[Tản mạn] một ý niệm về hạnh phúc (ở sân bay)

[Tản mạn] một ý niệm về hạnh phúc (ở sân bay)

Tất cả là suy nghĩ chủ quan, nếu bạn có được gì đó chạm được, tốt cho bạn và vui cho tôi, nếu không, hãy bỏ qua.

Từ khi người ta biết lưu giữ lại chữ viết, đã có những văn tự thể hiện cho trăn trở về hạnh phúc. Rồi trải dài suốt lịch sử đó, những người suy nghĩ giỏi nhất, vĩ đại nhất từ thời Socrate, Epictetus đến thời của Chúa Jesus, Đức Phật, Lão Tử, rồi sau này là thánh Agustino, Immanuen Kant, Stuart Mill vẫn luôn mang những suy nghĩ về hạnh phúc vào lời nói, tuyên ngôn, giáo điều, và lý thuyết của họ. Hầu hết tôn giáo đều hướng đến một hình thái hạnh phúc vô cùng vô tận. Đó là Thiên Đàng, đó là Niết Bàn, đó là sự tự do tuyệt đối trong kỷ luật. Rất nhiều nhà tư tưởng, trường phái triết học cũng đi tìm định nghĩa, công thức cho sự hạnh phúc đi thực của cuộc đời.

Xét ở hiện tại, khủng hoảng hiện sinh, life-crisis, peer-pressure đang ập đến trong cuộc đời những người trẻ như mình. Trong năm qua, cụm từ chữa lành gần như đã trở thành thần chú, thần dược cho rất nhiều người bạn, những người nổi tiếng, những nhà sáng tạo nội dung để nói về hoặc để “bán”. Nhưng tóm tắt lại, có vẻ như lợi ích marketing, tiền bạc, sự nổi tiếng lại được ưu tiên trước so với sự “chữa lành”. Những workshop, những chuyến du lịch, những công cụ, những quyển sách chỉ mang cho người sử dụng những niềm vui nhất thời mà không phải sự chữa lành thực sự, hay cái đích tận cùng là sự hạnh phúc. Những châm ngôn hay thậm chí cách ngôn về hạnh phúc của những người có ảnh hưởng trẻ tuổi cho những người đang ở tuổi trẻ liệu có thực sự là những gì họ đang làm? Những câu chuyện chữa lành 30 giây trên tiktok liệu có đủ để xoa dịu? Những bài học 15 phút hay podcast 2 giờ có đọng lại chút gì trong tâm trí về sự hạnh phúc? Cuối cùng thì, sự khao khát tìm kiếm hạnh phúc lại bị lợi dụng để đưa chúng ta vào một cái bẫy của chủ nghĩa tiêu thụ. Tiêu thụ không chỉ những sản phẩm, dịch vụ mà tiêu thụ cả những văn hoá, câu chuyện được vẽ ra, suy nghĩ của người khác trong hoàn cảnh của họ. Giống như người ta vẫn bán sống bán chết tin vào những câu chuyện trong Rich Dad, Poor Dad. Nhưng cũng không có gì là hoàn toàn xấu, ta có thể nhặt nhạnh đâu đó trong mớ hỗn độn của tuổi 20-30 này để gột lên một ta với những suy nghĩ, tư tưởng chất lượng cao cho một ta đã bắt đầu trưởng thành.

Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc – Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ và Mỹ

Hạnh phúc dần trở thành ưu tiên tối thượng của con người ở hiện đại. Bản tuyên ngôn khai sinh ra nước Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, mà về sau chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã trích lại đã chỉ rõ ràng ràng về một thứ quyền mà được liệt ngang hàng với quyền sống, quyền tự do, đấy là quyền mưu cầu hạnh phúc. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của xã hội hiện đại, đặc biệt là sự phát triển của công nghệ thông tin. Chưa bao giờ trong lịch sử, một người bình thường có thể ngay thấy nhiều tin xấu làm ta buồn rầu như hiện đại, ví dụ như hoả hoạn ở tít bên kia bán cầu làm cháy hết những dinh thự của những ngôi sao nổi tiếng ta ưu thích trên đồi Hollywood. Thế giới phẳng hơn làm cho tầm mắt ta vượt qua được luỹ tre làng để nhìn thấy sự thành công của người có vẻ như giống chúng ta. Chúng ta bắt đầu so sánh xem cái “hạnh phúc” của mình có tầm thường hơn cái “hạnh phúc” của người khác hay không. Rồi khởi lên lòng tham-sân-si dẫn đến hận. Thật may, và cũng có thể là không may, mạng xã hội đã nhanh chóng lấp đầy những nỗi sợ, buồn đau bằng những nội dung của hàng triệu, tỉ người khác.

Hơn nữa, những trải nghiệm hạnh phúc không phải khi nào cũng đi kèm với với niềm vui thú. Hầu hết những người làm cha mẹ, khi được hỏi, sẽ nói rằng có con và nuôi dạy con cái họ là một trong những trải nghiệm hạnh phúc nhất của cuộc đời họ. Mặc dù vậy, hãy tưởng tượng đến việc nuôi dạy một đứa bé hay quấy khóc, hay ốm vặt, và không có một ý niệm gì về cuộc sống xung quanh là như thế nào. Chúng có thể thức dậy bất cứ khi nào trong thời gian bạn ngủ, đòi ăn bất cứ khi nào bạn dở tay làm việc, và thực hiện những trò chơi nguy hiểm với một cái kéo bạn vô tình để vào tầm mắt của nó. Tuy vậy, đến cuối cùng, cha mẹ vẫn nói rằng họ hạnh phúc khi có con và được nuôi con.  Một ví dụ khác là sự đau đớn của cơ thể khi tập yoga thực tế lại được người tập phản hồi rằng họ thực sự thích nó và dường như nó mang lại cảm giác tinh thần rất tốt sau đó.

Albert Camus nói, “You will never be happy if you continue to search for what happiness consists of. You will never live if you are looking for the meaning of life.”

Hạnh phúc không phải là những niềm vui nhất thời. Nên việc đi tìm những niềm vui thú khi sở hữu, trải nghiệm, được tán thưởng từ bên ngoài, etc. Không thể được coi là sự tìm kiếm hạnh phúc. Hạnh phúc không ở đâu xa mà ở trong chính mình. Việc đi tìm nó khắp thế gian có vẻ như là một việc vô nghĩa. Nhưng khi dừng lại sự tìm kiếm, tập trung vào chính mình, hiện tại, và những người thân yêu xung quanh. Có vẻ như hạnh phúc sẽ thật sự tự tìm đến. Nghe có vẻ giống như từ của năm “Manifest” được báo cáo bởi Cambridge. Nhưng theo tôi, tốt nhất ta cũng đừng nghĩ về hạnh phúc quá nhiều. Mọi thứ nên dừng lại ở mức “trung dung”.

Nhân pháp Địa, Địa pháp Thiên, Thiên pháp Đạo, Đạo pháp Tự nhiên. – Đạo Đức Kinh

Trung dung là một khái niệm cơ bản của đạo giáo mà ở ta nên tìm sự cân bằng giữa Yin và Yang (âm và dương). Cuộc đời, theo đạo giáo, là thái cực, trong âm có dương, trong thiện có ác, trong hạnh phúc có bất hạnh, chính là Tái ông mất ngựa. Từ đó cũng có châm ngôn sống cầu khuyết không cầu đầy. Viên mãn không phải là tròn đầy mà phải còn khuyết thiếu đâu đó. Vì lẽ rằng cái mong cầu hoàn thiện tròn trĩnh mọi thứ chỉ làm cho lòng thêm động, đến cuối cùng, sự khuyết thiếu nhỏ xíu cũng đã khiến tinh thần khó mà thanh thản, đi ngược lại với sự trung dung mà Đạo giáo hướng đến. Một nghĩa nào đó, có thể nói tư tưởng này là trùng tư tưởng “biết đủ” của Phật giáo. Đức Phật giảng rằng, người biết đủ là người hạnh phúc. Nghèo mà biết đủ thì cũng vui, mà giàu không biết đủ trong lòng cũng mãi còn toan tính bất an. Ta cũng có thể bắt gặp tư tưởng này trong Lagom của người Swedish. “Just a right amount” – Một lượng vừa đủ là mấu chốt để đạt được hạnh phúc. Một phần nào đó, chúng cũng giống như Essentialism và Minimalism. Vì trong Lagom, người ta cũng còn đề cập đến một quy luật về việc đôi khi “less is more”. Uống một cốc cà phê với bạn bè thì vui nhưng uống liền 10 cốc thì quá nhiều.

Đức hạnh

Một cách chung nhất, đức hạnh thường được chỉ đến lòng vị tha, sự tử tế, công lý, nhân văn, và các niềm tin tôn giáo. Tất cả chúng đều như có thể gói gọn và diễn giải trong câu kinh thánh “Do unto others as you would have them do unto you”. Hay như trong một đề văn tốt nghiệp của năm nào đó: bàn tay người trao hoa hồng lại phảng phất hương thơm. Người cho đi lại chính là người đầu tiên nhận được. Việc thoả mãn đức hạnh tốt đẹp khi được tách bạch với việc thoả mãn cái tôi sẽ đem lại những quả báo tốt đẹp nếu ta tin vào nhân quả hay duyên khởi. Ngoài ra, việc thoả mãn các giới luật theo niềm tin tôn giáo được cho rằng (và nghiên cứu) có thể làm con người hạnh phúc hơn nhiều lần. Trong đạo hồi có một cụm từ có nghĩa là “Surrender to Allah” hay trong Kito giáo cũng có cụm từ “In God we trust”. Việc thoả mãn các giáo điều dường như đảm bảo cho ta những điều ta không thể kiểm soát, không hề biết đến trong vũ trụ rộng lớn này. Với hi vọng một thần quyền nào đó, vì ta tốt đẹp, đức hạnh, và đối xử tốt với người quanh ta, sẽ cho ta một đời an yên. Đừng chỉ đợi tuỳ duyên, mà hãy gieo duyên, thật nhiều những duyên lành.

Chúc bạn đọc về nhà ăn tết an toàn và vui vẻ!

Related Posts

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *