Chúng ta đều bị lừa dối như thế nào? (Kỳ 1)
Tháng sáu 22, 2024
Trong bài hôm nay, mình muốn kết hợp viết về những tư tưởng mình mới đọc trong cuốn sách “Nghệ thuật của sự tập trung” của Dan Koe, với những gì mình đã chiêm nghiệm trong cuộc sống.
Một trong những đồng rai của WOTN đã hỏi mình viết bình luận về chủ đề – một cuộc đua của những chú chuột, và nó không dẫn đến đâu cả. Và khi chúng ta tiệm cận tuổi 30-35, chắc hẳn chúng ta ai cũng đã nhìn thấy điều đó.
Chúng ta được nuôi dạy để tồn tại trong một thế giới không chuẩn bị quá nhiều cho nhu cầu sống của ta.
Những gì chúng ta được học chỉ giúp ta sống sót qua hai hoặc ba nấc thang tối thiểu của Maslow.
Thế giới được vận hành bởi lực đạp của những con chuột (chính là chúng ta) trong cỗ máy đó. Nếu không ai làm chuột, thì ai sẽ đạp để thế giới chạy tiếp?
Nhu cầu được phát triển bản thân tới mức phát huy hết tiềm năng là một nhu cầu chính đáng của mỗi con người tham vọng, nhưng nó đi ngược lại với sự ổn định của thế giới và hệ thống hiện tại (và có thể là tương lai).
Thế giới chỉ cần có 20% số người được phát huy nhu cầu sống thoả mãn (self-actualization) là đủ, còn 80% còn lại nên được kiểm soát trong chừng mực?
Khủng hoảng hiện sinh của mỗi người thường xảy ra khi mình nhìn thấy vai trò của mình đang ở đâu trong thế giới này, và học cách chấp nhận cuộc chơi.
Thậm chí, một số lượng lớn những kiến thức được dạy có phần lỗi thời hoặc đúng một nửa, chúng còn là lực cản cho sự phát triển của bạn để lên tầng cao hơn 👇
Bạn làm theo luật chơi, và kẹt ở tầng chơi hiện tại, hoặc bạn tìm cách phá luật, và phản bội lại những gì bạn từng tin tưởng.
Nếu việc giác ngộ ra một góc khác của sự thật về những gì bạn được dạy không làm bạn khủng hoảng, thì tôi chẳng biết cái gì sẽ không nữa 😂.
Cuộc sống này không được chơi để thắng
Nếu bạn suy nghĩ về lịch sử thế giới, bạn sẽ hiểu con người chúng ta vừa bước ra khỏi kỷ nguyên chiến tranh được gần 100 năm (kể từ chiến tranh thế giới lần 2 là 1945). Sẽ có những nơi chấm dứt chiến tranh muộn hơn (như Việt Nam là 1975), nhưng sau đó thì đa phần những người dân trên thế giới tận hưởng hoà bình và bắt đầu xây dựng các nền kinh tế.
Những gì chúng ta được học đến ngày nay là kết quả của nền hoà bình và hội nhập. Việc đi làm công sở 9-5 hay giáo dục học sinh tập trung là cách làm của hệ thống cũ, theo mô hình công nghiệp hoá. Mô hình truyền thống này vẫn không có quá nhiều thay đổi, cho dù thế giới đã đến với cuộc cách mạng 4.0.
Như đề cập trong cuốn Homo Sapiens, con người hiện đại của chúng ta đang sống với một cuộc sống rất khác so với những gì tạo hoá đã đưa ra cho con người các thế hệ trước.
Nếu như các cụ ta thời xưa cần phải đi bộ, săn bắt thú hoang, thì thời đại ngày nay để sinh tồn ta cần phải biết gõ phím và lướt điện thoại.
Do đó luôn sẽ có khoảng cách giữa những gì tri thức của nhân loại được tổng hợp và xử lý để bắt kịp so với thực tế ngoài kia, khi mà những cách thức giảng dạy truyền thống vẫn còn đó.
Và có một điều mà trường lớp sẽ không bao giờ dạy bạn, nhưng cuộc đời ngoài kia thì có.
Đấy là cuộc sống này không được tạo ra để ta thắng, mà là thua.
Cách thế giới vận hành từ khi bạn sinh ra
…đó là nơi thiểu số giàu có sẽ tích luỹ càng nhiều của cải, còn phần đông sẽ tham gia trò chơi đua chuột (rat race).
Dưới đây là trích đoạn mình từng đăng trong bài dưới
Giả sử có 1000 ngôi nhà cho 1000 người, thì cách phân bổ công bằng là mỗi người ở 1 ngôi nhà. Nhưng đời không đẹp như thế, sẽ có một thiểu số (giả sử 10 người – 1% có 4-5 ngôi nhà, và như vậy là có ít nhất 40-50 người sẽ không có nhà và phải thuê nhà để sống). Trong mọi ngành nghề, luôn có 20% thiểu số chiếm 80% của cải và tài sản theo nguyên lý Pareto.
Chính vì thế, trong cuộc chơi sinh tồn với hữu hạn tài nguyên (zero sum game), mạnh được yếu thua, kẻ được người mất, kẻ khóc thì người cười. Và nếu có lựa chọn, ai cũng muốn làm kẻ mạnh.
Trong trò chơi đua chuột đó, bạn càng chăm chỉ thì bạn sẽ được tưởng thưởng theo tỷ lệ mà thị trường trả cho bạn.
Tuy nhiên, tăng về lượng không đồng nghĩa với tăng về chất.
Bạn cần sớm tự giác ngộ ra có những việc bạn có tăng thêm thời gian làm thì kết quả vẫn vậy.
Số lượng chỉ có ý nghĩa khi mà bạn cần thử tối thiểu bao nhiêu để học cách biến đổi về chất lượng.
Và trường lớp sẽ chỉ dạy bạn cách cày để tăng số lượng, chứ không phải chất lượng.
Vì cuộc sống này được thiết kế chỉ dành cho một thiểu số có thể thắng cuộc mà thôi.
Trong mọi cuộc thi, chỉ có thiểu người chiến thắng, và đa số là thất bại. Nhưng người ta vẫn phải thi, vì trò chơi cơ hội chỉ dành cho kẻ thắng.
Vì những cái gì hay ho, ưu việt, lợi thế về thông tin,… bạn phải đấu tranh mới có được.
Xã hội chỉ dạy bạn luật chơi của những cuộc thi sẵn có
Còn việc làm sao để tổ chức trò chơi và tạo cuộc thi, đó là bí mật bạn phải tự tìm ra
Cách mà cuộc sống này bảo vệ bạn
..khỏi cảm giác trống rỗng của việc chinh phục đấy là để bạn học thua.
Cuộc đời này không khuyến khích bạn thắng quá nhiều vì xã hội muốn vậy.
Nhưng có một sự khổ đau nữa, đấy là nếu bạn chỉ muốn chơi để thắng, thì rồi bạn sẽ thua.
Bởi vì khi thắng rồi, bạn sẽ khủng hoảng vì “what’s next?”.
Bạn cày và thắng cuộc thi A, giờ cuộc thi B là gì?
Nếu bạn tìm được cuộc thi B và thua, thì rồi sao nữa?
Bạn đã từng thắng chưa? Bạn có còn nhớ cảm giác đấy không?
Chiến thắng đấy có còn quan trọng với bạn?
Bạn từng vui vì chiến thắng đỗ đại học, tốt nghiệp thành công, được điểm 10, được điểm A, du học trường top, được bố mẹ khoe tự hào,…
Rồi thì đua lương ngàn đô, chức vụ nọ, thành tích kia,…
Để rồi khi bạn vẫn sẽ nhận ra bạn vẫn hàng ngày lên xe đến công sở, cắm mặt vào cuộc đua chuột của bạn đến hết đời, chạy theo những kỳ vọng của cá nhân, bố mẹ và người thân, theo một cái checklist không bao giờ dứt,…
Để đổi lấy một khoản lương hưu… khi bạn không còn đủ thời gian và sức khoẻ để trải nghiệm chúng nữa.
Bạn càng muốn thắng, bạn sẽ nhận ra mình luôn được thiết kế để thất bại. Bạn thắng một game, để cố hơn nữa và rồi lại thua đậm hơn. Và chiến thắng quá khứ khiến bạn như một con bạc muốn đấu lại nhà cái.
Vì xã hội luôn có một định nghĩa thắng mà ở đó bạn thường thua. Họ tính cả rồi, và vai diễn của bạn là chú chuột chạy trong bánh xe đó.
Nếu bạn cứ chạy theo định nghĩa thắng của xã hội, bạn sẽ chết vì kiệt sức bởi 2 kịch bản sau:
1. Bạn chạy mãi mà vẫn không thắng
2. Bạn thắng rồi, thấy trống rỗng và lại tìm cách khác để thắng trong một cuộc thi khác không phải thế mạnh của bạn và quay lại vòng lặp 1
Bí quyết để bạn thoát khỏi vòng lặp này rất đơn giản, nhưng rất khó làm.
Hãy chơi với đời như cách nó đùa với ta, không phải để thắng, mà để trải nghiệm và khám phá nhiều nhất có thể những niềm vui nó mang lại, như một đứa trẻ con.
Người khác thấy ta thất bại, mặc kệ
Họ cười nhạo và đánh giá ta, mặc kệ
Họ ca ngợi bạn với những chiến thắng theo cách hiểu của họ, mặc kệ
Hãy tìm cuộc chơi của riêng bạn, niềm vui của riêng bạn trong hành trình đó, với định nghĩa thắng của riêng bạn.
Bạn sẽ nhận ra hạnh phúc ở trong tầm tay, do chính bạn làm chủ. Hãy tìm cái chất riêng của mình, và cố thật nhiều để cải thiện những cái chất đó.
Chỉ có bạn mới có thể đưa bạn tới niết bàn Self-Actualization (sự viên mãn của bản thân) mà thôi.
Vì cuộc sống này không phải để thắng, mà là để ta học cách chấp nhận thua.
Đừng làm thí sinh trong cuộc đua của người khác. Hãy học làm kẻ thua, để tìm ra cuộc chơi riêng của chính bạn.
Subscribe newsletter của mình ở đây nếu bạn muốn đọc những bài viết tương tự hàng tuần.
Bài viết thuộc thử thách Viết Đều và Hay của Writing On The Net Alumni. #wotn #vietdeuvahay