được… nhưng mái tôn khá là trơn và nghiêng; không đứng được vững. Đang cố loay hoay tìm cách đứng vững thì nghe tiếng mọi người hét. Giật mình mới theo phản xạ lao ra đón cháu thôi.” 
“Lúc đỡ được cháu, đầu cháu nằm trên tay phải của tôi, hai chú cháu nằm lõm một vệt trên mái tôn. Thấy cháu khóc và hoảng loạn, tôi dỗ: “Chú xin con”, sau đó tôi gọi bảo vệ và bàn giao cháu bé. Tất cả chỉ diễn ra trong khoảng 1 phút. Đến giờ nghĩ lại vẫn còn rùng mình, không tin đã cứu được cháu”.
Hình ảnh bé gái lơ lửng trên tầng cao trước khi rơi xuống dưới - Ảnh: Facebook

Hình ảnh bé gái lơ lửng trên tầng cao trước khi rơi xuống dưới – Ảnh: Facebook
Từ những câu chuyện trên, chúng ta thấy được đặc điểm chung của những người hùng thường nhật là họ hành động vì nghĩ đây là điều nên làm, chứ không vì mục đích cá nhân hay mong muốn gây ảnh hưởng, nhưng chính những hành động này lại có tính lan tỏa và tạo ra tác động lớn đến xã hội. 
Dù vậy, chúng ta không nên nghĩ rằng những hành động anh hùng như vậy chỉ diễn ra “bộc phát” trong những khoảnh khắc “thập tử nhất sinh”. Lựa chọn làm anh hùng còn là một cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ, nơi người hùng thường nhật phải đưa ra những quyết định khó khăn để được sống đúng với bản thân mình. 
Chẳng hạn như người thợ may Rosa Parks – người đã trở thành biểu tượng của phong trào chống kỳ thị người da đen khi cô từ chối nhường ghế trên xe buýt cho người da trắng. Vào thời điểm đấy, luật pháp của bang Alabama, Mỹ nơi Rosa sinh sống quy định người da đen phải ngồi trên hàng ghế khác với người da trắng, và phải nhường chỗ cho người da trắng nếu không còn đủ ghế. 
Nhưng Rosa đã chọn không chấp hành theo quy định này, dù điều đó đồng nghĩa với việc cô bị bắt, bị buộc tội vi phạm sắc lệnh của địa phương và bị đuổi việc. Dù vậy, Rosa, với sự giúp sức của NAACP – Hiệp hội quốc gia vì sự tiến bộ của người da màu – đã kháng cáo bản án sơ thẩm. Vụ án này, từ đấy, đã tạo nên một chuỗi phản ứng cộng đồng vô cùng sôi sục. Cuộc tẩy chay xe buýt công cộng của người da đen ở Montgomery kéo dài 381 ngày, đánh dấu cuộc biểu tình quy mô lớn đầu tiên tại Mỹ chống lại nạn phân biệt chủng tộc. Cuối cùng, Tòa án Tối cao đã phải loại bỏ luật ưu tiên với người da trắng trên hệ thống xe buýt công cộng ở Alabama. 

Điều đáng chú ý ở đây là Rosa không phải là trường hợp đầu tiên từ chối nhường ghế, nhưng cô là người duy nhất dám kháng cáo, dù cô hiểu rõ những rủi ro có thể đến như bị quấy rối, hành hung, thậm chí là thủ tiêu,…
Hay những ví dụ khác tại Việt Nam như trường hợp thầy giáo Nguyễn Thận dành 15 năm cuộc đời để đi giành công lý và giải oan cho người tù thế kỷ Huỳnh Văn Nén – người học trò của thầy đã bị tuyên án là giết người và chịu tù chung thân. Nhận thấy vụ án có nhiều kẽ hở chưa được làm rõ, trong suốt 15 năm, thầy Thận đã vác đơn ngược xuôi kêu oan cho gia đình học trò. 
Thầy chia sẻ về trải nghiệm này như sau: “Nói đến nỗi ám ảnh thì có, có khi tôi cảm thấy bất lực, có lúc tôi thấy kiệt quệ, kể cả về kinh tế, về sức khỏe. Nhưng tôi có một niềm tin. Đôi lúc tôi như cảm thấy tôi là người bị nỗi oan ức đó. Cho nên, nó ám ảnh dai dẳng khi mà tôi cố chứng minh sự thật.”
Hay trường hợp giáo viên Trần Thị Phương Nhung, công tác tại trường Tiểu học Nam Trung Yên, đã lên tiếng trước sự “lấp liếm” của hiệu trưởng và hiệu phó trường xoay quanh tai nạn gãy chân của học sinh. Theo đó, hai vị hiệu trưởng và hiệu phó này đã lái xe vào trường học, dẫn đến tình huống đáng tiếc ở trên. Nhưng thay vì nhận lỗi, cả hai đã cố tình che lấp sự việc bằng cách yêu cầu các giáo viên ký vào bản khảo sát không thấy xe trong trường. 
Dù vậy, cô Nhung và một vài người bạn đã từ chối, đồng thời gặp báo chí để đưa vụ việc ra ánh sáng. Việc công khai chống lại cấp trên như vậy đòi hỏi nhiều dũng cảm, nhưng với cô Nhung, có một thứ còn quan trọng hơn nỗi sợ bị tập thể quay lưng, bị đào thải; đó chính là danh dự. Như điều mà cô chia sẻ với báo Vietnamnet là “Nhân phẩm của giáo viên chúng tôi đang bị chà đạp. Chúng tôi không còn đủ tự tin để đứng trước phụ huynh nữa.”
Cô giáo Trần Thị Thu Nhung

Cô giáo Trần Thị Thu Nhung
Có thể thấy điểm cốt yếu quan trọng nhất mà mỗi anh hùng thường nhật đều thể hiện, chính là niềm tin vào điều đúng đắn. Những người hùng này không làm điều gì quá cao siêu, họ không giải cứu thế giới. Nhưng sau hành động của họ, thế giới, hay ít nhất là cộng đồng nơi họ sinh sống cũng không còn như cũ. Những người hùng thường nhật trở thành những “trường hợp đặc biệt” để người khác nhìn vào, để ngẫm về bản thân, và để một lần nữa định nghĩa lại về đâu là điều đúng đắn, đâu là điều nên làm.

Vì sao chúng ta cần những người hùng “kiểu mới”?

Ngày nay chúng ta sống trong những thiết chế xã hội được quản lý bởi chính phủ. Những vấn đề mà anh hùng được cho là sẽ giải quyết, như chiến tranh, thiên tai, khủng bố,… là những vấn đề thuộc về phạm vi quốc gia, thậm chí cần đến những can thiệp quốc tế. Việc tập trung quyền lực vào tay các thể chế nhà nước, một mặt tạo ra sự ổn định về kinh tế – xã hội, một mặt cũng khiến ảnh hưởng của mỗi cá nhân dường như trở nên vô cùng nhỏ bé. “Tôi có thể thấy các tin tức tiêu cực xuất hiện trên báo đài hàng ngày, nhưng tôi thì làm được gì cơ chứ?” 
Sự ra đời của anh hùng thường nhật sẽ giúp ta trả lời câu hỏi này, thể hiện trong ba khía cạnh chính: 

Giải quyết vấn đề xã hội một cách tự thân 

Các ví dụ trên đều cho thấy rằng những giải pháp mà các người hùng thường nhật thực hiện đều mang tính cá nhân – tức (1) họ liên quan trực tiếp/gián tiếp đến vấn đề đang diễn ra; và (2) họ lựa chọn hành động để giải quyết vấn đề đấy.
Về ý (1), ta thấy rõ điều này trong trường hợp của cô giáo Nhung. Là giáo viên của trường tiểu học Nam Trung Yên và là chủ nhiệm của học sinh bị gãy chân, cô Nhung có góc nhìn từ bên trong hệ thống nhà trường và từ lời kể của học sinh, để nhận biết có gì đó khuất tất trong sự việc. Nếu không phải cô Nhung thì để giải quyết vấn đề này, cũng sẽ cần sự tham gia của các bên liên quan như giáo viên trong trường hay gia đình học sinh. 
Hoặc, trong trường hợp các đám cháy ở Trung Kính và Thanh Xuân, việc xuất hiện gần địa điểm đám cháy, hay có người thân ở trong tòa nhà diễn ra hỏa hoạn, là yếu tố then chốt khiến những người hùng hành động. 
Dù vậy, nếu nhìn vào thực tế, ta có thể thấy rằng không ít thì nhiều ta luôn có “dính dáng” đến một vấn đề xã hội nào đấy. Đó có thể là ô nhiễm môi trường, quấy rối tình dục nơi công sở, bất bình đẳng giáo dục trong trường học, hay bạo lực trong gia đình,… 
Điều này dẫn đến ý (2) về việc cùng một sự kiện, với nhiều người liên quan, nhưng không phải ai cũng lựa chọn hành động. Lý do có thể là vì giới hạn nguồn lực (vật chất, thể chất hay tinh thần) khiến họ lựa chọn trông cậy vào một giải pháp đến từ bên ngoài (từ cơ quan chức năng, từ tôn giáo hay các tín ngưỡng dân gian). 
Nhưng chính bản chất của việc có hành động hay không mới tạo nên định nghĩa về anh hùng thường nhật. Một người cần tin rằng đây là vấn đề của mình, và tự mình cần có cách giải quyết, trước khi trông cậy vào bất cứ nguồn lực nào từ bên ngoài. Hiểu như vậy, thì dù chúng ta không thể trở thành Lý Quang Diệu (Thủ tướng đầu tiên của Singapore, người đưa đảo quốc này trở thành cường quốc chỉ trong vòng 30 năm) hay Martin Luther King (nhà lãnh đạo phong trào dân quyền bất bạo động, chủ nhân giải Nobel hòa bình), chúng ta vẫn có thể đóng góp những giá trị tích cực đến cộng đồng nơi ta sinh sống.
Việc một người không lựa chọn hành động để giải quyết vấn đề mà mình liên hệ đến, cũng dẫn đến ý thứ hai về: 

Thế giới trở nên tệ hơn vì chúng ta cho phép điều xấu xảy ra

Vị hoàng đế nổi tiếng của Pháp – Napoléon Bonaparte đã có câu nói nổi tiếng như sau: “Thế giới trở nên tồi tệ hơn, không phải vì sự tàn bạo của những kẻ xấu, mà vì sự im lặng của những người tốt”.
Nói về điều này, Đặng Hoàng Giang có hai ví von mà mình thấy rất hay là: 
1. Chọn không “Sống chung với lũ” 
Thành ngữ này được dùng để chỉ cách sống, lối sống hòa hợp với khó khăn, nguy hiểm. Đặt vào bối cảnh xã hội hiện tại, chúng ta thấy quan điểm này hiển hiện trong cách nhiều người lựa chọn im lặng trước những cái xấu đang diễn ra. 
Như Đặng Hoàng Giang chia sẻ rằng “Tôi biết nó tệ, nhưng tôi vẫn phải “sống chung” với nó, không thể đi ngược lại. Trách nhiệm không thuộc về tôi, mà trách nhiệm thuộc về bên ngoài, ở tập thể, ở môi trường…. Đám đông có thể sai, nhưng vì đó là đám đông nên tôi vẫn lựa chọn đi theo.” 
Tất nhiên, đi ngược lại đám đông để làm điều đúng luôn là một hành động đòi hỏi rất nhiều sự dũng cảm, và kết quả không phải lúc nào cũng “ở hiền thì sẽ gặp lành”. 
Điều này khiến mình nhớ đến câu chuyện của thầy giáo Đỗ Việt Khoa. Năm 2006, thầy Khoa đã một mình đứng ra quay video bằng chứng tố cáo hiện tượng tiêu cực tại Trường THPT Phú Xuyên A, cho thấy rõ hình ảnh giáo viên bỏ vị trí coi thi, nhân viên phục vụ thi giải bài cho thí sinh… Sau khi công bố bằng chứng này, phong trào Nói không với bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử được phát động mạnh mẽ trong ngành giáo dục. Thầy cũng nhận được bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo về thành tích dũng cảm chống tiêu cực thi cử.
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa

Thầy giáo Đỗ Việt Khoa
Nhưng 10 năm sau, mọi việc đâu lại vào đấy. Người hiệu trưởng mà thầy tố cáo chỉ nhận mức kỷ luật “rút kinh nghiệm” và tiếp tục tại vị. Thầy Khoa bị bôi nhọ, trù dập, không tăng lương đúng quy định, thậm chí bị đánh dằn mặt tại nhà, bị đe dọa không được can thiệp vào công việc nhà trường… con gái thầy thì bị trường từ chối nhập học. Cuối cùng khi không thể chịu đựng được nữa, năm 2010 thầy Khoa phải xin nghỉ dạy.
Năm 2015, khi VTC làm một buổi phỏng vấn với thầy nhân ngày 20.11, thầy Khoa có chua chát kể rằng cái làm thầy buồn nhất hóa ra lại là sự im lặng của những giáo viên đồng nghiệp, những người thầy đã tưởng là cùng lý tưởng với mình.
Cùng là một sự bức xúc trước những điều tiêu cực, nhưng không phải ai cũng dám lên tiếng về điều ấy. Nhiều người lựa chọn cách im lặng, sống chung với lũ, và cuối cùng trở thành một phần của cơn lũ ấy lúc nào không hay.
2. Việt Nam là một đoàn tàu đang đi tới tương lai, và chỉ có thể chạy khi mỗi người đều trả vé 
Đặng Hoàng Giang xem Việt Nam như một đoàn tàu đang đi tới tương lai. Đoàn tàu này chỉ có thể chạy được khi mỗi người đều trả vé. Nhưng thực tế có những người không mua vé, họ ngồi trên tàu và mong rằng những người khác sẽ mua vé, và khi tàu chạy, họ sẽ được hưởng lợi theo. 
Điều này có thể được hiểu theo việc mỗi người đều có cho mình trách nhiệm công dân. Trong bài viết “Bàn về sự tham gia quản trị nhà nước của người dân” trên tạp chí Dân chủ, Pháp luật, tác giả chỉ ra người dân có thể tham gia vào các quá trình ra quyết định, các hoạt động quản lý nhà nước thông qua : 
– Xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật qua đại biểu trong các cơ quan đại diện (Quốc hội, Hội đồng nhân dân), các tổ chức chính trị – xã hội mà mình tham gia hoặc qua các phương tiện thông tin đại chúng
– Giám sát, phản biện xã hội qua đơn, thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân nhận được và qua phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng
Như vậy, hiểu về trách nhiệm công dân là hiểu về việc mỗi người không đứng ngoài cuộc trước những vấn đề xã hội hiện hành. Và dù chúng ta có nghĩ rằng bản thân bất lực đến đâu, sự thật là ta có khả năng và trách nhiệm để giải quyết những vấn đề ấy. 

3. Xã hội cần những hình mẫu người hùng mới 

Chúng ta lớn lên với những hình mẫu anh hùng trong truyền thuyết, như Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt đánh tan quân thù, hay Superman bất khả chiến bại,…. Nhưng những hình mẫu này không thật, vì vậy dù ta có thể học về tư duy đạo đức của superman, ta cũng không thể hành động như superman. Để tạo ra những bài học thực tế hơn, có tính ứng dụng hơn, chúng ta cần những hình mẫu anh hùng mới – chính là những anh hùng thường nhật. 

Trở thành anh hùng thường nhật như thế nào? 

Giáo sư tâm lý học Mỹ Philip Zimbardo – người đã thực hiện thí nghiệm nhà tù Stanford nổi tiếng, người phát hiện ra hiệu ứng lucifer và là founder của dự án Heroic Imagination (dự án tập trung vào tập huấn, xây dựng cộng đồng để tạo ra những người hùng kiểu mới), đã chia sẻ về hai bước để trở thành anh hùng là :
Hành động: Từ bị động/im lặng/quan sát sự việc xấu diễn ra thành tác nhân hành động để ngăn chặn sự việc ấy 
Đại diện cho cộng động/xã hội: Hành động lấy xã hội làm lợi ích chung (sociocentrism), thay vì chỉ hướng đến lợi ích cá nhân (egocentrism)
Phát triển theo hai ý ở trên của Zimbardo, có những cách thức sau để thúc đẩy sự xuất hiện của những anh hùng thường nhật là: 

Giáo dục về hành động anh hùng

Giáo sư Zimbardo, từ nghiên cứu về hiệu ứng lucifer, đã rút ra kết luận rằng không có ai sinh ra với bản chất xấu xa hoàn toàn, mà hoàn cảnh họ được đặt vào sẽ quyết định họ có trở nên xấu xa hay không. Giáo sư cho rằng điều này cũng đúng với trường hợp ngược lại, khi một người được đặt vào một tình huống phù hợp, họ cũng có thể thực hiện những hành động anh hùng.  
Vì vậy, theo giáo sư, điều quan trọng là giáo dục để mỗi người nhận biết được đâu là những tình huống mà mình cần hành xử đúng đắn, thay vì bị kéo theo những tư tưởng sai lệch. Việc có những hình mẫu mới về anh hùng thường nhật (với những hành động như giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn, lên tiếng trước thực trạng xã hội,…) sẽ giúp các cá nhân khác có hình dung cụ thể về những hành xử cần có trong các tình huống tương tự.
Một nghiên cứu năm 2018 về cuộc diệt chủng năm 1994 ở Rwanda giữa hai sắc tộc Hutu và Tutsi cũng đưa ra kết luận tương đồng. Khi tìm hiểu về lý do vì sao nhiều người Hutu đã bất chấp nguy hiểm để cứu sống người Tutsi, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng một trong các tác nhân chính dẫn đến hành động này là xã hội hóa – quá trình một người được học tập/hướng dẫn để hành động hay cư xử theo cách mà xã hội cho là phù hợp. 
Theo đó, hai phần ba người khảo sát đã chia sẻ rằng việc nhìn thấy bố mẹ, ông bà cứu sống những người Tutsi trong các cuộc tranh chấp trước đây đã khiến họ có động lực để hành động tương tự.  
Yếu tố này cũng có thể gợi mở thêm cho câu chuyện “sống chung với lũ”, khi ta có thể phần nào đưa ra nhận định rằng những người lựa chọn im lặng là vì họ không được giáo dục, truyền thông về những hành xử đúng đắn trong các tình huống đấy. Việc thiếu đi những hình mẫu anh hùng thành công khiến họ lo lắng rằng nếu hành xử khác đi, họ sẽ phải chịu những “hình phạt” từ xã hội. 

Hạn chế stress và lo âu

Chúng ta biết rằng stress và lo âu ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần; nhưng tình trạng này kéo dài còn ảnh hưởng đến những tố chất cần có của một anh hùng thường nhật. 
Cụ thể, một nghiên cứu vào năm 2015 đã chỉ ra rằng những người có mức độ âu lo cao hơn thì cũng có mức độ duy kỷ (egocentrism) – tức chỉ quan tâm đến bản thân – cao hơn. Về cơ bản, khi một người lo lắng, người ấy thường có cảm giác không chắc chắn về sự vật/sự việc xung quanh mình, vì vậy họ chọn rút về vùng an toàn. Điều này cũng có nghĩa là họ trở nên tập trung vào bản thân hơn, và ít thấu cảm với người khác hơn. Nghiên cứu cho thấy khả năng thấu cảm của một người giảm nhiều nhất khi họ đối mặt với căng thẳng và lo âu, nhiều hơn cả những cảm xúc tiêu cực khác như tức giận hay chán ghét.
Một nghiên cứu khác vào năm 2022 trên Tạp chí Khoa học thần kinh cũng xem xét ảnh hưởng của căng thẳng lên khả năng đưa ra các quyết định nhân đạo. Kết quả là khi mức độ lo âu tăng cao thì mức độ quyên góp từ thiện của những người tham gia cũng giảm mạnh.
Như vậy, có thể thấy khi một người chịu mức độ căng thẳng và âu lo cao, họ sẽ chịu ba hệ quả là (1) khép kín hơn, không sẵn sàng thử những điều mới, (2) giảm mức độ thấu cảm và từ đó dẫn đến (3) hạn chế đưa ra các quyết định/hành động đạo đức. Trong khi đó, cả ba yếu tố trên đều là điều kiện kiên quyết để tạo nên anh hùng thường nhật.
Phát hiện này cũng có thể cho ta một góc nhìn mới về tầm quan trọng của an sinh xã hội trong việc sản sinh ra những anh hùng thường nhật. Việc người dân được đảm bảo về các quyền lợi cơ bản sẽ giúp họ có được sự an tâm về mặt tinh thần, để có thể lo được cả việc nhà lẫn việc nước. 

Hiểu về giá trị và lý tưởng mà bản thân muốn theo đuổi

Một nghiên cứu năm 2019 đã tìm thấy mối tương quan đặc biệt giữa self-esteem (tức sự tự đánh giá, tự nhận xét, tự hiểu về giá trị của bản thân) với ý thức về lý tưởng sống và khả năng thấu cảm của một người. Tức là, một người sẽ có khả năng thấu cảm, thấu hiểu cho người khác nếu người ấy cũng hiểu rõ về những giá trị và lý tưởng mà bản thân hướng đến. Bên cạnh đó, việc hiểu bản thân cũng giúp người ấy tự tin hơn trong việc đưa ra những quyết định độc lập, không bị ảnh hưởng bởi tư duy đám đông. 
Điều này có thể giải thích rõ hơn qua hiệu ứng người ngoài cuộc (Bystander effect). Theo đó, thay vì hành động để giải quyết vấn đề, hiệu ứng người ngoài cuộc chỉ ra rằng một người sẽ có tâm lý chờ đợi người khác hành động trước. Điều này diễn ra không phải vì người ấy bàng quan, hời hợt, mà vì họ lo sợ những rủi ro có thể có khi thực hiện hành động ấy đầu tiên. Nếu có một người bắt đầu, khả năng cao là đám đông sẽ làm theo. 
Việc có cho mình một hệ giá trị và lý tưởng vững vàng sẽ giúp một người vượt lên được hiệu ứng người ngoài cuộc, để tự tin hành động theo lý tưởng mà mình tin là đúng. Đây cũng là yếu tố kiên quyết của một anh hùng thường nhật.   
Đặng Hoàng Giang cũng nói về yếu tố này qua việc những anh hùng thường nhật tự chủ “lựa chọn” hành động của mình. “Ông Nguyễn Thận đã lựa chọn 15 năm của ông ấy và ông ấy hạnh phúc với lựa chọn đấy…Chị Nhung chắc chắn là hài lòng, yên tâm vào lựa chọn của mình, và không coi hành động đấy là sự hy sinh. Đó là hành động cần thiết để căn tính của chị ấy được bảo đảm. Nếu chị không làm việc đó thì chị không phải là chị nữa.”
Thầy giáo Nguyễn Thận cùng học trò Huỳnh Văn Nén đã được giải oan sau 17 năm tù

Thầy giáo Nguyễn Thận cùng học trò Huỳnh Văn Nén đã được giải oan sau 17 năm tù
Hiểu theo cách này, để trở thành anh hùng thường nhật, chúng ta cần xây dựng cho mình một hệ giá trị đúng – sai để hướng tới, một căn tính để bảo vệ.

Tìm được cộng đồng cùng chung hệ giá trị 

Rõ ràng là hành trình trở thành một người anh hùng thường nhật có thể rất cô đơn và rủi ro, như trường hợp của thầy giáo Khoa được nhắc đến ở trên. Việc có một cộng đồng có chung hệ giá trị sẽ giúp những anh hùng thường nhật có được điểm tựa về tinh thần và vật chất (những nguồn lực tài chính hay sự hỗ trợ về mặt luật pháp, giáo dục,…). 
Tất nhiên kể cả khi đơn độc thì anh hùng thường nhật vẫn sẽ hành động theo những điều họ tin, dù có khó khăn đến đâu. Nhưng nhìn rộng hơn, chúng ta cũng hiểu rằng những vấn đề ở cấp quốc gia sẽ cần đến sự chung tay của số đông. Chúng ta không thể cứu được môi trường, ủng hộ quyền cho những nhóm yếu thế,… nếu ta chỉ có một mình. Thay vào đó, ta cần một cộng đồng có cùng mối quan tâm. Đó có thể là bạn bè của ta, những người ta ngưỡng mộ, những đội nhóm đang hoạt động trong cùng lĩnh vực,… 
Có thể ngay lúc này bạn chưa tìm thấy được cộng đồng của mình, nhưng nếu kiên trì với lý tưởng của bản thân, mình tin bạn rồi cũng sẽ thu hút được những người có cùng suy nghĩ tương tự. Giống như câu chuyện không chịu nhường ghế xe buýt của Rosa Parks đã kéo theo hàng ngàn người xuống đường biểu tình phản đối phong trào chống phân biệt chủng tộc vậy. Vì chúng ta đâu thể biết hành động của mình có thể tạo được cộng hưởng như thế nào, đúng không?

Tạm kết 

Sau tất cả, bạn có thể nghĩ rằng những hình mẫu anh hùng thường nhật này vẫn không thực tế, vẫn là những người kỳ quặc, sống yên ổn không muốn mà cứ “vác tù và hàng tổng”.
Có thể nó không sai. Nhưng hãy hình dung lại một chút về thế giới mà chúng ta đang sống. Một thế giới đầy bấp bênh. Không ai biết trước liệu ngày mai mảnh đất căn nhà tôi ở có bị thâu tóm bởi một doanh nghiệp tư nhân nào đấy hay không, không ai biết liệu vùng biển nơi tôi sinh sống có một ngày bị xả thải đến mức cá chết thành đống hay không, không ai biết liệu danh tính của tôi/những điều tôi tin tưởng có một ngày bị hủy hoại chỉ vì đi ngược lại với những người có quyền lực hay không…. Không ai biết, nhưng biết đâu một ngày nào đấy sự việc ấy có thể xảy ra. Vì nó đã và đang diễn ra. 
Bạn có thể chọn. Nhưng đừng nghĩ rằng “chắc nó chừa mình ra”.