Học sinh đưa văn hóa, kiến trúc Việt vào trò chơi dân gian, giành giải quốc gia

Tháng năm 30, 2024

Học sinh đưa văn hóa, kiến trúc Việt vào trò chơi dân gian, giành giải quốc gia

Học sinh đưa văn hóa, kiến trúc Việt vào trò chơi dân gian, giành giải quốc gia- Ảnh 1.

Từ trái qua: Tố Nguyên, Hải My, Anh Thư, Hoàng My và Hiển Long

NGỌC LONG

Mỗi nước đi, một câu chuyện

“Ô con giáp” là bộ trò chơi ô ăn quan phiên bản mở rộng do nhóm học sinh lớp 11 gồm Nguyễn Xuân Hoàng My, Nguyễn Đỗ Anh Thư, Trần Hải My, Hà Tố Nguyên, Hồ Hiển Long lên kế hoạch thực hiện từ tháng 7.2023. Sản phẩm giành giải nhất tại vòng chung kết cấp quốc gia, lĩnh vực kinh doanh tạo tác động xã hội ở cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp do Bộ GD-ĐT tổ chức hôm 13.5.

Đây cũng là thành tích “chưa từng có” khi lần đầu trường có học sinh đạt giải cao nhất trong một cuộc thi về khởi nghiệp nói riêng, ở cấp quốc gia nói chung, theo ông Nguyễn Văn Ba, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai.

Hoàng My, trưởng nhóm, chia sẻ nguyên nhân các bạn chọn cải tiến đến từ việc trò chơi ô ăn quan truyền thống đôi khi “khá dễ thắng”, khi có một số nước đi cố định giúp người chơi sớm đạt ưu thế. Đây cũng là đặc điểm khiến ô ăn quan dễ gây chán nếu chơi lâu dài, dù trò chơi đề cao tư duy logic. “Thế nên, ở phiên bản mới, chúng em thêm các thẻ chức năng giúp diễn biến trò chơi khó đoán hơn trước”, My chia sẻ.

Không dừng ở đó, thiết kế và nội dung của trò “ô con giáp” cũng được lấy cảm hứng từ sự tích 12 con giáp vốn quen thuộc với đông đảo trẻ em, người lớn. Còn ở các thẻ chức năng, nhóm học sinh lồng ghép nhiều thành ngữ nổi tiếng, có nội dung gắn liền với hình ảnh con giáp như “ngựa non háu đá”, “chó cậy gần nhà”, “đàn gảy tai trâu”, hoặc mang tính ngụ ngôn như “há miệng chờ sung”, “chia ngọt sẻ bùi”…

Học sinh đưa văn hóa, kiến trúc Việt vào trò chơi dân gian, giành giải quốc gia- Ảnh 2.

Những hình vẽ bắt mắt minh họa các con giáp do chính học sinh thực hiện, lấy cảm hứng từ văn hóa, kiến trúc Việt Nam

NGỌC LONG

“Chúng em còn tích hợp những nét văn hóa liên quan đến các con giáp như tam hợp, tứ hành xung. Nhìn chung, nhóm đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, thu thập tư liệu trước khi quyết định sẽ mang yếu tố văn hóa nào vào trò chơi để vừa truyền tải đúng nội dung, vừa dễ hiểu và đủ thú vị. Đó là cả quá trình dài vừa làm vừa học”, đại diện nhóm nhận định.

Chưa kể, nhóm học sinh còn tự thiết kế các bàn cờ, thẻ chức năng lấy cảm hứng từ văn hóa Việt. Như ở thẻ con giáp, nhóm vẽ lại hình rồng thời Lý, một biểu tượng đặc trưng của Việt Nam. Hay ở bàn cờ, các bạn không bỏ trống các ô mà thiết kế họa tiết dựa theo cảm hứng từ những hoa văn trên gạch lát nền trong các kiến trúc xưa. “Những quân cờ cũng được tụi em thiết kế 3D theo hình tượng 12 con giáp”, My nói thêm.

Mở rộng luật chơi

Điểm nhấn của “ô con giáp” là tùy vào số người chơi, trò chơi sẽ có 3 loại bàn cờ tương ứng, từ hình chữ nhật (2 người chơi), tam giác (3) đến vuông (4). Ngoài ra, “ô con giáp” có 125 quân cờ, gồm 5 quân Ngọc Hoàng (quan) và 120 quân con giáp (dân). Bên cạnh đó là 116 thẻ chức năng, gồm 12 thẻ con giáp dùng để chọn người chơi đầu tiên và 60 thẻ lượt đi, 40 thẻ lượt đập, 4 thẻ Ngọc Hoàng để người chơi tương tác với bàn cờ.

Về luật chơi của “ô con giáp”, nhóm vẫn giữ cách chơi truyền thống, tức người chơi sẽ dùng tất cả quân cờ ở một trong những ô nằm ở bên mình, lần lượt rải ngược hoặc xuôi chiều kim đồng hồ vào các ô liền kề và “ăn” quân nếu có thể. Song, trò chơi cũng mở rộng luật chơi, yêu cầu người chơi bốc 1 thẻ lượt đi trước mỗi lượt rải và làm theo yêu cầu ghi trên thẻ.

Học sinh đưa văn hóa, kiến trúc Việt vào trò chơi dân gian, giành giải quốc gia- Ảnh 3.

Luật chơi “ô con giáp” gần như tương tự lối chơi ô ăn quan truyền thống, yêu cầu người chơi phải tính toán rải các quân cờ sao cho “ăn” nhiều quân nhất có thể

NGỌC LONG

Học sinh đưa văn hóa, kiến trúc Việt vào trò chơi dân gian, giành giải quốc gia- Ảnh 4.

Tuy nhiên, “ô con giáp” còn tích hợp các thẻ chức năng, giúp trò chơi thêm kịch tính

NGỌC LONG

Tương tự, nếu “ăn” được quân con giáp hoặc “ăn” được Ngọc Hoàng, người chơi cũng phải bốc thẻ tương ứng và thực hiện theo yêu cầu. Thẻ chức năng, theo My, chia làm 2 hướng là có lợi và bất lợi cho người chơi để “tăng độ khó và khả năng lội ngược dòng”. “Cuộc chơi kết thúc khi toàn bộ quân Ngọc Hoàng bị ‘ăn’ hết. Lúc này, người chơi tính điểm các quân cờ để tìm ra ai thắng cuộc”, My chia sẻ.

“Thực tế, nhiều bạn trẻ đang ngại nhắc đến ô ăn quan hay các trò chơi dân gian khác vì nghĩ nó chưa đủ hấp dẫn như nhiều boardgame phổ biến hiện nay như mèo nổ, ma sói… Thế nên, qua việc đổi mới, chúng em hy vọng có thể tiếp cận các bạn. Ngoài ra, chúng em còn dịch luật chơi và các thẻ chức năng sang tiếng Anh để truyền bá đến khách du lịch nước ngoài, qua đó lan tỏa hơn nữa văn hóa Việt”, đại diện nhóm học sinh cho hay.

Cô Nguyễn Hải Nhi, giáo viên tiếng Anh tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai và hướng dẫn nhóm học sinh xuyên suốt hành trình vừa qua, nói luôn bất ngờ trước sự chủ động khi “các bạn biết mình muốn gì và biết cách nhờ sự giúp đỡ”.

“Mỗi khi tôi đưa ra những gợi mở, các bạn cũng lắng nghe nhưng vẫn giữ chính kiến, từ đó ‘giải’ các yêu cầu được đặt ra một cách hiệu quả, ấn tượng nhất. Các bạn đã ‘cứng cáp’ hơn rất nhiều, về cả tư duy lẫn kỹ năng”, cô Nhi nhận định.

Học sinh đưa văn hóa, kiến trúc Việt vào trò chơi dân gian, giành giải quốc gia- Ảnh 5.

Nhóm học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (giữa) trong lễ trao giải cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2024

NVCC

Theo nhóm học sinh, “ô con giáp” đã bán được khoảng 60 sản phẩm, với đối tượng chủ yếu là các bạn trẻ và những gia đình có con nhỏ. Khi ấy, các bạn phải liên tục thay đổi, cập nhật chất liệu bàn cờ và nội dung của các thẻ chức năng sau khi nhận ý kiến phản hồi từ bạn bè, thầy cô. Trong tương lai xa, nhóm cũng có mong muốn sẽ hoàn thiện sản phẩm hơn nữa khi đã vững vàng về kinh nghiệm và chuyên môn.


Bạn đang đọc Học sinh đưa văn hóa, kiến trúc Việt vào trò chơi dân gian, giành giải quốc gia tại website hungday.com