Các nhà khoa học Caribean biến rong biển gây hại thành nhiên liệu chạy xe

Các nhà khoa học Caribean biến rong biển gây hại thành nhiên liệu chạy xe đống rong mơ xấu xí trôi dạt từ biển Sargasso

Khi số lượng lớn tảo biển xâm lấn dạt vào bờ biển Caribean năm 2011, người dân địa phương đã vô cùng lúng túng.

Không lâu sau đó, những đống rong mơ xấu xí trôi dạt từ biển Sargasso đã phủ kín bờ biển khu vực. Ô nhiễm kết hợp với nước biển ấm hơn dẫn đến tăng đột biến số lượng rong mơ. Khi đám rong mơ phân hủy, chúng còn tỏa ra mùi vô cùng khó chịu.

Bà Legena Henry tại Đại học West Indies (Barbados) bổ sung: “Du lịch địa phương chịu thiệt hại nặng nề bởi rong biển, các khách sạn phải chi rất nhiều tiền để xử lý nó. Rong mơ gây ra khủng hoảng”.

 Rong mơ phủ kiến một bờ biển.
Rong mơ phủ kiến một bờ biển. (Ảnh: El País).

Rong mơ không chỉ ảnh hưởng đến ngành du lịch, nó còn đe dọa sức khỏe con người qua chất khí hydrogen sulphide chúng tỏa ra khi phân hủy. Ngoài ra, nhiều loài sinh vật địa phương cũng chịu tác động của đám rong mơ trên bờ biển.

Việc giải quyết đám rong mơ khổng lồ là bài toán khó với những hòn đảo du lịch nhỏ có nguồn lực hạn chế. Năm 2018, Thủ tướng Barbados khi đó, ông Mia Mottley tuyên bố rong mơ là tình trạng khẩn cấp quốc gia.

Nhưng hiện nay, một nhóm nhà khoa học và nhà môi trường học Caribbe tiên phong kỳ vọng có thể xử lý vấn đề này qua việc chuyển rong mơ gây rắc rối thành nhiên liệu sinh học sinh lợi. Họ gần đây đã ra mắt phương tiện chạy bằng khí thiên nhiên nén. Nhiên liệu được tạo ra tại Đại học West Indies ở Barbados này cũng sử dụng cả nước thải từ nhà máy rượu, cùng phân loài cừu địa phương vốn có sinh vật kỵ khí quan trọng.

Đội ngũ nghiên cứu khẳng định mọi loại ô tô đều có thể chuyển sang sử dụng khí sinh học này nhờ quá trình lắp ráp đơn giản và không tốn kém kéo dài khoảng 4 tiếng đồng hồ. Tổng chi phí dự kiến vào khoảng 2.500 USD.

Các nhà nghiên cứu ban đầu dự định dùng mía để tạo nhiên liệu sinh học giúp Barbados hướng đến mục tiêu phát thải bằng 0. Tuy nhiên, nhà sáng lập dự án Legena Henry cho biết mặc dù Barbados vẫn là một trong số ít hòn đảo còn trồng mía nhưng số lượng dường như chưa đủ cho mục tiêu của đội nghiên cứu.

Trong khi đó, rong mơ lại không bao giờ thiếu. Một trong những học sinh của bà Henry tại Đại học West Indies, Brittney McKenzie đã đề xuất ý tưởng sử dụng rong mơ làm nhiên liệu sinh học.

Cô sinh viên Brittney sau đó nhận nhiệm vụ thu thập rong từ bãi biển và lập một lò phản ứng sinh học mini để thực hiện nghiên cứu ban đầu. Brittney chia sẻ: “Chỉ trong 2 tuần, chúng tôi đã thu được kết quả khá tốt”.

Đội nghiên cứu đã đăng ký sở hữu trí tuệ cho công thức của họ và vào năm 2019 trình bày dự án với các nhà đầu tư tiềm năng bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York (Mỹ). Nhiều đơn vị đã cấp vốn cho dự án của họ, trong đó có tổ chức phi lợi nhuận Mỹ Blue Chip Foundation với 100.000 USD.

Dự án này còn là ví dụ cho thấy các quốc gia vùng Caribean đang nỗ lực tự xây dựng tương lai môi trường của họ.

Related Posts

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *