Nỗi đau mới từ sự tắc trách cũ

Tháng năm 31, 2024

Nỗi đau mới từ sự tắc trách cũ

Vụ việc vừa xảy ra buộc người ta phải nhắc lại nỗi đau của năm 2019, khi một học sinh (HS) lớp 1 Trường phổ thông liên cấp Gateway (Hà Nội) bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường khi em đang ngủ, dẫn đến tử vong.

Sau vụ việc chấn động này, rất nhiều chỉ đạo, yêu cầu bằng mệnh lệnh và văn bản được đưa ra với mục đích thiết lập và chấn chỉnh quy trình đưa đón trẻ từ nhà đến trường và ngược lại. Bộ GD-ĐT cũng có văn bản yêu cầu phải xây dựng và thực hiện nghiêm túc quy trình đưa đón HS bằng xe ô tô, bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng cho HS. Thời điểm đó, không chỉ Hà Nội, các trường học và địa phương trên cả nước đều “ra quân” rà soát dịch vụ xe đưa đón HS, ráo riết tập huấn, đưa ra quy trình về đưa đón HS. Từ trách nhiệm của lái xe, của người được phân công đưa đón HS trên mỗi chuyến xe, của giáo viên trên lớp khi thấy thiếu bất cứ HS nào…

Thế nhưng, dường như khi nỗi đau lắng xuống, dư luận thôi không còn bàn tán về vụ việc ấy nữa thì các quy trình, quy định về đưa đón trẻ lại trở về như trước. An toàn và tính mạng của trẻ lại phụ thuộc vào ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi nhà trường và địa phương.

Vụ việc đau lòng vừa xảy ra ở Thái Bình là một minh chứng. Nếu quy trình đưa đón trẻ đã được thiết lập và thực hiện đúng thì mỗi người trong quy trình ấy buộc phải lặp lại công việc của mình mỗi sáng, mỗi chiều và chắc chắn sẽ trở nên quen thuộc, được lập trình, không cần phải nhắc hay nhớ ra mới thực hiện. Tuân thủ quy trình ấy, người đưa đón trẻ trên xe chỉ cần lặp lại hành động kiểm tra từ đầu đến cuối xe xem còn HS nào chưa lên hoặc xuống xe, giáo viên trên lớp chỉ cần điểm danh và thông báo về sự vắng mặt của HS như “một cái máy” chứ chưa cần đòi hỏi cao hơn, là đã có thể tránh được sự cố thương tâm.

Mặt khác, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Hội đồng trường Marie Curie (Hà Nội), cho rằng nhằm kiểm soát không để quên HS trên xe, ngoài việc tuân thủ các quy trình, tập huấn định kỳ cho HS về kỹ năng thoát hiểm… nên dùng chuông an toàn trên xe. Ông cho biết, trường ông đã áp dụng giải pháp này từ năm 2019 và mỗi xe chỉ đầu tư chưa đến 1 triệu đồng. Khi đưa HS đến trường hoặc trả HS về nhà, lái xe trước khi tắt máy ô tô phải xuống cuối xe để tắt chuông an toàn. Việc này giúp lái xe có cơ hội quan sát toàn bộ các ghế để phát hiện nếu có bé ngủ quên. Nếu lái xe không xuống tắt chuông an toàn thì khi tắt máy ô tô, chuông sẽ kêu suốt ngày.

Để không còn xảy ra những cái chết thương tâm của trẻ từ sự tắc trách của người lớn, không chỉ “tăng cường, siết chặt quản lý” rầm rộ một thời gian rồi đâu lại vào đấy. Cần sớm luật hóa việc quản lý hoạt động xe đưa đón HS tại các luật liên quan đến trật tự, an toàn giao thông, và có chế tài đủ mạnh để giám sát hoạt động này.


Bạn đang đọc Nỗi đau mới từ sự tắc trách cũ tại website hungday.com