EDOGAWA RANPO – ÔNG TỔ CỦA TIỂU THUYẾT TRINH THÁM NHẬT BẢN
Edogawa Ranpo (1894 – 1965) là một trong những nhà văn trinh thám nổi tiếng nhất của Nhật Bản, người tiên phong trong việc xây dựng và phát triển thể loại trinh thám tại đất nước này. Ông được mệnh danh là “Ông tổ trinh thám Nhật Bản” với nhiều ấn phẩm trinh thám mang yếu tố kinh dị, tâm lý đặc sắc. Nếu ai đã từng xem series manga Thám tử lừng danh Conan – một biểu tượng đại chúng toàn cầu, sẽ dễ dàng thấy được sự quen thuộc trong cái tên Edogawa Conan, bởi lẽ cái tên Edogawa Conan là sự kết hợp giữa hai nhà văn trinh thám vĩ đại của phương Đông và phương Tây: Edogawa Ranpo và Conan Doyle. Ở Nhật Bản nói riêng và thế giới nói chung, cái tên Edogawa Ranpo đã trở thành một tượng đài nổi bật về trinh thám.
Trong giai đoạn hiện đại hóa văn học, hầu như các tác gia Nhật Bản đều tiếp cận với kĩ thuật viết thông qua các ấn phẩm dịch thuật, theo như chuyên gian văn học Ishikawa nhận định: “Văn học Nhật Bản hiện đại bắt đầu bằng việc dịch các tác phẩm từ tiếng Anh sang tiếng Nhật, và thể loại tiểu thuyết trinh thám cũng vậy”. Bên cạnh các tác phẩm chuyển thể và bản dịch tóm tắt, các tác giả như Okamoto Kidō và Nomura Kodō đã biên soạn “sổ tay tác phẩm” của riêng họ về những câu chuyện bí ẩn lấy bối cảnh thời kỳ Edo. Các tác giả văn học cùng giai đoạn như Izumi Kyōka, Ozaki Kōyō, Akutagawa Ryūnosuke và Tanizaki Jun’ichirō đã viết các tác phẩm chịu ảnh hưởng của thể loại trinh thám. Những tác phẩm mang yếu tố trinh thám ấy đã khơi dậy sự hứng khởi trong trái tim Ranpo thời trẻ trước khi ông ra mắt, trở thành nguồn động lực lớn để ông chấp bút.
Phải hai mươi năm sau mới dần xuất hiện các tác giả học lối viết của phương Tây, rồi từ đây người Nhật mới dần lý giải được bản chất, tư tưởng sáng tác, nguyên lý sáng tác của văn học Âu Mỹ, và đến thời Taishou mới bắt đầu hình thành văn học Nhật Bản cận đại.
Khi còn là sinh viên, Edogawa Ranpo đã bị cuốn hút vào những bí ẩn từ Edgar Allan Poe (nguồn cảm hứng cho bút danh của ông), Arthur Conan Doyle và những người khác thông qua những tiểu thuyết trinh thám viết bằng tiếng Anh. Ông đã gia nhập nhóm Văn học mới (Shinseinen), một nhóm văn học Nhật Bản hoạt động từ những năm 1920 đến 1930 với các thành viên trẻ tuổi như Junichiro Tanizaki, Riichi Yokomistsu, Mishima Yukio và Yasunari Kawabata,v.v…,có mong muốn cách tân văn học và phản ánh thực tại xã hội lúc bấy giờ.
Con đường viết trinh thám nảy nở
Từ sáng đến tối, tôi dành thời gian của mình trong thế giới thực. Chỉ trong những giấc mơ vào ban đêm, tôi mới có thể thỏa mãn trí tưởng tượng của mình. Edogawa Ranpo — Edogawa Ranpo
Từ những năm niên thiếu, Edogawa Ranpo đã say mê với những tiểu thuyết võ hiệp của Oshikawa Shunrou hay truyện trinh thám của Kuroiwa Ruikou. Khi đi học, ông chán ghét những tiết học thể thao ở trường nên thường xuyên trốn học. Trong giai đoạn này, Ranpo không có hứng thú gì với thế giới thực tại mà chỉ trốn trong phòng, bắt đầu tưởng tượng ra thế giới riêng của mình.
Khi còn học ở giảng đường đại học Waseda, Edogawa Ranpo đã bắt đầu tiếp cận với tác phẩm trinh thám của nhiều tác giả như Edgar Allan Poe, Arthur Conan Doyle và một số tên tuổi khác. Vì hoàn cảnh gia đình, ông thường xuyên làm nhiều nghề như nhân viên sao chép, biên tập tạp chí chính trị, nhân viên thu ngân, gia sư tiếng Anh,… tuy những công việc ấy không gắn bó với nhà văn lâu dài nhưng cũng ít nhiều để lại cho ông nhiều tư liệu, kinh nghiệm mà sau này sẽ thấy trong truyện trinh thám của ông.
Sự xuất hiện của Ranpo đã cho thấy được người Nhật cũng có thể sáng tác trinh thám sánh ngang với trinh thám phương tây. Mượn Shin Seinen làm nền tảng, Ranpo cứ thể miệt mài sáng tác và cho ra đời nhiều kiệt tác trinh thám. 1925 cũng là năm sự nghiệp của ông thăng hoa rực rỡ nhất, đây cũng là năm ông để lại cho mình địa vị bất biến trên diễn đàn văn học đại chúng.
Edogawa Ranpo đã viết rất nhiều truyện trinh thám trong giai đoạn thế chiến II. Ông thử sức mình với cả truyện ngắn lẫn tiểu thuyết, thậm chí là trinh thám dành cho thiếu nhi. Thế giới nhân vật trong trinh thám của nhà văn đều mang màu sắc tâm lý méo mó, biến thái và thể chất dị biệt. Các câu chuyện đều toát lên màu sắc kinh dị, hồi hộp đúng đặc trưng phong cách Ranpo.
Đó là tên tội phạm bệnh hoạn với những mặc cảm khiếm khuyết đã tạo ra một chiếc ghế công phu rồi chui vào đó nằm, cảm nhận sức nặng người khác đè lên mình trong Chiếc ghế người. Hắn ta dường như từ bỏ đi phần người để trở thành phần con trong một thế giới biệt lập của riêng mình.
Như bao tác giả trinh thám vĩ đại nhất, Edogawa Ranpo cũng muốn xây dựng một thế giới trinh thám riêng mình với một vị thám tử tài hoa, đại diện cho công lý. Ông tạo ra bộ truyện về thám tử Akechi Kogoro giống như vũ trụ của Sherlock Holmes với các câu chuyện mang đậm màu sắc trinh thám phương Đông. Vị thám tử Akechi luôn xuất hiện ở những giây phút kịch tính, sau cùng một vụ án tưởng chừng như đã xong để lật bài ngửa với những suy luận tinh vi.
Boy Dectectives Club và thám tử Akechi Kogoro đã truyền cảm hứng mãnh liệt cho manga đình đám Thám tử lừng danh Conan, nơi nhân vật chính của chúng ta sống tại nhà của thám tử Mouri Kogoro và là một thành viên của Đội thám tử nhí. Tác phẩm này của Ranpo có sức hút vượt thời gian và hiện nay vẫn được nhiều độc giả trẻ Nhật Bản tìm đọc.
Sau Thế chiến II, một số lượng lớn sách của Ranpo đã được chuyển thể thành phim. Sau khi nhà văn đại tài qua đời, các tác phẩm của ông vẫn trở thành nguồn cảm hứng lớn lao được nhiều nhà làm phim, sáng tác truyện tranh khai thác.