Chết Đuối Trong Thông Tin
Có lần mình mở YouTube chỉ để xem một video hướng dẫn viết lách. Nhưng rồi, ngay khi xem xong, thuật toán gợi ý đủ thứ: từ vlog đời sống, video reaction đến clip “10 bí ẩn khiến bạn rùng mình.” Và đoán xem? Mình đã dành cả tiếng xem những thứ chẳng liên quan. Đến khi đóng ứng dụng, mình quên sạch hết nội dung quan trọng của video đầu tiên.
“Tụi mày chết đuối trong thông tin, nhưng mà chết đói kiến thức” – Datmaniac – Đồ Ngon
Giống như việc uống nước biển khi khát: bạn tưởng mình đang tiếp nhận, nhưng thực ra chẳng thu được “kiến thức” nào hữu ích.
Lãng phí hay hiệu quả (sự khác biệt nằm ở chủ đích)
1. Bạn đang muốn học chơi guitar? Tìm ngay video dạy hợp âm cơ bản, đừng lướt qua những clip không liên quan.
2. Bạn khó ngủ ban đêm? Tìm kiếm các mẹo thư giãn trước khi ngủ, thay vì cuộn TikTok đến 2 giờ sáng.
Nếu bạn có chủ đích ngay từ đầu, bạn sẽ tránh được cảm giác bối rối hoặc mệt mỏi sau những giờ lướt mạng. Quan trọng hơn, bạn sẽ nhớ lâu hơn và thực sự áp dụng được những gì đã học.
Vì sao lại nhớ lâu hơn?
1. Liên kết với mục tiêu cá nhân: Nội dung đó gắn liền với vấn đề bạn đang quan tâm, nên não bộ sẽ ưu tiên lưu trữ và xử lý thông tin.
2. Tăng tính áp dụng thực tế: Khi bạn hiểu rằng những gì mình đọc hoặc xem có thể áp dụng ngay vào cuộc sống, bạn sẽ ghi nhớ và vận dụng chúng tốt hơn.
3. Giảm sự quá tải thông tin: Xem hoặc đọc ngẫu nhiên khiến bạn tiếp nhận quá nhiều thông tin không liên quan, dễ gây cảm giác rối loạn và khó nhớ.
4. Gắn cảm xúc vào việc học: Khi bạn quan tâm đến một nội dung, bạn có xu hướng kết hợp nó với cảm xúc tích cực, giúp trí nhớ bền lâu hơn.
Đọc và xem có chủ đích không chỉ giúp bạn nhớ lâu hơn mà còn làm tăng hiệu quả của thời gian bạn đầu tư.
Làm sao để không rơi vào bẫy?
1. Xác định rõ nhu cầu của mình: Trước khi bật YouTube, mở Spiderum, hay lướt web, hãy tự hỏi: “Mình đang cần gì? Mình muốn học hay làm gì ngay lúc này?”
2. Ghi chú lại: Chuẩn bị một danh sách nhỏ các vấn đề bạn muốn tìm hiểu. Ví dụ: học tiếng Anh, tìm mẹo quản lý thời gian, học cờ vua… Việc ghi chú giúp bạn tập trung hơn và không lan man.
3. Đặt giới hạn thời gian: Đừng để bản thân bị cuốn vào vòng lặp vô tận.
4. Hãy chọn lọc nội dung: Chỉ theo dõi các kênh, blog, hoặc tài khoản mang lại giá trị thực sự. Thuật toán sẽ tự tối ưu để hiển thị nội dung phù hợp hơn với nhu cầu của bạn.
Khi bạn xem đúng thứ mình cần, não bộ sẽ ưu tiên ghi nhớ vì nó liên quan trực tiếp đến vấn đề của bạn. Thay vì phí thời gian vào những nội dung không cần thiết, bạn sẽ thấy mình tiến bộ mỗi ngày. Không gì tuyệt vời hơn khi biết rằng mình đã tận dụng thời gian một cách xứng đáng.
LÀM VIỆC QUAN TRỌNG VÀ CÓ CHỦ ĐÍCH
Internet là một công cụ mạnh mẽ, nhưng cũng đầy cám dỗ. Nếu bạn bước vào đó mà không có mục tiêu, bạn sẽ dễ dàng bị cuốn vào những thứ không quan trọng. Hãy xác định rõ ràng: “Mình cần học gì, làm gì?” và tập trung hoàn toàn vào nó.