Vĩnh Phúc: Phát triển các cụm công nghiệp theo quy hoạch

Tháng sáu 17, 2024

Vĩnh Phúc: Phát triển các cụm công nghiệp theo quy hoạch

(Xây dựng) – Mặc dù đến nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 16 cụm công nghiệp đã được thành lập và giao chủ đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng. Tuy nhiên, việc phát triển cụm công nghiệp còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Vĩnh Phúc: Phát triển các cụm công nghiệp theo quy hoạch
Cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương đang thu hút nhiều nhà đầu tư.

Trước thực tế này, Nghị định số 32 của Chính phủ được ban hành và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2024 được xem là cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh cùng các địa phương tiếp tục tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn, thúc đẩy chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, lao động theo hướng công nghiệp ở nông thôn.

Thời gian qua, Sở Công Thương đã thường xuyên theo dõi, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố hoàn thiện hồ sơ thành lập và giao chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp; đôn đốc các chủ đầu tư cụm công nghiệp đẩy nhanh tiến độ, giải quyết các khó khăn trong quá trình thực hiện dự án, hướng dẫn và thực hiện các thủ tục về chuyển đổi chủ đầu tư, gia hạn tiến độ thực hiện nhiều dự án như Cụm công nghiệp Đình Chu, Cụm công nghiệp Thổ Tang – Lũng Hòa; Cụm công nghiệp Hợp Thịnh…

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 16 cụm công nghiệp được thành lập và giao chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh với tổng diện tích 490,38ha, đạt 24% tổng diện tích quy hoạch; thu hút 642 cơ sở sản xuất, kinh doanh đầu tư vào cụm công nghiệp, đạt tỷ lệ lấp đầy trung bình gần 51%; từng bước giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong các làng nghề, khu sản xuất tập trung và giải quyết việc làm tại chỗ cho hơn 13.000 lao động.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc quản lý, phát triển các cụm công nghiệp còn lại trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, tỷ lệ lấp đầy chưa cao; hạ tầng chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ; tiến độ triển khai một số nội dung, công việc còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn về thu hút đầu tư.

Theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, Vĩnh Phúc quy hoạch, phát triển mới 31 cụm công nghiệp, nâng tổng số cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh lên 47 cụm và đến năm 2050, toàn tỉnh có 51 cụm công nghiệp với tổng diện tích là hơn 2.035ha.

Ngày 15/3 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32 về quản lý, phát triển cụm công nghiệp với nhiều điểm mới thay thế Nghị định số 68 và Nghị định số 66 trước đây. Theo đó, để phù hợp với quy định của Luật Đầu tư, Nghị định số 32 tiếp tục quy định thủ tục thành lập, mở rộng cụm công nghiệp (trong đó có lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp) và đồng thời, giao trách nhiệm Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền quy định dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp phù hợp với nội dung Báo cáo đầu tư thành lập, mở rộng cụm công nghiệp đã được phê duyệt không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo pháp luật về đầu tư.

Đặc biệt, Nghị định số 32 quy định việc áp dụng ưu đãi đối với dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành (pháp luật về đất đai, pháp luật về thuế, pháp luật về tín dụng và quy định khác của pháp luật có liên quan) để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; trường hợp pháp luật quy định các mức ưu đãi khác nhau thì áp dụng mức ưu đãi cao nhất.

Nghị định cũng giao UBND cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế, hiệu quả hoạt động của cụm công nghiệp, tổ chức rà soát lại hiện trạng đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hồ sơ pháp lý liên quan để làm rõ sự cần thiết, phù hợp quy định pháp luật, tính khả thi và quyết định việc thành lập cụm công nghiệp…

Với nhiều quy định mới, Nghị định số 32 được chính quyền các địa phương và các nhà đầu tư kỳ vọng sẽ tháo gỡ những chồng chéo, tạo sự thông thoáng cho công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn.

Hiện nay, tại một số cụm công nghiệp được quy hoạch trên địa bàn tỉnh đã có một số doanh nghiệp quan tâm, triển khai các thủ tục đầu tư. Để giúp các địa phương sớm triển khai, áp dụng Nghị định vào thực tế, Sở Công thương đã và đang hướng dẫn UBND các huyện, thành phố và các nhà đầu tư triển khai thủ tục thành lập và giao chủ đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp theo quy định mới tại Nghị định số 32.

Tại huyện Yên Lạc, theo Quy hoạch tỉnh đã được duyệt, trên địa bàn huyện sẽ phát triển 10 cụm công nghiệp với tổng diện tích 380,98ha; trong đó, ngoài các cụm công nghiệp đã thành lập, giao chủ đầu tư, phát triển thêm 4 cụm công nghiệp mới là Cụm công nghiệp làng nghề Yên Phương, quy mô 45ha; Cụm công nghiệp làng nghề Tề Lỗ 2 quy mô 70ha; Cụm công nghiệp làng nghề Đồng Văn 2 quy mô 17,3ha; Cụm công nghiệp làng nghề Đồng Văn 3 quy mô 50ha.

Theo những quy định cụ thể tại Nghị định số 32 về trình tự, thủ tục thành lập, giao chủ đầu tư cụm công nghiệp và quản lý các cụm công nghiệp đã thành lập, Sở Công thương đề nghị UBND huyện Yên Lạc chỉ đạo các phòng chuyên môn nghiên cứu kỹ để thực hiện, hướng dẫn các doanh nghiệp; tạo điều kiện cung cấp các thông tin về quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất… để các doanh nghiệp quan tâm nghiên cứu, lập dự án đầu tư; đồng thời thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo phân cấp trong quản lý các cụm công nghiệp đã thành lập trên địa bàn.

Sở Công Thương phối hợp chặt chẽ, hướng dẫn, hỗ trợ địa phương trong quá trình thực hiện các thủ tục thành lập, giao chủ đầu tư, triển khai các cụm công nghiệp theo quy định.

Bạn đang đọc Tin tức xây dựng trên website hungday.com