Bàn về việc viết, phần cuối: lương 5 triệu, tinh thần 50 triệu.

Tháng sáu 18, 2024

“Không có nước mắt trong tác giả thì sẽ không có nước mắt trong người đọc. Không có sự bất ngờ trong tác giả thì sẽ không có sự bất ngờ trong người đọc.” – Robert Frost

Đầu ra: Bởi view là KPI

Hippocrates đã nói rằng: “Ars longa, vita brevis / Ôi nghệ thuật thì dài mà đời thì chớp nhoáng.” Bạn quằn quại, bạn vật vã, trải qua chục vòng feedback từ các động vật ẩn danh trải dài từ hươu cao cổ đến capybara bí mật trên Google Docs, cuối cùng cũng “đẻ” ra được đứa con tinh thần là bài viết mấy nghìn chữ của mình. 
Sau đó là hồi hộp chờ view. Hoặc/và chờ upvote trên Spiderum.
Gần đây tôi mới trải nghiệm như thế nào là có một bài viết 55 upvote và trên 1.500 view, đứng top 3 bài viết của tháng, là thành tính lớn nhất mà tôi đạt được trên Spiderum.
Tôi trân trọng nó lắm, nó vui lâu hơn khoảng thời gian tôi hạnh phúc khi nhận nhuận bút nhiều – chừng năm phút. Tiếp theo là gì? Câu trả lời chính là: 
“Giờ đây tất cả những gì tôi phải làm là giữ đầu mình cho thật yên tịnh và thanh thản cho đến sáng hôm sau, khi bắt đầu làm việc trở lại.” – Ernest Hemingway. [1]
Nguồn: netabooks.vn

Nguồn: netabooks.vn

Phần thưởng cho việc viết: KPI là tiền

Trong bài phỏng vấn với báo Thanh Niên, nhà văn Ploy Ngọc Bích đã chia sẻ rằng: “Viết sách cũng để kiếm tiền. Nhà văn cũng cần phải sống, sống thì mới kiếm được tiền. Có tiền mới đi đây đi đó để viết. Nhà văn kiếm tiền là chuyện bình thường, đừng mang sĩ diện nghệ sĩ vào công việc của mình.” [2] Đọc xong, tôi cảm thấy được an ủi khi cứ nhắc chữ “tiền” đằng sau chữ “viết”.
Bởi một lẽ:

Văn chương hạ giới rẻ như bèo, cơm áo không đùa với khách thơ

Trong ba tháng gần đây nhất, tôi đã có những trải nghiệm có 102 với việc bán chữ, cụ thể như sau:
– Cuối tháng 4, tôi không có đủ tiền để ăn một tô phở thịt.
– Cuối tháng 5, trong ví tôi không có đủ tiền để đi cafe.
– Đầu tháng 6, tôi bán chồng truyện 12 cuốn Cardcaptor Sakura để có tiền đổ xăng. Họ tính tôi 4.000 một cuốn.
Nói chung là nghèo rớt mồng tơi.
Thế mà trong bài , một độc giả comment rằng: 
Được hẳn 14 upvote và một comment khác nói “đồng tình.”

Được hẳn 14 upvote và một comment khác nói “đồng tình.”
Tôi trả lời bằng một sớ dài dằng dặc:
“Mình ghi nhận những góp ý của bạn và có 1 số phản hồi như sau.
Về việc khủng hoảng danh tính thì bên cạnh việc khủng hoảng về lý do nghề nghiệp (ví dụ về mình) như bao người khác thì một phần lớn phái nữ bị khủng hoảng do bị xã hội gán giá trị của họ vào khuôn mẫu với hôn nhân (như mình đã viết ở phần 2).
[…]
Trái lại, phái nam bị khủng hoảng do thiếu một khuôn mẫu hiện đại nhất định về sự nam tính. 
[…] Vậy nên mình thấy việc bạn nói rằng: “Mà những cuộc khủng hoảng như vậy đều là những vấn đề cá nhân, có những đặc trưng riêng biệt của từng người, từng cá thể nên tóm lại là khủng hoảng tính nữ hay nam gì mình thấy là không phù hợp” thì là do bạn nghĩ vậy, mình thì nghĩ khác và mình cũng đã đưa dẫn chứng ở trên đoạn này rồi.
[…]
Mình nói nữ giới khủng hoảng, mình không hề nói nam giới không khủng hoảng chút nào, hay là những khủng hoảng của nam giới không quan trọng, cái đó do người đọc tự nghĩ ra.
Về việc lấy dẫn chứng khủng hoảng danh tính để minh họa cho khủng hoảng tính nữ thì mình không thấy sai bởi vì nó vẫn phù hợp mà?
Nếu/Khi có những lỗi sai gì, thì thứ nhất, đây là một nền tảng đọc miễn phí. Thứ hai, mình đã cố hết sức. Quá trình mình viết bài này là 1 tháng hơn cho hơn 6k chữ, nếu bạn biết được mình nhận lại điều gì có lẽ bạn sẽ không quy chụp và lên án hành vi không đọc hết quyển sách hơn 300 trang pdf của Erikson vì mình cảm thấy chuyện đó khá là bình thường. 
Hoàn thành tốt hơn hoàn hảo và cơm áo không đùa với khách thơ, mình nghĩ vậy.”
Comment này còn bị downvote nữa, vậy nên, tôi chẳng biết làm sao để vừa lòng độc giả :))
Tôi nhận ra rằng: Đôi khi, những người không cho mình cái gì, là những người đòi hỏi nhiều nhất.

Giá trị của ngôn từ

Dẫu vậy, một câu hỏi được đặt ra rằng: Chữ nghĩa có giá bao nhiêu?
Nguồn: shutterstock

Nguồn: shutterstock
Chị chủ tiệm sách cũ nói tôi rằng, sách mới, được giữ gìn cẩn thận có giá tầm 60% giá bìa. Sách tản văn, du ký, tiểu thuyết các thứ có giá 5.000 VND một cân. Chồng Sakura 12 cuốn của tôi có giá 48.000 VND.
Một bài báo giấy cho thiếu niên đọc 10 năm trước có giá 200.000 VND một bài. Một bài báo mạng trên 5.000 view một chút của tờ báo chuyên bully người khác nhưng lại chạy chiến dịch Bye bye bully có giá 100.000 VND. Nhưng tôi cũng biết người quen của tôi viết báo được cả triệu một bài.
Anh Anh Tuấn Lê chia sẻ trên blog cá nhân về công thức tính nhuận bút sách như sau: 
“Viết sách bên cạnh chuyện giúp nâng cao định vị bản thân lên thì cũng giúp cho bản thân mình có một khoản thu nhập kha khá. Tùy mỗi tác giả và dòng sách mà sẽ có hợp đồng khác nhau với nhà xuất bản. Với các tác giả ‘tầm thường’ như mình hiện nay, thường cuốn sách sẽ được in 3000 – 5000 cuốn, bạn sẽ được hưởng 10% giá bìa. Nên cứ đơn giản muốn tính xem một tác giả nhận bao nhiều xiền, bạn hãy lấy giá bìa nhân với số lượng sách xuất bản (xem trang cuối) và lấy 10% trong số đó là ra.

Nói chung, theo giá thị trường, một cuốn sách có thể đem lại cho tác giả cỡ 20 đến 30 củ. Và một tác giả trung bình nếu chăm vừa có thể viết được 1-2 cuốn/năm. Có nhiều người siêu chăm viết 3-4 cuốn hoặc sách quá hay được tái bản vài chục lần thì không kể ở đây làm gì.
Vậy nên, thành thật mà nói, khó ai chỉ sống không bằng nghề tác giả – mà vẫn cần một nghề tay trái nữa. [3]
Thông thường một tác giả mới sẽ được in sách trong khoảng 1000 đến 3000 hoặc 5000 cuốn (tùy thỏa thuận và độ hay cuốn sách của bạn). Tác giả nhận được đâu đó khoảng 10-15% giá bìa của mỗi cuốn (tăng hay giảm sau lần tái bản tùy theo hợp đồng). Vậy nên để áng chừng một tác giả kiếm được bao nhiêu tiền từ cuốn sách đó, bạn có thể tính theo công thức:
Tiền = Số lần tái bản x 10% Giá Bìa x Số Lượng In
Ví dụ, một cuốn sách mình in 3000 bản, bán 70,000 một cuốn – mình sẽ nhận được 21 triệu cho cuốn sách này. Tiền này có thể được trả 100% sau khi sách được in hoặc 50% khi ký hợp đồng, 50% khi in (lại tùy hợp đồng). ” [4]
Nhưng, có là quá thực dụng không khi chỉ nói tới giá trị vật chất của con chữ?
Tôi đã đọc những dòng về tha thứ, về giá trị của con người của tiến sĩ Đặng Hoàng Giang được 10 năm, kể từ khi sang chấn xảy ra. Đó chính là thứ “vàng” giúp gắn lại tôi khi đang vỡ tan như một chiếc bát bị đập xuống đất.
Kintsugi: Nghệ thuật dùng vàng ròng hàn gắn gốm vỡ và triết lý cuộc sống tôn vinh vẻ đẹp từ những rạn nứt tâm hồn của người Nhật. Nguồn: cafef.vn

Kintsugi: Nghệ thuật dùng vàng ròng hàn gắn gốm vỡ và triết lý cuộc sống tôn vinh vẻ đẹp từ những rạn nứt tâm hồn của người Nhật. Nguồn: cafef.vn
Vậy nên khi có một comment nói tôi viết nhăng viết cuội trên mạng, làm sao thay đổi được gì? Người ấy nói rằng, chỉ có từ thiện và nghiên cứu khoa học mới thay đổi cuộc sống.
Thực ra đây cũng là quan điểm của một cây viết nổi tiếng trên Spiderum xin phép giấu tên vì tôi quý thời gian của tôi hơn việc phải lùng sục tất cả bài viết Spiderum và Facebook của người ấy để tìm bằng chứng.
Tôi trả lời bình luận rằng: Nếu chữ nghĩa không có giá trị, bạn đang phủ định nghề nhà báo và cả ngành xuất bản. Thêm vào đó, ngôn từ, với tất cả sự diệu kỳ và sức sát thương của chúng, có thể giết chết hoặc cứu sống một người.
Vậy nên, tôi xin tiếp tục trích những dòng tích cực của Hemingway trong “Hội hè miên man”:
“”Hemingway này, đừng nghĩ đến việc truyện phải đem lại tiền bạc. Quan trọng là viết ra chúng.” 
“Tôi biết. Tôi có thể viết. Nhưng chẳng ai đăng. Từ ngày bỏ nghề báo, tôi chẳng kiếm ra tiền.” 
[…]
Nhưng sáng nào dòng sông cũng vẫn ở đây và việc của tôi là phải viết để làm sống dậy những nơi chốn và bao chuyện khác.”[5]
Nói là thế thôi vẫn còn một câu hỏi lớn là trăn trở của nhiều người, đó chính là:

Làm sao để vượt qua mức lương 5 triệu/tháng của nghề viết?

Chị Hạ Chi trong cuốn sách “Người viết kiếm sống” đã chia sẻ 3 con đường kiếm cơm bằng con chữ: Viết báo, viết quảng cáo và làm freelancer, tôi thấy rất đúng đấy.
Bên cạnh đó, tôi xin tóm tắt clip tiktok của bạn Hạnh Sâu Sồ [6] vì tôi thấy có sự liên quan mật thiết với nghề viết ở đây:
Con đường sự nghiệp của Social Media Manager:

Thêm vào đó, tôi muốn chia sẻ 5 cấp độ kiếm tiền của người viết, theo Nicholas Cole [7], co-founder ghostwriting agency tại Mỹ:

Vậy nên, chúng ta hãy cùng cố gắng nhé.

Đạo đức của nghề viết: Nhưng tiền có phải là nhất không?

Có một sự thật như thế này: Liêm chính quá thì không kiếm được nhiều tiền.
Nguồn ảnh: Wiglaf Journal

Nguồn ảnh: Wiglaf Journal
Hãy quay lại việc tôi viết cho tờ báo nọ, với hai bài viết, 3.607 từ, phỏng vấn 6 người, viết trong 6 ngày, tôi kiếm được 700.000 VND. Trong đó, 200.000 VND là nhuận thật, còn 500.000 VND là tiền chị biên tập viên gửi riêng cho tôi vì thấy tôi bỏ nhiều công sức nhưng bài không được nhiều view (nhiều view được bên họ quy định là trên 5.000) nên chị ấy cũng ngại khi tiếp tục order tôi viết tiếp.
Mà những bài tôi viết không phải là những bài thường thấy trên những báo ấy. Những bài ấy là gì, tôi xin trích lại lời một người comment trên Threads rằng “chọc ngoáy, săm soi đời tư người khác – không đạo đức.
Nhưng những câu chuyện gossip thì mới được nhiều view, người viết mới sống được với “nghiệp” (không phải “nghề”).
Còn những gì tôi viết thì kén người đọc quá nên được 2 bài tôi bị ngừng hợp tác rồi đấy.
Không phải khi không mà người ta lại bảo: không có tiền thì tất cả những vấn đề của bạn sẽ lại về tiền.
Thế nhưng có một câu nói rằng:
“Từ chối là sự tái định hướng.”
Liệu tôi có thể nào tiếp tục làm việc trong một môi trường không tốt như những tế bào não trong Inside Out 2 dưới trướng của Anxiety? Cuối tháng nhận một cục tiền, biết rằng mình đã huy động đủ mọi nguồn lực, đơn cử như bám đuôi Hari Won và Trấn Thành đến 3 giờ sáng để chộp mấy bức ảnh hôn nhau, để khơi ra một tin tức đáng chú ý – thường là đời tư của người nổi tiếng  – ?
Thậm chí, nếu tôi là người viết ra câu “Trong MV Fortnight, Taylor Swift và Post Malone trông như Harry Potter và Voldemort đấu đũa thần”, tôi sẽ cảm thấy xấu hổ về bản thân đến mức muốn bỏ nghề. Nói chi đến việc làm một điều gì không nên về đạo đức.
Vậy nên tôi nghèo.

Bình luận trên mạng: từ khóc tới block, cãi nhau ra tiền

Xin trích báo Tuổi Trẻ: “Bạn đọc cần gì ở nhà văn? Và nhà văn cần gì ở bạn đọc? Nghe hai câu hỏi ấy, nhà thơ Nguyễn Duy cười cười nói:
“Bạn đọc chả cần gì ở nhà văn, nhà văn cũng chả cần đến bạn đọc, còn hội nhà văn thì chả cần cả hai”.” [8] 
Cười chết.
Hy vọng bạn cũng bật cười sảng khoái khi đọc câu này như tôi đã từng.
Chị Hạ Chi đã viết không chỉ một câu hay, tôi xin trích câu: “Quyển sách là tình yêu cho đi.” [9] Khi bạn làm ra một sản phẩm, bạn đừng để những bình luận về nó trở thành những bình luận về bản thân. Viết như chăm sóc một chú chim bị thương, bạn phải chuẩn bị tinh thần rồi sẽ đến ngày ngắm nó bay về phương trời mới – khán giả.
Phương trời mới nghĩ gì thì có Chúa mới biết (tôi vô thần). Giống như không ca sĩ nào biết ca khúc sắp tới có thành hit hay không, tôi cũng không biết rằng độc giả sẽ đón nhận bài viết của mình như thế nào.
Giống như một người từng làm tôi rớt nước mắt, thậm chí tôi còn cảm ơn bình luận của anh ta vì anh ta thấy những điều khiến tôi mất 20 năm mới phát hiện ở bản thân; trong bài viết “” anh ta phát ngôn: đẻ không khổ.

Đến nước này thì tôi chỉ block thôi, tôi nói rằng tranh cãi với anh ta mất thời gian, có ra tiền quái đâu.
Ngược đời thay, một Nhện nhân khác đọc được chuỗi bình luận tranh cãi của tôi và donate 333.333 VND với lời nhắn: “Ủng hộ cây viết Spiderum tấu hài.”
Đó là số tiền donate lớn nhất vào lúc đó mà tôi nhận được (đã bị soán ngôi bởi 1.000.000 VND donate cho bài viết khủng hoảng danh tính ở nam giới)
Vậy nên, đó là 1% trường hợp cãi nhau ra tiền. 99% còn lại, bạn cãi với hư vô, bạn không thay đổi được họ, họ cũng chẳng thay đổi được bạn. Thời gian cạn dần, chỉ được cái chuốc thêm bực vào người.
Anh Tornad có bài viết về , đọc rất thú vị. Tôi rất ngưỡng mộ cách anh bình tâm không-ép-bản-thân-reply-các-comment.

Kiểm duyệt: Lý do chỉ có một người Việt thắng giải Pulitzer

Một trong những câu thoại hay nhất của phim Past Lives chính là:
“Không có người Hàn Quốc nào đoạt giải Nobel Văn học cả.” 
Nguồn ảnh: phim Past Lives - Muôn kiếp nhân duyên

Nguồn ảnh: phim Past Lives – Muôn kiếp nhân duyên
Tôi Google, không có thật. Tôi thay “Hàn Quốc” bằng “Việt Nam” thì ra cái tên Việt Thanh Nguyễn – người Việt đầu tiên đoạt giải Pulitzer, tác giả tiểu thuyết Sympathizer, mới được chuyển thể thành series có Robert Downey Jr. đóng.
Nguồn ảnh: Kênh 14

Nguồn ảnh: Kênh 14
Thật ra có hai vế trong phương trình “Lý do chỉ có một người Việt thắng giải Pulitzer”. Đầu tiên là chỉ có công dân Mỹ mới được nộp tác phẩm để xét duyệt giải Pulitzer (1), và lý do thứ hai là: kiểm duyệt.
Nhắc đến “kiểm duyệt” mà không nhắc đến “thuần phong mỹ tục” cũng giống như nói đến bún đậu mà không nói đến mắm tôm vậy. Có rất nhiều lần các nghệ sĩ và “ngợm” sĩ bị phạt vì hành động của họ không hợp “thuần phong mỹ tục”, thứ đi liền với việc “gây ảnh hưởng xấu đến giới trẻ.”
Trong khi giới trẻ thì vui vẻ hiền lành ngoan ngoãn lắm đấy.
Tất cả các tác phẩm đều “ngoan” một cách lạ thường. Ngoan và …nhạt như sau khi bài “” bị kiểm duyệt gắt gao, trong khi huấn luyện viên Rap Việt trẻ tuổi nhất nổi lên nhờ series B.S.N.L. Có thể nói, giờ anh ấy đã ở một cương vị khác.
Giống như bản thảo “Góc khuất người con gái” của tôi bị một chị biên tập viên nói rằng, đến 5 lần trong 30 phút dù tôi đã bảo chị ấy tai tôi không có điếc: “Bản thảo của em sẽ không bao giờ được xuất bản.” Nói thế khác gì bảo 21.000 lượt xem những gì tôi viết trên Spiderum chắc là lông chân, triệt lông vĩnh viên là vĩnh viễn đi triệt lông đấy. Tôi, ngoài miệng nói cảm ơn chị đã dành thời gian tư vấn, trong đầu thầm nghĩ: “Try me/ Cứ thử mà xem.”
Xem tôi sẽ làm gì với lời thách thức vô duyên đấy.

Những điều gắn với người viết

Nghèo, ý tôi là mèo

Vừa viết bài này, tôi quay ra đằng sau, thấy con mèo dễ thương quá, tôi ra ôm nó khoảng 5,6 lần.

Đồ ăn ngon

Viết xong tôi thường tự thưởng cho chính mình. Sau khi đọc , tôi ăn cháo lòng thường xuyên hơn. Một món khác tôi hay dành để tự hưởng sau khi hoàn thành một bài viết chính là chân gà rút xương sốt thái. Chị chủ tiệm chân gà đã mở thêm chi nhánh thứ hai ở Bình Thạnh, còn tôi thì ở đây lui cui, xem việc viết 2.000 từ mỗi ngày là một thành công.

Caffeine và những thức uống khác

Tôi từng so sánh về độ tỉnh thức mà trà và cafe mang lại cho trí óc con người như sau: 
“Nếu cái tỉnh của trà Gia Thịnh Phát nó êm, nó đằm; cái tỉnh của cafe gói Nescafe là một cái tỉnh cưỡng ép, phải tỉnh vì cần tỉnh, lên rồi lại xuống dần theo thời gian; cái tỉnh của cafe muối Chú Long là một cái tỉnh mạnh và ngon, đem lại cảm giác vừa ngon vừa tỉnh, vừa sảng khoái thì cái tỉnh của endorphin nhờ đạp xe là một cái tỉnh rất tự nhiên, nó từ từ và nó mạnh vừa đủ. Đó là cái cảm giác lúc chạy xe, bạn có thể vui và tỉnh táo một chút, nhưng rồi bạn dừng lại trước cửa nhà thì tất cả những giọt endorphin, dopamine và serotonin tiết ra thong thả và chậm rãi, tức là đang có sẵn tốc độ, chúng “vấp” phải sự dừng lại đột ngột của bạn và tuôn chảy ào ào. Thế là bạn mỉm cười hạnh phúc. 
Còn cái tỉnh của tâm thức là một cái tỉnh choáng váng.”
Thật vậy, viết tốt nhất là vào buổi sáng, mà buổi sáng thiếu caffeine là sẽ lờ đờ ngay. Gần đây, cơ thể tôi nâng mức sàn số ly cafe để tỉnh táo lên 2 ly thay vì 1, vậy nên, tôi chuyển sang uống một ly cafe đen vào buổi sáng, rồi uống trà để duy trì mức bình nguyên x của năng lượng cả ngày. 
Nguồn ảnh: Eatthis

Nguồn ảnh: Eatthis
Hemingway, một người nghiện rượu, đã viết rằng: 
“Hãy viết khi say và biên tập khi tỉnh.” 
Nguyên văn là: “Write drunk, edit sober.”
Tôi công nhận biên tập bài cần rất nhiều lý trí, tuy nhiên, hãy hiểu lời nói của Hemingway theo nghĩa bóng, đừng trượt dài trong men rượu chỉ để có những tác phẩm xuất thần – trích lời cô gái hiện đang làm Marketing cho một nhãn hiệu bia thủ công.
Bởi vậy, người nóng tính đi làm chăm sóc khách hàng, người hướng nội đi làm sale, và người chưa nhậu bao giờ giờ đi làm Marketing cho đồ uống có cồn.
Dòng đời xô đẩy thật đấy.

Nicotine và biến thể thơm của thuốc lá

Tôi rất muốn nói rằng hãy tránh xa chất kích thích nhưng cây vape đang ở trên giường, cách tôi một mét.
Lý do tôi dùng vape bởi vì nó cho tôi những liều dopamine ngắn hạn (bursts), giúp tôi chịu áp lực, suy nghĩ tốt hơn, tỉnh thức và bình tĩnh hơn khi đọc comment.
Nó cũng có liên quan đến sự gắn bó lo âu mà bố tôi, người đốt nhiều bao Thăng Long, gây ra cho tôi. Nhờ vậy, tôi luôn thấy đàn ông hút thuốc có cái gì đó rất phong trần, quyến rũ. “Thuốc lá sau làm tình” cũng là nhóm nhạc mà tôi thích.
Nhưng tôi phát hiện ra tôi đã sống tốt mà không có thuốc lá được một tháng rồi. Cũng không stress lắm.
Tuy vậy, tôi định làm thử thách 30 ngày cai thuốc lá, vậy nên, để cai thì mình phải hút lại. Dù cồng kềnh nhưng đó là những gì chúng ta làm vì content. 

Sự điên rồ

Gần đây, tôi phát hiện ra một bài viết cực hay về nỗi buồn và nghệ thuật, tựa đề “” của tác giả Ngày nhẹ nhàng trôi.
Tôi cũng đã nhắc đến vấn đề này trong bài review album mới nhất của Taylor Swift:
“Vào những năm 1970, bác sĩ tâm thần Nancy Andreasen đã tiến hành nghiên cứu thực nghiệm đầu tiên về chứng rối loạn tâm thần và khả năng sáng tạo. Kết quả, tuy không tìm được mối liên hệ nào như thế, nhưng bà đã tình cờ phát hiện mối tương quan chặt hce4 giữa óc sáng tạo và các rối loạn tâm trạng. Có 80% các tác giả tham gia thí nghiệm (nhóm 30 tác giả nổi tiếng thuộc Hội Nhà văn Iowa) đã trải qua ít nhất một pha trầm cảm, hưng cảm hoặc hưng cảm nhẹ, so với chỉ 30% đối với nhóm đối chứng tương ứng.” – Neel Burton [10]
Tôi hy vọng thông tin này sẽ giúp những người viết từng bị cảm xúc đọa đày cảm thấy được an ủi khi biết rằng họ và những nhà văn nổi tiếng có điểm chung, dẫu đó là bệnh tâm thần.
Nguồn ảnh: Tramdoc.vn

Nguồn ảnh: Tramdoc.vn

Một thể chất khỏe 

“Khi ta bắt tay vào viết một cuốn tiểu thuyết, khi ta dùng cách viết để kể một câu chuyện, dù muốn dù không thì một kiểu độc chất nằm sâu bên trong mỗi con người cũng bộc lộ ra.[…] Một tâm hồn không lành mạnh đòi hỏi một thân thể khỏe mạnh.”
Haruki Murakami đã nói trong cuốn sách mà 10 ngày chạy bộ thì 9.5 người đọc. [11] 
Nguồn ảnh: Amazon

Nguồn ảnh: Amazon
Quả thật, không gì bằng cảm giác dậy lúc 5 giờ sáng, ăn nhẹ, đạp xe một vòng, về nhà tắm rửa sạch sẽ rồi ngồi vào bàn viết.
Đó là cảm giác sảng khoái mà tôi muốn nhấn Ctrl + V hằng ngày.

Một bộ nail thật đẹp

Dẫu đây là thời đại tiệm cận bình đẳng giới, nhưng có lẽ đoạn này phái nữ sẽ “cảm” nhiều hơn cái cảm giác đang lướt tay như bay trên bàn phím thì nhìn xuống, thấy bộ nail xinh đẹp của mình, thật tự nhiên, nụ cười sẽ nở trên môi, và lại có thêm năng lượng để cày chữ tiếp.
Nguồn ảnh: nailboo.com

Nguồn ảnh: nailboo.com

Kết

Than vãn là nghề tay trái của tôi, dẫu vậy, đây là những điều tôi chấp nhận để theo nghề viết – nghề tay phải. Nhưng tôi viết bài viết này để sẻ chia với những người cầm bút. Như vấn đề của dân bất động sản là một bà mẹ đơn thân mời qua nhà riêng để tư vấn địa ốc lúc 23 giờ, vấn đề của việc viết là lắm khi người đời cho con chữ nặng bằng một miligram.
Cuối cùng, tôi xin trích lời anh Đức Nhân, một người anh tôi rất hâm mộ, cách để sống với nghề: Giữ chi phí sống thấp nhất có thể để có thể viết những gì anh ấy muốn. Anh Nhân viết 7 phần cho bản thân và 3 phần cho những tờ hoá đơn.
Chúc người viết chúng ta sống được với ngòi bút, hoặc bàn phím của mình, kể cả đi bán khóa học.
CHÚ THÍCH
(1) Nguyên văn: Chỉ công dân Hoa Kỳ mới đủ điều kiện đăng ký Giải thưởng Pulitzer trong lĩnh vực Sách, Kịch và Âm nhạc (ngoại trừ hạng mục Lịch sử, trong đó cuốn sách phải là về lịch sử Hoa Kỳ nhưng tác giả có thể là người thuộc bất kỳ quốc tịch nào) Thường trú nhân không đủ điều kiện. Đối với hạng mục Báo chí, người tham gia có thể thuộc bất kỳ quốc tịch nào nhưng tác phẩm phải từng xuất hiện trên báo, tạp chí hoặc trang tin tức của Hoa Kỳ xuất bản thường xuyên. – Trích
PHỤ LỤC THAM KHẢO
[1] Hemingway, Ernest. Hội Hè Miên Man. Translated by Triều Hải Phan, Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn, 2009.
[2] thanhnien.vn. “Ploy Ngọc Bích: “Viết Sách Cũng để Kiếm Tiền.”” Thanhnien.vn, https://thanhnien.vn, 14 Apr. 2016, thanhnien.vn/ploy-ngoc-bich-viet-sach-cung-de-kiem-tien-185553362.html. Accessed 16 June 2024.
[3] “Blogger Kiếm Tiền Từ Đâu?” Anh Tuan Le, Anh Tuan Le, 5 Oct. 2018, anhtuanle.com/2018/10/05/blogger-kiem-tien-tu-dau/. Accessed 16 June 2024.
‌[4] “Làm Sao Để Xuất Bản Một Cuốn Sách Cho Riêng Mình?” Anh Tuan Le, Anh Tuan Le, 8 Apr. 2020, anhtuanle.com/2020/04/08/xuat-ban-sach/. Accessed 16 June 2024.
‌[5] Hemingway, Ernest. Hội Hè Miên Man. Translated by Triều Hải Phan, Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn, 2009.
[6] “TikTok – Make Your Day.” Tiktok.com, 2024, www.tiktok.com/@hanhdailysocial/video/7358800245058243858?_t=8nEbIsH5REQ&_r=1. Accessed 16 June 2024.
‌[7] Cole, Nicolas. “How to Make More Money as a Freelance Writer.” YouTube, 11 Mar. 2024, www.youtube.com/watch?v=q8YBMvj5O2o. Accessed 16 June 2024.
‌[8] THÚY NGA. “Khi Nhà Văn Tự Hỏi Chính Mình.” TUOI TRE ONLINE, tuoitre.vn, 15 Apr. 2005, tuoitre.vn/khi-nha-van-tu-hoi-chinh-minh-74698.htm. Accessed 16 June 2024.
‌[9] Hạ Chi. Người Viết Kiếm Sống. Nhà Xuất Bản Văn Hóa Văn Nghệ, 2020.
‌[10] Burton, Neel. The Meaning of Madness. Oxford, Acheron Press, 2015.
[11] Haruki Murakami, et al. What I Talk about When I Talk about Running : A Memoir. New York, Vintage International, Vintage Books, A Division Of Penguin Random House Llc, 2009.