Hạ Long – Thành phố Lễ hội

Tháng sáu 16, 2024

Hạ Long – Thành phố Lễ hội

(Xây dựng) – Thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) lập Đề án thành phố Lễ hội để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử truyền thống đáp ứng đời sống tinh thần cho nhân dân, tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc phục vụ ngành kinh tế du lịch, được dư luận quan tâm.

Hạ Long - Thành phố Lễ hội
Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long Nguyễn Tiến Dũng cho biết, Đề án thành phố Lễ hội để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; khai thác các giá trị văn hóa phục vụ dân sinh và là động lực phát triển kinh tế du lịch.

Đề án thành phố Lễ hội gồm 3 phần, phần thứ nhất sự cần thiết và căn cứ pháp lý; phần thứ hai, thực trạng các lễ hội, sự kiện trên địa bàn; phần thứ ba là định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện. Đề án nêu 6 nội dung trọng tâm là: Thực trạng công tác quản lý, bảo tồn, phát huy các lễ hội, sự kiện; đánh giá chung; giải pháp quản lý, tổ chức Lễ hội, sự kiện; quy trình, lộ trình thực hiện; kinh phí thực hiện; tổ chức thực hiện.

Hạ Long - Thành phố Lễ hội
Lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn quy mô cấp Thành phố.

Thành phố Hạ Long trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Quảng Ninh. Sau sáp nhập với huyện Hoành Bồ, thành phố Hạ Long có diện tích tự nhiên trên đất liền 1.119,12km2 và 434km2 mặt biển, dân số 372.357 người, có 33 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 21 phường và 12 xã; trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước.

Hạ Long - Thành phố Lễ hội
Người già xã Lê Lợi bảo, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn có lần về làm việc ở Quảng Ninh đã đến dâng hương đền Vua Lê, tư cách là hậu duệ của dòng họ Lê. Đền Vua Lê hiện lưu giữ 14 cổ vật thời nhà Mạc.

Thành phố Hạ Long bên bờ vịnh Hạ Long kỳ quan, Di sản thiên nhiên thế giới còn là cái nôi văn hóa cổ đại của thế giới và khu vực. Vùng đất còn lưu giữ rất nhiều giá trị văn hóa tiêu biểu từ thời tiền sử như: Văn hóa Soi Nhụ, văn hóa Hạ Long, văn hóa Cái Bèo. Hiện nay, các nền văn hóa ấy được giữ gìn, bảo tồn, nhiều hiện vật được bảo quản, khẳng định giá trị mảnh đất của nhiều trầm tích văn hóa, là nét đẹp đặc trưng mà nhiều du khách khi đến du lịch Hạ Long muốn được khám phá, tìm hiểu.

Hạ Long - Thành phố Lễ hội
Thờ Tam Thanh đặc trưng văn hóa tôn giáo của người Dao, thờ tự tại đền Đá Trắng, trong quần thể Di tích Quốc gia Núi Mằm, ở xã Thống Nhất (Đoàn nghệ sỹ hàng đầu điện ảnh Việt Nam thực tế sáng tác gần đây).

Thành phố Hạ Long có nguồn tài nguyên du lịch văn hóa, lịch sử rất phong phú và độc đáo với 96 di tích lịch sử – văn hóa – danh thắng; trong đó, nổi bật nhất là vịnh Hạ Long được UNESCO 3 lần ghi danh là di sản thiên nhiên thế giới. Có 13 lễ hội truyền thống và hiện đại, trong đó một số lễ hội truyền thống đã được phục dựng, bảo tồn, phát huy; một số sự kiện, lễ hội hiện đại được lựa chọn tổ chức, gắn với các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, giới thiệu về văn hóa, mảnh đất, con người Hạ Long.

Hạ Long - Thành phố Lễ hội
Đình Giang Võng xây dựng thế kỷ XIX, là một trong số ít công trình tín ngưỡng của người dân làng chài trên vùng biển Hạ Long còn thần phả, Di tích cấp tỉnh ở phường Hà Khánh.

Để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân và thu hút khách thập phương, hội nhập quốc tế, một số lễ hội, sự kiện mới đã được chính quyền và nhân dân thành phố Hạ Long sáng tạo tổ chức, bước đầu đem lại kết quả tích cực, góp phần quảng bá, xúc tiến đầu tư, xúc tiến du lịch. Cả hai loại hình sinh hoạt văn hóa lễ hội truyền thống và lễ hội mới bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau để có thể thỏa mãn các nhu cầu về văn hóa tinh thần, vật chất cho cộng đồng trong những điều kiện, hoàn cảnh mới.

Hạ Long - Thành phố Lễ hội
Từ năm 2014, Carnaval Hạ Long được Tỉnh ủy quyền về UBND thành phố Hạ Long tổ chức nhưng vẫn là sự kiện quy mô cấp tỉnh.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay một số lễ hội truyền thống tổ chức ở quy mô nhỏ, chưa gắn với các hoạt động quảng bá, kích cầu du lịch. Mặc dù tần suất tổ chức sự kiện nhiều, nhưng chủ yếu vẫn tập trung vào các dịp nghỉ lễ (30/4, 02/9), chưa tổ chức đều ra các mùa, các tháng trong năm, đặc biệt vào các mùa thấp điểm du lịch (mùa Xuân, mùa Thu, mùa Đông). Chưa có kế hoạch sớm trong tổ chức các lễ hội, sự kiện nên công tác hiệp đồng, phối hợp có việc chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa thực chất.

Hạ Long - Thành phố Lễ hội
Từ năm 2012, Carnaval Hạ Long từ tiếp cận nền văn hóa thế giới đã chuyển thể sang văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.

Hiện nay, xu thế du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái đang ngày càng phát triển; tài nguyên thiên nhiên – con người – văn hóa 3 trụ cột chính đang là nền tảng, động lực quan trọng để thành phố khai phá tiềm năng, phát triển nhanh, bền vững ngành Du lịch, gắn với phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao mức sống, thu nhập cho người dân.

Ngày 30/10/2023, Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững; trong đó đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp về bảo tồn, phát huy các giá trị lễ hội, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển con người Quảng Ninh toàn diện với 8 đặc trưng “Bản lĩnh, Tự cường, Kỷ cương, Đoàn kết, Nghĩa tình, Hào sảng, Sáng tạo, Văn minh”, phát triển nền văn hóa giàu bản sắc với 6 giá trị “Thiên nhiên tươi đẹp, Văn hóa đặc sắc, Xã hội văn minh, Hành chính minh bạch, Kinh tế phát triển, Nhân dân hạnh phúc”.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 30/10/2023 của Tỉnh ủy đã đưa ra các nhiệm vụ về nâng cao chất lượng tổ chức các lễ hội truyền thống, nâng tầm quốc gia, quốc tế Carnaval Hạ Long trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hạ Long lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025, đã thống nhất quan điểm đó là phát triển du lịch, dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên cơ sở khai thác, kết nối các di tích lịch sử văn hóa, gắn kết chặt chẽ phát triển du lịch với phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Vì vậy, việc nghiên cứu xây dựng Đề án “Hạ Long – Thành phố Lễ hội” là rất cần thiết, phù hợp với xu thế phát triển của thành phố trong các chủ trương, định hướng. Thông qua tổ chức các lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch sẽ góp phần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, hun đúc về lòng yêu nước, truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc; bồi dưỡng, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đại đoàn kết, niềm tự hào và ý chí tự lực, tự cường dân tộc; đồng thời khôi phục, bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc gắn với quảng bá, giới thiệu các tiềm năng văn hóa, hình ảnh Hạ Long, khai phá tiềm năng phát triển nhanh, bền vững ngành Du lịch; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Hạ Long trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững.

Hạ Long - Thành phố Lễ hội
Năm 2023, thành phố Hạ Long đón 8,7 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước, Đề án thành phố Lễ hội là động lực mới để đón bắt xu hướng phát triển mới của ngành Du lịch thế giới.

Hàng năm, thành phố thu hút hàng triệu lượt khách trong nước và quốc tế (năm 2023 đón 8,7 triệu lượt khác) tham quan, tìm hiểu văn hóa, thiên nhiên. Thành phố cũng đã xây dựng được một số thương hiệu, sự kiện văn hóa tiêu biểu, đặc biệt là Carnaval Hạ Long với 17 lần tổ chức; Lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn được nâng cấp lên quy mô cấp Thành phố, được duy trì tổ chức với quy mô ngày càng lớn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh của người dân. 9 lễ hội truyền thống ở quy mô nhỏ cấp xã/phường; trong đó có một số lễ hội thể hiện được giá trị đặc trưng văn hóa vùng biển, tiêu biểu như: Lễ hội đình Giang Võng với lễ rước nước; Lễ hội đình – miếu Yên Cư với nghi thức rước Thành hoàng làng từ các miếu về đình; Lễ hội đền vua Lê Thái Tổ…

Hội làng Bằng Cả với nét đặc sắc văn hóa của đồng bào Dao Thanh Y. Lễ hội Đình Lộ Phong 2 năm tổ chức một lần. Một số di tích mặc dù không có hoạt động lễ hội, nhưng vẫn thu hút rất đông nhân dân, phật tử đến lễ bái, lễ chùa, đặc biệt vào các dịp đầu năm mới và các ngày rằm, mùng 1 hàng tháng như chùa Lôi Âm, chùa Long Tiên, đền Cái Lân, đền Quan Sơn…

Lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài là những hoạt động giới thiệu văn hóa, kinh tế, xã hội của nước ngoài đến công chúng Việt Nam. Từ năm 2007, UBND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Carnaval Hạ Long làm tâm điểm của Tuần Du lịch Hạ Long – Quảng Ninh. Carnaval Hạ Long được UBND tỉnh tổ chức ở quy mô cấp tỉnh thường niên từ 2007-2013. Từ năm 2014, Carnaval Hạ Long được Tỉnh ủy quyền về UBND thành phố Hạ Long tổ chức nhưng vẫn là sự kiện quy mô cấp tỉnh.

Hạ Long - Thành phố Lễ hội
Những vị khách du lịch quốc tế đặt chân đến thành phố Hạ Long vui mừng được thực mục thành phố Hoa và Lễ hội.

Các lễ hội, sự kiện tiêu biểu do thành phố tổ chức gồm 8 hoạt động: Lễ hội Bia – Chả mực lần đầu tổ chức vào năm 2024; lễ hội thả diều tổ chức từ 2019 và duy trì thường niên vào dịp 30/4, 01/5; lễ hội đèn Trung thu được tổ chức lần đầu vào tháng 8/2022; liên hoan rồng sân sư thành phố Hạ Long mở rộng; Liên hoan các nhóm nhảy hiện đại vào dịp 30/4; liên hoan dân vũ tổ chức dịp 8/3 và 20/10; liên hoan zumba tổ chức thường niên dịp 30/4; các chương trình ca nhạc cộng đồng cũng được thành phố định kỳ tổ chức, thu hút đông nhân dân, du khách xem, cổ vũ. Trung bình 1 năm, từ thành phố tổ chức khoảng 10 lễ hội, sự kiện tiêu biểu.

Các lễ hội, sự kiện do tỉnh và các doanh nghiệp tổ chức như: Lễ hội Hokkaido Nhật Bản tại Hạ Long năm 2023; ngày chạy Olympic diễn ra vào tháng 3 hằng năm; Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc năm 2023; địa điểm thi đấu của Sea Games 31; kỷ niệm ngày YOGA thế giới; Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh; Liên hoan ẩm thực 3 miền…

Các doanh nghiệp cũng đã tích cực tổ chức các sự kiện để kích cầu du lịch, gắn với giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của doanh nghiệp, góp phần quảng bá mảnh đất, con người Hạ Long: Các giải thể thao như giải chạy VnExpress, giải Chạy cung đường di sản Heritage dọc tuyến đường ven biển đã thu hút hàng vạn vận động viên trên cả nước tham gia, giải 2 môn phối hợp bơi và chạy Aqua thu hút cả các vận động viên người nước ngoài; Tập đoàn Tuần Châu tổ chức liên hoan ẩm thực 3 miền, Tết Việt….

Đề án “Hạ Long – Thành phố Lễ hội” đề ra 10 giải pháp quản lý, tổ chức lễ hội, sự kiện; có quy trình lộ trình thực hiện. Từng bước xây dựng các thương hiệu riêng có cho từng lễ hội, sự kiện, gắn với định hướng phát triển tế – xã hội, qua đó bảo tồn, tôn vinh các lễ hội truyền thống; hình thành thương hiệu cho các lễ hội văn hóa, du lịch riêng có của người dân Hạ Long; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về lễ hội, sự kiện, khắc phục những vấn đề hạn chế, bất cấp đã được chỉ ra trước đây. Việc xây dựng và thực hiện Đề án cũng là hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Hạ Long là thành phố của Di sản, của Hoa và Lễ hội, phù hợp với chỉ đạo của Tỉnh ủy tại Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 30/10/2023, góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hạ Long lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2021-2025 đề ra.

Bạn đang đọc Tin tức xây dựng trên website hungday.com