Hà Nội: Triển khai các giải pháp phòng cháy chữa cháy trong ngõ sâu
Hà Nội: Triển khai các giải pháp phòng cháy chữa cháy trong ngõ sâu
(Xây dựng) – Thời gian gần đây, nhiều vụ cháy lớn đã xảy ra trên địa bàn Thành phố Hà Nội, gây hậu quả nghiêm trọng về cả người và tài sản, trong đó là các vụ cháy đều nằm bên trong những con ngõ, hẻm sâu, chật hẹp. Việc tăng cường các giải pháp phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ cho những khu vực này được Thành phố đặc biệt quan tâm.
Những công trình nhà ở, nhà trọ san sát nhau trong các con ngõ chật hẹp. (Ảnh: Hà Trần) |
Ngõ sâu khó tiếp cận khi xảy ra cháy
Khảo sát tại một số quận, huyện của Hà Nội, không khó để bắt gặp những con ngõ sâu, chật hẹp trên những con phố của Thủ đô. Nhiều ngõ hẹp tới mức chỉ rộng khoảng 1m, chỉ vừa một chiếc xe máy, người đi bộ phải lách nhau mới có thể đi được. Mặc dù vậy, đây lại là nơi sinh sống của nhiều hộ gia đình, cũng là địa điểm tồn tại nhiều loại hình nhà ở để kinh doanh.
Khi đi vào sâu trong các con ngõ, hẻm, hàng loạt các công trình nhà ở cao 5-7 tầng, nhà trọ cho thuê xuất hiện. Nhiều nhà trọ khi xây dựng ban đầu là nhà ở riêng lẻ, trong quá trình sử dụng thì chuyển đổi công năng để phục vụ nhu cầu ở của người dân. Nơi đây cũng là khu vực tập trung các hàng quán, phương tiện, mật độ dân cư luôn đông đúc. Chính những yếu tố này đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) khi có sự cố cháy nổ xảy ra.
Do nằm trong ngõ nên phương tiện chữa cháy chuyên dụng không thể tiếp cận hiện trường, đồng thời không có nguồn nước chữa cháy gần để sử dụng. Ngoài ra, việc kéo đường ống dẫn nước từ ngoài vào cũng không dễ dàng nếu ngõ, ngách quá sâu. Bên cạnh đó, hầu hết các cơ sở chỉ có 1 đường và lối thoát nạn, không có lối thoát nạn dự phòng. Nhiều gia đình làm rào chắn giăng dây thép gai để chống trộm đã vô tình bịt các lối thoát hiểm.
Theo lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ – Công an Thành phố Hà Nội, hiện Thành phố có hơn 1.200 tuyến phố không tiếp cận được bằng xe chữa cháy chuyên dụng. Đối với những ngõ ngách nhỏ, ngay cả xe chữa cháy mini nhỏ gọn cũng chưa có cách nào tiếp cận.
Mặt khác, các nhà trọ cao tầng thường có xu hướng dành tầng 1 làm nơi để xe máy. Khi lửa xuất phát từ khu vực này, khói xộc thẳng lên trên, lối thoát nạn duy nhất sẽ bị bịt kín. Thang thoát nạn cũng không đảm bảo, không có lối ra trực tiếp tại tầng 1 mà chỉ có thể đi qua khu vực để xe. Chính vì vậy đã xảy ra nhiều vụ việc thương tâm do cháy gây ra.
Thống kê cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn Thành phố xảy ra 487 vụ cháy, trong đó có 283 vụ cháy xảy ra đối với loại hình nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, chiếm 58% tổng số vụ cháy. Vụ cháy tại Khương Hạ (quận Thanh Xuân) hay tại ngách 43/98 phố Trung Kính (quận Cầu Giấy) làm nhiều người thiệt mạng tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự an toàn cháy nổ tại các nhà trọ, nhà ở cao tầng.
Nhiều giải pháp phòng cháy được áp dụng
Trên thực tế, kể từ thời điểm phát hiện có cháy đến khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp nhận được thông tin và có mặt tại hiện trường mất khoảng 10 – 15 phút (có thể lâu hơn tùy vào điều kiện giao thông, vị trí địa lý). Trong khi đó, “thời điểm vàng” trong công tác chữa cháy là dưới 5 phút kể từ khi đám cháy khởi phát.
Việc triển khai lực lượng, phương tiện chữa cháy chuyên nghiệp thường mất nhiều thời gian do các yếu tố khách quan. Do đó, theo nhiều chuyên gia, phát triển các mô hình tại chỗ như tổ liên gia an toàn PCCC hoặc điểm chữa cháy công cộng được xem là các giải pháp hiệu quả trong việc tận dụng thời gian vàng để chữa cháy.
Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ – Công an Thành phố Hà Nội cho rằng, 2 mô hình này là các giải pháp góp phần chủ động phòng ngừa, không để xảy ra cháy, nổ; giúp sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án để xử lý nhanh chóng, kịp thời, giảm thiệt hại khi có sự cố xảy ra.
Mô hình điểm chữa cháy công cộng được áp dụng tại nhiều khu vực ngõ, ngách của Hà Nội. (Ảnh: Hà Trần) |
Trong thời gian chờ lực lượng chức năng đến hiện trường, người dân và tổ liên gia PCCC chính là lực lượng chữa cháy cơ sở, là những người có thể bước đầu khống chế đám cháy, thực hiện công tác cứu hộ cứu nạn, ngăn chặn cháy lan (trong khả năng cho phép).
Trong thời gian vừa qua, các quận, huyện của Hà Nội đã nhanh chóng thành lập các tổ liên gia và phát huy hiệu quả của mô hình này, đồng thời thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, kiểm tra quá trình hoạt động và duy trì của các tổ liên gia.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân PCCC và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn, nhằm bổ sung kiến thức, năng lực, kỹ năng xử lý tình huống cháy, nổ, cứu người, cứu tài sản cho mọi tầng lớp nhân dân. Các thành viên của các tổ liên gia cũng như người dân sẽ được tăng khả năng “thường trực chiến đấu” với cháy nổ, phản xạ nhanh mỗi khi sự cố xảy ra.
Ngoài mô hình tổ liên gia, mô hình điểm chữa cháy công cộng được phát triển để phù hợp với những ngõ nhỏ, hẹp, sâu trên 50m để đáp ứng yêu cầu về công tác phòng cháy chữa cháy. Dựa vào điều kiện thực tế của khu vực mà điểm chữa cháy có thể được trang bị thêm các thiết bị hỗ trợ chữa cháy khác như lăng, đầu nối, vòi… Với những khu vực có ao hồ, bể nước thì có thể được trang bị thêm cả máy bơm chữa cháy. Tuy nhiên, mô hình này cần có giải pháp quản lý và bố trí thuận lợi để người dân có thể sử dụng các phương tiện chữa cháy bất kỳ khi nào cần đến.
Bên cạnh những giải pháp trên, tại quận Cầu Giấy, mô hình họng nước vách tường hiện đang được thí điểm tại một số khu vực thuộc phường Dịch Vọng. Mô hình gồm hàng chục họng nước và tủ vòi lăng được liên kết với nhau được triển khai thiết kế, lắp đặt. Các họng nước này đặt rải rác trong các ngõ sâu, nơi xe chữa cháy không thể tiếp cận được.
Khi có hỏa hoạn, nước sẽ được hút từ các bể ngầm trong khu dân cư thông qua máy bơm điện. Người dân có thể xử lý các đám cháy trên cao hoặc ở khoảng cách xa, giảm việc lan rộng đám cháy ra khu vực khác và giảm thiệt hại trong thời gian chờ lực lượng phòng cháy chữa cháy.
Đồng thời, lực lượng phòng cháy thay vì phải kéo hàng trăm mét vòi từ đường lớn vào sâu bên trong ngõ thì có thể đấu nối trực tiếp vòi vào các họng nước, giúp việc chữa cháy và cứu nạn cứu hộ diễn ra hiệu quả hơn. Trong thời gian tới, mô hình này sẽ được triển khai tại nhiều địa điểm khác nhằm hỗ trợ lực lượng PCCC và người dân khu vực xung quanh khi có cháy xảy ra.
Ngoài ra, các quận, huyện cần tiếp tục chủ động yêu cầu các chủ cơ sở, chủ đầu tư nhà trọ thực hiện ngay giải pháp ngăn cháy, ngăn khói giữa khu vực để xe và khu vực để ở; hướng dẫn người dân mở lối thoát nạn thứ 2; tổ chức các đợt diễn tập, kiểm tra hệ thống trang thiết bị phục vụ phòng cháy chữa cháy; nghiên cứu các phương án cụ thể phù hợp với tình hình hiện nay để huy động lực lượng, phương tiện trên địa bàn tham gia xử lý các vụ cháy, nổ, sự cố tai nạn nghiêm trọng.
Bạn đang đọc Tin tức xây dựng trên website hungday.com