Bảo đảm thống nhất, kết nối chặt chẽ

Tháng sáu 20, 2024

Bảo đảm thống nhất, kết nối chặt chẽ

Hôm nay (20-6), Quốc hội thảo luận tại hội trường về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Một trong những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra ngay từ giai đoạn đầu, được thực hiện xuyên suốt quá trình lập và đang tiếp tục được rà soát, hoàn thiện chính là bảo đảm tính kết nối chặt chẽ, triển khai đồng bộ và thống nhất giữa hai văn bản quan trọng này.

Bảo đảm thống nhất, kết nối chặt chẽ
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội trong quá trình hoàn thiện sẽ thống nhất, kết nối chặt chẽ. Ảnh: Nguyễn Quang.

Những nội dung trùng lặp là tất yếu

Hai đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đang bước vào giai đoạn hoàn thiện cuối cùng, sau khi tiếp thu các ý kiến góp ý, kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như các ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.

Báo cáo cho ý kiến về 2 quy hoạch, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, các đồ án đã được xây dựng công phu, khối lượng thông tin phong phú, đa dạng và phức tạp, cơ bản bám sát theo quy định của Luật Quy hoạch và Luật Quy hoạch đô thị, thể hiện được tầm nhìn, khát vọng xây dựng Thủ đô phát triển “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”. Tuy nhiên, hai bản quy hoạch này có nhiều nội dung trùng lặp, chưa thống nhất về phạm vi, mức độ chi tiết.

Lý giải về nhận định này, Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nêu quan điểm, những nội dung trùng lặp là tất yếu. “Quy hoạch Thủ đô được thực hiện theo Luật Quy hoạch, là quy hoạch tích hợp đa ngành, bên cạnh kinh tế, văn hóa, dịch vụ, thương mại, du lịch, giáo dục, y tế…, cũng bao trùm cả tổ chức không gian và sử dụng đất. Trong khi đó, nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện theo Luật Quy hoạch đô thị, là nội dung về tổ chức không gian và quy hoạch sử dụng đất. Vì vậy, xét về khung pháp lý, hai đồ án quy hoạch có những nội dung trùng nhau”, Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm lý giải.

Ngay trong giai đoạn đầu lập nhiệm vụ quy hoạch, thành phố đã đặt ra yêu cầu hai quy hoạch cần phải được nghiên cứu song hành, có sự tương trợ để bảo đảm nhất quán về nội dung. Đặc biệt, 2 đơn vị tổ chức lập các quy hoạch là Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn, đơn vị tư vấn, chuyên gia rà soát đồng bộ về số liệu đầu vào, số liệu dự báo cho các thời kỳ quy hoạch theo các giai đoạn cụ thể.

Theo Tiến sĩ Lê Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế – xã hội Hà Nội, 2 đồ án có sự tương đồng khá chặt chẽ, đồng bộ các số liệu tính toán, giải pháp quy hoạch cho từng thời kỳ quy hoạch, từ đó thống nhất các giải pháp thực hiện triển khai giữa 2 lớp quy hoạch. Ngoài ra, các đồ án cũng đã xác định cụ thể vị trí, vai trò, các mối liên kết quốc tế, liên kết quốc gia, liên kết vùng và liên kết các tỉnh, đô thị xung quanh Hà Nội; bảo đảm định hướng đã được Bộ Chính trị xác định tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bảo đảm thống nhất, kết nối chặt chẽ
Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển hiện đại, văn minh. Ảnh: Quang Thái.

Thống nhất các chỉ tiêu và định hướng

Sau nhiều lần nghiên cứu, đóng góp ý kiến với tư cách chuyên gia nhằm hoàn thiện các đồ án, Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, trên cơ sở các định hướng bảo đảm độ chính xác cao được nêu ra tại Quy hoạch Thủ đô, Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đã có những bước triển khai cụ thể hóa, bảo đảm yêu cầu về sự thống nhất, đặc biệt là các chỉ tiêu và định hướng.

Phân tích một ví dụ cụ thể, chuyên gia này nêu, tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, Bộ Chính trị đã xác định, Hà Nội tiếp tục thực hiện mô hình chùm đô thị, các đô thị vệ tinh, mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD) và bổ sung 2 mô hình thành phố trong Thủ đô. Tại đồ án Quy hoạch Thủ đô cũng như Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô, thành phố cùng hướng tới hoàn chỉnh các mô hình đô thị vệ tinh ở mức độ cao hơn, điều chỉnh lại theo định hướng mới, trong đó có xác định lại ranh giới và dân số.

Theo kiến trúc sư Lê Hoàng Phương, Giám đốc Trung tâm Kiến trúc, quy hoạch Hà Nội (Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, Bộ Xây dựng), đại diện đơn vị tư vấn lập Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, bước vào giai đoạn lập hồ sơ kỹ thuật, thành phố cũng đang chỉ đạo các sở, ngành giải quyết những nội dung có sự trùng lặp để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa hai đồ án quy hoạch.

Đặc biệt, các đơn vị tiếp tục rà soát, hoàn thiện định hướng phát triển không gian và quy hoạch hạ tầng kinh tế – xã hội, hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ môi trường, bảo đảm Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô phải là quy hoạch cấp dưới, cụ thể hóa và phù hợp với Quy hoạch Thủ đô và không trùng lặp về mức độ chi tiết với quy hoạch cấp dưới là quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.

“Quy hoạch Thủ đô là quy hoạch tích hợp đa ngành, đa lĩnh vực, gồm nhiều nội dung, quan điểm, phương án phát triển rộng. Trong khi đó, quy hoạch chung sẽ chỉ giải quyết những vấn đề về không gian, xây dựng, kết cấu hạ tầng. Đây chính là 2 lớp quy hoạch hỗ trợ nhau, phân vị vai trò của mỗi loại hình đồ án để từ đó triển khai bước tiếp theo rõ ràng hơn về không gian cũng như hạ tầng phát triển cho Thủ đô Hà Nội”, kiến trúc sư Lê Hoàng Phương phân tích.

Với ý nghĩa, vai trò được phân định rõ ràng như vậy, Quy hoạch Thủ đô, đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô trong quá trình hoàn thiện sẽ trên tinh thần thống nhất, kết nối chặt chẽ. Đồng thời, việc triển khai các quy hoạch sẽ theo nguyên tắc đồng bộ, thống nhất với quy hoạch vùng, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tổng thể quốc gia để tránh phát sinh các mâu thuẫn, gây khó khăn, bảo đảm phát huy tối đa hiệu quả.

Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy:

Quy hoạch Thủ đô là căn cứ để lập Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô

Bảo đảm thống nhất, kết nối chặt chẽ
Ông Lưu Quang Huy, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội.

Sau khi nhiệm vụ lập điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô được phê duyệt, Viện đã triển khai các thủ tục đấu thầu, lựa chọn Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia làm tư vấn. Đây cũng là đơn vị trong liên danh tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, do đó sẽ có nhiều thuận lợi trong bảo đảm tính đồng bộ, xuyên suốt cả 2 đồ án.

Việc lập điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội được thực hiện quyết liệt và thận trọng trong từng nội dung công việc. UBND thành phố đã dành nhiều quan tâm, chỉ đạo sát sao. Đơn vị tư vấn cũng đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tiến hành công việc công phu, bám sát nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Để bảo đảm tính đồng bộ với Quy hoạch Thủ đô, Viện căn cứ vào nhiệm vụ lập và điều chỉnh hai đồ án quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để xây dựng định hướng không gian, hạ tầng kỹ thuật khung cho thành phố, bảo đảm nguyên tắc Quy hoạch Thủ đô là căn cứ để lập Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô.

Trân trọng tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đơn vị sẽ phối hợp để tiếp tục rà soát, điều chỉnh hai đồ án quy hoạch trên tinh thần hoàn thiện tối đa theo góp ý, làm rõ những nội dung theo quy định của Luật Quy hoạch và Luật Quy hoạch đô thị.

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính:

Một “Kim chỉ nam” cho 2 đồ án quy hoạch Thủ đô Hà Nội

Bảo đảm thống nhất, kết nối chặt chẽ
Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam.

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội là công cụ quan trọng để tổ chức triển khai thực hiện đầu tư xây dựng, phát triển đô thị trên địa bàn theo đúng định hướng lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Việc lập điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội được đặt ra yêu cầu phải bảo đảm sự đồng thời, đồng bộ, thống nhất với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội.

Các định hướng phát triển không gian và hạ tầng đô thị thuộc Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đã tiếp cận vấn đề mới trong quy hoạch và phù hợp với điều kiện xây dựng, phát triển của Thủ đô Hà Nội, giúp liên kết vùng tốt hơn, vị thế của Hà Nội nâng cao hơn. Đây cũng là mục tiêu mà nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch đặt ra, hướng tới xây dựng phát triển Thủ đô Hà Nội là cực tăng trưởng của vùng động lực phía Bắc, trở thành thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.

Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị chính là “kim chỉ nam” cho cả hai đồ án quy hoạch trên, định hướng phương án tổ chức không gian chung, hệ thống kết cấu hạ tầng, hệ thống đô thị, nông thôn, các khu chức năng có vai trò động lực… nhằm bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định và hệ thống giữa các quy hoạch.

Kiến trúc sư Lê Hoàng Phương, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia:

Mong muốn nhận được nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội

Bảo đảm thống nhất, kết nối chặt chẽ
Ông Lê Hoàng Phương, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, Bộ Xây dựng.

Quốc hội là diễn đàn lớn nhất, tầm quốc gia để bàn luận và quyết định những vấn đề hệ trọng nhất của đất nước. Các đại biểu Quốc hội, đại diện cho nhân dân và cử tri cả nước sẽ đóng góp ý kiến vào 2 đồ án quy hoạch có vai trò, ý nghĩa quan trọng, tạo lập không gian phát triển mới, động lực mới và giá trị mới để xây dựng Thủ đô Hà Nội.

Các ý kiến đóng góp không chỉ là cơ sở nhận định hai đồ án quy hoạch cũng như công tác quy hoạch của Hà Nội đã đáp ứng được nhu cầu, đòi hỏi phát triển từ thực tiễn hay chưa mà với các góc nhìn, sự quan sát từ nhiều khía cạnh, vùng miền, các lĩnh vực khác nhau sẽ là những góp ý để công tác quy hoạch Thủ đô do thành phố Hà Nội lập được toàn diện, đáp ứng yêu cầu cao hơn.

Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội là những chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực sẽ đưa ra các giải pháp cụ thể, chia sẻ những định hướng quan trọng, đồng hành cùng Thủ đô trong thực hiện các chương trình, dự án lớn như xây dựng sân bay thứ hai tại Thủ đô, phát triển hệ thống đường sắt đô thị, khai thác trục cảnh quan sông Hồng… Đặc biệt, khi các đại biểu tham gia từ giai đoạn hoàn thiện lập quy hoạch sẽ tạo cơ sở trong thực hiện giám sát việc triển khai các dự án, chương trình và toàn bộ quy hoạch theo từng giai đoạn, từng dấu mốc. Do đó, các đơn vị tư vấn lập 2 đồ án quy hoạch rất mong muốn nhận được ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội.

Bạn đang đọc Tin tức xây dựng trên website hungday.com