Quảng Nam: Triển khai 2 đề án chính thực hiện chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh
Quảng Nam: Triển khai 2 đề án chính thực hiện chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh
(Xây dựng) – Về triển khai thực hiện công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2025, UBND tỉnh Quảng Nam đã triển khai theo 02 đề án. Đó là Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh và Đề án nhà ở theo Nghị quyết 13/2023/NQ-HĐND ngày 22/9/2023.
Tỉnh Quảng Nam hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn. |
Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh được triển khai xây dựng theo chính sách của Trung ương, theo Dự án 53 của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022.
Mục tiêu là hỗ trợ xây dựng nhà ở hiện có nhưng chưa đảm bảo diện tích sử dụng, “ba cứng” và tuổi thọ, cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn 6 huyện nghèo miền núi của tỉnh Quảng Nam.
Theo đề án này, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức triển khai hỗ trợ xây dựng mới, cải tạo sửa chữa với tổng số hộ (nhà) là 8.1794. Tổng nguồn vốn là 423,45 tỷ, từ nguồn vốn Trung ương, vốn ngân sách địa phương và nguồn hợp pháp khác là 98,81 tỷ đồng, thực hiện trong 3 năm kế hoạch, từ 2023 đến 2025. Xây dựng mới và sửa chữa thì năm 2023 là 1.348 nhà, năm 2024 khoảng 3.871 nhà và năm 2025 dự kiến 2.960 nhà.
Hiện nay, các địa phương đang tiếp tục triển khai thực hiện theo nguồn kinh phí phân bổ năm 2024 đợt 1 nêu trên của UBND tỉnh và hướng dẫn của các ngành. Đồng thời, theo các chỉ đạo của Trung ương và tỉnh, 06 địa phương (Nam Trà My, Bắc Trà My, Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn) đang tiếp tục tổ chức rà soát danh sách đối tượng đảm bảo phù hợp theo đúng quy định.
Đối với Đề án nhà ở theo Nghị quyết 13/2023/NQ-HĐND ngày 22/9/2023, từ năm 2023, UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch vận động xã hội hóa cho việc xóa nhà tạm cho đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh. Quá trình thực hiện hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà tạm, dột nát trên địa bàn 18 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh.
Đối tượng là hộ gia đình chính sách, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ, hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025 trên địa bàn 12 huyện, thị xã, thành phố (ngoài 06 huyện nghèo). Đồng thời, bổ sung chi phí hỗ trợ xóa nhà tạm cho các hộ nằm trong danh sách theo đề án của 6 huyện nghèo miền núi.
Đề án hỗ trợ cho 7.556 nhà, tổng nhu cầu vốn: 407,66 tỷ đồng. Hiện nay đã có phân bổ đợt 1 của năm 2024, với tổng mức là 30 tỷ đồng cho các đối tượng hỗ trợ gồm hộ gia đình chính sách, người có công, thân nhân liệt sỹ của 18 huyện, thị xã, thành phố… Các địa phương cũng đang khẩn trương triển khai tổ chức xây dựng nhà ở theo nguồn vốn đã được UBND tỉnh phân bổ.
Về kinh phí vận động, hỗ trợ qua đợt phát động vận động của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thông qua Ban Vận động xóa nhà tạm, nhà dột nát giai đoạn 2023 – 2025, tính đến tháng 05/2024, đã huy động được khoảng 3,939 tỷ đồng, trong đó, năm 2023 là 3,331 tỷ đồng, năm 2024 là 0,607 tỷ.
Nguồn từ các khoản viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam liên quan đến hỗ trợ, cải thiện nhà ở cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật với tổng kinh phí viện trợ khoản 6,355 tỷ đồng.
Trong quá trình thực hiện 02 đề án trên cũng đã gặp một số khó khăn, vướng mắc cần kiến nghị giải quyết. Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, UBND tỉnh kiến nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh xem xét báo cáo Ban Chỉ đạo bổ sung đối tượng thụ hưởng còn lại nằm ngoài Quyết định Đề án Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.
Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam xây dựng chương trình kế hoạch, kịch bản về vận động các nguồn xã hội hóa để thực hiện đề án, cách thức huy động nguồn lực xã hội, giữa các cấp: Trung ương – tỉnh – huyện – xã…, giữa các tổ chức chính trị xã hội các cấp khác nhau. Xem xét cho chủ trương về bố trí nguồn kinh phí để thực hiện 02 đề án, bổ sung 103,3 tỷ vốn Trung ương còn thiếu.
Bạn đang đọc Tin tức xây dựng trên website hungday.com