Hà Nội: Nâng cao chất lượng quản lý phát triển xã hội gắn với bảo đảm quyền con người, quyền công dân
Hà Nội: Nâng cao chất lượng quản lý phát triển xã hội gắn với bảo đảm quyền con người, quyền công dân
(Xây dựng) – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà vừa ký ban hành Kế hoạch số 181/KH-UBND ngày 13/6/2024 về việc thực hiện Chương trình hành động số 32-CTr/TU ngày 04/04/2024 của Thành ủy Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới”.
Nâng cao chất lượng quản lý phát triển xã hội gắn với bảo đảm quyền con người, quyền công dân. |
Kế hoạch nhằm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình hành động số 32-CTr/TU của Thành ủy, góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách xã hội của thành phố Hà Nội theo hướng đa dạng, đa tầng, toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững, tiến bộ và công bằng, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; nâng cao chất lượng quản lý phát triển xã hội gắn với bảo đảm quyền con người, quyền công dân, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.
Nội dung của kế hoạch, phân đấu đến năm 2030: Bảo đảm 100% người có công và gia đình người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp hằng tháng được chăm lo toàn diện cả vật chất và tinh thần, có mức sống từ trung bình khá trở lên so với mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Tỉ lệ thất nghiệp chung dưới 3% và ở khu vực thành thị dưới 3,5%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 80% và tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt trên 60%.
Bảo hiểm xã hội, y tế: 70% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội; 50% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp; 65% người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp hưu trí, trợ cấp xã hội.
100% người thuộc diện bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp xã hội theo quy định. Trợ giúp kịp thời cho các hộ gia đình, cá nhân hoàn cảnh khó khăn; trợ cấp xã hội cho người thuộc hộ không có khả năng thoát nghèo.
Về giáo dục: 100% trường học đạt chuẩn quốc gia; phấn đấu 50% trường học đạt chuẩn quốc gia cấp độ 2. Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi. Tỉ lệ đi học đúng độ tuổi cấp tiểu học đạt 99,5%, cấp trung học cơ sở tối thiểu đạt 95%, cấp trung học phổ thông và tương đương tối thiểu đạt 75%. Đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 2.
Các chỉ tiêu liên quan đến y tế, sức khỏe: Mức sinh thay thế 2,1. Tuổi thọ trung bình của người dân khoảng 77 tuổi và số năm sống khoẻ đạt tối thiểu 68 năm. Chỉ số phát triển con người (HDI) đạt khoảng 0,88-0,9. Đạt 35 giường bệnh viện trên 10.000 dân; 19 bác sỹ trên 10.000 dân; 04 dược sỹ trên 10.000 dân; 33 điều dưỡng viên trên 10.000 dân. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 98% và trên 95% người dân sử dụng dịch vụ chăm sóc ban đầu tại y tế cơ sở được bảo hiểm y tế chi trả. Tỷ lệ người dân được quản lý sức khoẻ 100%, tiêm chủng mở rộng đạt 95%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi dưới 15%. Cơ bản chấm dứt các dịch bệnh AIDS, lao và loại trừ sốt rét.
Các chỉ tiêu về nhà ở: Diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn thành phố đạt khoảng 32 m2 sàn/người; Phát triển nhà ở xã hội mới khoảng 2,5 triệu m2 sàn nhà, đầu tư xây dựng 1-2 khu nhà ở xã hội độc lập, 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất của thành phố có nhà ở xã hội.
100% hộ gia đình ở thành thị và nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn.
100% hộ gia đình, trường học, trạm y tế có công trình phụ hợp vệ sinh bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Các chỉ tiêu về nước thải: Tỷ lệ điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt đạt 25%; Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt 90%.
100% các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hoá, nghe, xem các kênh phát thanh, truyền hình của quốc gia và địa phương.
Nội dung triển khai: Tăng cường công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao vị trí, vai trò của chính sách xã hội, tạo sự đồng thuận trong tổ chức triển khai thực hiện.
Bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách đảm bảo tính đa dạng, toàn diện, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội và khả năng huy động, cân đối nguồn lực của thành phố.
Thực hiện tốt chính sách xã hội: Ưu đãi người có công với cách mạng; Phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm bền vững cho người lao động; Phát triển hệ thống an sinh xã hội bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, không để ai bị bỏ lại phía sau; Nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng.
Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ xã hội. Đẩy mạnh hợp tác và tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm quốc tế trong thực hiện chính sách xã hội.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội, hội quần chúng Thành phố trong thực hiện chính sách xã hội.
UBND thành phố giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 32- CTr/TU của Thành ủy đảm bảo chất lượng, tiến độ và hiệu quả. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã tham mưu các cơ chế chính sách, đề xuất giải pháp, triển khai, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ và hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu thuộc lĩnh vực Lao động, Thương binh và Xã hội. Thường xuyên rà soát các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 để tham mưu, phối hợp, hướng dẫn thực hiện công tác hỗ trợ kịp thời.
Sở Y tế chủ trì tham mưu các cơ chế chính sách, đề xuất giải pháp, hướng dẫn, triển khai, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ và hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu về lĩnh vực y tế. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu, cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ theo lĩnh vực và phạm vi quản lý thành kế hoạch cụ thể hoặc lồng ghép, cập nhật vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2025- 2030 và hàng năm. Lập dự toán kinh phí thực hiện theo lĩnh vực được phân công. Tham mưu đề xuất chính sách hỗ trợ, thu hút các nhà đầu tư để phát triển hệ thống bệnh viện ngoài công lập, tăng số giường bệnh.
UBND thành phố yêu cầu chấp hành nghiêm túc, vận dụng sáng tạo, có hiệu quả sự lãnh đạo, chỉ đạo, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tình hình thực tiễn của Thủ đô. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành thành phố trong nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách xã hội phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội, thực tiễn của Thủ đô, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân Thủ đô. Các Sở, ban, ngành thành phố liên quan; UBND các quận, huyện, thị xã và đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội phối hợp tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện.
Bạn đang đọc Tin tức xây dựng trên website hungday.com