“Tao luôn đúng, mày không có quyền được cãi, thứ con bất hiếu mới cãi lại….”
Sẽ thế nào nếu bạn sống trong một gia đình vô cùng khắt khe, gò bó và phải tuân theo một điều rằng “cha mẹ luôn luôn đúng”? Một mẫu hình của những bậc cha mẹ châu Á ( tôi chỉ muốn đề cập đến những cha mẹ nghĩ rằng: “Con là do tôi đẻ ra, tôi có quyền chửi mắng, xúc phạm và dạy dỗ nó”)
“Một tình yêu vĩ đại không phải là tình yêu khiến con cái phải sống theo kỳ vọng của cha mẹ, mà là tình yêu cho phép chúng tự do tìm kiếm và trở thành chính mình.”
Trong xã hội hiện đại ngày nay, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của thế hệ trẻ. Tuy nhiên, một số bậc phụ huynh lại áp đặt quá nhiều kỳ vọng và yêu cầu, tạo ra những áp lực không nhỏ đối với con cái. Sự gò bó, khắt khe, luôn cho mình là “đúng” và áp lực từ cha mẹ là vấn đề mà tôi muốn chia sẻ và phải nói rằng đó là điều mà tôi và không ít các bạn đã trải qua.
Điểm số có phải thước đo duy nhất của những đứa trẻ?
“Điểm số không phải là thước đo duy nhất của giá trị con người. Hãy để con tự do học hỏi, khám phá và phát triển theo cách của riêng mình. Mỗi thất bại là một cơ hội để con học hỏi và trưởng thành. Điều quan trọng là con có đam mê, kiên nhẫn và luôn cố gắng cải thiện bản thân mỗi ngày.”
Không giấu gì các bạn, tôi luôn là học sinh xuất sắc trong mắt ông bà, cha mẹ, thầy cô và bạn bè, cũng có thể gọi là “con nhà người ta”. Nhưng những điều đó cũng nhờ vào “cha mẹ” của tôi cả, tôi phải sống trong cái cảm giác là “mày không được làm sai, không được…”. Ba mẹ tôi có một quy tắc: “Khi mày học tiểu học thì thi không được dưới 10, cấp 2 thì tệ lắm phải là 9 và cấp 3 học ngu lắm là 8”. Nhắc lại mà tôi cảm thấy muốn nôn và sợ hãi, nếu tôi không làm được thì sẽ bị như thế nào nhỉ? Đó có thể là một “bài ca con cá” kéo dài chừng nào ba mẹ tôi mất trí nhớ thì thôi, hoặc là những trận đòn và lời chửi rủa. Tôi cảm tạ Chúa là lên cấp 3 thì tôi chỉ còn bài ca và tiếng chửi thay vì những trận đòn rớm máu. Thật tuyệt đúng không, khi mà ba mẹ tôi ngày trước cũng chẳng thể học được như tôi, tôi cam đoan như thế.
Chính những bậc phụ huynh sống vì các “con số” đã gây ra những cái chết đau lòng. Tôi biết một cô bạn, tôi từng học chung cấp 1, lên cấp 2 cô bạn ấy học khác trường và bạn ấy đã mãi dừng lại ở tuổi 15…Cũng vì sự kỳ vọng quá cao, áp lực điểm số, học hành quá nhiều, từ sáng đến tối học thêm học bớt, học năng khiếu, thi cử và sự chửi mắng từ ba mẹ, cô bạn ấy đã dại dột – tự tử bằng việc nhảy từ lầu 3 xuống và gây ra cái chết thương tâm khi chỉ mới lớp 9. Chuyện của cô ấy vô cùng nhói lòng, dù sao thì câu chuyện buồn đó cũng lan xa tới nhiều phụ huynh, nhưng họ vẫn dửng dưng, vẫn chọn cái sự lạnh lùng và kỳ vọng cao vào con cái.
Cha mẹ luôn đúng, dù con nói đúng hay sai vẫn là “đồ bất hiếu cãi cha mẹ”: Nỗi đau không thể chữa lành
Trong quá trình tôi lớn lên, tôi luôn đối mặt với sự chửi rủa, đòn roi của cha mẹ, và nghe được những câu chuyện đau lòng về những đứa trẻ bị cha mẹ mắng mỏ, đánh đập. Dù chỉ là những lời nói thoáng qua từ cha mẹ hoặc cái roi nhất thời, tôi cũng cảm nhận được sự tổn thương sâu sắc. Dần dần, tôi hiểu rằng hành động chửi rủa và đánh đập con cái không chỉ là biểu hiện của sự thiếu kiên nhẫn, mà còn là một vết thương lòng khó có thể lành lại.
Cha mẹ, những người có trách nhiệm nuôi dưỡng và bảo vệ con cái, lại là người gây ra nỗi đau lớn nhất cho chúng. Lý do gì khiến một người cha, một người mẹ lại có thể hành xử như vậy? Có thể là do sự căng thẳng trong cuộc sống, áp lực công việc hay sự thiếu kiên thức về cách nuôi dạy con cái. Tuy nhiên, dù lý do gì đi nữa, việc sử dụng bạo lực để giáo dục con cái là hoàn toàn sai lầm. Trong một nghiên cứu, nhà tâm lý học Michael A. Huesmann nói rằng: “Bạo lực trong gia đình không chỉ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái mà còn có thể dẫn đến sự hình thành các hành vi bạo lực trong xã hội sau này.”
Điều quan trọng nhất mà tôi muốn nhấn mạnh là, không ai có quyền làm tổn thương một đứa trẻ. Cả xã hội đều cần phải nhận thức rõ rằng việc chửi rủa và đánh đập không phải là cách để dạy dỗ hay giáo dục con cái. Trái lại, đây là hành động phản giáo dục, chỉ làm gia tăng sự tổn thương và xa cách giữa cha mẹ và con cái. Thay vì sử dụng bạo lực, cha mẹ nên học cách lắng nghe, thấu hiểu và đồng hành cùng con cái trong quá trình phát triển. Cần kiên nhẫn và yêu thương, vì những đứa trẻ cần được hướng dẫn bằng tình yêu và sự tôn trọng chứ không phải bằng sự đe dọa hay hành hạ.
Nếu chúng ta muốn một thế hệ tương lai khỏe mạnh, hạnh phúc và thành công, điều đầu tiên chúng ta cần làm là tạo ra một môi trường nuôi dưỡng yêu thương, tôn trọng và hiểu biết. Cha mẹ cần thay đổi cách tiếp cận trong việc dạy dỗ con cái, bằng sự kiên nhẫn, sự đối thoại và một tình yêu vô điều kiện. Những đứa trẻ có thể mắc sai lầm, nhưng chúng không bao giờ xứng đáng phải chịu đựng sự tổn thương từ chính những người yêu thương chúng nhất.
Cha mẹ so sánh con cái và sự khắc nghiệt trong việc tuân theo ý muốn: Hệ lụy từ sự áp đặt
Khi tôi còn nhỏ, tôi đã chứng kiến nhiều đứa trẻ phải chịu áp lực vô hình từ cha mẹ khi họ liên tục so sánh chúng với những đứa trẻ khác. Có những đứa trẻ phải cố gắng vượt qua những kỳ vọng vô lý và khắc nghiệt từ cha mẹ mà không dám nói ra, bởi vì chúng được dạy rằng phải tuân theo ý của cha mẹ mà không có quyền phản kháng. Những câu nói như “Tại sao con không như bạn A, bạn B?”, “Con phải học giỏi như anh/chị của con” đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều đứa trẻ. Nhưng liệu việc so sánh và áp đặt những yêu cầu quá mức có thực sự là cách để giúp con cái thành công? Hay nó chỉ khiến những đứa trẻ ấy cảm thấy bất lực và tổn thương?
Điều đáng tiếc là, không phải tất cả những đứa trẻ đều có khả năng chống chọi với sự so sánh và áp lực. Theo nghiên cứu của nhà tâm lý học Albert Bandura, khi trẻ bị liên tục so sánh với người khác và không được công nhận vì những nỗ lực riêng của mình, chúng có thể phát triển cảm giác thiếu tự tin và tự ti. Những cảm giác này có thể đeo bám trẻ trong suốt cuộc đời, gây ra những vấn đề về tâm lý như lo âu, trầm cảm và mất phương hướng trong cuộc sống.
Trong cuốn sách The 7 Habits of Highly Effective People (7 Thói Quen Hiệu Quả Của Người Thành Đạt) của Stephen Covey, tác giả nói rằng: “Chúng ta không thể ép buộc người khác thay đổi mà không tạo ra tổn thương. Sự thay đổi thực sự đến từ bên trong, và phải được khích lệ bởi sự tin tưởng và tôn trọng.” Điều này càng đúng khi áp dụng vào mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Việc cha mẹ chỉ trích, so sánh và áp đặt những kỳ vọng quá mức không giúp ích gì cho sự phát triển của con. Thay vào đó, những đứa trẻ sẽ cảm thấy bị kiềm chế và không thể tự do thể hiện bản thân.
Lý thuyết về “Tự quyết và sự tự chịu trách nhiệm” của nhà tâm lý học Carl Rogers đã chỉ ra rằng, một người chỉ có thể phát triển mạnh mẽ và thực sự hạnh phúc khi họ có quyền quyết định về con đường của chính mình. Cha mẹ không nên đặt ra những kỳ vọng quá mức mà không để con có không gian để tự khám phá bản thân. Sự yêu thương và tôn trọng không phải là việc áp đặt những gì cha mẹ cho là đúng, mà là sự thấu hiểu, giúp con cái tự tin và tìm ra con đường riêng của mình.
Như tác giả nổi tiếng Bruce Lee đã từng nói: “Sự tự do không phải là không có ràng buộc mà là sự phát triển đầy đủ của chính mình trong một môi trường thích hợp.” Những đứa trẻ cần được phát triển trong một môi trường yêu thương, nơi chúng có thể tự do học hỏi, khám phá và làm chủ cuộc sống của chính mình mà không bị gò bó bởi những kỳ vọng quá khắt khe.
Nếu các bạn có chia sẻ gì thì cứ comment nhé ❤ Cảm ơn mọi người đã đọc đến đây.