Hoằng Hóa (Thanh Hóa): Phê duyệt quy hoạch chung đô thị đến năm 2045
Hoằng Hóa (Thanh Hóa): Phê duyệt quy hoạch chung đô thị đến năm 2045
(Xây dựng) – Nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị, mục tiêu đến năm 2045 huyện Hoằng Hóa sẽ trở thành đô thị hiện đại, sinh thái, có mức sống cao, kết nối chặt chẽ với thành phố Thanh Hóa và các đô thị lân cận về không gian đô thị, không gian phát triển kinh tế.
Phê duyệt quy hoạch chung đô thị Hoằng Hóa đến năm 2045. |
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quyết định số 485/QĐ-TTg về việc nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2045. Quy mô nghiên cứu lập quy hoạch chung đô thị Hoằng Hóa trên toàn bộ địa giới hành chính huyện Hoằng Hóa, bao gồm 37 đơn vị (36 xã và 1 thị trấn) và khu vực ven biển, tổng diện tích lập quy hoạch chung khoảng 203,8km2.
Quan điểm lập quy hoạch là xây dựng và phát triển đô thị Hoằng Hóa trên cơ sở bám sát Nghị quyết của Đảng, Chính phủ, Quốc hội về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đồng thời, cụ thể hóa các định hướng của Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045; bảo đảm phù hợp với định hướng, tính đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch quốc gia, cấp vùng, quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh; phù hợp với khả năng cân đối, huy động nguồn lực, tính liên tục của nền tảng hệ thống quy hoạch hiện hữu và định hướng không gian phát triển của đô thị Hoằng Hóa.
Phát triển kinh tế – xã hội đô thị Hoằng Hóa đặt trong tổng thể gắn bó chặt chẽ trong phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Thanh Hóa, cùng với thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn, huyện Quảng Xương. Đồng thời, phát triển đô thị Hoằng Hóa theo hướng bền vững dựa vào 3 trụ cột: Thiên nhiên, con người, văn hóa kết hợp với xu thế hợp tác và hội nhập, trên cơ sở đó, đề xuất cơ chế chính sách phù hợp…
Về mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu xây dựng và phát triển Hoằng Hóa thành thị xã, đô thị loại IV, đẩy mạnh phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp; du lịch, dịch vụ thương mại, nông nghiệp – thủy sản; có kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại.
Đến năm 2045, Hoằng Hóa là đô thị hiện đại, sinh thái, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu; có mức sống cao; kết nối chặt chẽ với thành phố Thanh Hóa và các đô thị lân cận về không gian đô thị, không gian phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Về tính chất đô thị, Hoằng Hóa là đô thị loại IV trực thuộc tỉnh; trung tâm về công nghiệp và dịch vụ, du lịch; đô thị phát triển đa ngành.
Trong đó, trọng tâm là phát triển công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới theo hướng hiện đại, phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn; phát triển dịch vụ du lịch gắn với kinh tế biển; phát triển đô thị, nhà ở, thị trường bất động sản; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hướng tới đô thị thông minh, sinh thái, phát triển bền vững, thích nghi với biến đổi khí hậu.
Hoằng Hóa cũng là đô thị cửa ngõ phía Bắc của vùng đô thị trung tâm tỉnh Thanh Hoá bao gồm: Thành phố Thanh Hóa – thành phố Sầm Sơn – Hoằng Hóa – Quảng Xương; có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh. Dự báo quy mô dân số đến năm 2030 là khoảng 285.000 người; đến năm 2045 khoảng 435.000 người.
Để thực hiện các nội dung chính cần nghiên cứu, phân tích, làm rõ động lực phát triển, cơ sở hình thành phát triển của đô thị Hoằng Hóa, làm rõ vai trò, vị trí, chức năng đô thị Hoằng Hóa trong tổng thể vùng liên huyện theo định hướng Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa. Rà soát quy hoạch đã được lập, xác định các vấn đề còn tồn tại cần giải quyết…
Đồng thời, đề ra các nhóm yêu cầu về khảo sát địa hình; hiện trạng và thu thập số liệu; định hướng phát triển không gian đô thị; hạ tầng xã hội và dịch vụ đô thị; hạ tầng kỹ thuật; thiết kế đô thị; đánh giá tác động môi trường và đề xuất các chương trình, dự án ưu tiên, nguồn lực thực hiện.
Với đà tăng trưởng kinh tế như hiện nay, huyện Hoằng Hóa sẽ sớm trở thành đô thị hiện đại vào năm 2045. |
Được biết, công tác quy hoạch, đầu tư, thu hút đầu tư tại huyện Hoằng Hóa những năm qua đạt nhiều kết quả tích cực, nhiều dự án lớn được thi công đạt và vượt tiến độ đề ra. Cụ thể, những dự án lớn trên địa bàn huyện được tập trung đẩy nhanh tiến độ. Điểm nhấn đó là Dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Flamingo Linh Trường đã cơ bản hoàn thành đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật và đang tập trung xây dựng các shophouse, minihotel.
Huyện tiếp tục đầu tư, hoàn thiện Khu công nghiệp Bắc Hoằng Hóa, Cụm công nghiệp Thái – Thắng và kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư vào các cụm công nghiệp. Bổ sung Cụm công nghiệp Phú Quý vào Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; trình UBND tỉnh thành lập Cụm công nghiệp Hoằng Đông.
Các dự án đầu tư trên địa bàn huyện bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước được triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, giải ngân kịp thời đảm bảo tiến độ, hiệu quả rõ rệt. Trong năm đã tiến hành nghiệm thu đưa vào sử dụng 23 công trình vốn ngân sách cấp huyện; khởi công mới 26 công trình vốn ngân sách cấp huyện, trong đó có nhiều dự án giao thông…
Tin rằng, với đà tăng trưởng kinh tế như hiện nay, huyện Hoằng Hóa sẽ sớm trở thành đô thị hiện đại vào năm 2045.
Bạn đang đọc Tin tức xây dựng trên website hungday.com