Đôi dòng về giao thông và ý thức

Đôi dòng về giao thông và ý thức

Mình nhớ hồi 2010 ở Hà Nội mà đã chật vật với tắc đường rồi. Hồi ấy hay đi đá bóng thuê cho mấy công ty để kiếm thêm chút đỉnh, nên toàn đá giờ cao điểm 5 rưỡi 6 giờ tối, mà lại toàn phải lên khu Xuân Thủy đoạn trường Thương Mại. Thế là ôi thôi, rồng rắn từ Thái Hà lên đấy, mỗi lần đi là hì hục cả tiếng chứ không ít. Và việc leo lề, rẽ phải không cần nhìn đèn, hay đi ngược chiều cho nhanh còn rẽ lối tắt, là điều gì đó rất tự nhiên.

Nhưng, dù tự nhiên như thế, và dù mình cũng chỉ là một thành phần nhỏ nhoi trong đoàn người leo lề vi phạm tùm lum ấy, thì cũng chưa lần nào cảm giác không có chút xấu hổ cúi mặt. Mình để ý, rất, rất hiếm người leo lề mà có đủ tự tin ngửng mặt đi bình thường, và cực kỳ tránh nhìn sang những người đang đi đúng, kiên nhẫn chờ đợi và nhích từng bước dưới làn đường.

Mình nghĩ ý mình là, ý thức thực ra có thể tự nó cải thiện, nếu như người ta không phải chịu quá nhiều áp lực về mưu sinh.

Vì, những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất, nghiêm trọng nhất từ tắc đường những ngày qua chính là những người đang bị áp lực mưu sinh đè nặng nhất. Những người mà bữa cơm của gia đình họ phụ thuộc vào từng cuốc xe, đơn hàng họ thực hiện trong ngày.

Điều cực kỳ quan trọng của những nhà làm chính sách, đó là phải có tầm nhìn và kiến thức để hiểu những chính sách mình đưa ra liệu có ảnh hưởng đến những phạm trù, lĩnh vực khác hay không. Khi mà Việt Nam vẫn đang là một trong những nước ô nhiễm hàng đầu, chất lượng không khí ở mức thấp tệ hại, nguy hại cho sức khỏe người dân, thì liệu việc nâng cao ý thức có cấp thiết hơn việc cải thiện không khí?

Hà Nội, thành phố ô nhiễm không khí trầm trọng nhất thế giới. Nguồn ảnh: Google

Hà Nội, thành phố ô nhiễm không khí trầm trọng nhất thế giới. Nguồn ảnh: Google

Đấy là còn chưa tính đến tác hại kinh tế của việc lãng phí xăng dầu, và sự đình trệ trong công tác vận chuyển hàng hóa, thứ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cả hệ thống logistics của các công ty. Nếu tình trạng này kéo dài, chắc chắn các công ty sẽ phải thay đổi kế hoạch sản xuất, nâng giá thành sản phẩm để bù đắp lại phần chi phí tăng cao cho cả vận chuyển và chi phí phát sinh do các vấn đề bảo quản, lưu giữ hàng.

Khi ấy liệu còn ai vui mừng vì tắc đường hết cướp giật nữa hay không?

Kết: Cũng chỉ hy vọng là mình đang lo quá đấy thôi. Nhưng thực sự là hơi khó để tin tưởng rằng có thể có những biện pháp để sớm cải thiện tình trạng tắc đường này.

Thôi thì, chỉ biết cố gắng tự chắt chiu, tự chuẩn bị cho một giai đoạn có lẽ sẽ cực kỳ khó khăn và phức tạp của xã hội sắp tới thôi!

Related Posts

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *