Sưởi ấm mặt trời của Jose Mauro De Vasconcelos: Hành trình trưởng thành qua lăng kính tình yêu và nỗi đau
Sau thành công của Cây cam ngọt của tôi, tác giả Jose Mauro De Vasconcelos tiếp tục chấp bút câu chuyện tiếp nối mang tên Sưởi ấm mặt trời. Đây có lẽ là tiểu thuyết mang màu sắc tự truyện gây được tiếng vang lớn không chỉ ở khu vực Mỹ Latin mà còn hơn như thế nữa khi cuốn sách phần đầu tiên được đưa vào chương trình tiểu học của Brazil, được bán bản quyền cho hơn hai mươi quốc gia và chuyển thể thành phim điện ảnh.
Cả hai tập truyện đều xoay quanh hành trình trưởng thành của một em bé tên Zeze, sinh ra trong một gia đình lao động nghèo tại khu vực Brazil. Sưởi ấm mặt trời là phần tiếp theo của Cây cam ngọt của tôi, chủ yếu kể về giai đoạn Zeze từ 11 đến 15 tuổi và trưởng thành.
Lần đầu tiên đọc Cây cam ngọt của tôi, tôi thật sự xúc động cũng như có thêm một cái nhìn bao quát về xã hội, gia đình và con người ở khu vực Mỹ Latin. Cũng như bao tiểu thuyết Mỹ Latin khác, cuốn sách này cũng phác thảo rõ nét bức tranh đời sống với dấu vết hoang dã, nhiều chấn thương của Mỹ Latin, cụ thể là vùng đất Brazil. Niềm vui trong con người nơi đây cũng không được trọn vẹn mà theo như cách nói của tôi là dù có viết về điều tích cực đến mấy, sự u buồn và nỗi đau vẫn ít nhiều bao trùm lên nền văn học này. Sự phân hóa giai cấp và nghèo đói, những bất công và nghịch cảnh hay khát khao vượt lên số phận để trưởng thành là những mảng đề tài đáng lưu ý trong cuốn tiểu thuyết này
Sang Sưởi ấm mặt trời, cậu bé Zeze tinh nghịch nay đã thoát khỏi cuộc sống nghèo khó, không còn chịu cảnh bị đánh đập nữa. Em đã chuyển đến Natal sống với gia đình cha mẹ nuôi, được sống trong môi trường gia đình và giáo dục tốt hơn. Thậm chí em còn được cha mẹ bồi dưỡng cho học đàn piano ở nhà. Sang giai đoạn này, Zeze phải rời xa ba mẹ, anh chị và quá khứ để thích nghi với những điều ở hiện tại. Tuy không dễ dàng nhưng nơi này phần nào đã giúp em phát triển cả về trí tuệ lẫn thể chất.
Những người bạn tưởng tượng mới
“Ở trong tim của nhóc ta sẽ biến thành nhỏ xíu, nhóc sẽ chẳng cảm thấy gì đâu”
Việc Zezé tạo ra con cóc cũng phản ánh khả năng vượt qua nghịch cảnh của cậu bé bằng cách dựa vào sự phong phú trong trí tưởng tượng – một đặc điểm thường thấy ở những đứa trẻ nhạy cảm và phải chịu nhiều tổn thương. Bản thân đứa trẻ chịu nhiều vết thương hay bị vùi dập đến đâu, đâu đó trong trái tim nó luôn có một nhu cầu được thay đổi, thoát ra những đau khổ. Một trong những biểu hiện của sự xoa dịu tâm trí là tạo ra những tưởng tượng êm dịu, tự trấn an bản thân mình.
“Ta muốn dạy nhóc một cách sống mới, bảo vệ nhóc khỏi mọi thứ tồi tệ và từ từ quét sạch mọi nỗi buồn vẫn đang dai dẳng bám theo nhóc. Nhóc sẽ thấy rằng ngay cả khi chỉ có một mình, nhóc cũng sẽ không đau khổ nhiều như vậy nữa.”
Zezé tưởng tượng ra con cóc (có thể hiểu là một hình ảnh biểu tượng trong tâm trí cậu) và những mối liên kết phức tạp với người cha trong Sưởi ấm mặt trời là những chi tiết mang ý nghĩa sâu sắc về tâm lý và quá trình trưởng thành của cậu bé. Thật ra con cóc hay cây cam, người cha trong tưởng tượng của cậu bé đều là sự phản ánh thế giới tinh thần, là những điều mà chính nội tâm của em khao khát, muốn tự nói với chính mình.
Những tình yêu trong khao khát
Tình yêu của người cha trong tưởng tượng của Zeze là sức mạnh giúp em trưởng thành, không rệu rã trong đau thương. Dĩ nhiên đó cũng là những tiêu chí, ước mơ của em về một hình mẫu người cha lý tưởng – thứ mà trước giờ chỉ có ông Bồ đáp ứng được. Dần dà sau này, cũng nhờ hình mẫu ấy mà em trở thành người đàn ông biết chia sẻ, cảm thông cho những người cha ngoài đời thực của em nhiều hơn.
“Làm cha là phải như vậy đấy. Dù trải qua một ngày rất khó khăn, rất mệt nhọc nhưng ông vẫn đến đây hỏi thăm ngày hôm nay của con như thế nào và chúc con ngủ ngon.”
Cái hay của tác giả Jose Mauro De Vasconcelos là tái tạo lập một thế giới hiện thực ở cả bên ngoài đời thực và bên trong nội tâm của cậu bé người Brazil theo đúng chất hiện thực huyền ảo Mỹ Latin. Cái huyền ảo ở đây là những tưởng tượng, kỳ vọng của em trong cuộc sống thực đến nỗi người ta có thể nghĩ rằng thật sự có cây cam, con cóc hay một người cha biết nói. Những gì Zeze tưởng tượng ra vừa cho thấy được thế giới tinh thần của em phong phú, phức tạp nhưng cũng đầy nỗi đau. Tác phẩm sử dụng yếu tố huyền ảo để làm nổi bật tâm lý phức tạp của Zezé. Các hình ảnh siêu thực không chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng mà còn phản ánh những khía cạnh sâu thẳm trong cảm xúc và khát vọng của cậu.