Yêu cầu cao nhất là phục vụ nhân dân
Yêu cầu cao nhất là phục vụ nhân dân
Nền hành chính phục vụ nhân dân, theo Chủ tịch nước, là cần có những cách làm đơn giản nhất, thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp. Người đứng đầu nhà nước nêu ví dụ rất cụ thể: với 1 tấm thẻ căn cước được tích hợp dữ liệu nhân thân, bảo hiểm y tế, mã số thuế… cùng những dữ liệu cá nhân khác, người dân không cần phải công chứng, xác nhận hay photocopy giấy tờ nữa; chỉ cần thông qua mã số định danh là có thể giao dịch được. “Cái đó mới là cái quan trọng, mới là cái cần phải cải cách”, Chủ tịch nước nói.
Một thống kê được Báo Thanh Niên dẫn lại cho thấy trong năm 2023, chỉ tính tại các phòng tư pháp và UBND phường xã tại TP.HCM đã có hơn 12,2 triệu trường hợp người dân yêu cầu sao y, chứng thực. Riêng Phòng Công chứng số 1 đã tiếp nhận gần 80.200 trường hợp sao y, chứng thực, thu về hơn 1,17 tỉ đồng.
Con số “biết nói” kể trên cho thấy UBND cấp xã, phòng tư pháp quận huyện và các văn phòng công chứng đang phải “gánh” một khối lượng công việc nặng nề và người dân, doanh nghiệp đang phải thực hiện quá nhiều thủ tục sao y, chứng thực. Nhưng điều đáng nói là trong hoạt động hằng ngày, rất nhiều trường hợp, người dân phải đi sao y, chứng thực những loại giấy tờ mà không hiểu lý do. Ví như việc sao y bằng cấp, vốn là loại giấy tờ nội dung không thay đổi nhưng giá trị sao y chứng thực chỉ được 6 tháng, qua hạn này phải làm lại. Hay trường hợp hộ nghèo lại phải sao y giấy tờ chứng minh mình… nghèo. Rồi còn rất nhiều giấy tờ khác, vốn đã được “chứng thực” bằng các giấy tờ có tính pháp lý cao hơn, như căn cước công dân chẳng hạn.
Đi tìm nguồn cơn của “cái cần cải cách” ấy có thể thấy, gốc rễ của câu chuyện sao y chứng thực bị lạm dụng là do các cơ quan, tổ chức khi thực hiện các thủ tục theo trách nhiệm của mình đã yêu cầu phải cung cấp bản sao có chứng thực từ bản chính để bảo đảm độ tin cậy của hồ sơ. Nghĩa là, để đem lại sự “an toàn” cho mình, họ đã gây nên sự lãng phí cho người dân và doanh nghiệp. Trong không ít trường hợp, các yêu cầu này tạo ra những bức xúc trong dư luận xã hội.
Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16.2.2015 của Chính phủ đã quy định rõ: “Trường hợp pháp luật quy định nộp bản sao thì cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận bản sao, không được yêu cầu bản sao có chứng thực, nhưng có quyền yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu. Người đối chiếu có trách nhiệm xác nhận tính chính xác của bản sao so với bản chính”.
Thế nhưng, cho đến nay, không ít cơ quan, tổ chức vẫn yêu cầu bản sao phải có chứng thực; không ít người dân, doanh nghiệp không biết được quy định hoặc muốn “chắc ăn”, tránh rắc rối có thể xảy ra vẫn đi chứng thực bản sao giấy tờ để nộp. Như thế, mong muốn sao y chứng thực, trong nhiều tình huống, lại thuộc về ý chí cá nhân hơn là làm đúng theo quy định. Và để thay đổi tình trạng lạm dụng sao y chứng thực hiện nay, điều trước hết là phải thay đổi trong tư duy, thói quen của các cơ quan, tổ chức.
Bạn đang đọc Yêu cầu cao nhất là phục vụ nhân dân tại website hungday.com