Nghĩ về hòa bình từ Porco Rosso
Đàn sếu
Mười năm sau khi quả bom nguyên tử dội xuống Hiroshima, cô bé Sadako Sasaki gấp từng con sếu trên giường bệnh, và phép mầu đã không đến. Mười ba năm sau, 1968, một nhà thơ từ xứ Dagestan ở miền núi non Kavkaz thuộc Liên Xô tên là Rasul Gamzatov đến thăm bức tượng Sasaki nâng cánh sếu. Trên máy bay về nước, nghĩ về hình ảnh đàn sếu, Gamzatov bắc một chiếc cầu tới một ý thơ từ hai mươi năm trước, rằng những người lính đã ra đi vĩnh viễn tựa như đã hóa thành những đàn chim. Thế là cánh sếu của khát vọng sinh tồn và nguyện ước trẻ thơ trở thành cánh sếu sinh ly tử biệt. Bài thơ Zhuravli (Đàn sếu) ra đời, vốn trong tiếng mẹ đẻ Avar của Gamzatov, nhanh chóng được dịch sang tiếng Nga rồi phổ nhạc.
Lưng chừng chập tối hôm nay
Trong màn sương mỏng sếu bay ngang trời
Đội hình khăng khít không rời
Như trên chiến địa bóng người năm xưa.
— Đàn sếu – Rasul Gamzatov. Tự dịch từ bản tiếng Nga.
Góc nhìn của Sasaki hay Gamzatov tuy hai mà một: dù tượng trưng cho sinh tồn hay ly biệt, đàn sếu có lẽ đều bay tới hòa bình. Hòa bình để không còn những em thơ phải gấp sếu như Sasaki và không còn những người đứng tuổi phải hoài niệm về những cánh sếu mãi mãi tuổi hai mươi như Gamzatov.
Đọc tới đây, bạn nào chưa xem Porco Rosso thì chắc đang thắc mắc tại sao quảng cáo Lợn Đỏ nhưng lại thành sếu trắng. Còn bạn nào đã xem rồi chắc cũng đoán được tôi đang nghĩ đến cảnh nào.
Không đoàn bất tử
Tháng 3 vừa rồi, theo lệ (mới đặt ra) xuân thu nhị kỳ về rừng cũ, tôi tình cờ thấy rạp chiếu phim quen thuộc treo biển sắp chiếu lại Porco Rosso, nhưng lúc chiếu thì tôi quay lại thành phố mất rồi. Lần đầu xem cũng đã cách đây một thời gian, còn đọng lại vài nốt nhạc man mác trong đầu, sự ngưỡng mộ bạn Fio (quả là con nhà người ta) đến mức hơi phải lòng, màu xanh tự do vừa rộng vừa sâu, và tuyên ngôn trước quần hùng của Fio rằng thủy phi công như Porco cao quý hơn cả thủy thủ lẫn phi công bình thường, vì được cả biển xanh lẫn trời xanh thanh lọc tâm hồn. Kèm theo là cảm giác oaoooo phim này chạm đến thật nhiều chủ đề, mỗi chủ đề như một cái bánh để gặm dần, còn khi nào gặm thì tùy hứng.
Giờ thấy Porco Rosso tái xuất, tôi chưa kịp nghĩ xem mình nên gặm cái bánh nào thì trên tàu về, bất chợt trong đầu chầm chậm bật bài với giọng trầm ấm của Dmitry Khvorostovsky, hát vào năm 2016, khi ông nhận ra mình đã sắp thành sếu trắng bay ngang trời. Ô, không ngờ cảnh đó in sâu trong tiềm thức mình vậy ư, cảnh Marco (tức là Porco khi chưa là Porco) phiêu diêu, nhìn những phi công hy sinh, cả ta cả địch, im lặng bay lên gia nhập không đoàn bất tử dài vô tận. Anh gọi nhưng không ai nghe, xin thế chỗ nhưng không ai đáp, rồi từ từ lặn xuống dưới lớp mây (anh chủ ý, hay một động lực nào khác kéo anh xuống?) và trở lại thực tế. Vậy thì lần tới xem Porco Rosso, tôi sẽ nghĩ về điều đó. Nếu may mắn không phải trải qua chiến tranh như ở bao nơi khác ngay lúc này, hay ở những nơi thân quen nhưng có một độ lùi lịch sử về trước, thì nghĩ về hòa bình không chỉ là vì lẽ phải mà còn là để chia sẻ với Hayao Miyazaki, vì cũng từ điểm nhìn tương tự mà ông có tinh thần phản chiến xuyên suốt sự nghiệp. Vừa khéo, ở chỗ tôi cũng có rạp nổi hứng chiếu lại nhiều phim của Miyazaki, thế là tôi đi xem Porco Rosso, lần hai.
Lần này tôi để ý hơn tới việc trong không đoàn bất tử không có giới tuyến. Miyazaki vừa được dịp thỏa mãn niềm đam mê máy bay bằng việc giới thiệu máy bay từ mọi nền quân sự trong Thế chiến thứ nhất, vừa gợi những suy nghĩ về cách ngoảnh đầu nhìn lại một cuộc chiến. Chiến tranh có phi nghĩa có chính nghĩa, có kẻ thắng người thua, có ta có địch, nhưng khi đã trở thành mất mát, thì mất mát nào cũng đau đớn, và đau đớn thì cần một khoảng thời gian đủ dài để lành.
Tinh thần “mọi mất mát đều bình đẳng sau đủ lâu” lần đầu tôi gặp trong truyện Phong thần diễn nghĩa, đọc lén lút hồi lớp 7 trên cái iPad không phải của tôi. Cũng như Tam quốc, Phong thần vốn là một truyện truyền khẩu dân gian trước khi được viết thành tiểu thuyết chương hồi. Vốn quen với cách nghĩ lưỡng cực bất chấp đúng sai từ bé, kiểu như “Lưu Bị tốt, Tào Tháo xấu, Khổng Minh là số một nhưng xui, Tư Mã Ý dở ẹc nhưng may”, lúc đó tôi không thể hiểu nổi tại sao trong Phong thần, tướng lĩnh cả phe Chu lẫn phe Trụ chết trận đều được phong thần. Tướng phe Chu vừa phò chúa nhân hậu, vừa phần lớn là người ngay thẳng, còn tướng phe Trụ thì vừa phò hôn quân, lại vừa hay dùng thủ đoạn. Cuối cùng, chính Trụ Vương sau khi tự sát, cũng được phong thần nốt! Chính tà nhập nhằng ư? Hay là dân gian Trung Quốc sau mấy nghìn năm đã coi Trụ Vương thụ án lịch sử xong (án tử hình cũng có thời hạn?) và trả lại một chút quyền con người, trong trường hợp này là quyền được thành thần, cho ông?
Khoảng hai mùa hè sau, một lần bám đuôi chủ chiếc iPad đi long nhong ngoài bắc, tôi nghe được một cuộc nói chuyện giữa hai người bạn về Đại trai đàn bình đẳng chẩn tế ở cả ba miền của thiền sư Thích Nhất Hạnh hồi năm 2007 nhằm giải trừ oan khổ cho mọi nạn nhân chiến tranh, không chia âm dương, không chia những thứ “chia” khác. Trong cuộc nói chuyện đó, truyện Phong thần có được nhắc đến, và đó là lần đầu tiên tôi nhận ra Phong thần không chỉ để kể thắng thua. Kẻ thắng như đồng đội của Gamzatov cũng thành sếu, và nếu mượn tứ thơ của ông để kể chuyện Sasaki, thì em và bao nhiêu người dân xứ thua cuộc cũng hóa sếu bay đi. Từ Schindler’s List, Kim Lăng thập tam thoa, tới Mùi cỏ cháy, Em bé Hà Nội, rồi Grave of the Fireflies và The Boy and the Heron (Miyazaki, lại là bác!), cần bao nhiêu đại trai đàn để giải trừ hết oan khổ một cách bình đẳng, và quan trọng hơn, là nhắc những người còn sống không gây ra những bi kịch tương tự?
Một câu hỏi nữa: bao lâu là đủ độ lùi để coi mọi mất mát đều bình đẳng? Tôi hỏi nhưng chưa đủ hiểu biết để trả lời. Nhưng câu hỏi mang tính cộng đồng vừa rồi làm tôi nghĩ đến một câu hỏi mang tính cá nhân hơn, về Porco: bao lâu là đủ để những vết thương hậu chiến lành lại? Có lẽ tùy người và tùy điều kiện ngoại cảnh có giúp chữa lành không. Porco phần lớn chưa lành. Đêm Porco kể chuyện cho Fio là vào hè 1929, 11 năm sau trận chiến đưa phần lớn bạn bè ông gia nhập không đoàn bất tử. Ông tuy đã dịu giọng hơn bình thường nhưng vẫn mặn chát, đôi lúc nhát gừng, mô tả cảnh bạn ông và đối thủ “rụng như ruồi”, rồi nhắc lại một điều ông từng nói với Gina, “những người tốt chết hết”. Porco có vài vết thương hậu chiến khác nhau, có vết thương phần nào được chữa lành trong phim, nhưng có vết thương bị xé rộng ra thêm, như chuyện chính quyền phát xít Ý đang ngày càng quân sự hóa. Ông tuyên bố “làm lợn còn hơn phát xít” – nghe oai như “thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc!” Lần đầu tiên tôi đi xem phim mà thấy cả rạp vỗ tay giữa phim, đó là dành cho câu nói đó. Sau phần credit, sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, Porco lánh đời nhưng vẫn tung bay. Thế là thêm 17-18 năm nữa từ câu chuyện chính. Không biết lúc đó ông ra sao, còn vết thương nào chưa lành, chuyện cũ nào chưa gác lại được? Và ông có chủ động muốn mình lành không?
Dựng hòa bình, giữ hòa bình
Xem Porco Rosso và bảo ông ỉn này yêu hòa bình thì quá dễ, nhưng liệu hòa bình có dễ có không? Có dễ giữ không?
Tôi nhớ đến chuyện Lưu Chính Phong rửa tay gác kiếm trong Tiếu ngạo giang hồ. Ông muốn được danh chính ngôn thuận kết giao với người bạn tri âm tri kỷ là Khúc Dương của Nhật Nguyệt thần giáo để cầm tiêu hợp tấu khúc Tiếu ngạo giang hồ. Nhưng phái Hành Sơn của ông và toàn thể Ngũ Nhạc kiếm phái coi mình là chính phái, còn Nhật Nguyệt thần giáo là ma giáo, và hai bên thâm thù đã lâu. Lưu Chính Phong cũng tính năm tính bảy để giữ kín chuyện mình kết giao với Khúc Dương cho đến khi đã dứt khỏi giang hồ, nhưng sự bại lộ. Chính “chính phái” đánh cho ông nhà tan người chết vì ông không chịu giết Khúc Dương, và Khúc Dương cũng không thoát. Đó là hậu quả của việc hướng đến hòa bình một cách thiếu lý trí, khi chưa giải quyết được mâu thuẫn ngăn trở hòa bình.
Vậy giải quyết triệt để mâu thuẫn có dễ không? Cả bộ truyện hướng đến hòa bình giữa các môn phái, kết thúc bằng cảnh anh Xung chị Doanh cưới nhau, viên mãn, mâu thuẫn chính-ma được giảng hòa. Nhưng trước đó, cặp đôi hiệp nghĩa này đã phải đánh đông dẹp bắc, suýt chết bao lần, và cũng tiêu diệt vài kẻ ác. Hơn nữa, người thật sự đem lại hòa bình cho giang hồ không phải Lệnh Hồ Xung hay Nhậm Doanh Doanh, mà chính là Kim Dung. Nếu ông không thay trời hành đạo, tức là can thiệp thô bạo vào nhân vật bằng cách cho ông bố vợ (tương lai) quý hóa Nhậm Ngã Hành đột quỵ vì tiếng cười đắc chí với quyền lực, thì có trời mới biết Xung Doanh cưới nhau ở dương thế hay âm thế (với quá nửa quần hùng xuống cõi âm chúc mừng). Đến một người giỏi tưởng tượng ra chiến tranh và hòa bình như Kim Dung còn gặp khó với việc giải quyết mâu thuẫn (do mình dựng nên) để đem lại hòa bình. Vậy có lẽ để có được hòa bình cũng khó?
Mâu thuẫn là tự nhiên
Trước tiên, một cách võ đoán như những diễn ngôn vật lý thiếu chặt chẽ, có thể nói còn động lực là còn có mâu thuẫn, vì bảo mọi động lực đều cùng phương cùng hướng nghe hơi trái tự nhiên. Xin lấy một ví dụ cụ thể, và các ví dụ sau ẩu hơn:
Nhà cầm quyền trong Porco Rosso, lúc đầu, có động lực là muốn bảo vệ người dân. Cướp biển có động lực là muốn có tiền. Động lực đó đẩy cướp biển đi cướp tiền của người dân. Thế là cướp biển mâu thuẫn với nhà cầm quyền. Ủa khoan, tại sao động lực đó không đẩy cướp biển đi làm ăn lương thiện? Đó là vì tôi đã kể thiếu các động lực. Còn một tổng hợp của các động lực phức tạp mà ta tạm gọi là “hoàn cảnh” (không có kỹ năng làm những nghề khác, giỏi làm cướp biển quá, sợ nếu vào thành phố thì kiểu gì cũng bị bắt vào tù rồi mới có cơ hội đổi nghề, v.v.). Động lực “hoàn cảnh” và động lực muốn có tiền giữ cướp biển đi trên còn đường cướp biển. Cũng giống như một vật trượt trên một cái nêm cố định, trọng lực kéo nó xuống thẳng đứng, nhưng tổng hợp của trọng lực, lực ma sát, và phản lực của cái nêm đẩy nó trượt theo mặt phẳng cái nêm chứ không rơi xuyên qua cái nêm.
Từ dòng chữ đầu phim, Porco đã được định hình với ba động lực: vì cái tôi, vì tình yêu, và vì tiền. Nhà cầm quyền trả tiền cho Porco nếu giúp đánh cướp biển, thế là Porco mâu thuẫn với cướp biển. Cướp biển bị Porco phá nồi cơm, thế là cướp biển mâu thuẫn với Porco. Cướp biển thua không chiến, tức là bị kém về danh dự, thế là cướp biển mâu thuẫn với Porco. Cướp biển trả tiền cho Curtis để đánh Porco, thế là Curtis mâu thuẫn với Porco. Curtis yêu Gina (sâu tới đâu?), nhưng Gina yêu Porco (đậm tới đâu?), thế là Curtis mâu thuẫn với Porco. Curtis muốn chứng tỏ mình là giỏi nhất, thế là Curtis mâu thuẫn với Porco. Porco muốn bảo vệ Fio, không để Fio phải cưới Curtis một cách oái oăm như thế, thế là Porco mâu thuẫn với Curtis. Porco muốn bảo vệ lý tưởng phản chiến, không giết người của mình – cũng là một hình thức của cái tôi, thế là Porco mâu thuẫn với chính quyền Ý.
Vậy với những mâu thuẫn đó, các bên hành động ra sao? Có thể chia thành bốn nhóm hành động. Thứ nhất là tự kiềm chế, tức là chỉ tránh đối đầu chứ không giải quyết nguồn gốc mâu thuẫn. Ba nhóm hành động có thể giải quyết mâu thuẫn, có thể không, là đối đầu bằng ngoại giao – đạo đức – pháp lý, đối đầu bằng vũ lực phi sát thương, và đối đầu bằng vũ lực sát thương. Hai nhóm đầu phi bạo lực, hai nhóm sau dùng vũ lực.
Các biện pháp phi bạo lực
Tự kiềm chế có lẽ không phải giải pháp ưa thích của Curtis, nhưng là một lựa chọn được Porco thực hiện ít nhất hai lần. Lúc cả hội cướp biển và Curtis réo tên ông trên radio đòi tỉ thí, ông tảng lờ và đi Milan để sửa máy bay. Trên đường đi, Curtis phục kích và đòi một chọi một. Với chiếc máy bay gần hỏng, rồi hỏng thật, ông biết lượng sức mình nên chỉ tránh là chính. Đằng sau quyết định tự kiềm chế này có thể là động lực thứ tư: Porco vẫn muốn sống, hoặc động lực cái tôi: không muốn chiến đấu trong điều kiện không hoàn hảo, không xứng với tài nghệ của mình. Nhưng cũng như câu chuyện Lưu Chính Phong muốn tránh đối đầu với “chính phái”, chỉ một bên tránh là không đủ để ngăn cản xung đột xảy ra (Hà Nội mùa đông năm 46 thì sao?). Anh cao bồi Curtis bắn cho ông ỉn thừa sống thiếu chết, đến nỗi Curtis còn có quà đem về báo hiếu mẹ. Nhưng nếu các bên cùng tự kiềm chế (sẽ rõ hơn trong những đoạn sau) thì có thể mâu thuẫn tuy không được giải quyết nhưng không xảy ra xung đột.
Với mặt trận ngoại giao, Fio là một thuyết khách sừng sỏ. Trước khi nói đến nội dung tranh luận, tự thân cái tài của Fio, cụ thể là tài thiết kế máy bay, và thái độ tự tin trước rừng gươm đã đủ là một sức nặng trên bàn đàm phán (dù không có cái bàn nào hết), làm đối phương là đám cướp biển kính nể. Rồi khi tranh luận, cô tập trung đẩy động lực danh dự của đối phương mạnh lên, khiến họ không phá chiếc máy bay cô chế tạo, và còn tự kiềm chế mâu thuẫn với Porco trên động lực tiền bạc, để xoay về cùng phe với Porco dưới danh nghĩa những thủy phi công kiêu hãnh của vùng Adriatic. Từ đây đến hết phim chỉ còn mâu thuẫn Porco – Curtis. Đặc biệt, không biết do cao hứng vì tuổi trẻ, vì tình thế gang tấc, hay do tính toán sâu sắc, Fio đã dùng chính bản thân mình để đặt Porco vào thế phải đối đầu với Curtis để cứu mình, qua đó giải quyết nốt những mâu thuẫn còn lại. Có lẽ đến lúc này, Porco mới quyết tâm đối đầu với Curtis. Mới ít lâu trước, ông ỉn còn trầm trồ khen Fio thuyết bọn cướp biển quay như con quay, thì giờ mũi ông đã phải xì khói khi thấy mình cũng thành con quay nốt.
Còn Gina, Thánh cô của vùng Adriatic, bằng sự tử tế và duyên dáng của mình, tuy không trực tiếp giải quyết mâu thuẫn nhưng kiềm chế các bên một cách xuất sắc. Quần hùng thề không gây gổ trong 50 km từ khách sạn Adriano của cô, thậm chí còn không cãi vã to tiếng, ngoan ngoãn nghe cô khuyên bảo như hai tướng Thái Lan quỳ mọp bên chân cố quốc vương Bhumibol Adulyadej nghe ông khuyên không nên đảo chính. Mọi bên mâu thuẫn đều được chào đón tới Adriano với cơm no rượu say, rồi tất cả lặng im nghe cô hát bài Le Temps des cerises (Mùa anh đào) nhẹ tênh và đượm tình, giống như cả trăm năm qua, biết bao nước đã được mời đến hơn 10 hội nghị Geneva khác nhau, hay năm năm trước, một ông già đi máy bay và một ông trẻ đi tàu hỏa cũng được mời đến một xứ từng một thời đạn bom, nhưng giờ một thời hòa bình.
Yếu tố pháp lý trong đối đầu phi bạo lực gần như không xuất hiện trong Porco Rosso, vì thế giới xanh ngắt này vốn đã nằm ngoài vòng pháp luật thông thường, và cũng không tự định ra pháp luật của nó. Gần giống với “luật” nhất chắc là luật giang hồ dựa trên danh dự của quần hùng cướp biển (thực ra đội này cũng khá dễ thương). Không có nền tảng này, ngoại giao của Fio và đức trị của Gina chưa chắc đã dẫn đến các bên tự kiềm chế thành công. Tuy xuất hiện mờ nhạt hơn, trong phim cũng có các biện pháp phi bạo lực có tính giải quyết mâu thuẫn, ví dụ như đàm phán trao đổi lợi ích. Sau khi bắn hỏng máy bay của Mamma Aiutos, Porco có đề xuất cho băng cướp giữ lại nửa số tiền, còn mình lấy lại một nửa và đón toàn bộ trẻ em bị bắt làm con tin, và các hảo hán thua trận chấp nhận vui vẻ. Một sự kiện này tuy không làm giảm mâu thuẫn lâu dài giữa Porco và cướp biển trên động lực tiền bạc, nhưng nhiều sự kiện nhỏ tương tự có thể giúp tăng sự tôn trọng của đội cướp biển với Porco và làm giảm mâu thuẫn trên động lực danh dự.
Như vậy, các biện pháp phi bạo lực giúp giữ hòa bình, dù tình trạnh này có thể tạm thời. Còn nếu muốn dựng một nền hòa bình bền vững dựa trên các biện pháp phi bạo lực thuần túy, e là tôi phải nhờ bác Miyazaki làm Lợn Đỏ 2 và cho các bên ngồi uống rượu vang cãi lý với nhau ở khách sạn Adriano để đàm phán hiệp định hợp tác kinh tế Porco – Liên đoàn cướp biển, hoặc Porco sáng lập Hội cựu chiến binh Thế chiến thứ nhất (thậm chí một đảng chính trị?) và dẫn đầu biểu tình phản đối quân sự hóa (cũng hấp dẫn đấy chứ?).
Các biện pháp dùng vũ lực
Khi đã phải không chiến, không sát thương là tôn chỉ xuyên suốt của Porco. Ông không “hạ sát thủ” mà chỉ muốn bắn vài viên đạn cho máy bay của đối thủ hỏng động cơ và phải hạ cánh xuống mặt biển. Tinh thần này được thực hiện trong cả trận chiến với Mamma Aiutos và với Curtis, dù hai trận chiến có động lực và mức độ khốc liệt khác hẳn nhau. Khi đi mua đạn, ông cũng không cần những loại đạn có tính sát thương cao. Có lẽ bắn mà không sát thương mới là khó, cũng rất hợp với cái tôi của Porco. Còn anh cao bồi Curtis thì sẵn sàng tiêu diệt địch thủ. Anh bổ nhào vào mấy phi công bảo vệ chiếc tàu du lịch, bắn lén Porco, rồi khi chính thức đối đầu, anh bắn khi có mọi cơ hội, thậm chí rút súng lục ra để hơn thua sau khi máy bay hết đạn.
Không sát thương cũng là tinh thần của Miyazaki trong cả bộ phim, với những cảnh tưởng như chết chóc được làm nhẹ nhàng bớt. Từ việc bắn máy bay của Mamma Aiutos với trẻ em ở trên, rồi hai phi công bảo vệ tàu du lịch nhảy dù an toàn (chỉ một lời thoáng qua trên radio, nhưng chứng tỏ Miyazaki không quên trấn an người xem), tới màn xả súng, quăng lựu đạn thị uy của hội cướp biển ở đầu trận chiến Porco – Curtis, và bao nhiêu đạn lạc hướng về khán giả từ trận chiến, tất cả mọi người đều lành lặn. Năm năm sau Porco Rosso, Princess Mononoke trái ngược hoàn toàn. Có lần hoàng tử Ashitaka chém bay hai cánh tay của một kẻ thù, rồi cái thân còn chạy lon ton một đoạn mới đổ vật ra. Thêm bảy năm nữa, những cảnh bom rơi nhà cháy trong Howl’s Moving Castle không có một nét trêu đùa nào như trong Porco Rosso, không thấy nạn nhân, nhưng cũng không có dấu hiệu nào chứng tỏ không có thương vong. Vậy để thấy rằng tuy Miyazaki luôn cổ vũ hòa bình, nhưng việc phủ nhận, tả thực, hay lảng tránh thương vong (trên bề mặt hình ảnh) là sự nhấc lên đặt xuống của ông tùy theo sắc thái của từng phim.
Cũng như Kim Dung thay trời tuyên án tử cho ngòi nổ chiến tranh Nhậm Ngã Hành, Miyazaki cho súng ống của cả Lợn lẫn Bồi tịt luôn vào khoảnh khắc quyết định trận không chiến. Nếu nhảy vào họng của hai tác giả một tí, có thể cho rằng Kim Dung muốn tuyên bố tham vọng bá quyền sẽ dẫn đến diệt vong; chỉ có đàm phán, hóa giải khác biệt, hài hòa lợi ích, như Nhậm Doanh Doanh dẫn dắt về sau, mới đưa đến hòa bình. Còn Miyazaki khuyên các bên mâu thuẫn giải trừ vũ khí. Bắn mà không sát thương đã là một bước giải trừ, không còn súng để bắn là thêm một bước nữa, hết cả dụng cụ chọi nhau lại là thêm một bước, và cuối cùng đấu boxing với nhau như một trận thể thao có lễ nghi, có trọng tài, có luật lệ, rất phù hợp với không khí hội hè sẵn xung quanh, là thêm một bước dài. Nhìn cảnh Lợn tím và Bồi tím lay lắt đấm nhau từng cú rồi gục xuống nước cả phút sau mỗi cú, tôi không biết họ đang trở nên ngốc nghếch hơn hay thông thái hơn.
Vậy liệu các biện pháp bạo lực có giải quyết được mâu thuẫn, tạo ra hòa bình lâu dài? Thoạt nhìn, sau trận chiến Porco – Curtis, câu trả lời là “có”. Sau trận chiến, nhìn lại mấy động lực dẫn đến mâu thuẫn Porco – Curtis, về mặt tiền bạc, Curtis thua vì phải trả tiền sửa máy bay cho Porco. Nhưng động lực tiền bạc của Curtis vốn không quá mạnh trong cả phim. Về mặt ái tình, Curtis thua vì không được cưới Fio. Nhưng động lực ái tình của Curtis còn hay không, và nếu còn thì mạnh đến đâu thì chắc chỉ anh biết. Về mặt danh dự, Curtis thua vì bắn Porco trật lất và đã bị Porco đặt vào tầm ngắm bao lần nhưng tha, và thua vì là kẻ đứng dậy sau. Với Porco, về động lực bảo vệ Fio, ông đã thắng. Chính nhờ được Gina khéo léo nhắc lại động lực đó trong lúc đờ đẫn mà ông bừng tỉnh và tung đòn quyết định (bằng cách đứng dậy). Sau đó Curtis chấp nhận kết quả, cả hai giảng hòa trong danh dự và trong nỗi sợ không quân Ý sắp kéo đến. Curtis còn được nhận một lời cám ơn từ Fio.
Nhìn kỹ lại, cuộc đối đầu đó trước nhất là tạo ra kết quả, và dựa vào kết quả đó các bên mâu thuẫn điều chỉnh động lực của mâu thuẫn. Sự điều chỉnh động lực đó – ai mà biết được có thể dẫn đến chuyện gì. Sẽ ra sao nếu Porco đẩy mạnh động lực bảo vệ Fio và ra đòn nặng với Curtis lúc anh còn chưa đứng dậy được, để trừ hậu họa? Sẽ ra sao nếu Curtis bất chấp danh dự, đẩy mạnh động lực ái tình với Gina và Fio, đẩy mạnh động lực kiêu hãnh cá nhân, ghim mối thù với Porco, và giật vũ khí của bọn cướp biển để làm càn? Như vậy, trong trường hợp này, yếu tố quyết định mâu thuẫn có được giải quyết hay không, hòa bình có ổn định hay không, vẫn là sự tự kiềm chế của mọi bên. Vai trò của đối đầu bạo lực chỉ dừng lại ở việc tạo ra một trạng thái mới của các bên. Sau đối đầu, nếu các bên đều chấp nhận trạng thái mới đó, đồng thời bên thắng, với những thuận lợi đã thu được, giảm động lực mâu thuẫn và đối xử tử tế với bên thua, còn bên thua, gác lại hận thù, tiến tới giải quyết những mâu thuẫn còn lại bằng những biện pháp phi bạo lực, thì hòa bình mới có cơ hội.
Tuy nhẹ tênh trong thế giới của Porco nhưng những giả định trên có vẻ rất dài dòng và khó khăn trong thế giới thực. Vậy nên sử dụng biện pháp bạo lực, tức là đã phá vỡ hòa bình, và giải quyết triệt để được mâu thuẫn là điều không dễ, trừ khi một bên mâu thuẫn xóa sổ bên kia. Một cách đơn giản hóa hơi quá mức, có thể coi Thế chiến thứ nhất của Porco là một mâu thuẫn giữa các nhà nước hơn là các ý thức hệ. Khi kết thúc, có nước thắng nước thua, chính quyền của những nước thua thay đổi, nhưng phần lớn nhà nước còn nguyên. Bên thắng cuộc có một số chính sách o ép bên thua cuộc, và đây là một trong nhiều nguyên nhân dẫn tới sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít ở Đức. Thế chiến thứ hai tuy cũng là mâu thuẫn giữa các nhà nước, nhưng yếu tố ý thức hệ nổi bật hơn hẳn. Một bên theo chủ nghĩa phát xít, và một bên chống lại. Với kết quả là sự xóa sổ của chủ nghĩa phát xít, trong vài chục năm sau, không có xung đột đáng kể nào giữa tàn dư lẻ tẻ của chủ nghĩa phát xít với những bên chống phát xít. Xóa sổ chủ nghĩa phát xít là việc đúng đắn, được thừa nhận như một tiên đề, vì chủ nghĩa phát xít gây ra nhiều xung đột đau thương với gần như cả loài người, và hứa hẹn còn tiếp tục gây xung đột nếu chưa bị ngăn chặn. Vậy nhưng bên chính nghĩa cũng gây ra không ít đau thương mà tính chính đáng của những hành động đó là một dấu hỏi, như đã kể ở đầu bài. Rành mạch như đánh phát xít mà vẫn còn có vùng xám, vậy những trường hợp khác thì sao?
Như vậy, việc dùng chiến tranh để dựng hòa bình có nhiều mâu thuẫn (từ trong cái tên), nhiều tác dụng phụ, nên vô cùng khó làm đúng, và căn bản hơn, khó để phân định đúng sai một cách nhị phân. Tôi lại nhát tay không dám viết nữa vì ra khỏi tầm hiểu biết của mình rồi, nên đành quay lại với Porco Rosso thôi. Trận chiến Porco – Curtis thể hiện một con đường vừa có yếu tố thực tế, vừa lý tưởng hóa, là giữ vững nguyên tắc không sát thương, giữ xung đột không lan rộng, giải trừ vũ khí, tiến tới phi bạo lực hóa hoàn toàn. Đặc biệt, để hướng tới một nền hòa bình ổn định, cách hành xử hậu chiến của tất cả các bên đòi hỏi nhiều sự tự kiềm chế.
Chinh phụ
Porco Rosso không chỉ có chuyện chiến tranh và hòa bình, nhưng ngay cả chuyện chiến tranh và hòa bình cũng còn nhiều điều mà tôi muốn nói, dù đã bô lô ba la đến tận đây. Tôi cảm thấy mình vừa có lỗi, vừa không có lỗi, khi chưa nhắc đến những nỗi đau chiến tranh để lại cho Gina. Có lỗi vì nỗi đau ấy quá hiển hiện, có lúc ráo hoảnh như lúc cô nói chuyện với Porco trong bữa tối riêng tư, có lúc như có hai mươi năm gánh nặng như lúc cô quát Porco qua điện thoại. Không có lỗi vì tôi sợ cái mỏ lê thê của tôi không nói được tử tế những tâm sự của Gina. Và nếu định dông dài vào khu vườn riêng tư của cô, e là tôi sẽ làm thế tục hóa, mất cái ý tại ngôn ngoại mà cô, Fio, và Miyazaki đã cùng vun đắp. Thôi thì như một lời xin lỗi với Gina, xin tặng cô mấy lời từ một khúc ngâm thỉnh thoảng cứ tự nhiên chạy qua đầu tôi, lần này đúng lúc tôi đang nghĩ về cô, nên chắc là hữu duyên:
Lòng này gửi gió đông có tiện
Nghìn vàng xin gửi đến non Yên
Non Yên dù chẳng đến miền
Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời
— Chinh phụ ngâm – Đặng Trần Côn. Đoàn Thị Điểm diễn Nôm.