Thẩm định Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh: Xác định các ‘điểm nghẽn’ phát triển

Tháng sáu 12, 2024

Thẩm định Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh: Xác định các ‘điểm nghẽn’ phát triển

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cần xác định các “điểm nghẽn” phát triển và tiềm năng, lợi thế, cơ hội của Thành phố Hồ Chí Minh trong kỳ quy hoạch.

Thẩm định Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh: Xác định các 'điểm nghẽn' phát triển
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN)

Phát biểu tại Hội nghị thẩm định Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổ chức ngày 12/6, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh được lập và hoàn thiện trong bối cảnh có nhiều thuận lợi.

Đó là Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt các quy hoạch ngành quốc gia (nhất là các quy hoạch về hạ tầng giao thông, điện, năng lượng, thủy lợi…) và Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050…

“Đây là những định hướng quan trọng để Thành phố Hồ Chí Minh cụ thể hóa thành những khát vọng phát triển thông qua quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt của cả nước, là cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ. Đồng thời, thành phố là đầu tàu, động lực, có sức hút và sức lan tỏa lớn của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

Thành phố Hồ Chí Minh chỉ chiếm 0,6% diện tích cả nước, dân số 9,2 triệu người chiếm khoảng 9% dân số cả nước nhưng đóng góp gần 20% GDP và 25% thu ngân sách cả nước. GRDP của thành phố chiếm khoảng 54% GRDP của vùng Đông Nam Bộ.

Tuy nhiên, Thành phố Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể là tiềm năng, thế mạnh, năng lực đột phá, sáng tạo của Thành phố Hồ Chí Minh chưa được khai thác hiệu quả. Vai trò đầu tàu, động lực dẫn dắt có chiều hướng chững lại trong những năm gần đây.

Tiếp đến, mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế của thành phố chậm đổi mới; tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP thấp hơn trung bình cả nước, có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây. Chất lượng tăng trưởng và năng suất lao động thấp (đóng góp của năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) giai đoạn 2011-2020 vào tăng trưởng của Thành phố thấp hơn trung bình cả nước).

Tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế giảm dần (từ 25% năm 2015 xuống 22,06% năm 2022); cơ cấu nội ngành công nghiệp lạc hậu, dựa chủ yếu vào các ngành thâm hụt lao động như điện tử (28%), da giày (25%). Dịch vụ chủ yếu dựa vào thương mại, vận tải (44%); các ngành dịch vụ cao cấp mang tính chiến lược như: tài chính, y tế, giáo dục, du lịch… chưa đóng vai trò chủ đạo.

Cùng với đó, tổ chức không gian phát triển còn nhiều bất cập, hạ tầng chưa đồng bộ; quỹ đất phát triển công nghiệp ít, không gian phát triển các khu công nghiệp chưa phù hợp, dẫn tới việc thu hút đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp còn gặp khó khăn.

Hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ, với vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng kinh tế của cả nước còn hạn chế. Do đó, Thành phố Hồ Chí Minh cần có cơ chế, chính sách và đầu tư hạ tầng phù hợp để duy trì lợi thế cửa ngõ quốc tế của Thành phố Hồ Chí Minh khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động.

Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng đô thị bị quá tải so với sự gia tăng nhanh của dân số; hạ tầng khung đô thị, đặc biệt là hạ tầng ngầm chậm được phát triển, dẫn đến chất lượng sống của người dân đô thị chưa cao. Vấn đề tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường và ngập lụt ngày càng gia tăng trong bối cảnh tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Thẩm định Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh: Xác định các 'điểm nghẽn' phát triển
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN)

Công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch đô thị còn nhiều hạn chế; cấu trúc không gian đô thị chưa phù hợp với một đô thị cực lớn và siêu thành phố trong tương lai, chưa khai thác hết các tiềm năng, lợi thế của một đô thị ven sông, hướng biển.

Để giúp Thành phố Hồ Chí Minh hoàn thiện hồ sơ quy hoạch có chất lượng cao nhất, Tư lệnh ngành kế hoạch và đầu tư đề nghị các thành viên Hội đồng thẩm định, các chuyên gia phản biện cho ý kiến tập trung vào một số nhóm vấn đề chính.

Trước mắt, Thành phố Hồ Chí Minh cần xem xét về sự phù hợp với quy định tại Điều 32 của Luật Quy hoạch về nội dung thẩm định quy hoạch, bao gồm: sự phù hợp với nhiệm vụ lập quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; việc tuân thủ quy trình lập quy hoạch quy định tại khoản 4 Điều 16 của Luật Quy hoạch và tích hợp các nội dung đề xuất của các sở, ban, ngành và Ủy ban Nhân dân cấp huyện đưa vào nội dung quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh.

Tiếp đến cho ý kiến về nội dung Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó lưu ý một số nội dung về vị thế, vai trò của thành phố đối với vùng, quốc gia; đồng thời, xác định các “điểm nghẽn” phát triển và tiềm năng, lợi thế, cơ hội của thành phố trong kỳ quy hoạch.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nội dung quy hoạch đã đủ mạnh, tương xứng với mục tiêu phát triển đầy tham vọng và những vấn đề, thách thức rất lớn mà Thành phố Hồ Chí Minh phải đối mặt và vượt qua; những vấn đề trọng tâm, các khâu đột phá trong thời gian tới.

Cùng với đó, việc luận chứng để chọn kịch bản tăng trưởng 8,5-9%, trong đó giai đoạn 2026-2030 là 9,5-10% cũng là thách thức rất lớn đối với thành phố. Thành phố Hồ Chí Minh cần có những đột phá và giải pháp gì để quy hoạch đảm bảo tính khả thi (trong khi tỷ trọng cơ cấu khu vực công nghiệp và xây dựng rất khiêm tốn, đến năm 2030, chỉ chiếm 26,3-27,3%, tăng không đáng kể so với năm 2020 là 25%).

Thẩm định Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh: Xác định các 'điểm nghẽn' phát triển
Trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh về đêm. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Bên cạnh đó, việc bố trí không gian phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch vùng. Cùng với đó, khai thác hết những tiềm năng, lợi thế, tạo động lực tăng trưởng mới nhằm khắc phục được những tồn tại, hạn chế của thời kỳ trước.

Bộ trưởng Dũng cũng lưu ý Thành phố Hồ Chí Minh có 2 hồ sơ quy hoạch cùng trình là Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh và Quy hoạch chung xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh. Hai hồ sơ quy hoạch này được thực hiện theo Luật Quy hoạch và Luật Quy hoạch đô thị. Bởi vậy, quy hoạch cần có sự thống nhất về quy mô dân số, định hướng phân bổ không gian, phân khu chức năng, hệ thống đô thị và nông thôn.

“Về các vấn đề xã hội, báo cáo quy hoạch cần tập trung vào vấn đề phát triển bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và vấn đề an sinh xã hội, giải quyết điểm nghẽn về chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo an ninh chính trị trên địa bàn,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ ra.

Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết dự thảo Báo cáo quy hoạch tập trung thể hiện rõ các định hướng phát triển của thành phố trên 5 nội dung: kinh tế xanh; đô thị sáng tạo; hạ tầng thông minh; xã hội văn minh; môi trường bền vững.

“Với những nỗ lực để đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch; bước đầu Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có kết quả tương đối tốt thể hiện ở dự thảo Báo cáo quy hoạch Thành phố cơ bản bám sát, đảm bảo phù hợp về mặt định hướng trong Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050…,” Chủ tịch Phan Văn Mãi cho hay.

Tại Phiên họp thẩm định ngày hôm nay, Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn nhận được ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng thẩm định, các chuyên gia phản biện để cùng nhau hoàn thiện hơn nữa hồ sơ quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh./.

Bạn đang đọc Tin tức xây dựng trên website hungday.com